Algeria cấm nhập khẩu hàng chuyển tải qua các cảng của Ma-rốc

Cơ quan chức năng của Algeria mới đây đã đưa ra quy định cấm nhập khẩu những mặt hàng chuyển tải qua các cảng của Ma-rốc. Nhiều hãng vận tải biển quốc tế cũng đã thông báo tổ chức lại các tuyến dịch vụ vận chuyển hàng sang Algeria.

Thương vụ Việt Nam tại Algeria cho biết, ngày 29/1/2024, Hiệp hội các ngân hàng và cơ sở tài chính Algeria (Abef) đã gửi thông báo tới các hội viên truyền đạt ý kiến của Tổng thư ký Bộ Giao thông - Vận tải nước này về việc cấm nhập khẩu những mặt hàng mà việc chuyển tải thực hiện qua các cảng của Ma-rốc.

Cụ thể, các ngân hàng, cơ sở tài chính tại Algeria không được làm thủ tục thanh toán hàng nhập khẩu cho các doanh nghiệp nhập khẩu, nhất là hàng tươi sống vào Algeria như thịt, sau ngày 10/1/2024 nếu các mặt hàng này được chuyển tải⁄quá cảnh qua các cảng của Ma-rốc.

Để tránh rủi ro, ngày 19/1/2024, hãng vận tải biển CMA CGM đã thông báo tổ chức lại các dịch vụ vận chuyển hàng sang Algeria. Tất cả các hàng hóa gửi đến cảng Oran, Mostaganem và Ghazaouet (Algeria) sẽ được trung chuyển qua cảng Algésiras hoặc Valencia của Tây Ban Nha thay vì cảng Tanger của Ma-rốc.

Ngày 24/1/2024, hãng vận tải Maersk cũng đã quyết định điều chỉnh đường đi của đa số hàng hóa xuất khẩu sang các cảng Alger, Skikda và Bejaia của Algeria. Các mặt hàng này sẽ quá cảnh tại Barcelona và Algésiras của Tây Ban Nha, thay vì chuyển tải hàng tại cảng Tanger Med của Morocco.

nhập khẩu Algieria
Hãng vận tải biển CMA CGM đã thông báo tất cả các hàng hóa gửi đến cảng Oran, Mostaganem và Ghazaouet (Algeria) sẽ được trung chuyển qua cảng Algésiras hoặc Valencia của Tây Ban Nha thay vì cảng Tanger của Ma-rốc. (Trong ảnh: Cảng Oran, Algeria. Nguồn: ferryhopper.com)

Nhiều dư địa thị trường nhưng cần giảm thiểu rủi ro thương mại 

Thị trường Algeria có nhu cầu nhập khẩu các mặt hàng thế mạnh của Việt Nam như cà phê, gạo, hạt tiêu, hạt điều, thủy sản nước ngọt…, cũng là những sản phẩm mà nước này không sản xuất được.

Theo số liệu của Tổng cục Hải quan, năm 2023, kim ngạch xuất khẩu của nước ta sang Algeria đạt 237,16 triệu USD, tăng 68% so với năm 2022. Những mặt hàng xuất khẩu có kim ngạch tăng mạnh gồm cà phê, đạt 69.061 tấn (tăng 62% so cùng kỳ), kim ngạch 160,19 triệu USD (tăng 88% so cùng kỳ), hóa chất 8,78 triệu USD (tăng 68% so cùng kỳ), hàng hóa khác 57,35 triệu USD (tăng 55% so cùng kỳ). Xuất khẩu cà phê thô có mức tăng trưởng cao nhất từ trước tới nay, tiếp tục là mặt hàng xuất khẩu chủ lực, chiếm tới 67,5% tổng giá trị xuất khẩu của Việt Nam sang Algeria.

cà phê
Algeria là thị trường còn nhiều dư địa cho cà phê Việt Nam và trong tương lai gần, đây tiếp tục là mặt hàng xuất khẩu số 1 của Việt Nam vào thị trường này.

Tuy nhiên, bên cạnh những cơ hội, thị trường Algeria cũng có một số rủi ro thương mại.

Để giúp doanh nghiệp giảm thiểu rủi ro khi tiếp cận thị trường này, Thương vụ Việt Nam tại Algeria đã lưu ý doanh nghiệp cần tìm hiểu kỹ khách hàng trước khi giao dịch như đề nghị cung cấp bản sao giấy phép kinh doanh, mã số thuế, hộ chiếu trang có ảnh của người đại diện hợp pháp công ty và nhờ các cơ quan chức năng thẩm tra.

Doanh nghiệp không nên quá tin tưởng vào công ty môi dù làm việc lâu năm và cần kiểm tra thông tin đối tác nhập khẩu; Phương thức thanh toán nên dùng thư tín dụng (L/C) không hủy ngang có xác nhận hoặc nhờ thu qua ngân hàng (DP, CAD at sight) yêu cầu khách đặt cọc từ 20% trở lên. Do ngân hàng Algeria không cho phép chuyển tiền đặt cọc từ trong nước nên có thể đề nghị khách đặt cọc ngoài Algeria.

Thương vụ Việt Nam tại Algeria khuyến nghị doanh nghiệp nên thỏa thuận, đề nghị khách thanh toán 100% tiền hàng (nếu được) trước khi tàu cập cảng Algeria để chủ động kiểm soát tiền hàng.

Khi hàng vào cảng, nếu khách hay ngân hàng Algeria chậm thanh toán 1 tuần, doanh nghiệp cần thông báo ngay cho các cơ quan chức năng như Thương vụ Việt Nam tại Algeria, Vụ Thị trường Châu Á-Châu Phi (Bộ Công Thương)… để được tư vấn, hỗ trợ giải quyết kịp thời, tránh tình trạng để hàng kéo dài tại cảng dẫn tới phát sinh chi phí kho bãi, tiền phạt và hải quan sở tại bán đấu giá sung công quỹ (theo quy định, sau khi hàng nằm tại cảng 81 ngày kể từ khi được dỡ khỏi tàu, hải quan Algeria sẽ tiến hành bán đấu giá).

Algeria cấm nhập khẩu các sản phẩm làm từ đá marbre và sứ

Trong bối cảnh cơ cấu lại nền kinh tế và thúc đẩy sản xuất trong nước, mới đây Chính phủ Algeria cũng đã quyết định cấm nhập khẩu các mặt hàng thành phẩm làm từ đá cẩm thạch (marbre) và sứ kể từ ngày 18/1/2024.

Quyết định của Bộ Thương mại và Xúc tiến xuất khẩu Algeria nhằm kích thích sản xuất trong nước, giảm phụ thuộc vào nhập khẩu và tạo điều kiện cho ngành công nghiệp địa phương phát triển.

Tuy nhiên, Bộ Thương mại và Xúc tiến xuất khẩu Algeria chưa nêu rõ phạm vi lệnh cấm này có bao gồm tất cả các mặt hàng làm bằng sứ, kể cả hàng tiêu dùng thông thường như cốc chén, bát đĩa.

Việt Hằng