Ấn Độ cấm xuất khẩu bột mì nhằm bình ổn thị trường nội địa

Chính phủ Ấn Độ đã thông qua việc cấm xuất khẩu bột mì nhằm bình ổn thị trường nội địa khi giá mặt hàng này tại thị trường trong nước đã đạt mức cao kỷ lục hơn 300 USD/tấn.
Ấn Độ cấm xuất khẩu bột mì
 Việc cấm xuất khẩu bột mì được Chính phủ Ấn Độ đưa ra khi giá mặt hàng này trên thị trường nội địa đã đạt mức cao kỷ lục, hơn 300 USD/tấn trong tuần này (Ảnh: CNN)

Việc cấm xuất khẩu bột mì diễn ra sau khi Ấn Độ cấm xuất khẩu lúa mì hồi giữa tháng 5 vừa qua nhằm đảm bảo nguồn cung nội địa khi giá lúa mì tăng gần gấp 2 lần so với mức giá hỗ trợ tối thiểu của chính phủ nước này.

Trong tháng trước, Ấn Độ đã có động thái siết chặt chính sách xuất khẩu bột mì khi yêu cầu các thương nhân phải xin phép trước khi tiến hành xuất khẩu bột mì nhưng chưa cấm xuất khẩu bột mì.

Lệnh cấm xuất khẩu lúa mì đã khiến nhu cầu đối với bột mì của Ấn Độ tăng mạnh và thúc đẩy hoạt động xuất khẩu bột mì trong thời gian gần đây. Trong tuần này, giá bột mì trên thị trường nội địa Ấn Độ đã đạt mức cao kỷ lục 306,71 USD/tấn. Mức giá này tăng gần 20% so với thời điểm Ấn độ cấm xuất khẩu lúa mì.

Chính phủ Ấn Độ cho biết xuất khẩu bột mì của nước này trong giai đoạn từ tháng 4 - tháng 7/2022 đã tăng 200% so với cùng kỳ năm ngoái. Do đó, giá bột mì trên thị trường nội địa cũng tăng đột biến, buộc chính phủ nước này phải can thiệp bằng cách cấm xuất khẩu mặt hàng này.

Sau khi xung đột Nga – Ukraine nổ ra hồi cuối tháng 2, giá lúa mì và nhiều loại ngũ cốc trên thế giới đã liên tục tăng mạnh khi hàng triệu tấn lúa mì và ngô của Ukraine không thể xuất khẩu qua khu vực Biển Đen. Điều này khiến thị trường phụ thuộc mạnh hơn vào nguồn cung lúa mì từ Ấn Độ - quốc gia có sản lượng lúa mì cao thứ hai thế giới.

Trong thời gian vừa qua, Ấn Độ đã hứng chịu đợt nắng nóng nghiêm trọng, gây ảnh hưởng tiêu cực đến hoạt động canh tác nông nghiệp, bao gồm cả các loại cây lương thực chủ chốt như gạo và lúa mì. Điều này khiến giá các mặt hàng lương thực tại nước này tăng vọt lên mức cao kỷ lục.   

Việc Ấn Độ liên tục hạn chế xuất khẩu nhiều mặt hàng lương thực, thị trường đã xuất hiện một số đồn đoán về việc Ấn Độ có thể hạn chế xuất khẩu gạo khi nhiều vùng canh tác gạo quan trọng của nước này đối mặt tình trạng hạn hán nghiêm trọng nhất trong 3 năm trở lại đây.

Theo tờ báo kinh tế Business Standard (Ấn Độ), tính đến đầu tháng 8/2022, tổng diện tích canh tác lúa gạo của Ấn Độ đã giảm khoảng 13% so với cùng kỳ năm ngoái do tình trạng khô hạn diễn ra tại nhiều nơi, bao gồm cả bang West Bengal và bang Uttar Pradesh. Sản lượng gạo của hai bang này chiếm đến 1/4 tổng sản lượng gạo hàng năm của  Ấn Độ.

Một số thương nhân kinh doanh gạo cũng cho biết giá gạo trên thị trường nội địa tại các bang canh tác gạo lớn của Ấn Độ đã tăng hơn 10% trong nửa cuối tháng 7 do rủi ro nguồn cung và nhu cầu nhập khẩu gạo từ Bangladesh tăng lên. Dự báo giá gạo Ấn Độ có thể tăng từ mức 365 USD (giá FOB) vào đầu tháng 8 lên 400 USD/tấn vào tháng 9. Ấn Độ hiện là quốc gia xuất khẩu gạo lớn nhất thế giới, chiếm khoảng 40% tổng lượng gạo xuất khẩu toàn cầu.

Tuy nhiên, Bộ trưởng Lương thực Ấn Độ Sudhanshu Pandey cho biết “Ấn Độ hiện có lượng dự trữ gạo dồi dào do đó chúng tôi không có ý định hạn chế xuất khẩu”.

Theo ông Sudhanshu Pandey, lượng gạo dự trữ của Ấn Độ hiện lên tới 57,82 triệu tấn, cao gấp 4 lần so với mức mục tiêu. Đồng thời, giá gạo trên thị trường nội địa Ấn Độ đang thấp hơn giá của chính phủ nước này ấn định thu mua đối với người nông dân.

Quỳnh Trang