xuất khẩu đường
Chính phủ Ấn Độ hiện đang cân nhắc giới hạn lượng đường xuất khẩu trong niên vụ 2021/2022 ở mức 10 triệu tấn nhằm kiểm soát giá đường trên thị trường nội địa (Ảnh: Reuters)

Nếu đề xuất này được thông qua thì đây sẽ là lần đầu tiên trong vòng 6 năm trở lại đây Ấn Độ siết chặt việc xuất khẩu đường. Ấn Độ hiện là quốc gia có sản lượng đường lớn nhất thế giới và là quốc gia xuất khẩu đường lớn thứ hai toàn cầu.

Trong tháng 3/2022, một số thông tin cho biết Chính phủ Ấn Độ dự định giới hạn xuất khẩu đường trong năm nay ở mức 8 triệu tấn. Tuy nhiên, sản lượng đường của nước này được dự báo sẽ tăng lên nên mức giới hạn xuất khẩu cũng được điều chỉnh tăng. Hiệp hội các nhà sản xuất đường Ấn Độ (ISMA) dự báo sản lượng đường của Ấn Độ trong năm nay sẽ đạt 35,5 triệu tấn, cao hơn nhiều so với mức dự báo 31 triệu tấn được đưa ra trước đó.

ISMA cũng cho biết, tính đến thời điểm hiện tại, các nhà xuất khẩu đường của Ấn Độ đã ký hợp đồng xuất khẩu được 8,5 triệu tấn đường cho niên vụ 2021/2022; trong số đó, đã có 7,1 triệu tấn đường được chuyển đi.

Giới phân tích nhận định việc giới hạn lượng đường xuất khẩu trong năm nay ở mức 10 triệu tấn sẽ không ảnh hưởng quá nhiều đến hoạt động của các doanh nghiệp xuất khẩu đường Ấn Độ. Các tính toán cho thấy, ngay cả sau khi xuất khẩu 10 triệu tấn đường thì lượng tồn trữ đường vào đầu niên vụ 2022/2023 của Ấn Độ sẽ đạt 6 triệu tấn, đủ đáp ứng nhu cầu tiêu thụ của người dân nước này trong mùa lễ hội vào cuối năm nay.

Giá đường trên thế giới đang được hỗ trợ phần nào nhờ sự sụt giảm sản lượng đường của Brazil – quốc gia xuất khẩu đường lớn nhất thế giới. Bên cạnh đó, việc giá dầu thô tăng cao sẽ khuyến khích các nhà máy tăng cường sử dụng mía để sản xuất xăng sinh học ethanol thay vì sản xuất đường.

Chính phủ Ấn Độ hiện đang đối mặt với áp lực lớn trong việc kiểm soát giá lương thực khi lạm phát tại nước này đã chạm mức cao nhất trong vòng 8 năm trở lại đây. Trước đó, vào ngày 15/5, Ấn Độ đã bất ngờ tuyên bố ngưng xuất khẩu lúa mì nhằm đảm bảo nguồn cung trong nước khi giá lúa mì tại nước này tăng cao gần gấp 2 lần so với mức giá hỗ trợ tối thiểu của chính phủ.