Ấn Độ ngưng ký mới hợp đồng xuất khẩu gạo

Các nhà xuất khẩu gạo Ấn Độ đã buộc phải ngưng ký mới hợp đồng xuất khẩu gạo do lệnh phong toả toàn quốc nhằm ngăn chặn sự lây lan của đại dịch Covid-19 khiến các hoạt động hậu cần bị gián đoạn.

Các doanh nghiệp xuất khẩu gạo Ấn Độ hiện đã ngừng ký hợp đồng xuất khẩu mới trong bối cảnh lệnh phong toả toàn quốc 21 ngày nhằm ngăn chặn sự lây lan của đại dịch Covid-19 tại nước này đã khiến các hoạt động hậu cần bị gián đoạn cũng như thiếu hụt lao động. Các hợp đồng giao hàng hiện tại của Ấn Độ hiện cũng chịu tác động tiêu cực từ lệnh phong toả. Ấn Độ hiện là quốc gia xuất khẩu gạo lớn nhất thế giới.

Ông B.V. Krishna Rao, chủ tịch Hiệp hội các nhà xuất khẩu gạo Ấn Độ (REA) cho biết “Việc giao hàng đã bị đình trệ do rất khó để thực hiện hoạt động vận chuyển trong bối cảnh Ấn Độ thực hiện lệnh phong toả toàn quốc. Các tài xế và lao động không đến được nhà máy và các cảng xuất hàng”.

Ấn Độ phong toả toàn quốc
 Lệnh phong toả toàn quốc đã khiến chuỗi cung ứng gạo tại nước này đứt vỡ nghiêm trọng (Ảnh: ARUN SANKAR/AFP / GETTY IMAGES)

Dự kiến Ấn Độ sẽ dỡ bỏ lệnh phong toả theo từng giai đoạn trong vòng 3 tuần tới, theo Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi. Hãng tin Reuters cho biết các thương nhân Ấn Độ cũng đã ngưng báo giá cho các đối tác nước ngoài do không chắc chắn khi nào mới có thể tiến hành giao hàng trở lại.

Ông Prem Garg, chủ tịch Tập đoàn Lal Mahal, một trong những tập đoàn xuất khẩu gạo lớn nhất Ấn Độ, cho biết khối lượng gạo xuất khẩu của Ấn Độ đã giảm từ 4 – 5 lần. Các hãng xuất khẩu gạo Ấn Độ cho biết có khoảng 100.000 tấn gạo basmati và 400.000 tấn gạo các loại khác vốn sẽ được giao trong tháng 3 và tháng 4/2020 nhưng nay đang bị kẹt tại các cảng xuất.

Xem thêm tại: Xuất khẩu gạo Thái Lan tăng mạnh nhờ đại dịch Covid-19

Các quốc gia nhập khẩu gạo basmati lớn nhất của Ấn Độ bao gồm Iran, Ả-rập Xê-út và Iraq; trong khi đó, các loại gạo khác được Ấn Độ chủ yếu xuất khẩu sang Bangladesh, Nepal, Senegal và Belarus.

Trong năm 2019, tổng lượng gạo xuất khẩu của Ấn Độ đã giảm 18,1% so với năm 2018 xuống còn 9,87 triệu tấn – mức thấp nhất trong 8 năm trở lại đây do nhu cầu nhập khẩu của một số nước tại Châu Á và Châu Phi giảm. Sản lượng gạo niên vụ 2019/2020 của Ấn Độ dự báo đạt 117,47 triệu tấn, mức tiêu thụ gạo nội địa của nước này ước đạt 100 triệu tấn và tổng lượng dự trữ gạo thuộc quản lý của chính phủ dự báo đạt 31 triệu tấn.

Giới chuyên gia nhận định nếu như Ấn Độ kéo dài thời gian phong toả hoặc đại dịch Covid-19 diễn biến phức tạp tại các quốc gia nhập khẩu gạo lớn của Ấn Độ thì hoạt động xuất khẩu gạo của nước này sẽ chịu ảnh hưởng nghiêm trọng. Tính đến ngày 7/4, Ấn Độ đã ghi nhận tổng cộng 4.778 ca nhiễm và 111 ca tử vong vì đại dịch Covid-19. Đáng chú ý, số ca nhiễm bệnh tại nước này đã tăng vọt gần 700 ca chỉ trong ngày 6/4.

Quang Đặng (Tổng hợp)