Ấn Độ siết chặt phòng vệ thương mại: Doanh nghiệp hãy bám sát thị trường và đối tác xuất khẩu

Thời gian gần đây, Ấn Độ đã nhiều lần khởi xướng điều tra phòng vệ thương mại đối với hàng hóa nhập khẩu, trong đó có những mặt hàng thế mạnh của Việt Nam như gỗ, dệt may (sợi), thép,... Giữa bối cảnh dịch bệnh khó khăn, doanh nghiệp trong nước sẽ cần làm gì để vượt qua hàng rào phòng vệ tại thị trường này? Tạp chí Công Thương đã có những trao đổi với ông Lê Triệu Dũng - Cục trưởng Cục Phòng vệ thương mại, Bộ Công Thương xung quanh vấn đề đó.
Ông Lê Triệu Dũng - Cục trưởng Cục Phòng vệ thương mại, Bộ Công Thương
Ông Lê Triệu Dũng - Cục trưởng Cục Phòng vệ thương mại, Bộ Công Thương

TCCT: Thưa ông, thời gian gần đây, số lượng vụ việc điều tra phòng vệ thương mại mà Ấn Độ thực hiện đối với hàng hoá nhập khẩu từ Việt Nam có xu hướng tăng lên khá đáng kể. Ông có thể chia sẻ về vấn đề này?

Cục trưởng Lê Triệu Dũng: Ấn Độ là một trong 10 đối tác thương mại lớn nhất của Việt Nam với kim ngạch thương mại hai chiều trên 10 tỷ USD (theo Diễn đàn kinh doanh Việt Nam - Ấn Độ tháng 3/2021). Theo số liệu của Tổng cục Hải quan, kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang Ấn Độ đã tăng hơn 2 lần trong giai đoạn 2015-2020, từ 2,4 tỷ USD năm 2015 lên 5,2 tỷ USD năm 2020. 4 tháng đầu năm 2021, kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang Ấn Độ đạt 2,2 tỷ USD, tăng 38,4% so với cùng kỳ năm trước.

Ấn Độ cũng là một trong những nước tiến hành nhiều vụ việc điều tra phòng vệ thương mại nói chung và với Việt Nam nói riêng. Tính đến nay, Ấn Độ đã điều tra tổng cộng 28 vụ việc đối với hàng xuất khẩu của Việt Nam. Các mặt hàng bị điều tra thuộc nhiều nhóm ngành hàng khác nhau như ván gỗ, sợi, thép, đồng… Gần đây nhất, Ấn Độ đã quyết định khởi xướng điều tra chống bán phá giá với sản phẩm pin năng lượng mặt trời xuất khẩu từ Việt Nam.

Tuy nhiên, việc chủ động ứng phó với các vụ việc Ấn Độ tiến hành điều tra có thể dẫn tới kết quả tích cực. Đơn cử trong một số vụ việc, doanh nghiệp Việt Nam đã được kết luận là không bán phá giá, như Công ty Kim Tín trong vụ việc MDF năm 2015; không bị áp dụng thuế chống bán phá giá, như vụ việc sợi staple nhân tạo năm 2020; hay chấm dứt điều tra, như vụ việc ván gỗ MDF năm 2020.

TCCT: Theo ông, nguyên nhân nào khiến Ấn Độ tăng cường siết chặt hàng rào phòng vệ như vậy?

Cục trưởng Lê Triệu Dũng: Như tôi đã trao đổi ở trên, Ấn Độ là quốc gia thường xuyên sử dụng các công cụ chính sách phòng vệ thương mại để bảo vệ ngành sản xuất trong nước trước hàng hóa nhập khẩu. Theo thống kê của WTO, tới nay, Ấn Độ đã điều tra tổng cộng 2006 trên tổng số 7133 vụ việc - là quốc gia đứng đầu thế giới về số lượng các vụ việc phòng vệ thương mại. Sự gia tăng điều tra phòng vệ thương mại của Ấn Độ đối với Việt Nam cần được nhìn nhận trong bối cảnh chung đó. 

Một nguyên nhân nữa khiến Ấn Độ tăng cường áp dụng các biện pháp phòng vệ thương mại với Việt Nam là do trao đổi thương mại giữa hai nước gia tăng, đặc biệt kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam tăng rất nhanh khiến một số mặt hàng xuất khẩu của ta tạo sức ép cạnh tranh đáng kể tại thị trường Ấn Độ, dẫn đến nguy cơ cao hơn phải đối diện với các vụ việc điều tra phòng vệ thương mại.

Bên cạnh đó, diễn biến phức tạp của dịch bệnh Covid-19 cũng có thể gây khó khăn thêm cho nhiều ngành sản xuất. Trong bối cảnh này, một số ngành sản xuất tại một số nước, kể cả Ấn Độ, có thể đề nghị chính phủ tăng cường các biện pháp để bảo vệ sản xuất trong nước 

Ấn Độ là quốc gia đứng đầu thế giới về số lượng các vụ việc phòng vệ thương mại, không chỉ với Việt Nam
Ấn Độ là quốc gia đứng đầu thế giới về số lượng các vụ việc phòng vệ thương mại, không chỉ với Việt Nam

TCCT: Cục Phòng vệ thương mại có thể đưa ra cảnh báo sớm những mặt hàng nào khác sẽ rơi vào “tầm ngắm” của Ấn Độ trong thời gian tới?

Cục trưởng Lê Triệu Dũng: Việc áp dụng biện pháp phòng vệ thương mại về cơ bản cần tuân thủ các quy định của Tổ chức Thương mại thế giới. Các mặt hàng có tăng trưởng xuất khẩu nhanh, dù kim ngạch lớn hay nhỏ có thể trở thành mục tiêu bị điều tra phòng vệ thương mại nếu ngành sản xuất nội địa của Ấn Độ cho rằng hàng nhập khẩu gây thiệt hại nghiêm trọng cho họ.

Bên cạnh đó, các doanh nghiệp đã thoát khỏi một vụ việc phòng vệ thương mại, cũng có thể trở thành mục tiêu của một cuộc điều tra mới nhằm đảm bảo hiệu quả của các biện pháp trước đây. Vì vậy, các sản phẩm đã bị điều tra, áp dụng một trong các biện pháp phòng vệ thương mại vẫn có thể tiếp tục bị điều tra áp dụng các biện pháp phòng vệ thương mại khác.

Thực tiễn cho thấy kể cả các mặt hàng xuất khẩu của Việt Nam có kim ngạch nhỏ, nhưng tăng mạnh sau khi Ấn Độ đã áp dụng biện pháp phòng vệ thương mại với các quốc gia khác cũng có thể trở thành đối tượng bị điều tra, áp dụng biện pháp phòng vệ thương mại.

TCCT: Như vậy, doanh nghiệp Việt khi xuất khẩu sang Ấn Độ sẽ cần chú ý những vấn đề nào để phù hợp với bối cảnh mới, thưa ông?

Cục trưởng Lê Triệu Dũng: Phòng vệ thương mại là một vấn đề mới, phức tạp nên tạo ra những thách thức đáng kể cho các doanh nghiệp Việt Nam, đặc biệt là các doanh nghiệp vừa và nhỏ. Thêm vào đó, các biện pháp phòng vệ thương mại của Ấn Độ cũng tương đối đa dạng. Vì vậy, các doanh nghiệp Việt Nam cần lưu ý theo dõi biến động về giá và lượng xuất khẩu của mặt hàng mà xuất khẩu sang Ấn Độ để có đánh giá kịp thời. Những mặt hàng có giá xuất khẩu cạnh tranh, lượng xuất khẩu tăng nhanh sẽ có nguy cơ bị điều tra phòng vệ thương mại cao hơn. Doanh nghiệp cũng có thể thông qua đối tác nhập khẩu của mình tại Ấn Độ để nắm tình hình và dự báo trước khả năng bị điều tra phòng vệ thương mại. 

Ngoài ra, doanh nghiệp có thể tham khảo các thông tin cảnh báo do Bộ Công Thương cung cấp trong Danh sách cảnh báo sản phẩm có nguy cơ bị điều tra phòng vệ thương mại, điều tra lẩn tránh thuế đăng tải định kỳ hàng quý trên trang thông tin điện tử của Cục Phòng vệ thương mại (http://pvtm.gov.vn/) để có sự chuẩn bị tốt hơn khi xây dựng các phương án sản xuất, kinh doanh của mình.

Trong trường hợp bị điều tra phòng vệ thương mại, doanh nghiệp sản xuất, xuất khẩu liên quan cần hợp tác đầy đủ, toàn diện đúng theo hướng dẫn của Cơ quan điều tra Ấn Độ; phối hợp chặt chẽ giữa các doanh nghiệp trong ngành để chia sẻ thông tin và cùng nhau xử lý vụ việc; thường xuyên liên lạc với Cục Phòng vệ thương mại để được hỗ trợ, hướng dẫn kịp thời.

Cục Phòng vệ thương mại cũng sẽ thường xuyên tổ chức các buổi hội thảo, chương trình đào tạo để hỗ trợ các doanh nghiệp nắm được những kiến thức cơ bản về phòng vệ thương mại, giúp các doanh nghiệp có định hướng để xử lý các vụ việc điều tra một cách có hiệu quả nhất. Các doanh nghiệp quan tâm có thể liên hệ với Cục Phòng vệ thương mại để biết thêm chi tiết.

TCCT: Xin chân thành cảm ơn ông!

Thy Thảo