An Giang: Đẩy mạnh cải thiện môi trường kinh doanh, thu hút đầu tư

Tỉnh An Giang xác định cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia, đẩy mạnh thu hút đầu tư và hỗ trợ doanh nghiệp là nhiệm vụ trọng tâm ưu tiên hàng đầu.

UBND tỉnh An Giang vừa ban hành Kế hoạch số 699/KH-UBND ngày 15/8/2023 về các nhiệm vụ và giải pháp cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh cấp tỉnh, đẩy mạnh thu hút đầu tư năm 2023 và các năm tiếp theo.

đầu tư An Giang
Sản xuất tại Công ty cổ phần Xuất nhập khẩu Thủy sản Cửu Long An Giang.

Cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, hỗ trợ doanh nghiệp là ưu tiên hàng đầu

Kế hoạch định hướng các quan điểm chỉ đạo.

Thứ nhất, đặt doanh nghiệp, nhà đầu tư, người dân là trung tâm cải cách, lấy sự hài lòng là giá trị cốt lõi để phục vụ, thực hiện cải cách thủ tục hành chính;

Thứ hai, xác định cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh, thu hút đầu tư và hỗ trợ doanh nghiệp là nhiệm vụ trọng tâm ưu tiên hàng đầu và thực hiện nhiệm vụ quyết liệt, thực chất và có hiệu quả;

Thứ ba, kiên định, nhất quán trong điều kiện bị tác động bởi nhiều phía, bên trong và bên ngoài, việc gì thấy đúng, thấy trúng thì phải kiên định giải quyết nhanh chóng và thực hiện nghiêm túc;

Thứ tư, quyết liệt chỉ đạo thực hiện nghiêm túc, hiệu quả các nguyên tắc: trách nhiệm, hành động, minh bạch, chuẩn xác, tập trung;

Thứ năm, xác định rõ tiềm năng, thế mạnh, từng lĩnh vực, từng dự án ưu tiên của địa phương, kết hợp với việc nắm bắt nhu cầu, khả năng đầu tư của từng nhà đầu tư cụ thể để tiến hành xây dựng các hoạt động mời gọi đầu tư một cách bài bản, có trọng tâm và hiệu quả.

Chuẩn bị tốt “5 sẵn sàng” để thu hút đầu tư

Theo kế hoạch, từ năm nay và những năm tiếp theo, tỉnh tập trung triển khai một số nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm. Trong đó, quán triệt, thực hiện nghiêm chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Bộ Kế hoạch và Đầu tư và UBND tỉnh về nhiệm vụ, giải pháp cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia, đẩy mạnh thu hút đầu tư và hỗ trợ doanh nghiệp; Nghiêm túc khắc phục tình trạng không dám tham mưu, không dám đề xuất hoặc đề xuất không rõ ràng, đẩy cái khó lên cấp trên của một số cơ quan, đơn vị.

Trong công tác tham mưu giải quyết các vấn đề của doanh nghiệp tuyệt đối dựa trên nguyên tắc công bằng và chia sẻ, không đẩy cái khó cho doanh nghiệp, lấy phần dễ cho cơ quan Nhà nước hoặc ngược lại.

Tiếp tục xây dựng nền hành chính hiện đại, chuyên nghiệp, năng động, phục vụ tốt nhất người dân và doanh nghiệp; tiếp tục nâng cao năng lực cạnh tranh cấp tỉnh trên cơ sở cải thiện các chỉ số PCI, PAPI, PAR Index, SIPAS, DDCI.

Chuẩn bị tốt “5 sẵn sàng” bao gồm: sẵn sàng về mặt bằng, quỹ đất sạch; sẳn sàng cơ sở hạ tầng thiết; sẳn sàng nguồn lực hàng năm; sẵn sàng giải quyết nhanh chóng thủ tục hành chính cho doanh nghiệp, lấy sự hài lòng của doanh nghiệp làm giá trị cốt lõi và sẵn sàng hỗ trợ nhà đầu tư từ khâu khảo sát vị trí dự án đến khi dự án đi vào hoạt động sản xuất kinh doanh để thu hút đầu tư.

Năm 2022, chỉ số Năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) của tỉnh An Giang giảm sâu so với năm 2021 (giảm 37 bậc, đứng thứ 54/63 tỉnh, thành phố), mục tiêu huy động vốn ngoài ngân sách để bổ sung vào vốn đầu tư toàn xã hội bị ảnh hưởng nghiêm trọng, điều này có thể tác động lớn đến các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội chung của tỉnh trong năm 2023 và các năm tiếp theo.

Trong thời gian tới, UBND tỉnh yêu cầu các Sở, ban, ngành tỉnh, UBND các huyện, thị xã, thành phố tập trung bám sát và thực hiện nghiêm túc các chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Tỉnh ủy, HĐND và UBND tỉnh về phát triển kinh tế - xã hội, cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh của quốc gia và của tỉnh. Kịp thời đề xuất, triển khai các nhiệm vụ và giải pháp cụ thể nhằm tiếp tục cải thiện môi trường kinh doanh, tạo môi trường đầu tư, kinh doanh thuận lợi cho doanh nghiệp.

Cục Thống kê tỉnh An Giang cho biết, với quyết tâm phục hồi và phát triển kinh tế, tạo đà để hoàn thành các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội năm 2023, từ đầu năm đến nay UBND tỉnh đã chỉ đạo các ngành triển khai nhiều giải pháp, tổ chức thực hiện kịp thời các cơ chế, chính sách của Chính phủ, xây dựng và thực hiện nhiều chương trình, đề án, kế hoạch phù hợp với tình hình và điều kiện thực tế của địa phương đã phát huy tác dụng, nhiều ngành đã khôi phục mạnh mẽ; các lĩnh vực văn hóa, an sinh xã hội tiếp tục được quan tâm thực hiện tốt; trật tự an toàn xã hội, quốc phòng, an ninh biên giới vẫn được đảm bảo. Kinh tế - xã hội 6 tháng đầu năm 2023 của tỉnh tiếp tục đạt được nhiều kết quả tích cực, hầu hết các ngành, lĩnh vực đều tăng trưởng.

Tổng sản phẩm trên địa bàn 6 tháng năm 2023 ước tính tăng 6,50% so với cùng kỳ năm trước (cùng kỳ tăng 4,90%). Trong đó, khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng 3,29% (cùng kỳ 2,51%), khu vực công nghiệp và xây dựng tăng 9,51% (cùng kỳ tăng 7,21%), khu vực dịch vụ tăng 8,17% (cùng kỳ tăng 5,93%), thuế sản phẩm tăng 3,62%. Tổng kim ngạch xuất khẩu 6 tháng đầu năm đạt 574 triệu USD, tăng 3,76% so với cùng kỳ (khối doanh nghiệp ước đạt 514 triệu USD, tăng 2,29% so cùng kỳ). Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ 6 tháng đầu năm đạt 42.637 tỷ đồng, tăng 17,40% so cùng kỳ.

Tổng số doanh nghiệp thành lập mới đầu năm đến ngày 14/6/2023 là 422 doanh nghiệp, giảm 8,64% so với cùng kỳ với tổng số vốn đăng ký khoảng 3.343 tỷ đồng tăng 0,85% so với cùng kỳ.

Trong 6 tháng đầu năm 2023, ước tổng vốn đầu tư thực hiện trên địa bàn tỉnh đạt gần 10.288 tỷ đồng, tăng 31,85% so cùng kỳ. Trong đó, vốn ngân sách Nhà nước: Tổng vốn ngân sách thực hiện trong 6 tháng đầu năm ước đạt hơn 5.381 tỷ đồng (chiếm 52,31% tổng vốn đầu tư trên địa bàn), tăng 39,62% so cùng kỳ; Vốn đầu tư khu vực ngoài Nhà nước (doanh nghiệp trong nước và hộ dân cư) thực hiện ước đạt 4.899 tỷ đồng (chiếm 47,62% tổng vốn đầu tư trên địa bàn), tăng 26,37%; Vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài đạt gần 8 tỷ đồng (chiếm 0,08%), giảm 89,07% so cùng kỳ.

Thanh Hà