Ảnh hưởng của đòn bẩy tài chính của doanh nghiệp đến rủi ro tín dụng tại Ngân hàng Thương mại Cổ phần Phát triển Thành phố Hồ Chí Minh - Chi nhánh Cần Thơ

HUỲNH THÚY VI (Học viên cao học ngành Tài chính - Ngân hàng, Trường Đại học Tây Đô, Ngân hàng TMCP Phát triển TP. Hồ Chí Minh -– Chi nhánh Cần Thơ)

TÓM TẮT:

Nghiên cứu này được thực hiện nhằm kiểm tra sự ảnh hưởng của đòn bẩy tài chính của các doanh nghiệp vay vốn tại Ngân hàng TMCP Phát triển TP. Hồ Chí Minh - Chi nhánh Cần Thơ đến khả năng xảy ra rủi ro tín dụng của các khách hàng này trong giai đoạn 2015-2018. Kết quả xác định đòn bẩy tài chính của doanh nghiệp trong mẫu nghiên cứu ở mức trung bình là 0,546 và có tác động thuận chiều đến khả năng xảy ra rủi ro tín dụng của các doanh nghiệp. Bên cạnh đó, kết quả nghiên cứu cho thấy thời gian hoạt động của doanh nghiệp và xếp hạng tín dụng nội bộ của doanh nghiệp có ảnh hưởng nghịch chiều đến rủi ro tín dụng của Ngân hàng TMCP Phát triển TP. Hồ Chí Minh - Chi nhánh Cần Thơ.

Từ khóa: Đòn bẩy tài chính, rủi ro tín dụng, khách hàng doanh nghiệp.

1. Đặt vấn đề

Việc hiểu đúng về các yếu tố ảnh hưởng đến rủi ro tín dụng là vấn đề then chốt cho sự bền vững tài chính. Các ngân hàng và các tổ chức tài chính khác luôn đòi hỏi phải tối đa hóa lợi nhuận, đồng thời cũng phải lượng hóa được những rủi ro trong danh mục tài sản của họ. Với một khoản cho vay trong các tài sản của ngân hàng, việc hiểu được tại sao một số doanh nghiệp đi vay rơi vào nợ quá hạn trong khi số khác lại không có, có lẽ là câu hỏi rất quan trọng cần tìm hiểu.

Việc vay nợ chính thức từ ngân hàng hoặc ưa thích sử dụng vốn cổ phần hơn là một quyết định cực kì quan trọng được đưa ra bởi các công ty. Việc phải cân nhắc sự đánh đổi giữa sự gia tăng thu nhập tiềm năng của các cổ đông của công ty và sự sụt giảm sẽ xảy ra đối với năng lực tài chính và điều hành kiểm soát của công ty, là một phần quan trọng trong việc ra quyết định (Luoma và Spiller, 2002), bởi vì các quyết định tài trợ tài chính không thích hợp sẽ làm công ty rơi vào rủi ro nhiều hơn. Việc mở rộng hoạt động của các công ty đặt họ vào tình thế phải lựa chọn các phương án tài trợ tài chính. Việc lựa chọn giữa các khoản nợ vay ngân hàng và gia tăng vốn chủ sở hữu hay một sự kết hợp hiệu quả nhất của cả hai phụ thuộc vào sự sẵn có của các nguồn quỹ bên trong công ty (Long và Malitz, 1985). Ahmed Sheikh và Wang (2011) nhấn mạnh rằng, sự lựa chọn không thích hợp về các trái phiếu như các khoản nợ hoặc phát hành thêm cổ phiếu đã tạo ra khủng hoảng tài chính và vỡ nợ của các công ty. Hiểu theo cách khác, việc sử dụng các phương án tài trợ phù hợp và hữu hiệu sẽ giảm thiểu rủi ro tài chính cho công ty và tạo ra lợi nhuận cho công ty. Đây cũng sẽ là những đảm bảo cho khả năng trả nợ đúng hạn và giảm thiểu rủi ro tín dụng cho ngân hàng.

Bài viết này nhằm phân tích ảnh hưởng của đòn bẩy tài chính của doanh nghiệp cùng các yếu tố vi mô khác đến rủi ro tín dụng tại HDBank chi nhánh Cần Thơ. Ước lượng Binary logistic được sử dụng để ước lượng các yếu tố ảnh hưởng đến rủi ro tín dụng của khách hàng doanh nghiệp tại chi nhánh. Kết quả nghiên cứu được kỳ vọng sẽ cung cấp kết luận quan trọng trong hoạt động quản lý rủi ro tín dụng cho các ngân hàng.

2. Cơ sở lý thuyết và phương pháp nghiên cứu

2.1. Cơ sở lý thuyết

Từ sau các nghiên cứu của Beaver (1966) và Altman (1968), các nhà nghiên cứu đã rất chú ý đến các yếu tố dẫn đến rủi ro tín dụng của doanh nghiệp. Gần đây hơn, Traczynski (2017) đã chỉ ra rằng có 2 yếu tố ảnh hưởng đến rủi ro của các doanh nghiệp, bất kể đó là ngành nghề gì, đó là yếu tố về đòn bẩy tài chính và sự biến động giá thị trường. Thực tế cho thấy, đòn bẩy tài chính là yếu tố cực kì quan trọng và giữ vai trò trung tâm trong các mô hình lượng hóa rủi ro tín dụng nền tảng được sử dụng cả trong học thuật lẫn thực tế nhiều ngành công nghiệp (Merton, 1974, Collin-Dufresne và Goldstein, 2001, Vassalou và Xing, 2004, Bharath và Shumway, 2008). Nhiều nghiên cứu thực hiện riêng biệt ảnh hưởng của đòn bẩy tài chính đến rủi ro tín dụng ở các doanh nghiệp lớn (Altman, 1968, Chava và Jarrow, 2004, Campbell và cộng sự, 2008, Giordani và cộng sự, 2014 và Traczynski, 2017) và các doanh nghiệp nhỏ (Altman và Sabato, 2005, Altman và Sabato, 2007). Trong khi một số tác giả tập trung so sánh sự tác động của đòn bẩy tài chính ở cả 2 nhóm doanh nghiệp, Beck và cộng sự (2008), bằng việc sử dụng bộ dữ liệu khảo sát cả nhóm doanh nghiệp lớn và nhỏ ở 48 quốc gia, đã xác định rằng các doanh nghiệp nhỏ sử dụng ít các nguồn tài trợ bên ngoài hơn, đặc biệt là các khoản vay ngân hàng. Các tác giả cũng chứng minh rằng, các doanh nghiệp lớn thường dễ tiếp cận các khoản vay bên ngoài hơn, qua đó đề xuất các chính phủ cần có chính sách hỗ trợ các doanh nghiệp vừa và nhỏ trong các nền kinh tế.

2.2. Số liệu nghiên cứu

Số liệu phục vụ nghiên cứu được thu thập ngẫu nhiên từ danh sách hồ sơ khách hàng doanh nghiệp có hợp đồng tín dụng và còn dư nợ đến ngày 31/12/2018. Tổng số có 90 hồ sơ được chọn để thu thập các thông tin cần thiết cho mô hình. Các hoạt động kinh doanh của khách hàng thể hiện mức độ đa dạng hóa và lĩnh vực chính tạo ra thu nhập để trả nợ được thu thập từ hồ sơ vay của khách hàng. Phương pháp thu thập số liệu phải đảm bảo được rằng tất cả các quan sát được chọn đều đã phát sinh kỳ hạn trả nợ và các hồ sơ vay đều được xếp loại tín dụng theo quy định của ngân hàng.

2.3. Phương pháp phân tích số liệu

Phân tích ảnh hưởng của đòn bẩy tài chính cùng các yếu tố khác đến xác suất xảy ra nợ xấu của các doanh nghiệp vay vốn tại HDBank, nghiên cứu sử dụng phương pháp ước lượng Binary Logistic. Mô hình hồi quy được trình bày như sau:

RUIROTINDUNG = β0 + β1.DONBAYTC + β2.THOIGIANHD + β3. QUYMODN + β4. TAISANDB + β5. XEPHANGTD + β6. LICHSUNQH + ui

Biến phụ thuộc trong mô hình là RUIROTINDUNG và được quan sát dựa vào hồ sơ vay của khách hàng. Rủi ro tín dụng của một hồ sơ vay được phân loại theo chất lượng khoản vay dựa vào 5 mức độ (theo Thông tư số 02/2013/TT-NHNN). Những hồ sơ vay bị xếp loại từ nhóm 3 (nợ dưới chuẩn) trở lên được cho là những hồ sơ tín dụng có rủi ro. Mô hình logit nhị phân được sử dụng để phân tích các yếu tố ảnh hưởng đến rủi ro tín dụng giữa hai nhóm khách hàng. Khi đó, khách hàng phát sinh nhóm nợ dưới chuẩn (nhóm 3, 4 và 5) nhận giá trị 1 và nhóm khách hàng với nhóm nợ đủ chuẩn (nhóm 1 và 2) nhận giá trị 0. 

Bảng 1. Diễn giải các biến độc lập trong mô hình nghiên cứu

Bảng 1. Diễn giải các biến độc lập trong mô hình nghiên cứu

3. Kết quả và thảo luận

3.1. Đặc điểm chung của các doanh nghiệp của HDBank - CN Cần Thơ

Một số đặc điểm của các doanh nghiệp vay vốn tại HDBank - CN Cần Thơ được trình bày ở Bảng 2. Thời gian hoạt động trung bình của các doanh nghiệp trong nghiên cứu là khoảng 10 năm. Trong tổng số 90 hồ sơ vay, hệ số tiền vay trên giá trị tài sản đảm bảo ở mức trung bình là 0,535, mức cao nhất là 0,87 và mức thấp nhất chỉ là 0,07. Đòn bẩy tài chính (tỷ lệ giữa Nợ phải trả/Tài sản) của các khách hàng doanh nghiệp ở mức trung bình khoảng 0,546. Doanh nghiệp có mức đòn bẩy thấp nhất chỉ 0,12 trong khi doanh nghiệp có các khoản nợ phải trả trên tổng tài sản nhiều nhất là ở mức 0,86. Tuy quy mô của các doanh nghiệp tại ngân hàng không có nhiều khác biệt nhưng sự dao động của đòn bẩy tài chính trong mẫu nghiên cứu là tương đối lớn.   

Bảng 2. Các chỉ tiêu về đặc điểm của các doanh nghiệp vay vốn

Bảng 2. Các chỉ tiêu về đặc điểm của các doanh nghiệp vay vốn 3.2. Ảnh hưởng của đòn bẩy tài chính đến rủi ro tín dụng của các doanh nghiệp tại HDBank - CN Cần Thơ

Để phân tích ảnh hưởng của đòn bẩy tài chính của doanh nghiệp cùng các yếu tố khác đến xác suất xảy ra nợ xấu của các doanh nghiệp vay vốn tại HDBank - CN Cần Thơ, nghiên cứu sử dụng mô hình ước lượng Binary logistic để phân tích.

Bảng 3. Kết quả mô hình Binary logistic

Bảng 3. Kết quả mô hình Binary logisticĐòn bẩy tài chính (tổng nợ phải trả/tổng tài sản): là yếu tố có tương quan thuận với rủi ro tín dụng, với mức ý nghĩa thống kê 5%. Kết quả ước lượng cho thấy, nếu đòn bẩy tài chính tăng thì xác suất xảy ra rủi ro tín dụng tăng và ngược lại. Mối quan hệ này cho thấy các doanh nghiệp sử dụng vốn vay càng nhiều đồng nghĩa với rủi ro phát sinh càng cao so với các doanh nghiệp sử dụng nợ ít hơn. Có thể thấy rõ trong giai đoạn hiện nay khi thị trường kinh doanh gặp nhiều khó khăn, tiếp cận nguồn vốn ngân hàng còn nhiều rào cản dẫn đến nhiều doanh nghiệp mất khả năng thanh toán, thiếu hụt vốn trong kinh doanh dẫn đến phá sản hàng loạt trong thời gian qua. Kết quả này cũng phù hợp với kết quả nghiên cứu của Hoàng Tùng (2011), khi tỷ suất nợ tăng sẽ làm giảm khả năng trả nợ hay nói cách khác là sẽ làm gia tăng xác suất xảy ra rủi ro tín dụng.

Xếp hạng tín dụng có tương quan nghịch với rủi ro tín dụng ở mức ý nghĩa 5%. Hệ số hồi qui của biến xếp hạng tín dụng của doanh nghiệp là -3,180 mang dấu âm, quan hệ nghịch biến với biến phụ thuộc, đúng với kỳ vọng của mô hình nghiên cứu. Trong điều kiện các yếu tố khác không thay đổi, nếu cho vay, các doanh nghiệp có xếp hạng từ A trở lên thì xác suất xảy ra rủi ro tín dụng đối với doanh nghiệp này thấp hơn các doanh nghiệp có xếp hạng từ BBB trở xuống là 5,9%. Xếp hạng tín dụng dựa trên kết quả hoạt động kinh doanh, yếu tố khách quan và yếu tố nội bộ doanh nghiệp. Một doanh nghiệp có xếp hạng cao thì tình hình tài chính tốt, đồng thời các yếu tố liên quan đến bộ máy hoạt động cũng tốt nên khả năng sinh lời để thanh toán nợ vay ngân hàng sẽ đảm bảo. Mô hình ước lượng đã xác định yếu tố xếp hạng tín dụng có tác động đến rủi ro của tín dụng đối với doanh nghiệp.

Thời gian hoạt động của doanh nghiệp có ảnh hưởng nghịch chiều với rủi ro tin dụng của chi nhánh ở mức ý nghĩa 5%. Kết quả nghiên cứu cho thấy nếu thời gian hoạt động của doanh nghiệp tăng thêm 1 năm thì xác suất xảy ra rủi ro tín dụng sẽ giảm đi 0,3%.

4. Kết luận

Nghiên cứu này kiểm tra sự ảnh hưởng của đòn bẩy tài chính của doanh nghiệp vay vốn đến rủi ro tín dụng tại HDBank - Chi nhánh Cần Thơ. Số liệu nghiên cứu được thực hiện từ thu thập hồ sơ tín dụng của các doanh nghiệp tại chi nhánh trong giai đoạn 2015-2018. Kết quả nghiên cứu cho thấy đòn bẩy tài chính của các doanh nghiệp ở mức 54,6%, tương đối hợp lý. Nghiên cứu khẳng định có sự ảnh hưởng khá rõ của đòn bẩy tài chính của doanh nghiệp đến rủi ro tín dụng tại HDBank - CN Cần Thơ, bên cạnh các yếu tố khác như thời gian hoạt động của doanh nghiệp và xếp hạng tín dụng nội bộ của doanh nghiệp tại chi nhánh.  

TÀI LIỆU THAM KHẢO:

  1. Altman, E. I. (1968). Financial ratios, discriminant analysis and the prediction of corporate bankruptcy. The Journal of Finance, 23(4): 589-609.
  2. Altman, E. I. and Sabato, G. (2005). Effects of the New Basel Capital Accord on Bank Capital Requirements for SMEs. Journal of Financial Services Research, 28(1): 15-42.
  3. Altman, E. I. and Sabato, G. (2007). Modelling Credit Risk for SMEs: Evidence from the U.S. Market. Abacus, 43(3): 332-357.
  4. Beaver, W. H. (1966). Financial Ratios As Predictors of Failure. Journal of Accounting Research, 4: 71-111.
  5. Beck, T., Demirg-Kunt, A., and Maksimovic, V. (2008). Financing patterns around the world: Are small firms different? Journal of Financial Economics, 89(3): 467-487.
  6. Bharath, S. T. and Shumway, T. (2008). Forecasting Default with the Merton Distance to Default Model. The Review of Financial Studies, 21(3): 1339-1369.
  7. Campbell, J. Y., Hilscher, J., and Szilagyi, J. (2008). In Search of Distress Risk. The Journal of Finance, 63(6): 2899-2939.
  8. Chava, S. and Jarrow, R. A. (2004). Bankruptcy Prediction with Industry Effects. Review of Finance, 8(4): 537-569.
  9. Collin-Dufresne, P. and Goldstein, R. S. (2001). Do Credit Spreads Reflect StationaryLeverage Ratios? The Journal of Finance, 56(5): 1929-1957.
  10. Giordani, P., Jacobson, T., Schedvin, E. v., and Villani, M. (2014). Taking the Twists into Account: Predicting Firm Bankruptcy Risk with Splines of Financial Ratios. Journal of Financial and Quantitative Analysis, 49(4): 1071-1099.
  11. Merton, R. C. (1974). On the Pricing of Corporate Debt: The Risk Structure of Interest Rates. The Journal of Finance, 29(2): 449-470.
  12. Traczynski, J. (2017). Firm Default Prediction: A Bayesian Model-Averaging Approach. Journal of Financial and Quantitative Analysis, 52(3): 1211-1245.
  13. Vassalou, M. and Xing, Y. (2004). Default Risk in Equity Returns. The Journal of Finance, 59(2): 831-868.

EFFECT OF THE ENTERPRISE CUSTOMERS’ FINANCIAL LEVERAGE ON CREDIT RISK OF HO CHI MINH CITY DEVELOPMENT JOINT STOCK COMERCIAL BANK – CAN THO BRANCH

HUYNH THUY VI

Master Student in Finance - Banking, Tay Do University, Ho Chi Minh City Development Joint Stock Commercial Bank - Can Tho Branch

ABSTRACT:

This study aims to examine the effect of the enterprise customers’ financial leverage on credit risk. The data was obtained from the annual report from 2015 to 2018 of Ho Chi Minh City Development Joint Stock Comercial Bank (HD Bank)- Can Tho Branch. Results show that the average financial leverage is 0.546 which indicates positive impact on the possibility of credit risk of the branch. Furthermore, other factors including the operating duration and internal grading index of the enterprise customers affect negatively on the credit risk of HD Bank – Can Tho branch.

Keywords: Financial leverage, credit risk, enterprise customer.