Ảnh hưởng của hoạt động kinh doanh đến an toàn giao thông trên địa bàn Thành phố Hà Nội

ThS. Phan Thị Thanh Hoa (Khoa Quản trị kinh doanh - Trường Đại học Kinh tế quốc dân)

TÓM TẮT:

Hiện nay, trên địa bàn Thành phố Hà Nội, các hoạt động kinh doanh, buôn bán, dịch vụ ăn uống, vận tải phát triển, ảnh hưởng không nhỏ tới an toàn giao thông của Thành phố. Bên cạnh các yếu tố khác như cơ sở hạ tầng, ý thức của người tham gia giao thông,… thì các hoạt động thương mại là một trong những yếu tố ảnh hưởng trực tiếp đến tình hình giao thông thành phố. Vậy, ảnh hưởng của các hoạt động và giải pháp để khắc phục nó như thế nào là các vấn đề được đưa ra nghiên cứu trong bài viết này.

Từ khóa: Hoạt động kinh doanh, an toàn giao thông, phát triển đô thị, Thành phố Hà Nội.

I. Đặt vấn đề

Phát triển đô thị một cách bền vững là sự phát triển đồng đều và hài hòa trên ba phương diện: Kinh tế - Môi trường - Công bằng xã hội. Trong những năm gần đây, khi kinh doanh thương mại của Hà Nội ngày càng phát triển và chiếm tỷ trọng lớn hơn trong cơ cấu kinh tế của Thành phố, hiện tượng ùn tắc và tai nạn giao thông gây ra do các hoạt động này đang là mối quan tâm sâu sắc của Bộ Giao thông vận tải, UBND thành phố Hà Nội và người dân nói chung. Dù đã có nhiều biện pháp nhằm hạn chế tình trạng buôn bán hàng hóa trên vỉa hè, lòng đường, chở hàng hóa cồng kềnh, tăng cường ý thức tham gia giao thông của người dân, tăng cường an toàn, trật tự an toàn đô thị nhưng vẫn chưa thực sự mang lại hiệu quả cao. Do đó, việc nghiên cứu về ảnh hưởng của hoạt động kinh doanh thương mại đến an toàn giao thông đô thị ở Hà Nội là việc cần thiết và cấp bách, tạo tiền đề trước mắt cho việc phát triển hệ thống giao thông đô thị cho Hà Nội và là đòn bẩy cho việc tăng trưởng và phát triển của Thủ đô.

II. Thực trạng ảnh hưởng của kinh doanh thương mại đến giao thông trên địa bàn Hà Nội

1. Sự phát triển của hoạt động kinh doanh thương mại trên địa bàn

Giai đoạn 2010 - 2016, kinh tế Việt Nam nói chung và Hà Nội nói riêng chịu ảnh hưởng khá nặng nề của suy thoái kinh tế thế giới, tình hình sản xuất kinh doanh và đời sống có nhiều biến động bất thường (dịch bệnh, suy giảm nhập khẩu toàn cầu, tiêu thụ và đầu tư giảm sút...). Tuy nhiên, do Chính phủ và thành phố đã có những chủ trương, chính sách kịp thời nên kinh tế Hà Nội duy trì được tốc độ tăng trưởng khá. Tính chung giai đoạn 2010-2016, tổng sản phẩm trên địa bàn thủ đô ước tăng 9,23% gấp 1,58 lần mức tăng bình quân chung của cả nước. Tỷ trọng ngành Dịch vụ chiếm 54%, Công nghiệp xây dựng chiếm 42,5% và Nông nghiệp chiếm 4,5%.

Khu vực dịch vụ có những thành tựu đáng kể với tốc độ tăng trưởng liên tục tăng lên qua các năm. Trong khu vực này, các ngành thương nghiệp, khách sạn nhà hàng, vận tải bưu chính viễn thông, tài chính tín dụng, kinh doanh bất động sản luôn có tốc độ tăng trưởng cao hơn tốc độ tăng trưởng của ngành. Hà Nội đã phát huy thế mạnh của một trung tâm thương mại, dịch vụ lớn của vùng đồng bằng sông Hồng và của cả nước. Lĩnh vực thương mại tiếp tục được chú trọng phát triển. Hạ tầng thương mại được đầu tư. Tính đến năm 2016, trên địa bàn có 135 siêu thị, 28 trung tâm thương mại và 417 chợ. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ duy trì tăng trưởng khá, trung bình hàng năm tăng 23%.

2. Lĩnh vực vận tải hàng hóa và hành khách

Hoạt động vận tải hàng hóa và hành khách hiện nay phần nhiều được thực hiện qua đường bộ. Vận tải nói chung và vận tải ô tô nói riêng có vai trò thiết yếu đối với sản xuất và đời sống. Hiện nay ở nước ta, vận tải ôtô đảm nhiệm trên 90% tổng khối lượng vận chuyển hành khách và trên 70% tổng khối lượng vận chuyển hàng hóa.

Khối lượng hàng hóa vận chuyển trên địa bàn Hà Nội tăng mạnh qua các năm, chứng tỏ hoạt động kinh doanh thương mại cũng như vận tải hàng hóa của Hà Nội phát triển mạnh mẽ. Trong khi đó cơ sở vật chất hạ tầng phát triển chưa đồng bộ và còn hạn chế rất lớn về cả số lượng và chất lượng. Điều này sẽ gây áp lực lớn đến giao thông và an toàn giao thông trên địa bàn Thành phố.

3. Ảnh hưởng của phát triển thương mại dịch vụ đến an toàn giao thông

Ảnh hưởng của hoạt động mua bán hàng hóa đến an toàn giao thông gắn liền với tâm lý truyền thống về mua bán của người Việt Nam. Các hoạt động chợ, hoạt động mua bán hàng rong, mua bán hàng hóa, kinh doanh dịch vụ trên vỉa hè, lòng đường từ lâu đã trở thành một nét đặc trưng của Việt Nam và rõ nét nhất là ở các đô thị lớn như Hà Nội. Đường sá, vỉa hè được quy hoạch, xây dựng với mục đích chính là cung cấp phương thức giao thông nên chắc chắc không thể sử dụng cùng lúc làm nơi diễn ra hoạt động thương mại trao đổi hàng hóa. Ví dụ đơn giản nhất là hoạt động chợ đêm mỗi cuối tuần trên khu vực Hàng Đào. Chỉ khi cấm phương tiện giao thông qua lại mới có thể tiến hành hoạt động chợ, khi có phương tiện giao thông qua lại thì không có chợ. Thế nhưng văn hóa chợ cóc, hàng rong đã ăn sâu vào tâm lý người Việt, cùng với sự quản lý chưa chặt chẽ của các cơ quan ban ngành khiến cho chợ cóc, chợ lòng đường, họp chợ vỉa hè diễn ra một cách tràn lan.

Trong năm 2016, theo báo cáo của Sở Công Thương Thành phố Hà Nội, UBND các quận, huyện, thị xã đã triển khai giải tỏa 150 tụ điểm chợ cóc trên địa bàn thành phố, góp phần giữ gìn trật tự và văn minh đô thị thủ đô. Thế nhưng chỉ qua dịp Tết Nguyên đán 2017, qua số liệu thống kê, có 100/150 các tụ điểm chợ cóc trao đổi hàng hóa đã tiếp tục hoạt động trở lại gây ảnh hưởng đến tình hình giao thông. Hoạt động mua bán hàng hóa, trao đổi hàng hóa gây ảnh hưởng rất lớn đến tình trạng giao thông. Chợ cóc gây tắc đường, cản trở giao thông, hàng rong gây nguy hiểm cho người tham gia giao thông, mua bán hàng hóa, cung cấp dịch vụ trên vỉa hè, lòng đường gây mất cảnh quan, lấn chiếm vỉa hè gây nguy hại đến hoạt động di chuyển khi tham gia giao thông.

III. Giải pháp giảm thiểu tác động tiêu cực của phát triển thương mại đến an toàn giao thông

1. Trong lĩnh vực thương mại

Đầu tiên, phát triển hệ thống logistic nhằm nâng cao hiệu quả của việc vận chuyển hàng hóa trong nội đô, nhưng vẫn đảm bảo an toàn giao thông và văn minh đô thị.

Thứ hai, xây dựng các khu ẩm thực để di dời các hàng quán vỉa hè, lề đường về đó. Trong thời gian đầu, cần có các chính sách khuyến khích người bán hàng như miễn phí thuê mặt bằng, giảm thuế thu nhập… đồng thời có chế tài nghiêm khắc với các trường hợp vẫn bán hàng trên vỉa hè, lòng đường.

Thứ ba, tăng thuế tiêu thụ với các mặt hàng rượu, bia đồng thời có nhiều biện pháp phối hợp để hạn chế sử dụng rượu, bia nơi công cộng. Tăng cường tuyên truyền, giáo dục người dân về việc không uống rượu, bia khi lái xe.

2. Trong lĩnh vực giao thông vận tải

Thứ nhất, giảm lưu lượng phương tiện giao thông cá nhân vào các giờ cao điểm: xe tải > 2,5 tấn chỉ được vào thành phố sau 20 giờ đến 5 giờ sáng hôm sau. Xây dựng cầu vượt tại các nút giao thông quan trọng của thành phố cho xe cộ hoặc đường hầm dành cho người đi bộ tại các đường có chiều rộng lớn. Việc xây dựng, sửa chữa đường phải được tiến hành vào các thời điểm thích hợp như ban đêm. Giải quyết dứt điểm các nút cổ chai, cũng như hiện tượng lấn chiếm vỉa hè, lòng đường với bất kỳ mục đích gì.

Thứ hai, tiếp tục nâng cao năng lực quản lý giao thông đô thị, hoàn chỉnh hệ thống giao thông bằng đèn tín hiệu và biển báo, tổ chức phân luồng hợp lý tại các tuyến đường, cũng như các nút giao thông.

Thứ ba, xác định rõ tầm quan trọng của của việc phát triển hệ thống giao thông công cộng trong một đô thị hiện đại,điều chỉnh quy hoạch chung đã khẳng định rõ quan điểm: Để đáp ứng nhu cầu đi lại cho người dân thủ đô trong tương lai phải lấy phát triển hệ thống giao thông công cộng làm trung tâm với nhiều loại hình vận tải như: xe buýt, taxi, và đường sắt.

Mạng lưới tuyến xe buýt phải bao gồm nhiều tuyến bao phủ, khoảng cách đi bộ của hành khách từ nhà cũng như từ cơ quan làm việc đến bến đỗ nhà chờ xe buýt tối đa là 500m. Cải thiện tốc độ xe buýt, trên các trục đường chính mật độ dòng xe hỗn hợp đông cần dành làn ưu tiên cho xe buýt. Hơn thế nữa, Nhà nước phải hỗ trợ việc phát triển vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt thông qua các chính sách như sau:

Nhà nước đầu tư 100% kinh phí cho các trạm đỗ dọc đường, các bến đầu, cuối, hỗ trợ vốn đầu tư mua sắm phương tiện.

Áp dụng mức thuế suất bằng 0% đối với các loại thuế sau đây: Thuế nhập khẩu phương tiện trong các năm đầu, các loại vật tư, trang thiết bị, phụ tùng của các phương tiện vận tải hành khách công cộng, các loại thuế khác.

Nếu cân đối các hoạt động kinh doanh mà thu không đủ bù chi, đề nghị Nhà nước có hỗ trợ sau chi phí bằng cách trợ giá cho các doanh nghiệp khai thác xe buýt đô thị hoặc trợ giá trực tiếp cho hành khách đi xe buýt.

Thứ tư, giáo dục, tuyên truyền ý thức xây dựng một hệ thống giao thông đô thị văn minh, hiện đại để người dân có ý thức tôn trọng pháp luật, ưa thích sử dụng phương tiện giao thông công cộng.

Thứ năm, làm tốt công tác thanh tra, kiểm tra việc cấp giấy phép lái xe và kiên quyết xử lý đối với trường hợp vi phạm luật lệ an toàn giao thông, từ đó làm công cụ răn đe đối với các đối tượng khác.

Thứ sáu, tăng cường xã hội hóa các hạng mục giao thông đô thị để huy động mọi nguồn vốn nhằm xây dựng và phát triển hệ thống giao thông nhưng phải đảm bảo sử dựng nguồn vốn một cách hiệu quả.

TÀI LIỆU THAM KHẢO:

1. Tổng cục Thống kê: http://www.gso.gov.vn

2. Cục Thống kê Thành phố Hà Nội: http://www.thongkehanoi.gov.vn

3. Bộ Công Thương: http://www.moit.gov.vn

4. Bộ Giao thông vận tải: http://www.mt.gov.vn

IMPACT OF BUSINESSES ON TRAFFIC SAFETY IN HANOI

MA. PHAN THI THANH HOA

Faculty of Business Administration

National Economics University

ABSTRACT:

Currently, in Hanoi, businesses like trade, catering service, logistic significantly affect the City's traffic safety. Beside other factors such as infrastructure, awareness of traffic participants, etc., commercial activities are one of the factors that directly affect the traffic situation of the city. The article discuss the effect of these activities and solutions to overcome them.

Keywords: Business, traffic safety, urban development, Hanoi, etc.

Xem tất cả ấn phẩm Các kết quả nghiên cứu khoa học và ứng dụng công nghệ số 06 tháng 05/2017 tại đây