Áp dụng Chuẩn mực báo cáo tài chính quốc tế (IFRS) tại Việt Nam

THS. NGUYỄN THỊ THU HÀ (Khoa Kế toán - Trường Đại học Kinh tế - Kỹ thuật công nghiệp)

TÓM TẮT:

Việc áp dụng Chuẩn mực báo cáo tài chính quốc tế (IFRS) đang mở ra một thời kỳ mới làm thay đổi cách ghi nhận, đo lường và trình bày các yếu tố trên Báo cáo tài chính (BCTC) của doanh nghiệp (DN), tạo ra một ngôn ngữ chung với lĩnh vực kế toán cũng như tạo cơ hội cho sự phát triển của thị trường vốn, tăng tính minh bạch của BCTC để bảo vệ lợi ích của các cổ đông. Tuy nhiên, việc áp dụng IFRS là một thách thức về mức độ phát triển của thị trường, trình độ năng lực chuyên môn, ngoại ngữ đối với nhân viên kế toán, kiểm toán, của cả các nhà đầu tư và nhà quản lý. Điều này đòi hỏi sự nỗ lực không nhỏ từ phía các DN và những người làm công tác kế toán. Đồng thời còn là sự phối hợp đồng bộ của Chính phủ, các Cơ quan ban ngành, nhằm điều chỉnh môi trường kinh tế, pháp luật đáp ứng hội nhập kinh tế quốc tế, các cơ sở đào tạo xây dựng chương trình đào tạo IFRS một cách có hệ thống. Bài viết bàn về việc áp dụng Chuẩn mực báo cáo tài chính quốc tế (IFRS) tại Việt Nam.

Từ khóa: Báo cáo tài chính, chuẩn mực báo cáo tài chính quốc tế, chuẩn mực báo cáo tài chính Việt Nam.

1. Đặt vấn đề

Phương pháp IFRS áp dụng tại các quốc gia rất đa dạng, có quốc gia cho phép áp dụng cho cả BCTC riêng của DN và BCTC hợp nhất của tập đoàn, nhưng có quốc gia chỉ áp dụng IFRS cho BCTC hợp nhất. Việc cho phép áp dụng IFRS hay không tùy thuộc vào điều kiện phát triển và tình hình thực tế của từng quốc gia. Tuy nhiên, định hướng chung là áp dụng IFRS cho các đơn vị có lợi ích công chúng, còn đối với các đơn vị không có lợi ích công chúng thường áp dụng chuẩn mực báo cáo tài chính quốc gia hoặc có thể tự nguyện áp dụng IFRS

Trong khoảng thời gian từ năm 2000 đến 2005, Việt Nam đã ban hành 26 Chuẩn mực báo cáo tài chính Việt Nam (VAS) bằng cách vận dụng có chọn lọc các quy định của chuẩn mực quốc tế phù hợp với điều kiện nền kinh tế và trình độ quản lý trong nước. So với giai đoạn chưa có chuẩn mực, VAS được đánh giá là bước tiến lớn trong sự nghiệp cải cách kế toán tại Việt Nam, là viên gạch đầu tiên trong quá trình hoàn thiện khuôn khổ pháp lý về kế toán, góp phần nâng cao tính minh bạch, trung thực của BCTC. VAS tại thời điểm đó đã phản ánh được nhiều giao dịch của nền kinh tế thị trường non trẻ, đặc biệt là các DN thuộc thành phần kinh tế tư nhân trong giai đoạn đầu những năm 2000, giúp các doanh nghiệp và người làm công tác kế toán nâng cao nhận thức, thay đổi thói quen và tiếp cận dần với công tác kế toán của nền kinh tế thị trường phù hợp với thông lệ quốc tế.

Tuy nhiên, vì đã được ban hành cách đây hơn 10 năm mà chưa được sửa đổi, bổ sung nên VAS đang ngày càng bộc lộ nhiều hạn chế, một số nội dung chưa phù hợp với các giao dịch của kinh tế thị trường trong giai đoạn mới, nhất là trong bối cảnh thị trường vốn phát triển mạnh mẽ, xuất hiện nhiều loại công cụ tài chính phức tạp. Hơn nữa, hiện nay Việt Nam mới ban hành được 26 VAS nên còn thiếu rất nhiều chuẩn mực so với thông lệ quốc tế như các chuẩn mực về nông nghiệp, về thăm dò và khai thác tài nguyên khoáng sản, về nhóm công cụ tài chính phái sinh, về giá trị hợp lý, về tổn thất tài sản,… Điều này dẫn đến khi các DN có phát sinh các giao dịch kinh tế thuộc nhóm các chuẩn mực này thì chưa có cơ sở pháp lý để thực hiện hạch toán kế toán làm khó khăn cho công tác kế toán của DN.

Hiện nay, Việt Nam đang trong quá trình cải cách hành chính và thể chế một cách mạnh mẽ, hoạt động đầu tư nước ngoài ngày càng trở nên sôi động, nhu cầu các DN Việt Nam niêm yết hoặc thu hút vốn trên thị trường nước ngoài ngày càng gia tăng. Đặc biệt thị trường tài chính nói chung và thị trường chứng khoán nói riêng đang có những bước chuyển mình mạnh mẽ, thu hút ngày càng nhiều các nhà đầu tư, tổ chức nước ngoài đến tìm kiếm cơ hội kinh doanh. Vì vậy, để đáp ứng yêu cầu quản lý của nền kinh tế trong giai đoạn mới, Chính phủ nên đẩy nhanh việc hoàn thiện khuôn khổ pháp lý về kế toán, góp phần thúc đẩy quá trình hội nhập kinh tế với khu vực và thế giới cũng như công cuộc cải cách thể chế tại Việt Nam.

Mặc dù Việt Nam đã ban hành 26 Chuẩn mực báo cáo tài chính (VAS), tuy nhiên do còn nhiều hạn chế và khác biệt với thông lệ quốc tế nên VAS chưa được thừa nhận rộng rãi, đặc biệt chưa đáp ứng được yêu cầu của các định chế quốc tế và nhà đầu tư nước ngoài. Mặt khác, trong bối cảnh hội nhập quốc tế, các quốc gia trên thế giới đang chuyển dần từ việc áp dụng Chuẩn mực quốc gia sang Chuẩn mực quốc tế để đảm bảo các DN có một tiếng nói chung phục vụ các nhà đầu tư trên phạm vi toàn cầu, vì vậy việc nghiên cứu, áp dụng IFRS sẽ mang lại lợi ích to lớn trên nhiều khía cạnh.

2. Những vấn đề gặp phải khi áp dụng IFRS tại một số quốc gia

- Malaysia

Malaysia có các điều kiện phù hợp cần thiết để trở thành một quốc gia phát triển. Là một trong những nước xuất khẩu mạch tích hợp, dầu cọ và dầu khí lớn của Đông Nam Á, tăng trưởng GDP của nước này dự báo sẽ ở mức dưới 5% đến năm 2018 và nền kinh tế này tương đối cởi mở.

Các chuẩn mực báo cáo tài chính Malaysia (MFRS) là bản sao chính xác của IFRS. Tan Bee Leng - Giám đốc điều hành của MASB, cho biết các vấn đề được đưa ra trong cuộc họp Nhóm các nền kinh tế mới nổi cách đây 6 năm đặc biệt có liên quan đến Malaysia bao gồm việc đo lường giá trị hợp lý của cây ăn quả/ sinh vật sinh sản. Vấn đề này cũng đã được thảo luận bởi các nhóm những người xây dựng Chuẩn mực quốc gia, như Nhóm các nhà xây dựng Chuẩn mực châu Á - châu Đại Dương và Diễn đàn quốc tế của các nhà xây dựng chuẩn mực Kế toán. Sau những phản hồi của Hội đồng Tiêu chuẩn Kế toán quốc tế về Tham vấn chương trình nghị sự năm 2011, Tiêu chuẩn về Nông nghiệp IAS 41 cuối cùng cũng đã được sửa đổi vào năm 2014. Các sửa đổi năm 2014 có nghĩa là cây trồng sinh trái được coi là tài sản thuộc phạm vi của Chuẩn mực Tài sản, Nhà máy và Thiết bị - IAS 16, nhưng sản phẩm của cây (trái cây/ quả) được coi là một tài sản sinh học và vẫn nằm trong phạm vi của IAS 41. MASB đặc biệt quan tâm đến sự sửa đổi này tới chuẩn mực IAS 41, bởi vì dầu cọ được làm từ cùi của quả cây cọ dầu.

Một vấn đề tương tự đã được nêu ra liên quan đến tài sản xây dựng. Ở đây, có sự bất đồng về việc liệu doanh thu đã được ghi nhận tại “một thời điểm” hay “dần dần trong một khoảng thời gian". Bee Leng cho biết: "Chúng tôi đã có những cuộc tranh luận đáng kể về vấn đề này và Viện Kế toán Malaysia đã xác định việc ghi nhận tài sản này là "dần dần trong một khoảng thời gian" đối với tài sản nhà ở”.

Là một khuôn khổ được xây dựng dựa trên IFRS, MFRS đã được thực thi tại Malaysia từ ngày 1 tháng 1 năm 2012 nhưng việc áp dụng cho các công ty nông nghiệp và phát triển bất động sản (các đối tượng chuyển tiếp) đã được hoãn lại. Tiếp theo việc sửa đổi IAS 41 và công bố một tiêu chuẩn mới về ghi nhận doanh thu, IFRS 15 Doanh thu từ các hợp đồng với Khách hàng, MFRS trở thành khuôn khổ duy nhất được áp dụng cho các tổ chức phi tư nhân từ ngày 1 tháng 1 năm 2018.

- IFRS ở những quốc gia khác trong khu vực

Các nền kinh tế mới nổi thường chỉ có một số lượng nhỏ các kế toán viên và nhà định giá chuyên nghiệp. "Ngay cả các nhóm định giá của nhiều tổ chức tài chính lớn chỉ bao gồm một vài cá nhân. Ngoài ra, nhiều thị trường không thiết lập hệ thống riêng của họ để nắm bắt cơ sở dữ liệu nhằm đo lường giá trị hợp lý" - Nhóm các nền kinh tế mới nổi (thành lập năm 2011) đã viết trong Hướng dẫn áp dụng Tiêu chuẩn đo lường Giá trị hợp lý ở các nền kinh tế mới nổi. Không chỉ có vậy, báo cáo của Nhóm các nền kinh tế mới nổi cũng giải thích về những ảnh hưởng trực tiếp từ sự thiếu hụt các kế toán viên chuyên nghiệp - "Các chi phí liên quan đến việc xác định giá trị hợp lý và chuẩn bị các báo cáo tài chính có thể cao hơn ở các nước phát triển, đặc biệt nếu các quốc gia đó không có nhiều nhân viên có trình độ để thực hiện các đánh giá theo yêu cầu”.

Tuy nhiên thách thức này dường như không cản trở việc áp dụng IFRS ở Đông Nam Á, trong đó có Việt Nam. Theo như báo cáo của Ngân hàng Thế giới về Sự tuân thủ các tiêu chuẩn và quy tắc đối với các nền kinh tế đang phát triển ở Đông Nam Á cho thấy rằng, Việt Nam đang làm việc với các chuẩn mực kế toán dựa trên các phiên bản IFRS từ năm 1999 đến 2004 và có kế hoạch chuyển sang IFRS hiện tại vào năm 2020.

Cũng tại Philippines, khi các Nguyên tắc kế toán được thừa nhận chung (GAAP) điều chỉnh theo IFRS đến một mức độ đáng kể trong năm 2004 và năm 2005, chỉ còn lại các câu hỏi duy nhất về những hỗ trợ trong việc tiếp cận các tiêu chuẩn cùng tài liệu hướng dẫn và nghiên cứu sử dụng ảnh hưởng của các tiêu chuẩn đó.

IASB muốn có phản hồi về những gì cần phải làm trong việc cung cấp các nguồn lực giáo dục và đào tạo, cũng như thực thi luật pháp, thông qua các cơ quan có thẩm quyền. Điều này xảy ra ở Việt Nam, nơi mọi thứ đang diễn ra nhanh chóng và Chính phủ đang làm việc với các bên liên quan để chuẩn bị cho IFRS. Tất nhiên, MoU này chỉ là một giai đoạn khác trong phát triển của một quá trình diễn ra liên tục.

3. Những khó khăn gặp phải khi áp dụng IFRS đối với các doanh nghiệp tại Việt Nam

Việc áp dụng IFRS, sẽ giúp Việt Nam đi đúng hướng với tầm nhìn Việt Nam 2035. Đặc biệt, trong khi Việt Nam hội nhập sâu vào nền kinh tế khu vực, tham gia Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP), Cộng đồng kinh tế Asian (AEC). Khi BCTC của các doanh nghiệp lập theo IFRS sẽ đem lại những lợi ích lớn giúp cho DN có cơ hội tiếp cận nguồn vốn, duy trì khả năng cạnh tranh, thông tin BCTC minh bạch hơn, dễ so sánh hơn, tin cậy hơn. Song nó cũng đặt ra không ít những thách thức nhất định, cụ thể:

Việc áp dụng IFRS ghi nhận giá trị tài sản của DN theo giá trị hợp lý trong khi điều kiện nền kinh tế Việt Nam là một trong những nước đang phát triển.

Một số chính sách, cơ chế, hướng dẫn và khung pháp lý chưa hoàn thiện, do vậy các DN thiếu căn cứ pháp lý để lập BCTC theo IFRS như việc tổn thất tài sản, công cụ tài chính phát sinh và một số kỹ thuật để thực hiện xác định tổn thất lợi thế thương mại… rất phức tạp sẽ gây ra không ít khó khăn cho DN.

Khi áp dụng IFRS đòi hỏi hệ thống kết nối thông tin và phần mềm kế toán của DN hiện đại đáp ứng được yêu cầu cập nhật thông tin nhanh chóng và kịp thời, nên các doanh nghiệp phải bỏ ra một khoản chi phí ban đầu rất lớn. Đồng thời, phải bỏ ra một khoản chi phí để đào tạo lại các nhân viên kế toán và điều này không phải DN nào cũng có thể đáp ứng ngay.

Trình độ năng lực chuyên môn và ngoại ngữ của nhân viên kế toán nhiều DN chưa đáp ứng để áp dụng ngay IAS/IFRS. Nhất là khi áp dụng theo IFRS thì sự linh hoạt, sử dụng nhiều ước tính kế toán ở Việt Nam lại bị ảnh hưởng bởi văn hóa khuôn mẫu, nguyên tắc, theo hướng dẫn vốn rất thận trọng. Bên cạnh đó, IFRS rất phức tạp thậm chí kể cả đối với các chuyên gia trong lĩnh vực kế toán tài chính.

Việc áp dụng IFRS đòi hỏi cả nhà quản lý và người sử dụng BCTC, các nhà đầu tư cần được đào tạo và có trình độ thích hợp để có thể đọc và hiểu các thông tin trên BCTC, từ đó đưa ra các quyết định kinh tế phù hợp.

Các cơ sở đào tạo tại Việt Nam chưa có chương trình đạo tạo về IFRS một cách có hệ thống. Hiện mới có một số tổ chức nghề nghiệp quốc tế như Hiệp hội Kế toán công chứng Anh Quốc (ACCA), Hiệp hội Kế toán Công chứng Australia (CPA Australia), Viện Kế toán Công chứng Anh và xứ Wales có chương trình đào tạo cho một số học viên và một số công ty kiểm toán như các công ty trong Bigs 4 mới chỉ đào tạo cho nhân viên trong công ty. Dẫn đến nguồn lực lao động kế toán am hiểu về IFRS hiện tại đối với các DN đang còn thiếu và hạn chế.

Đối với các bộ cơ quan thuế cũng chưa nắm rõ về IFRS nên dẫn đến khi làm theo bị chênh lệch giữa thu nhập chịu thuế và lợi nhuận kế toán điều đó sẽ gây ra tranh luận cho cả DN và cơ quan thuế.

Các chuẩn mực của IAS/IFRS vẫn trong giai đoạn cập nhật, sửa đổi, bổ sung, do đó đòi hỏi một khoản chi phí không nhỏ để theo dõi, biên soạn, ban hành, hướng dẫn áp dụng các chuẩn mực mới. Đặc biệt là, khi trình độ ngoại ngữ của đội ngũ kế toán hạn chế sẽ khiến doanh nghiệp gặp không ít khó khăn.

TÀI LIỆU THAM KHẢO:

  1. Lộ trình áp dụng IFRS tại Việt Nam đến năm 2030.
  2. Đề án áp dụng IFRS tại Việt Nam theo Quyết địnhsố 480/QĐ- TTg.
  3. http://www.vacpa.org.vn/

Implementing International Financial Reporting Standards in Vietnam

Master. Nguyen Thi Thu Ha

Faculty of Accounting

University of Economics - Technology for Industries

ABSTRACT:

The application of International Financial Reporting Standards (IFRS) is opening a new era that changes the way of recording, measuring and presenting elements on financial statements in Vietnam, creating opportunities for the development of Vietnam’s capital market and increasing the transparency of financial statements to protect shareholders' interests. However, the application of IFRS is a challenge in Vietnam in the context of current development level of Vietnam’s market, professional competence and foreign language fluency of Vietnamese accountants, auditors, managers and also investors. It requires significant efforts from businesses and accountants in order to implement the IFRS. It also requires a synchronous coordination of the government and state agencies to adjust Vietnam’s economic and legal environment to meet the requirements of the process of international economic integration and to help training institutions to build IFRS training programs in a systematic way. This article discusses the application of the IFRS in Vietnam.

Keywords: Financial statements, International Financial Reporting Standards, Vietnamese Financial Reporting Standards.