Nhóm cải tiến “Nhân rộng mô hình cải tiến năng suất 5S từ Văn phòng ra lưới điện” của EVNNPC được triển khai, thực hiện từ năm 2018, lấy Công ty Điện lực Thái Nguyên làm mẫu và triển khai đoạn đường dây mẫu tại Thái Nguyên.

Dự án cải tiến hướng đến các mục tiêu chính: giúp cán bộ, công nhân viên và người lao động hình thành thói quen làm việc chuyên nghiệp, hiệu quả.

Cùng với đó, thông qua mô hình 5S, sẽ sàng lọc, loại bỏ các vật tư, thiết bị không cần thiết, xây dựng nguyên tắc sắp xếp khoa học các khu vực lưới điện, trụ sở làm việc; đảm bảo các công việc hàng ngày trong hoạt động sản xuất kinh doanh của Tổng công ty được điều hành và tổ chức thực hiện một cách khoa học.

Đặc biệt, mô hình 5S từ Văn phòng ra lưới điện còn hướng tới đảm bảo lưới điện trên địa bàn của EVNNPC được tiêu chuẩn hóa về cách thức quản lý , mỹ quan trong thiết kế, thi công, lắp đặt các thiết bị trên lưới...

Để thực hiện Dự án cải tiến này, EVNNPC đã lên kế hoạch phân chia giai đoạn thực hiện. Theo đó, ở giai đoạn 6 tháng cuối năm 2018, EVNNPC đã thành lập lại ban chỉ đạo triển khai 5S từ Văn phòng ra lưới điện; khảo sát, đánh giá lại hệ thống quản lý theo tiêu chuẩn 5S của các đơn vị thành viên; chuẩn hóa giáo trình đào tạo, phương pháp tư vấn; xây dựng bộ tiêu chí 5S đối với lưới điện; xây dựng mô hình 5S mẫu tại Công ty Điện lực Thái Nguyên.

Dự án cải tiến “Nhân rộng mô hình cải tiến năng suất 5S từ Văn phòng ra lưới điện” tại EVNNPC đang tham gia Cuộc thi Nhóm cải tiến năng suất chất lượng ngành Công Thương năm 2020.

Trong năm 2019, EVNNPC nhằm nhân rộng mô hình 5S từ Văn phòng ra lưới điện, EVNNPC đã tổ chức nhiều Chương trình, hội thảo để giới thiệu mô hình 5S mẫu, hướng dẫn các đơn vị thành viên triển khai, thực hiện.

Theo kế hoạch, đến tháng 6/2019 các đơn vị sẽ thực hiện xong toàn bộ các phần đường dây mẫu, đoạn đường dây mẫu, các trạm biến áp kiểu mẫu và đánh giá kiểm tra chéo.

Trong năm 2019, các đơn vị thành viên trong Tổng công ty hoàn thành mô hình 5S mẫu đối với tất cả trạm 110 kV.

Đối với đường dây 110 kV từng đơn vị chia ra theo km quản lý đường dây, trung bình mỗi đơn vị có từ 2 đến 3 đường dây 110 kV để làm mô hình mẫu, sau khi xây dựng xong sẽ đánh giá và triển khai đồng bộ trong thời gian tiếp theo.

evnnpc
Mô hình 5S từ Văn phòng ra lưới điện còn hướng tới đảm bảo lưới điện trên địa bàn của EVNNPC được tiêu chuẩn hóa về cách thức quản lý , mỹ quan trong thiết kế, thi công, lắp đặt các thiết bị trên lưới...

Theo đánh giá của lãnh đạo EVNNPC, hiện nay, Tổng Công ty và các đơn vị thành viên đều thực hiện tốt hệ thống 5S từ Văn phòng ra lưới điện. Nhờ đó, khu vực làm việc tại Tổng Công ty và các đơn vị đã trở lên khang trang sạch đẹp, cảnh quan cải thiện rõ rệt, ý thức của người lao động được nâng cao.

Tính đến tháng 7/2020, EVNNPC cùng các đơn vị thành viên đã triển khai mô hình 5S ở 129 TBA 110kV, đạt 49% so với kế hoạch; thực hiện mô hình 5S trên 2.572km đường dây 110kV đạt 45% kế hoạch; thực hiện được 5.581km đường dây 35kV đạt 13% so với kế hoạch…

Căn cứ các tiêu chí đánh giá 5S lưới điện của EVNNPC ban hành, Tổng Công ty cũng như các đơn vị thành viên đã thực hiện rà soát, bổ sung đầy đủ các hồ sơ pháp lý công trình điện như: Lý lịch quản lý kỹ thuật, Biên bản thỏa thuận thống nhất mặt bằng xây dựng, các sổ sách theo dõi công tác quản lý kỹ thuật, các quy trình, quy định có liên quan, mặt khác triển khai công tác cải tạo, sửa chữa lớn lưới điện theo đúng phương án cải tạo 5S đã được phê duyệt.

Theo đó, hiện tại, EVNNPC cũng như nhiều đơn vị thành viên đã thực hiện nhân rộng công tác 5S cho các hạng mục thiết bị TBA, đường dây trung, hạ áp. Trong đó có 39 trạm biến áp trung gian (đạt 24% so với kế hoạch); 27.388 trạm biến áp phân phối (đạt 75% so với kế hoạch) đã được cải tạo, sửa chữa lớn theo tiêu chí 5S.

Rất nhiều đường dây thông tin đi chung cột đã được bó gọn, EVNNPC cũng như các đơn vị thành viên đã lắp đặt bổ sung các biển báp pha theo tiêu chuẩn,tháo gỡ thiết thừa trên lưới, lắp đặt lại dây ra và các hộp công tơ, bổ sung hộp AB đóng cắt cho từng cột hạ thế. Đến nay, các dự án đã hoàn thiện và phát huy hiệu quả góp phần đảm bảo mỹ quan đô thị đồng thời hạn chế các sự cố phát sinh trên lưới điện, nâng cao độ tin cậy lưới điện.

Phát huy những kết quả đạt được, thời gian tới, để mô hình 5S từ Văn phòng ra lưới điện được duy trì thường xuyên và từng bước trở thành văn hóa doanh nghiệp, hàng  tháng, các cán bộ thường trực 5S tại Tổng Công ty và các đơn vị trực thuộc duy trì thường xuyên công tác tổ chức kiểm tra, đánh giá các nội dung 5S tại các bộ phận.

Đặc biệt, hàng quý, Ban chỉ đạo 5S của EVNNPC cũng như các đơn vị tổ chức kiểm tra và chấn chỉnh công tác 5S tại các đơn vị có chấm điểm theo tiêu chí 5S. Ngoài văn phòng làm việc mỗi đơn vị phòng, ban đều được phân công khu vực thực hiện 5S. Toàn bộ diện tích xung quan văn phòng, khuôn viên công ty đều được phân công cho từng bộ phận và được người lao động thực hiện đều đặn hàng tuần.

Như vậy, có thể thấy, từ khi áp dụng thực hiện Dự án cải tiến “Nhân rộng mô hình cải tiến năng suất 5S từ Văn phòng ra lưới điện” tại EVNNPC cũng như các đơn vị thành viên đã có hiệu quả rõ rệt, đặc biệt trong việc giảm thiểu tối đa các sự cố lưới điện.

Quan trọng hơn, sau khi áp dụng Hệ thống 5S, nhận thức của cán bộ, nhân viên của cán bộ công nhân viên, người lao động đã có sự thay đổi theo chiều hướng tích cực, tạo thành phong trào thi đua sôi nổi trong Tổng Công ty, từ đó khích lệ được các bộ phận hăng say thi đua lao động, góp phần cùng EVNNPC hoàn thành thắng lợi nhiệm vụ chính trị được giao hàng năm.

Cuộc thi do Vụ Khoa học và Công nghệ (Bộ Công Thương) và Tạp chí Công Thương tổ chức nhằm ghi nhận và tôn vinh những nỗ lực, đóng góp của các Nhóm cải tiến với mục tiêu nâng cao năng suất và chất lượng tại doanh nghiệp, đồng thời tuyên truyền, thúc đẩy mở rộng việc áp dụng cải tiến năng suât cho các doanh nghiệp trong toàn ngành Công Thương.

Cuộc thi Nhóm cải tiến năng suất chất lượng ngành Công Thương nằm trong khuôn khổ các hoạt động tổng kết Dự án Nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm, hàng hóa ngành công nghiệp được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 604/QĐ-TTg ngày 22 tháng 05 năm 2012 do Bộ Công Thương chủ trì thực hiện. Dự án được triển khai trong giai đoan 2012 - 2020 với 5 nhiệm vụ chính: (1) Phổ biến, tuyên truyền về nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm, hàng hóa; (2) Xây dựng tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật; (3) Áp dụng hệ thống quản lý, mô hình, công cụ cải tiến năng suất, chất lượng, ứng dụng tiến bộ khoa học và đổi mới công nghệ; (4) Áp dụng hệ thống quản lý, mô hình, công cụ cải tiến năng suất, chất lượng, ứng dụng tiến bộ khoa học và đổi mới công nghệ; (5) Nâng cao năng lực quản lý chất lượng sản phẩm, hàng hóa công nghiệp chủ lực.

Vòng Chung kết Cuộc thi Nhóm cải tiến Năng suất chất lượng ngành Công Thương năm 2020 sẽ diễn ra vào sáng 21/12/2020 tại Trung tâm Hội nghị Quốc tế, 11 Lê Hồng Phong, Hà Nội.

Mọi thông tin chi tiết về Cuộc thi Nhóm cải tiến Năng suất chất lượng ngành Công Thương năm 2020 xin truy cập website tapchicongthuong.vn hoặc Fanpage https://www.facebook.com/nangsuatvachatluong để biết thêm thông tin chi tiết.