Áp dụng hợp đồng hành chính trong quản lý nhà nước

TS. Đào Đăng Kiên (Nguyên Phó Trưởng khoa Quản lý nhà nước về kinh tế, Học viện Hành chính Quốc gia, Cơ sở tại TP. Hồ Chí Minh)

Tóm tắt:

Trong bối cảnh của nền kinh tế thị trường và hội nhập quốc tế hiện nay ở nước ta, hợp đồng hành chính và các dạng khác là hợp đồng xây dựng, kinh doanh, chuyển giao (BOT), hay hợp đồng đối tác công - tư (PPP) trong nhiều năm gần đây đã được sử dụng và đóng vai trò quan trọng trong phát triển cơ sở hạ tầng, các cơ sở sản xuất công nghiệp, nông nghiệp ở các nước trên thế giới, nhất là các nước đang phát triển. Bởi vì, hệ thống quá trình hình thành các loại hợp đồng, các dạng của hợp đồng hành chính và hình thức quản lý nhà nước đã và đang được sử dụng có hiệu quả trong quản lý hành chính nhà nước đối với các hoạt động đầu tư cơ sở hạ tầng và phát triển các lĩnh vực kinh tế - xã hội.

Từ khóa: Hợp đồng hành chính, quản lý nhà nước.

1. Quá trình hình thành hợp đồng hành chính

1.1. Khái quát quá trình hình thành hợp đồng hành chính

Vào thời kỳ hoàng kim của đế chế La Mã, do có nhiều phát sinh dân sự phong phú và đa dạng của nền kinh tế phát triển, chỉ xuất hiện các dạng hợp đồng cụ thể và thông dụng, đó là, các dạng hợp đồng mua - bán (empitio-venditio), hợp đồng trao đổi (permutatio), hợp đồng cho vay (mutuum), hợp đồng gửi giữ (depositum), hợp đồng cầm cố (fiducia), hợp đồng thuê - mướn (locatio-conductio), hợp đồng ủy thác (mandatum), hợp đồng liên doanh (societas).

Ngày nay, cùng với thời gian, chế định hợp đồng được tiếp nhận như một phần "trí tuệ thành văn", các dạng hợp đồng ngày càng phát triển và được khẳng định do nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội của loài người. Hình thành các dạng hợp đồng thương mại, hợp đồng dân sự, hợp đồng lao động, hợp đồng đối tác công - tư để xây dựng cơ sở hạ tầng và hợp đồng hành chính

Cơ sở hạ tầng hiểu theo nghĩa rộng bao gồm cơ sở hạ tầng kinh tế (như hệ thống giao thông, nhà máy điện, nhà máy xử lý rác...) và cơ sở hạ tầng xã hội (như trường học, cơ sở y tế, trung tâm thương mại...). Mặc dù nhóm chuyên gia của Ủy ban quốc gia về nghiên cứu kinh tế thực định của Ấn Độ đã xác định bản chất cơ sở hạ tầng là có thể "thương mại hóa", nghĩa là tất cả các loại hình cơ sở hạ tầng kinh tế và xã hội đều có thể thực hiện thông qua hợp đồng BOT và được hoàn trả bởi nguồn thu từ việc vận hành dự án. Nhưng ở mỗi nước lại có những quy định khác nhau về phạm vi cơ sở hạ tầng với tư cách là đối tượng của hợp đồng BOT. Một số nước như Anh, Ấn Độ không giới hạn phạm vi cơ sở hạ tầng có thể thực hiện theo hợp đồng BOT, theo đó đối tượng của hợp đồng BOT không bị giới hạn cơ sở hạ tầng kinh tế mà còn bao gồm cả cơ sở hạ tầng xã hội.

Trong khi đó, một số nước khác lại dè dặt trong việc quy định phạm vi cơ sở hạ tầng có thể thực hiện thông qua hợp đồng BOT chỉ bao gồm cơ sở hạ tầng về mặt kinh tế, kỹ thuật, mà không thừa nhận các đối tượng cơ sở hạ tầng xã hội như trường học, bệnh viện... Việt Nam cũng quy định theo hướng hạn chế phạm vi cơ sở hạ tầng có thể thực hiện theo hợp đồng BOT. Điều này ít nhiều hạn chế sự lựa chọn cũng như cơ hội đầu tư của khu vực tư nhân thông qua hợp đồng BOT. Nguyên nhân của những quy định này là vì Nhà nước xuất phát từ vai trò quản lý xã hội của mình vẫn muốn chi phối những lĩnh vực đặc biệt quan trọng ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe người dân (bệnh viện) và đến tương lai đất nước (giáo dục).

Quá trình phát triển kinh tế - xã hội trong bối cảnh phát triển, đòi hỏi phải có các công cụ quản lý hành chính phù hợp, hiện nay ở nước ta và trên thế giới cách tiếp cận về tên gọi các loại hình hợp đồng rất khác nhau và trong tương lai gần sự thống nhất tên gọi chưa thể thống nhất được. Có quan điểm gọi là: Hợp đồng trách nhiệm, hợp đồng Đối tác công - tư, hợp đồng B.O.T, hợp đồng chủ thể, hợp đồng tài chính và hợp đồng hành chính.

1.2. Khái niệm hợp đồng hành chính

Thuật ngữ hợp đồng hành chính được sử dụng khá phổ biến trong pháp luật và khoa học pháp lý ở châu Âu cùng nhiều quốc gia khác và được áp dụng khá phổ biến trong thực tiễn.

Pháp luật hành chính của Pháp về hợp đồng hành chính được quy định trong nhiều văn bản pháp luật khác nhau. Ví dụ: Theo Sắc luật ngày 17/6/1938 các hợp đồng sử dụng công sản, công quản bắt buộc mang tính chất hợp đồng hành chính; tất cả những hợp đồng được giao kết theo quy định của Bộ pháp điển về giao thầu công là hợp đồng hành chính; hợp đồng hợp tác công - tư là hợp đồng hành chính được quy định tại Pháp lệnh ngày 17/6/2004… Ngoài những trường hợp do luật định, theo quan điểm án lệ, một hợp đồng thỏa mãn hai điều kiện sau thì được tòa án công nhận là hợp đồng hành chính: Thứ nhất, một bên giao kết hợp đồng là pháp nhân công pháp; Thứ hai, do mục đích hoặc nội dung hợp đồng thể hiện ý định của cơ quan hành chính nhà nước là tránh áp dụng quy định chung của pháp luật.

Martine Lombard và Gilles Dumont, các tác giả cuốn sách: "Pháp luật hành chính của Cộng hòa Pháp" khi viết về hợp đồng hành chính đã đưa ra các tiêu chí để xác định một hợp đồng hành chính, bao gồm: Một bên giao kết hợp đồng phải là pháp nhân công pháp, đây là tiêu chí về chủ thể hợp đồng; hợp đồng giao kết giữa hai pháp nhân công pháp là hợp đồng hành chính; về nội dung, hợp đồng đó phải liên quan đến việc thực hiện một dịch vụ công, hoặc hợp đồng có những điều khoản vượt ra khỏi quy định chung của pháp luật - pháp luật dân sự; hợp đồng giao kết nhằm tổ chức thực hiện một dịch vụ công được gọi là hợp đồng hành chính. Với quan niệm này, các tác giả chia hợp đồng hành chính thành các loại: hợp đồng giao thầu công chính (còn gọi là hợp đồng thầu khoán); hợp đồng ủy quyền thực hiện dịch vụ công; hợp đồng hợp tác công - tư.

Hợp đồng hành chính là một công cụ trong quản lý hành chính nhà nước và nó không chỉ là công cụ để cơ quan hành chính nhà nước mở rộng, thu hút sự tham gia của các thành phần kinh tế vào các hoạt động cung cấp dịch vụ công, vào các công trình xây dựng cơ bản, giao thông công chính nhằm đáp ứng nhu cầu về số lượng và chất lượng dịch vụ ngày càng gia tăng của các tầng lớp xã hội, mà nó còn là công cụ hành chính nhằm quản lý chặt chẽ, hạn chế thất thoát, lãng phí, tiêu cực trong quá trình phát triển kinh tế xã hội hiện nay.

Như vậy có thể nhận thấy hợp đồng hành chính có nội hàm, thứ nhất là thuật ngữ chức năng, thứ hai là thuật ngữ định danh và thứ ba là thuật ngữ công cụ.

1.2.1. Hình thức quản lý của nhà nước thông qua hợp đồng hành chính

Hợp đồng là văn bản pháp lý được ký kết giữa các bên tham gia. Việc ký kết hợp đồng là hình thức hoạt động của cá nhân, tổ chức, cơ quan, bởi vì thông qua việc ký kết các hợp đồng mà các chủ thể hợp đồng tham gia vào những quan hệ pháp luật nhất định.

Trong Bộ luật Dân sự, Bộ luật Lao động, Luật Thương mại… đều coi hợp đồng là sự thỏa thuận của các bên tham gia hợp đồng. Để hình thành được một bản hợp đồng, các bên tham gia đều phải đi qua con đường "thỏa thuận", "thống nhất" với nhau về nội dung hợp đồng, về quyền và nghĩa vụ của các bên trong quan hệ hợp đồng. Với cách tiếp cận này, hợp đồng là phương tiện để đạt được mục tiêu nhất định của các bên tham gia quan hệ hợp đồng.

Trong lĩnh vực hành chính, để đạt được mục tiêu, mục đích của quản lý các quá trình xã hội, các cơ quan hành chính nhà nước thực hiện các loại hoạt động khác nhau (trong khoa học luật hành chính, khoa học quản lý thường gọi là hình thức hoạt động - hình thức của quản lý), đó là hoạt động mang tính pháp lý - ban hành các quyết định hành chính (quyết định chủ đạo, quyết định quy phạm, quyết định cá biệt, cụ thể) và hoạt động ít hay không mang tính pháp lý (tiến hành nghiên cứu, đánh giá, tổng kết thực tiễn, hội họp...). Trong các hình thức pháp lý luôn thể hiện tính mệnh lệnh, quyền lực, sự phục tùng ở các mức độ khác nhau. Trong một số trường hợp, để đạt được mục tiêu, mục đích của hoạt động hành chính, đáp ứng những nhu cầu cần thiết cho cộng đồng, bộ máy nhà nước (chủ yếu là bộ máy hành chính nhà nước) ký kết các hợp đồng khác nhau.

Trong quan hệ hợp đồng giữa cơ quan nhà nước và bên ký kết đều có sự thỏa thuận, nhưng trong một số trường hợp cơ quan nhà nước lại có những "đặc quyền" thể hiện ưu thế đối với bên khác khi xác định nội dung hợp đồng, trên cơ sở các quy định của pháp luật hành chính. Trong một số trường hợp, khi giao kết hợp đồng với các chủ thể khác, cơ quan nhà nước đại diện cho công quyền để ký kết, vì vậy, hợp đồng hành chính như là gạch nối giữa quan hệ dân sự, lao động, kinh tế với quan hệ hành chính.

Như vậy, trong hoạt động của cơ quan hành chính nhà nước, hay những cơ quan khác của nhà nước, ngoài những hoạt động xây dựng và ban hành các quyết định pháp luật, thực hiện các hoạt động mang tính tổ chức, tác nghiệp kỹ thuật còn thực hiện việc ký kết hợp đồng để giải quyết những vấn đề phát sinh trong hoạt động hành chính nhà nước. Do đó, hợp đồng hành chính được xem xét là hình thức của hoạt động hành chính nhà nước.

Mặt khác, hợp đồng hành chính trở thành chuẩn mực điều chỉnh quan hệ giữa pháp nhân công pháp - một bên ký kết hợp đồng với bên khác trong quan hệ là cá nhân, tổ chức, cơ quan công quyền khác. Chính vì vậy, Luật Hành chính Nga coi "hợp đồng liên bang và hợp đồng hành chính là nguồn của Luật Hành chính” (Hợp đồng liên bang là hợp đồng được ký kết giữa các chủ thể liên bang về một vấn đề nào đó mà các chủ thể này quan tâm cùng giải quyết, các hợp đồng hành chính được coi là nguồn của pháp luật để điều chỉnh các quan hệ giữa các bên trong hợp đồng).

1.2.2. Các dạng hợp đồng hành chính đã và đang áp dụng trong quản lý ở Việt Nam

Thứ nhất, PPP - Một dạng của hợp đồng hành chính, PPP hay hợp đồng hành chính trên thực tế đã xuất hiện ngay sau đổi mới dưới dạng các hợp đồng BOT, BTO... Trong thời gian gần đây, vấn đề hợp tác công tư (Public - Private - Partnership) viết tắt là PPP, được dư luận quan tâm dưới góc độ là một phương thức đầu tư. Tuy nhiên, PPP theo nghĩa rộng còn bao gồm cả hình thức hợp tác ở chiều ngược lại, trong đó tư nhân không phải là bên cung cấp dịch vụ, thu tiền, mà tư nhân với tư cách là bên sử dụng dịch vụ và trả tiền cho nhà nước theo những thỏa thuận ad-hoc (thỏa thuận riêng, mang tính vụ việc), không tuân theo mức phí và điều kiện chung. Ví dụ: Việc lính thông tin đi kéo đường dây, lắp thiết bị cho các công ty viễn thông, cảnh sát bảo vệ cho các ngân hàng. Các thỏa thuận này được các luật gia luật hành chính các nước thuộc hệ thống châu Âu lục địa (bao gồm Nga và Việt Nam) gọi là hợp đồng hành chính.

Nhưng các quy định pháp lý chuyên biệt để điều chỉnh loại quan hệ này xuất hiện muộn hơn và còn sơ sài. Điều này, dẫn tới nhà đầu tư không tránh khỏi những rủi ro, va đập pháp lý. Trong số các rủi ro đó bao gồm rủi ro biến động chính sách qua hàng chục năm thực hiện dự án PPP; rủi ro không có cơ chế giải quyết tranh chấp hữu hiệu; rủi ro không thể sai áp tài sản của đối tác là cơ quan nhà nước ký kết PPP để đòi nợ. Những rủi ro này xuất hiện do bản chất pháp lý của PPP vượt ra khỏi các thỏa thuận dân sự, kinh doanh, thương mại truyền thống và làm cho quan niệm "mỗi ngành luật có đối tượng điều chỉnh độc lập” gặp khó khăn khi tìm cách điều chỉnh hợp đồng hành chính theo cách truyền thống.

Thứ hai, nhượng quyền khai thác (Franchise) là hình thức mà theo đó cơ sở hạ tầng được nhà nước xây dựng và sở hữu nhưng giao (thường là thông qua đấu giá) cho tư nhân vận hành và khai thác.

Thứ ba, mô hình thiết kế - xây dựng - vận hành (DBO), khu vực tư nhân sẽ thiết kế, xây dựng và vận hành (ví dụ bệnh viện, cầu đường) và nhà nước sẽ mua lại dịch vụ.

Thứ tư, mô hình thiết kế - xây dựng - tài trợ - vận hành DBFO (Design- Build - Finance - Operate), khu vực tư nhân sẽ đứng ra xây dựng, tài trợ và vận hành công trình nhưng nó vẫn thuộc sở hữu nhà nước.

Thứ năm, xây dựng - vận hành - chuyển giao BOT (Build - Operate - Transfer) là mô hình mà ở đó công ty thực hiện dự án sẽ đứng ra xây dựng và vận hành công trình trong một thời gian nhất định sau đó chuyển giao toàn bộ cho nhà nước. Mô hình này khá phổ biến ở Việt Nam.

Thứ sáu, khác biệt một chút với mô hình BOT, trong mô hình BTO (xây dựng - chuyển giao - vận hành), quyền sở hữu cơ sở hạ tầng được chuyển giao ngay cho nhà nước sau khi xây dựng xong, nhưng công ty thực hiện dự án vẫn giữ quyền khai thác công trình.

Thứ bảy, là phương thức xây dựng - sở hữu - vận hành BOO (Build - Own - Operate). Ở mô hình này, công ty thực hiện dự án sẽ đứng ra xây dựng công trình, sở hữu và vận hành nó, nhà nước mua lại sản phẩm đầu ra theo giá cam kết. Mô hình BOO rất phổ biến đối với các nhà máy điện cả ở Việt Nam và trên thế giới.

2. Đặc điểm, đối tượng, điều kiện, phương thức và nguồn luật xác lập hợp đồng hành chính

2.1. Đặc điểm và đối tượng của hợp đồng

Đặc điểm: Bên cạnh việc khai thác tiềm năng về vốn, công nghệ lắp đặt, thì hợp đồng hành chính khác với các dự án đầu tư công khác ở điểm: hợp đồng hành chính khai thác công nghệ quản lý, vận hành của đối tác tư nhân - điểm mà nhà nước thường thua kém.

Đối tượng: Hợp đồng hành chính liên quan đến hoạt động cung cấp hàng hóa công cộng đặc biệt (dịch vụ công) cho công chúng, cho nhà nước như cung cấp điện, nước, dịch vụ y tế, dịch vụ an ninh quốc phòng. Đặc trưng này phân biệt với hoạt động mua sắm công như mua máy tính, mua trụ sở của nhà nước.

Điều kiện áp dụng: Hợp đồng hành chính được áp dụng khi không thể hoặc khó áp dụng phương pháp cổ phần hóa và một lý do nào đó nhà nước không thể tham gia trực tiếp. Việc cổ phần hóa cũng kéo theo sự bắt tay giữa nhà nước và tư nhân, nhưng hoạt động này chịu sự điều chỉnh chung của luật doanh nghiệp và nhà nước tham gia quan hệ với tư cách giống như các cổ đông khác, mà không có địa vị pháp lý đặc thù của nhà nước.

Phương thức xác lập: Hợp đồng hành chính được xác lập thông qua các thỏa thuận giữa nhà nước và tư nhân. Đặc trưng này giúp phân biệt hợp đồng hành chính với các quyết định hành chính hay hoạt động ban hành văn bản quy phạm pháp luật.

Sự hợp tác: Hợp đồng hành chính khác với các hợp đồng mua đứt bán đoạn ở chỗ hợp đồng hành chính thường có thời gian dài, có sự phối hợp giữa hai bên (có chữ O trong hình thức hợp tác) trong suốt thời gian thực thi hợp đồng hành chính. Đặc trưng này giúp phân biệt hợp đồng hành chính với hợp đồng hành chính thuần túy hợp tác về vốn BT (Build - Transfer); BF (Build - Financing). Chính điều này dẫn tới hợp đồng hành chính thường gánh chịu rất nhiều rủi ro pháp lý và phần thiệt thường thuộc về nhà đầu tư tư nhân, vì điều chỉnh hệ thống pháp luật là thuộc quyền của nhà nước. Từ đó, làm cho hợp đồng hành chính sẽ chưa có sức hấp dẫn nhà đầu tư, chừng nào hệ thống pháp luật quốc gia còn khó dự đoán và khuôn khổ pháp lý cho hợp đồng hành chính chưa rõ ràng.

Nguồn luật: Nguồn luật điều chỉnh các thỏa thuận hợp đồng hành chính khác với nguồn luật điều chỉnh hợp đồng dân sự, hợp đồng kinh doanh truyền thống, bởi quyền tự do thỏa thuận của các bên trong hợp đồng hành chính bị hạn chế rất nhiều bởi các quy định chung của luật công như các quy định về thuế (lợi nhuận đối với chủ đầu tư), phí (giao thông, viện phí), hạn chế chống tham nhũng. Để có lợi nhuận thì những nội dung này cần đưa vào thỏa thuận hợp đồng hành chính. Nhưng những nội dung không phải là nội dung của hợp đồng dân sự, kinh doanh truyền thống và đôi khi nằm ngoài tầm kiểm soát của chính cơ quan nhà nước tham gia ký kết hợp đồng hành chính. Ví dụ: UBND cấp thành phố là cơ quan ký kết hợp đồng hành chính, dự án xây dựng cầu, nhưng phí giao thông lại thuộc về thẩm quyền của Bộ Giao thông và Vận tải, thuế thu nhập doanh nghiệp lại thuộc thẩm quyền của Quốc hội.

Chính vì vậy, các quốc gia châu Âu lục địa thường coi các thỏa thuận PPP là hợp đồng hành chính, chứ không phải là hợp đồng dân sự hay thương mại.

3. Sự cần thiết áp dụng hợp đồng hành chính trong quản lý hành chính

Trong tiến trình hội nhập quốc tế hiện nay ở nước ta và thực hiện chương trình tổng thể cải cách hành chính nhà nước, xu thế chuyển từ nền hành chính truyền thống sang nền hành chính công mới, từ nền hành chính công mới sang quản lý công mới, hình thức và phương pháp hoạt động của các cơ quan nhà nước nói chung, cơ quan hành chính nhà nước nói riêng cần có thay đổi hợp lý. Bởi vậy, áp dụng hợp đồng hành chính trong quản lý hành chính nhà nước và xã hội, được thể hiện ở những điểm sau đây:

Thứ nhất, trong quá trình hội nhập quốc tế, từ thực tiễn kinh nghiệm của các nước trên thế giới, sự ra đời của hợp đồng hành chính góp phần làm thay đổi phương thức, hình thức hoạt động của các cơ quan nhà nước, đặc biệt là cơ quan hành chính nhà nước. Phương pháp quản lý chủ yếu bằng mệnh lệnh hành chính (quyết định đơn phương của cơ quan hành chính nhà nước) trước đây, được thay dần bằng phương pháp, công cụ mới là hợp đồng hành chính trong một số trường hợp, qua đó quyền, lợi ích của cá nhân, tổ chức, nhà nước được bảo đảm.

Thứ hai, sự ra đời của hợp đồng hành chính tạo điều kiện thuận lợi cho sự phát triển dịch vụ công, tách hoạt động cung ứng dịch vụ công ra khỏi hoạt động của cơ quan hành chính nhà nước nhằm giảm những chi phí không cần thiết cho ngân sách nhà nước, giảm biên chế trong bộ máy nhà nước, bảo đảm tính công khai, minh bạch của hoạt động quản lý hành chính nhà nước và hoạt động cung ứng dịch vụ công là một yêu cầu cần thiết khách quan hiện nay ở nước ta.

Thứ ba, việc áp dụng hợp đồng hành chính trong quản lý hành chính nhà nước làm cho cơ quan hành chính nhà nước xích lại gần với người dân, tăng cường trách nhiệm của các cơ quan hành chính nhà nước với cá nhân, tổ chức, tạo mối quan hệ trách nhiệm qua lại giữa nhà nước và công dân, thực chất hình thành mối quan hệ phục vụ của cơ quan hành chính nhà nước cho người dân và tổ chức trong quan hệ giap dịch giữa người dân với cơ quan nhà nước.

Thứ tư, trong quá trình hội nhập quốc tế sâu rộng, nhận thức về hợp đồng hành chính được xác lập thông qua hệ thống thể chế nền kinh tế thị trường ở Việt Nam được hoàn thiện và khi hợp đồng dân sự, lao động được chuyển hóa thành "hợp đồng hành chính" sẽ làm cho việc thực hiện hợp đồng nghiêm minh hơn, bởi tính hành chính của pháp nhân công pháp với tư cách là một bên trong quan hệ hợp đồng.

Thứ năm, khi thực hiện hợp đồng hành chính sẽ phát sinh những vướng mắc, tranh chấp, khiếu kiện (nếu có), việc giải quyết tranh chấp trong thực hiện hợp đồng hành chính sẽ bớt gây tổn hại về kinh tế, tài chính của nhà nước, cá nhân, tổ chức so với giải quyết tranh chấp dân sự, kinh tế.

Tóm lại, hợp đồng hành chính là một trong những công cụ quản lý hành chính nhà nước có hiệu lực, hiệu quả trong quản lý cung cấp dịch công, cơ sở hạ tầng kinh tế - kỹ thuật, hợp đồng đối tác công tư, đảm bảo lợi ích của các bên tham gia hợp đồng hợp đồng hành chính, phù hợp với xu thế hội nhập quốc tế và cải cách nền hành chính quốc gia hiện nay ở nước ta.

Tài liệu tham khảo:

1. Pháp luật hành chính của Cộng hòa Pháp. NXB Tư pháp. HN. 2007.

2. Luật Hành chính Nga, chủ biên Đ.Nh. Bkhrắc, do Bộ Giáo dục Liên bang Nga ấn hành (tái bản lần thứ 5), NXB EKXMO.

3. Luật Hành chính Việt Nam, NXB Đại học Quốc gia, H. 2010.

4. Luật Hành chính nước ngoài, NXB Đại học Quốc gia, H. 2011.

5. TS. Đào Đăng Kiên: Sách chuyên khảo “Hợp đồng hành chính và việc áp dụng trong quản lý nhà nước về kinh tế", NXB Thống kê, H. 2005.

6. GS.TS Phạm Hồng Thái: “Sự hình thành tư tưởng Hợp đồng hành chính và vai trò của Hợp đồng hành chính trong quản lý nhà nước", Tạp chí Khoa học – Đại học quốc gia Hà Nội, tập 31, số 1 (2015 - tr 1-10).

Applying administrative contracts in state management

PhD. Dao Dang Kien

Former Deputy Dean of Faculty of Public Finance Management

National Academy of Public Administration

ABSTRACT:

In the context of the current market economy and international integration in our country, administrative contracts and other forms of construction, Build-Operate-Transfer (BOT), or Public-Private partner (PPP) have been used and played an important role in the development of infrastructure, industrial and agricultural production facilities in many countries over the last several years, especially in developing countries. Because the system of forming the types of contracts, the types of administrative contracts and the form of state management have been used effectively in state administrative management toward the infrastructure and socio-economic development

Keywords: Administrative contracts, state management.