Asean đi đầu trong kết nối chuỗi cung ứng giữa đại dịch COVID-19

Khi EU chứng kiến sự ra đi của Anh (Brexit), thương mại thế giới rơi vào đình trệ giữa xung đột Mỹ - Trung, và đại dịch COVID-19 chặt đứt chuỗi cung ứng toàn cầu thì ASEAN nổi lên như một điểm sáng nhờ chủ động kết nối trong khối, kết nối chuỗi cung ứng Asean với bên ngoài.
bo truong tran tuan anh
Bộ trưởng bộ Công Thương Việt Nam Trần Tuấn Anh

Ngay từ khi đại dịch COVID-19 chưa đạt đỉnh thì đầu tháng 3 năm nay, Hội nghị Bộ trưởng Kinh tế ASEAN hẹp lần thứ 26 đã kịp thời bổ sung nhiều ưu tiên mới vào chương trình hoạt động của năm Chủ tịch Asean 2020. Các ưu tiên được Việt Nam chủ động đề xuất xây dựng theo 3 định hướng là thúc đẩy liên kết và kết nối khu vực nội khối ASEAN; đẩy mạnh quan hệ đối tác vì hòa bình và phát triển bền vững; nâng cao năng lực thích ứng và hiệu quả hoạt động của ASEAN.

Những nội dung này được phía Việt Nam, do Bộ Công Thương làm đầu mối, chuẩn bị rất kỹ lưỡng, thông qua sự phối hợp chặt chẽ kịp thời với Ban Thư ký và các nước ASEAN, để đảm bảo các sáng kiến không chỉ phản ánh đúng nhu cầu, quan điểm của Việt Nam, mà còn trở thành quan điểm chung của ASEAN, hướng đến phát triển bền vững của khu vực trong thời gian tới.

Đáng chú ý, ngay trong tối ngày 7/3/2020, đoàn Việt Nam đã đưa ra đề xuất ASEAN cần có hành động chung nhằm duy trì chuỗi cung ứng trong ASEAN, tạo điều kiện hỗ trợ nguồn cung nguyên vật liệu cho các doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp nhỏ và vừa, trong bối cảnh dịch COVID-19 đang gây ảnh hưởng nghiêm trọng.

Việc kết nối chuỗi cung ứng tiếp tục được Việt Nam chia sẻ tại Hội nghị Cấp cao ASEAN đặc biệt vào ngày 14 tháng 4 năm 2020 với việc thông qua Kế hoạch hành động Hà Nội. Kế hoạch hành động này thể hiện quyết tâm của ASEAN trong việc phối hợp chặt chẽ để xác định và giải quyết các gián đoạn thương mại, với sự phân nhánh về dòng chảy của các mặt hàng thiết yếu, bao gồm thực phẩm, dược phẩm, và các vật tư thiết yếu khác trong khu vực.

Gần đây nhất là hàng loạt các hội nghị Bộ trưởng kinh tế Asean,  hội nghị Bộ trưởng kinh tế Asean+3, Hội nghị Bộ trưởng kinh tế Asean với Hoa Kỳ, Hội nghị Bộ trưởng kinh tế Asean với Anh…

Vì sao kết nối chuối cung ứng trong nội bộ Asean, giữa Asean với bên ngoài được Việt Nam quan tâm và được các thành viên Asean ủng hộ mạnh mẽ đến vậy?

Trước hết, Việt Nam và các nước Asean đều những nước hướng về xuất khẩu, và do đó, các chuỗi cung ứng của khu vực và quốc tế và phụ thuộc rất nhiều vào nguồn nguyên nhiên liệu cũng như các sản phẩm công nghiệp hỗ trợ đầu vào để phục vụ cho các sản phẩm xuất khẩu sang các thị trường lớn.

Trong khi đó, các biện pháp phòng, chống dịch bệnh đã tác động đến sự luân chuyển của các dòng sản phẩm, hàng hóa mà nhiều dòng sản phẩm đang có nhu cầu rất cao, rất thiết yếu cho đời sống cũng như công tác phục vụ phòng, chống dịch bệnh.

Cùng với đó, các thị trường xuất khẩu lớn của Asean như Hoa Kỳ, EU, Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc… đều bị tác động rất mạnh cả về sản xuất lẫn nhu cầu do công tác phòng, chống dịch bệnh.

Chính vì vậy, trong Tuyên bố chung cấp Bộ trưởng kinh tế ASEAN+3, các Bộ trưởng Kinh tế ASEAN, Trung Quốc, Nhật Bản và Hàn Quốc đã nhất trí với sáng kiến của Việt Nam trong khẳng định tầm quan trọng của việc duy trì các cam kết mở cửa thị trường về thương mại và đầu tư, tăng cường khả năng phục hồi kinh tế và tính bền vững của chuỗi cung ứng trong khu vực, kiềm chế các biện pháp không cần thiết có thể ảnh hưởng tới dòng luân chuyển của hàng hoá thiết yếu.

Ngày 29/7, tại Hội nghị Bộ trưởng Kinh tế ASEAN - Nhật Bản do Bộ trưởng Công Thương Trần Tuấn Anh chủ trì đã thông qua “Kế hoạch hành động phục hồi kinh tế ASEAN - Nhật Bản”.

Cụ thể, Kế hoạch hành động đã đưa ra một số nội dung hợp tác như: Tăng cường hội nhập và hợp tác kinh tế nhằm duy trì mở cửa thị trường cho các luồng thương mại và đầu tư giữa hai Bên; cam kết sẽ cố gắng ký kết Hiệp định Đối tác Kinh tế toàn diện khu vực (RCEP) trong năm 2020.

Cùng với đó là hỗ trợ xây dựng năng lực lẫn nhau nhằm thúc đẩy sản xuất kinh doanh, bao gồm ngành công nghiệp phụ trợ; hỗ trợ chuyển đổi thương mại kỹ thuật số khu vực trong ASEAN nhằm góp phần thúc đẩy các nền tảng thương mại hiện có.

Đặc biệt, “Kế hoạch hành động phục hồi Kinh tế ASEAN - Nhật Bản” cũng đề xuất thúc đẩy cơ chế một cửa ASEAN, hệ thống chứng nhận xuất xứ điện tử, khung tích hợp kỹ thuật số ASEAN (DIF) và khung ASEAN về quản trị dữ liệu số; tăng cường khả năng phục hồi chuỗi cung ứng tập trung vào ASEAN, thông qua tăng cường sự tham gia của các nhà kinh doanh và giới học thuật...

asean

Đúng 1 tháng sau, ngày 27/8 tại Hà Nội đã diễn ra Hội nghị tham vấn Bộ trưởng Kinh tế ASEAN - Trung Quốc (MOFCOM) lần thứ 19 dưới hình thức trực tuyến, do Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh chủ trì. Tại Hội nghị, các Bộ trưởng ghi nhận tầm quan trọng của các nỗ lực chung giữa ASEAN và Trung Quốc trong việc tăng cường hợp tác nhằm thúc đẩy thương mại và đầu tư hướng tới phục hồi kinh tế sau đại dịch COVID-19.

Asean tiếp tục thể hiện đi đầu về hợp tác kết nối chuỗi cung ứng của mình, khi liên tiếp có các cuộc đối thoại trực tuyến với 2 đối tác xuất khẩu lớn là Anh và Hoa Kỳ.

Tại buổi đối thoại trực tuyến theo hình thức “Troika mở rộng” với Vương Quốc Anh, dưới sự điều phối của Bộ trưởng Công Thương Trần Tuấn Anh và Bộ trưởng Thương mại Vương Quốc Anh Elizabeth Truss, ASEAN và Anh nhất trí sẽ củng cố các chuỗi cung ứng giữa hai bên trong và sau đại dịch COVID-19, đồng thời định hướng hợp tác trong thời gian tới nhằm hỗ trợ các chuỗi cung ứng này.

Tiếp đó, các Bộ trưởng Kinh tế ASEAN đã có buổi Đối thoại trực tuyến với đối tác Hoa Kỳ, dưới sự đồng chủ trì của Bộ trưởng Công Thương Trần Tuấn Anh và Đại diện Thương mại Hoa Kỳ Robert Lighthizer. Kết thúc buổi đối thoại, các Bộ trưởng ASEAN và Hoa Kỳ tái khẳng định tầm quan trọng của việc mở cửa thị trường cho thương mại và đầu tư nhằm giảm nhẹ tác động của đại dịch và duy trì luồng chu chuyển của hàng hóa và dịch vụ giữa hai bên.

Tại các hội nghị và các cuộc đối thoại nói trên, với những sáng kiến về chuỗi kết nối trong nội bộ Asean cũng như giữa Asean với bên ngoài đã được các đối tác  thống nhất cao. Ví dụ như trong bối cảnh đang cần phải tháo gỡ khó khăn và kích thích nội nhu, thì các biện pháp hạn chế tối đa các biện pháp phi thuế quan có thể gây các rào cản cho các doanh nghiệp của các nước trong ASEAN đã được các nước rất đồng tình và ủng hộ rất cao.

Có thể nói, trong khi EU chứng kiến sự ra đi của Anh (Brexit), thương mại thế giới rơi vào đình trệ giữa xung đột Mỹ - Trung, và đại dịch Covid -19 chặt đứt chuỗi cung ứng toàn cầu thì ASEAN nổi lên như một điểm sáng nhờ chủ động kết nối trong khối, kết nối chuỗi cung ứng Asean với bên ngoài.