ASEAN gồm 10 thành viên trong khu vực Đông Nam Á, quy mô thị trường đứng thứ 3 châu Á với khoảng 650 triệu dân, chiếm 8,6% tổng dân số thế giới, GDP bình quân đầu người đạt 4.305 USD, dự kiến con số này sẽ tăng gấp đôi vào năm 2030, đưa ASEAN thành cộng đồng kinh tế đứng thứ 7 trên thế giới, với tổng GDP là 2.766 tỷ USD.

Ngoài hợp tác nội khối, ASEAN cũng tăng cường liên kết, hợp tác với nhiều đối tác ngoại khối quan trọng như ASEAN+3, ASEAN+6 v.v. trong nhiều lĩnh vực về cơ sở hạ tầng, thương mại hàng hóa, thương mại dịch vụ, công nghệ 4.0, chuỗi giá trị và tăng cường kết nối toàn diện về thể chế, hạ tầng và con người.

Năm 1995, Việt Nam chính thức gia nhập ASEAN. Sau 25 năm Việt Nam gia nhập ASEAN, khu vực này đã trở thành một trong những đối tác kinh tế - thương mại quan trọng của Việt Nam.

So với thời điểm bắt đầu tham gia Khu vực thương mại tự do ASEAN (AFTA) năm 1996, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu giữa Việt Nam và khu vực ASEAN đã tăng hơn 9,7 lần, từ 5,9 tỷ USD năm 1996 lên 57,5 tỷ USD trong năm 2019. 

Năm 2020, kim ngạch xuất nhập khẩu Việt Nam – ASEAN đạt 53,7 tỷ USD do ảnh hưởng từ dịch Covid-19. Trong đó, kim ngạch xuất khẩu là 23,2 tỷ USD và kim ngạch nhập khẩu là 30,5 tỷ USD năm 2020.

- Campuchia: Việt Nam hiện là đối tác thương mại lớn thứ 3 của Campuchia (sau Thái Lan và Trung Quốc) trong hơn 140 quốc gia và vùng lãnh thổ có quan hệ thương mại với nước này.

Trong giai đoạn 2001-2012, kim ngạch thương mại hai chiều đã tăng từ 169 triệu USD năm 2001 lên 5,3 tỷ USD năm 2020, trong đó kim ngạch xuất khẩu năm 2020 đạt 4,1 tỷ USD và kim ngạch nhập khẩu đạt 1,2 tỷ USD.

- In-đô-nê-xi-a: Trước khi gia nhập ASEAN, quan hệ thương mại Việt Nam và Indonesia chưa có nhiều hoạt động thương mại đáng kể. Tuy nhiên, sau khi gia nhập ASEAN, quan hệ thương mại Việt Nam Indonesia đã tăng mạnh mẽ.

Sau hơn 20 năm, kim ngạch thương mại giữa hai nước đã tăng gấp 15 lần, đạt 8,2 tỉ USD vào năm 2020. Indonesia hiện là đối tác thương mại lớn thứ 3 của Việt Nam tại ASEAN, còn Việt Nam là đối tác thương mại lớn thứ 4 của Indonesia trong khu vực Đông Nam Á.

Hai nước cũng đã thiết lập quan hệ đối tác chiến lược năm 2013 nhân chuyến thăm Indonesia của Tổng Bí Thư Nguyễn Phú Trọng. Hiện hai nước đang phấn đấu nâng kim ngạch song phương đạt 10 tỉ USD trong thời gian tới.

- Lào: Quy mô thương mại Việt Nam – Lào đến nay đã vượt mốc 1 tỷ USD (đạt 1,03 tỷ USD năm 2020), trong đó, kim ngạch xuất khẩu đạt 571,7 triệu USD và kim ngạch nhập khẩu đạt 458,1 triệu USD.

- Ma-lai-xi-a: Sau khi gia nhập ASEAN, năm 1996, kim ngạch thương mại giữa hai nước mới chỉ đạt 396,8 triệu USD. Hiện tại, Malaysia đã trở thành đối tác thương mại lớn thứ 2 và là thị trường xuất khẩu lớn thứ 3 của Việt Nam trong ASEAN. 

Kể từ năm 2019, Việt Nam đã vượt Thái Lan trở thành nhà cung ứng gạo lớn nhất cho Malaysia với kim ngạch gần 219 triệu USD, chiếm 5,8% trong tổng giá trị xuất khẩu của Việt Nam vào Malaysia.

Năm 2020, do ảnh hưởng từ đại dịch Covid-19, kim ngạch thương mại song phương giữa Việt Nam và Malaysia đạt khoảng 10 tỷ USD. Trong đó, xuất khẩu của Việt Nam sang Malaysia đạt 3,4 tỷ USD và nhập khẩu của Việt Nam từ Malaysia đạt 6,6 tỷ USD.

- Myanmar: Việt Nam hiện là một trong 10 đối tác thương mại lớn của Myanmar với kim ngạch thương mại hai chiều tăng trưởng nhanh từ 152 triệu USD năm 2010 lên 953 triệu USD năm 2019.

Do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, năm 2020, kim ngạch thương mại hai chiều đạt 852,4 triệu USD; trong đó, kim ngạch xuất khẩu đạt 633,3 triệu USD và kim ngạch nhập khẩu đạt 219,1 triệu USD.

- Philippines: Philippines hiện là đối tác thương mại đứng thứ 17 trên thế giới và đối tác thương mại lớn thứ 5 trong ASEAN của Việt Nam và là một trong những thị trường Việt Nam liên tục xuất siêu trong một thập kỷ gần đây.

Trong những năm qua, quan hệ thương mại Việt Nam – Philippines đã phát triển mạnh mẽ với kim ngạch thương mại tăng từ mức 1,96 tỷ USD năm 2009 lên 5,3 tỷ USD năm 2020.

Trong đó, kim ngạch xuất khẩu tăng từ mức 1,5 tỷ USD năm 2009 lên 3,5 tỷ USD năm 2020, tăng trung bình 9,2%/năm; kim ngạch nhập khẩu tăng từ mức 450 triệu USD năm 2009 lên 1,7 tỷ USD năm 2020, tăng trung bình 14,5%/năm.

- Singapore: Kể từ khi gia nhập ASEAN đến nay, Việt Nam đã hưởng lợi đáng kể từ các mối quan hệ và đầu tư với các nước thành viên. Trong đó, Singapore cũng là một trong những đối tác hàng đầu của Việt Nam với tổng kim ngạch xuất nhập khẩu từ 400 triệu USD năm 1990 lên tới 9,6 tỷ USD vào năm 2012. Năm 2020, Singapore đã trở thành nước dẫn đầu về đầu tư FDI vào Việt Nam (với khoảng 2,169 dự án).

- Thái Lan: Hợp tác thương mại Việt Nam – Thái Lan tăng trưởng đều đặn từ 2010 – 2015 (từ 6,8 tỷ USD lên 11,5 tỷ USD); giai đoạn 2015 – 2020, tổng kim ngạch thương mại đạt trung bình 15 tỷ USD.

 Năm 2020, kim ngạch xuất nhập khẩu hai nước đạt 15,88 tỷ USD; trong đó, kim ngạch xuất khẩu đạt 4,92 tỷ USD và kim ngạch nhập khẩu 10,96 tỷ USD.

Hiện nay, Thái Lan là đối tác thương mại lớn nhất của Việt Nam trong khối ASEAN và Việt Nam là đối tác xuất khẩu lớn thứ 4 của Thái Lan. Hai nước đang xúc tiến ký kết chương trình hành động triển khai quan hệ đối tác chiến lược tăng cường Việt Nam – Thái Lan giai đoạn 2021 – 2025 với mục tiêu sớm đạt tổng kim ngạch 20 tỷ USD.