Ðẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu hàng hóa xuất khẩu

Chương trình chuyển dịch cơ cấu hàng hóa xuất khẩu trên địa bàn TP Hồ Chí Minh đã đạt được những kết quả tích cực bước đầu, hàng hóa xuất khẩu ngày càng được nâng cao về chất lượng và có vị thế trên t

Tiếp tục chuyển dịch cơ cấu

Phó Giám đốc Sở Công thương TP Hồ Chí Minh Huỳnh Khánh Hiệp cho biết: Trong giai đoạn 2006 - 2010 và năm 2011, xuất khẩu của thành phố chịu ảnh hưởng suy thoái kinh tế thế giới và áp lực lạm phát trong nước, hoạt động xuất khẩu của doanh nghiệp chịu tác động nhiều yếu tố bất lợi, giá nhập khẩu vật tư nguyên liệu bình quân tăng cao, chính sách thắt chặt tiền tệ trong nước của Chính phủ để kiềm chế lạm phát, lãi suất vay vốn tăng cao và sự biến động tỷ giá giữa USD và tiền đồng đã làm nhịp độ tăng trưởng xuất khẩu của thành phố giai đoạn này bị ảnh hưởng lớn. Ðể đạt được mục tiêu tăng trưởng xuất khẩu cao và bền vững trong giai đoạn tới, cần có định hướng phát triển xuất khẩu đúng đắn với các giải pháp khả thi nhằm chuyển dịch nhanh cơ cấu xuất khẩu phù hợp với thế mạnh của thành phố. Từ chỗ, năm 2000 Việt Nam chỉ có bốn mặt hàng xuất khẩu có kim ngạch lớn hơn một tỷ USD (dầu thô, may mặc, giày dép, thủy sản), đến năm 2011 Việt Nam đã có 11 mặt hàng có kim ngạch hơn một tỷ USD, trong số này có 14 mặt hàng có kim ngạch xuất khẩu hơn hai tỷ USD. Chẳng hạn như dệt may, dầu thô, điện thoại các loại và linh kiện, giày dép, thủy sản, điện tử-máy tính, máy móc thiết bị và dụng cụ, gỗ và sản phẩm gỗ, gạo, cao-su, cà-phê, đá quý và kim loại quý, phương tiện vận tải, xăng dầu. Hàng hóa Việt Nam hiện có mặt ở 180 nước và lãnh thổ với các thị trường xuất khẩu chính gồm: Hoa Kỳ, EU, Nhật Bản, Ô-xtrây-li-a...

Tuy nhiên, GS, TS Võ Thanh Thu, Ủy viên Hội đồng tư vấn chính sách thương mại quốc tế của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), Trọng tài viên Trọng tài quốc tế Việt Nam cho rằng: Nền kinh tế nước ta phụ thuộc nhiều vào xuất khẩu, trong đó, TP Hồ Chí Minh với tỷ trọng chiếm gần 40% tỷ trọng xuất khẩu cả nước (2007) nhưng lại đang có xu thế giảm dần, tốc độ tăng trưởng luôn thấp hơn tốc độ cả nước. Bà Thu cảnh báo, nếu thành phố không quan tâm thì tỷ trọng này sẽ giảm dần và nếu không có sự thay đổi thì hiệu quả xuất khẩu sẽ không cao, bởi các mặt hàng xuất khẩu còn mang tính khai thác các nguồn lực: dệt may, giày dép (khai thác nguồn lao động); dầu thô, thủy sản, gạo, cà-phê, cao-su (khai thác tài nguyên)... Tỷ trọng xuất khẩu các mặt hàng thâm dụng kỹ thuật cao vẫn còn thấp, nguyên liệu còn phụ thuộc lớn vào nước ngoài: sữa (60%), giày dép, điện-điện tử (90%)..., nếu như không có sự tổ chức liên kết khéo léo thì nguồn nguyên liệu này cũng sẽ cạn dần. Nhiều ngành công nghiệp xuất khẩu chủ lực mang tính gia công cao, đơn cử như giày dép gia công đến 90%, dệt may gia công gần 60%, thậm chí có những ngành mặc dù kim ngạch xuất khẩu lớn đến hơn một triệu USD nhưng lại không có thương hiệu riêng. Trong khi đó, các rào cản thương mại có liên quan đến kỹ thuật, vệ sinh an toàn thực phẩm, các biện pháp tự vệ... của các nước nhập khẩu ngày càng gia tăng và phức tạp, trong khi hàng xuất khẩu của chúng ta chủ yếu là hàng thâm dụng lao động.

Vấn đề đặt ra đối với hoạt động xuất khẩu của Việt Nam nói chung và TP Hồ Chí Minh nói riêng cần đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu xuất khẩu thông qua các giải pháp ổn định chính sách vĩ mô, trong đó có chính sách tín dụng, lãi suất, tỷ giá hối đoái, tạo môi trường kinh doanh xuất khẩu thuận lợi. Thành phố cũng cần chủ động xây dựng chiến lược xuất khẩu theo hướng xuất khẩu hàng công nghệ cao; nâng cao khả năng cạnh tranh xuất khẩu bằng cách tạo ra sản phẩm chất lượng, sạch, an toàn, thân thiện với môi trường.

Ðưa phần mềm thành sản phẩm xuất khẩu chủ lực

Theo Sở Công thương TP Hồ Chí Minh mục tiêu đề ra của Chương trình chuyển dịch cơ cấu hàng xuất khẩu trên địa bàn thành phố từ nay đến năm 2015 là bảo đảm tốc độ tăng trưởng xuất khẩu bình quân đạt 17%/năm, tổng kim ngạch xuất khẩu (không tính dầu thô) đạt hơn 100 tỷ USD, đưa doanh thu dịch vụ xuất khẩu đạt khoảng 60% tổng kim ngạch xuất khẩu, đồng thời tiếp tục bồi dưỡng, đào tạo nguồn nhân lực cho xuất khẩu. Trong đó, đến năm 2015, sản phẩm xuất khẩu có lợi thế cạnh tranh như dệt may, da giày và thủy, hải sản chế biến chiếm tỷ trọng cao trong tổng kim ngạch (35% tổng kim ngạch xuất khẩu). Mục tiêu đến năm 2020, sản phẩm có hàm lượng công nghệ cao sẽ trở thành nhóm hàng xuất khẩu chủ lực của thành phố trong giai đoạn tới. Theo TS Lê Phan Hoàng Châu, Giám đốc Trung tâm phát triển Khu công nghệ cao TP Hồ Chí Minh, những năm tới, hai ngành hàng sẽ phát triển mạnh nhất trong khu công nghệ cao là bán dẫn và cơ khí (tự động hóa). Trong thời gian qua, khu công nghệ cao đã xuất khẩu những sản phẩm chính gồm: wafer, cảm biến, mạch in, thiết bị công nghệ thông tin, thiết bị thu tín hiệu, động cơ rung cho điện thoại di động, máy ảnh, y tế... Ông Châu cho rằng, nhu cầu nguyên vật liệu cho sản xuất sản phẩm công nghệ cao chiếm khoảng 60% giá trị sản phẩm (50% nguyên liệu trực tiếp và 10% nguyên vật liệu gián tiếp), chủ yếu do các nhà cung ứng nước ngoài cung cấp. Các nhà đầu tư trong khu công nghệ cao mong muốn tìm kiếm các nhà cung ứng trong nước, nhưng tỷ lệ nội địa hóa chưa đến 5% nhu cầu, chủ yếu là các sản phẩm bao bì, sản phẩm nhựa, đồ gá phục vụ lắp ráp, bảo dưỡng thiết bị. Hiện trạng vấn đề cung ứng cho các sản phẩm còn cao, tiềm năng phát triển sản phẩm hỗ trợ công nghiệp còn khá lớn. Do đó, cần phát triển ngành công nghiệp hỗ trợ, thúc đẩy quá trình nội địa hóa các sản phẩm công nghệ cao bằng các giải pháp như: hình thành và phát triển thị trường (chợ) công nghiệp phụ trợ sản phẩm công nghệ cao trong Khu công nghệ cao; xây dựng cơ sở dữ liệu và cung cấp thông tin về sản phẩm công nghiệp hỗ trợ cho các doanh nghiệp (DN) trong nước; xây dựng cơ chế chính sách hỗ trợ về cơ sở hạ tầng, tài chính và triển khai các giải pháp hỗ trợ DN trong nước đổi mới công nghệ, phát triển nguồn nhân lực, tổ chức sản xuất, quản lý chất lượng... bảo đảm yêu cầu cung ứng của các nhà đầu tư công nghệ cao.

Ðồng quan điểm trên, TS Trần Du Lịch cho rằng, công nghiệp phụ trợ không phát triển được thì không thể nào nâng cao giá trị gia tăng của hàng xuất khẩu. Do đó, thành phố cần phải có chiến lược rõ ràng trong chiến lược xuất khẩu, chú trọng các nhóm ngành công nghiệp phụ trợ phục vụ cho cả nền kinh tế, đồng thời vai trò và trách nhiệm phải đặt trong vị trí tổng thể vùng kinh tế trọng điểm phía nam. Theo Phó Trưởng phòng tổng hợp -

Vụ Xuất nhập khẩu (Bộ Công thương) Nguyễn Cẩm Trang, nước ta xuất khẩu thô còn nhiều, giá trị gia tăng không cao. Do đó, chuyển dịch cơ cấu xuất, nhập khẩu là vấn đề quan trọng với định hướng tăng xuất khẩu theo chiều rộng và chiều sâu; xuất khẩu theo hướng tăng dần hàng công nghiệp, chế biến, nông, lâm, thủy sản, giảm dần tỷ lệ xuất khẩu hàng thô; tiếp tục đa dạng hóa thị trường. Ðối với nông, lâm, thủy sản cần đi sâu vào chế biến, đối với ngành công nghiệp cần tập trung tăng dần tỷ lệ nội địa hóa, giảm dần sự phụ thuộc vào nguyên liệu nước ngoài, giảm dần nhóm hàng nhiên liệu khoáng sản, rà soát thêm những nhóm hàng mới, có hàm lượng công nghệ cao, đem lại giá trị gia tăng cao.

  • Tags: