Bà Rịa - Vũng Tàu: Công nghiệp chế biến, chế tạo chuyển dịch đúng hướng

Đến nay, ngành công nghiệp Bà Rịa - Vũng Tàu đã chiếm tỷ trọng hơn 70% trong cơ cấu kinh tế của tỉnh. Các khu công nghiệp được hình thành, mở rộng và hoàn thiện về cơ sở hạ tầng, tạo nên cú hích đầu tư mạnh mẽ trên toàn địa bàn tỉnh.

Qua 30 năm thành lập và phát triển, cơ cấu ngành công nghiệp của tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu đã có sự chuyển dịch đúng hướng, giảm dần tỷ trọng công nghiệp khai khoáng, tăng dần tỷ trọng công nghiệp chế biến; sản phẩm công nghiệp ngày càng đa dạng, có thêm nhiều sản phẩm mới; một số sản phẩm công nghiệp đã trở thành nguyên liệu đầu vào cho các sản phẩm công nghiệp khác.

Thu hút đầu tư vào công nghiệp không ngừng tăng

Đến nay, ngành công nghiệp Bà Rịa - Vũng Tàu đã chiếm tỷ trọng hơn 70% trong cơ cấu kinh tế của tỉnh. Các khu công nghiệp được hình thành, mở rộng và hoàn thiện về cơ sở hạ tầng, tạo nên cú hích đầu tư mạnh mẽ trên toàn địa bàn tỉnh.

Kể từ khi KCN Đông Xuyên đầu tiên được thành lập vào năm 1996, hiện toàn tỉnh đã có 15 KCN với tổng diện tích 8.511,17 ha; thu hút 469 dự án đầu tư với số vốn đăng ký trong nước là 102.774,83  tỷ đồng, FDI là 13,67 tỷ USD.

Song song đó, các cụm công nghiệp cũng được đầu tư phát triển để góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế của tỉnh. Hiện nay, trên địa bàn tỉnh đã có 17 cụm công nghiệp với quy mô hơn 552,7 ha được UBND tỉnh chấp thuận chủ trương đầu tư.  

Trên địa bàn tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu hiện có hơn 1.552 dự án thuộc lĩnh vực công nghiệp, trong đó có 23 dự án hoạt động về lĩnh vực công nghiệp chất lượng cao; 77 cơ sở hoạt động về công nghiệp hỗ trợ. Một số ngành sản xuất sản phẩm đầu vào công nghiệp (thép, nhựa, hóa dầu, cơ khí) được lựa chọn để trở thành ngành công nghiệp chủ lực phục vụ cho chuỗi sản xuất công nghiệp hiện đại.

Nhiều tập đoàn, công ty có thương hiệu lớn đã lựa chọn Bà Rịa - Vũng Tàu là điểm đến để đầu tư như: Kyoei, Sojitz, Nitori, Lock & Lock, Posco, Nippon, Marubeni, Hyosung, Austal, BlueScope, CJ Cheiljedang, Sojitz, Nitori, Tổng Công ty Sonadezi, Công ty TNHH Hải Linh, Công ty CP Gas Việt Nhật, Tập đoàn Thép Pomina, Tổng Công ty Viglacera, Tập đoàn Hoa Sen,…

Các dự án đầu tư vào tỉnh có ngành nghề đa dạng (như: sản xuất, gia công cơ khí, máy móc, thiết bị; dệt may, da giày; hoá chất; nhựa; gốm sứ, thủy tinh; sản xuất sắt, thép, gang; thiết bị điện; 3 sản xuất và phân phối điện, khí đốt; chế biến thực phẩm, đồ uống; vật liệu xây dựng; kho bãi và các hoạt động hỗ trợ cho vận tải ...), suất đầu tư cao, sử dụng công nghệ tiên tiến, theo đúng tiêu chí thu hút đầu tư của tỉnh, góp phần tạo nên nền công nghiệp hiện đại, sử dụng ít lao động và không gây ô nhiễm môi trường.

Tỉnh đã thu hút được một số dự án quy mô lớn như Tổ hợp Hóa dầu miền Nam Việt Nam với vốn đầu tư 5,4 tỷ USD, Nhà máy sản xuất hạt nhựa Polypropylene Phú Mỹ; Nhà máy sản xuất Polypropylene (PP) và kho ngầm chứa khí dầu mỏ hóa lỏng (LPG) của Tập đoàn Hyosung với vốn đầu tư 1,2 tỷ USD; Nhà máy sản xuất tôn mạ kẽm, tôn mạ màu và ống thép màu, quy mô 600.000 tấn/năm  tại Việt Nam; Dự án đầu tư xây dựng nhà máy kính nổi siêu trắng.....

Sản phẩm của các dự án này là nguồn nguyên liệu, nhiên liệu cho các dự án công nghiệp chế biến, chế tạo hạ nguồn, tạo tác động tích cực thu hút, thúc đẩy nhiều dự án sản xuất sản phẩm thuộc ngành công nghiệp hỗ trợ đầu tư vào tỉnh. Mặt khác, một số dự án chế biến thực phẩm như cà phê, dự án sản xuất nguyên liệu thức ăn chăn nuôi, phân bón cũng tạo hiệu ứng tốt cho sản xuất nông nghiệp nhờ vào việc thu mua nguyên liệu từ người nông dân hoặc giúp nông dân tăng năng suất trong nuôi trồng...

Cùng với đó, hoạt động chế tạo đóng mới các loại giàn khoan dầu khí phát triển mạnh tại Bà Rịa – Vũng Tàu, góp phần nâng vị thế Việt Nam trở thành một trong ba nước khu vực châu Á và một trong mười nước trên thế giới chế tạo được giàn khoan đạt chuẩn quốc tế.

Ngoài lĩnh vực khai thác dầu khí, Bà Rịa – Vũng Tàu còn là một trong những trung tâm năng lượng, công nghiệp nặng của cả nước. Là địa phương cung cấp khoảng 13% sản lượng điện quốc gia, Bà Rịa – Vũng Tàu đã thu hút mạnh các ngành công nghiệp nặng như lọc hóa dầu, chế biến các sản phẩm khí, sản xuất hóa chất, phân đạm, vật liệu xây dựng, sản xuất thép.

Nhiều ngành sản xuất quan trọng, chiếm tỷ trọng lớn trong cơ cấu công nghiệp

Năm 2020, giá trị sản xuất công nghiệp của Bà Rịa – Vũng Tàu đạt 597.812 tỷ đồng (trừ dầu khí 394.004 tỷ đồng), tăng gấp 6.558,55 lần (trừ dầu khí gấp 131.334,67 lần) so với năm 1992. Cơ cấu ngành công nghiệp của tỉnh chuyển dịch theo đúng định hướng giảm tỷ trọng ngành khai thác, tăng dần tỷ trọng ngành sản xuất chế biến, chế tạo.

Đến năm 2020, tỷ trọng công nghiệp chế biến, chế tạo đã chiếm hơn 22,86% trong cơ cấu ngành (năm 1992 là 3,19%). Quy mô các ngành sản xuất cũng tăng đáng kể, từ chỉ có khai thác dầu khí vào năm 1992, đến năm 2020 đã phát triển nhiều ngành sản xuất quan trọng, chiếm tỷ trọng lớn trong cơ cấu công nghiệp như: khí, điện, đạm, thép, nhựa, hóa chất, phân bón… Thu hút đầu tư tăng cả về số lượng dự án và quy mô vốn đầu tư.

Giảm dần tỷ trọng công nghiệp khai khoáng, tăng dần tỷ trọng công nghiệp chế biến, đến nay, công nghiệp Bà Rịa – Vũng Tàu đã thu hút được nhiều thành phần kinh tế tham gia vào các hoạt động sản xuất của ngành công nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp đầu tư nước ngoài. Thành phần kinh tế này đã tăng trưởng nhanh và cùng với thành phần kinh tế ngoài quốc doanh phát triển khá, giữ vai trò là động lực giúp cho ngành công nghiệp toàn tỉnh tiếp tục tăng trưởng ổn định.

Sản phẩm công nghiệp của Bà Rịa - Vũng Tàu khá đa dạng, chất lượng ngày càng được nâng cao, đáp ứng nhu cầu của thị trường trong nước. Bên cạnh đó, triển khai các hoạt động khuyến công sát với kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, việc hỗ trợ một số nội dung hoạt động hiệu quả cả chiều rộng và chiều sâu như: Xây dựng và nhân rộng các mô hình trình diễn kỹ thuật chuyển giao công nghệ và ứng dụng máy móc tiên tiến; hỗ trợ phát triển các ngành và sản phẩm CNNT có giá trị gia tăng cao, giá trị xuất khẩu;

Hỗ trợ có hiệu quả công nghiệp chế tạo, chế biến; công nghiệp phục vụ nông nghiệp, nông thôn, nhất là công nghiệp chế biến nông lâm thủy sản, sản xuất vật tư và máy nông nghiệp; công nghiệp vật liệu xây dựng, sản xuất tiểu thủ công nghiệp, góp phần tạo việc làm, chuyển biến trong nâng cao năng suất, chất lượng, sức cạnh tranh của sản phẩm công nghiệp.

Nhiệm kỳ 2020 – 2025,  tỉnh Bà Rịa Vũng Tàu xác định mục tiêu tiếp tục phát  triển thành tỉnh mạnh về công nghiệp, cảng biển, du lịch và nông nghiệp công nghệ cao. Phấn đấu đến năm 2025 tiếp tục là tỉnh đứng trong tốp đầu cả nước về GRDP bình quân đầu người.

Theo đó, mục tiêu cụ thể với ngành Công Thương được Đại hội Đaị biểu Đảng bộ tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu lần thứ VII chỉ rõ: Tập trung phát triển công nghiệp theo chiều sâu, phát triển mạnh công nghiệp chế biến, chế tạo gắn với công nghệ thông minh; đầu tư hạ tầng giao thông đa phương thức, kết nối liên vùng, khu vực và quốc tế nhằm tăng năng lực khai thác Cụm cảng Cái Mép - Thị Vải.;Thúc đẩy phát triển dịch vụ đồng bộ, hiện đại, hỗ trợ, tạo động lực cho 4 trụ cột kinh tế phát triển, tạo ra lợi thế so sánh, cạnh tranh và nâng cao tỷ lệ cơ cấu trong đóng góp ngân sách.

 

Thăng Long