Bà Rịa - Vũng Tàu đón "đại bàng" phát triển công nghiệp hóa chất

Hội tụ nhiều lợi thế trong phát triển cụm ngành công nghiệp hóa chất bao trùm và bền vững, Bà Rịa - Vũng Tàu đang khai thác tối đa tiềm năng, đẩy mạnh thu hút nhiều “đại bàng” ngành hóa chất trong và ngoài nước đến đầu tư các dự án quy mô lớn, hiện đại, an toàn theo hướng hóa học xanh và kinh tế tuần hoàn.
 Dự án Nhà máy sản xuất PP và Kho ngầm chứa khí hóa lỏng LPG do Hyosung Vina Chemicals thuộc Tập đoàn Hyosung (Hàn Quốc) đầu tư tại KCN Cái Mép ((phường Tân Phước, TX. Phú Mỹ, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu)
Dự án Nhà máy sản xuất PP và Kho ngầm chứa khí hóa lỏng LPG do Hyosung Vina Chemicals thuộc Tập đoàn Hyosung (Hàn Quốc) đầu tư tại KCN Cái Mép ((phường Tân Phước, TX. Phú Mỹ, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu)

Công nghiệp hóa chất là một trong những ngành kinh tế quan trọng đóng góp vào tăng trưởng công nghiệp chế biến, chế tạo của tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu 10 năm qua, chỉ xếp sau 2 ngành chế biến nông lâm thủy sản và luyện kim. Quan điểm của tỉnh là hình thành Khu Công nghiệp hóa chất chuyên sâu, các tổ hợp công nghiệp hóa chất với quy mô lớn hiện đại, an toàn theo hướng hóa học xanh và kinh tế tuần hoàn. Tạp chí Công Thương vừa có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Văn Đồng - Giám đốc Sở Công Thương tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu về vấn đề này.

Phóng viên: Xin ông cho biết, những dự án hóa chất của các nhà đầu tư trên địa bàn tỉnh thời gian qua đã đóng góp như thế nào vào bức tranh công nghiệp nói riêng và nền kinh tế nói chung của Bà Rịa - Vũng Tàu?

Ông Nguyễn Văn Đồng: Ngành công nghiệp hóa chất trên địa bàn tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu thời gian qua đã chứng kiến quá trình phát triển khá dài và ngày càng phát triển hơn, nhất là từ khi có sự hiện diện của ngành khai thác dầu khí. Công nghiệp hóa chất đóng góp quan trọng vào tăng trưởng công nghiệp chế biến chế tạo, 10 năm qua chỉ xếp sau 2 ngành chế biến nông lâm thủy sản và luyện kim. Công nghiệp sản xuất hoá chất và sản phẩm hoá chất là ngành có hoạt động sản xuất kinh doanh và đầu tư sôi nổi nhất trong cụm ngành hóa chất trên địa bàn tỉnh.

Riêng các dự án đầu tư đã hoạt động trong các khu công nghiệp, ngành công nghiệp này có 21 dự án FDI và liên doanh với tổng vốn đầu tư đăng ký là 646,5 triệu USD; 9 dự án vốn trong nước với 13.273 tỷ đồng. Các doanh nghiệp hoạt động trong hầu hết các phân ngành cấp dưới thuộc ngành sản xuất hoá chất và sản phẩm hoá chất, như khí công nghiệp, khí y tế, chất nhuộm và chất màu, hóa chất vô cơ, hóa chất hữu cơ, phân bón, nhựa nguyên sinh (hạt).

Nổi bật là các dự án: Nhà máy tách khí công nghiệp (Công ty CP Nippon Sanso Việt Nam) với 38,50 triệu USD vốn FDI; Dự án sản xuất phân bón (Behn Meyer Agricare Holdings) với 27,20 triệu USD vốn FDI; Dự án nâng công suất phân xưởng NH3 và nhà máy sản xuất phân NPK công nghệ hóa học của Nhà máy đạm Phú Mỹ với 4.987 tỷ đồng vốn trong nước (thành phần kinh tế nhà nước); Dự án sản xuất vôi và dolomit, vôi ngậm nước với hơn 421,5 tỷ đồng vốn ngoài nhà nước.

hóa chất Bà Rịa - Vũng Tàu
Ông Nguyễn Văn Đồng - Giám đốc Sở Công Thương tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu

Đặc biệt, có 2 dự án lớn trong lĩnh vực hóa chất là Tổ hợp Hóa dầu Miền Nam (tổng vốn đầu tư 5,4 tỷ USD) và dự án của Công ty TNHH Hóa chất Hyosung Vina (1,3 tỷ USD) mà tỉnh kỳ vọng khi đi vào hoạt động hết công suất sẽ tạo sức lan tỏa tới sự phát triển của ngành công nghiệp hóa dầu, ngành công nghiệp nhựa và các ngành công nghiệp hạ nguồn khác.

Trong đó, cuối năm 2021, Công ty TNHH Hóa chất Hyosung Vina đã khánh thành, đưa vào hoạt động dự án Nhà máy sản xuất Polypropylene (PP) và kho ngầm chứa khí dầu mỏ hóa lỏng (LPG). Đây là sản phẩm hóa chất được sử dụng làm nguyên liệu để tạo ra các sản phẩm ứng dụng đa dạng vào các lĩnh vực như: dệt may, film, dụng cụ y tế và vật liệu đóng gói bao bì... Polypropylene (PP) là vật liệu thân thiện với môi trường, được Tổ chức Hòa bình Xanh (Greenpeace) phân loại là một tài nguyên của tương lai không phụ thuộc vào hoóc môn môi trường và có thể tái sử dụng. Khi vận hành hết công suất, nhà máy sẽ sản xuất 650.000 tấn polypropylene mỗi năm.

Dự án Tổ hợp hóa dầu miền Nam cũng đã hoàn thành hơn 95% tiến độ. Dự án được thiết kế để sản xuất đa dạng các sản phẩm hóa dầu, bao gồm những sản phẩm là nguyên liệu cần thiết cho ngành nhựa như polyetylen, polypropylen và các sản phẩm khác với công suất hơn 2,3 triệu tấn/năm. Các sản phẩm của tổ hợp này là nguyên liệu đầu vào cho các ngành công nghiệp khác như: bao bì, tơ sợi, ô tô, điện tử…

Đến năm 2023, Tổ hợp hóa dầu miền Nam dự kiến sẽ hoạt động để giúp thay thế và giảm dần việc nhập khẩu các sản phẩm hóa dầu, cung cấp nguồn nguyên nhiên liệu quan trọng cho các ngành công nghiệp sản xuất nội địa. Tổ hợp hóa dầu miền Nam là tổ hợp hóa dầu tích hợp đầu tiên tại Việt Nam có công suất sản xuất olefin đạt tới 1,6 triệu tấn/năm.

Ngoài việc tạo ra cơ hội xuất khẩu các mặt hàng hóa dầu, giúp Việt Nam có mặt trên bản đồ các nước xuất khẩu sản phẩm hóa dầu, dự án khi vận hành sẽ góp phần tạo sức lan tỏa lớn để các ngành công nghiệp, từ hóa chất đến ô tô, điện tử, thiết bị điện, bao bì cũng như các ngành dịch vụ khác phát triển.

Ngoài ra, tỉnh có Khu công nghiệp dầu khí Long Sơn với diện tích 850ha có vị trí đặc biệt, nằm gần dự án Tổ hợp hóa dầu miền Nam. Khu công nghiệp này có điều kiện thuận lợi để phát triển hệ thống kho ngầm và hệ thống các ngành công nghiệp phụ trợ sau hóa dầu, làm cơ sở để hình thành trung tâm sản xuất nguyên vật liệu cơ bản trong thời gian tới.

Phóng viên: Được biết, bên cạnh các dự án này, hiện nay tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu đang tiếp tục nhận được sự quan tâm của các nhà đầu tư lớn trong lĩnh vực hóa chất. Theo ông, đâu là lợi thế hấp dẫn các "đại bàng" ngành hóa chất đến "làm tổ" tại Bà Rịa - Vũng Tàu? Quan điểm của tỉnh về việc thu hút các dự án hóa chất đối với sự phát triển kinh tế - xã hội của địa phương là thế nào?

Ông Nguyễn Văn Đồng: Bà Rịa - Vũng Tàu là tỉnh hội tụ nhiều lợi thế để phát triển mạnh cụm ngành công nghiệp hóa chất trong cả nước, trong đó phải kể đến lợi thế về: nguồn nguyên liệu sẵn có (quan trọng nhất là dầu khí); hạ tầng cảng biển nước sâu; địa điểm đầu tư đã quy hoạch và mở rộng thuận lợi; thị trường tiêu thụ bao gồm nội tỉnh, vùng kinh tế trọng điểm phía Nam,...; mạng lưới sản xuất đã hình thành và đang phát triển; nguồn nhân lực có trình độ... Những điểm này đã và đang giúp Bà Rịa - Vũng Tàu hấp dẫn nhiều nhà đầu tư tiềm năng với tiềm lực mạnh quan tâm.

Để khai thác hiệu quả nhất các tiềm năng, lợi thế phát triển của tỉnh, bên cạnh phát triển công nghiệp lọc hóa dầu nhằm tăng cường nguồn cung nguyên vật liệu cho thị trường trong nước và xuất khẩu đi quốc tế, Bà Rịa - Vũng Tàu cũng thúc đẩy các ngành công nghiệp hạ nguồn trong chuỗi giá trị, tức các lĩnh vực hóa chất sau hóa dầu. Qua đó, hướng đến việc phát triển bền vững và bao trùm cụm ngành công nghiệp hóa chất với vai trò là công nghiệp vật liệu quan trọng của tỉnh và khu vực nói riêng cũng như cả nước nói chung.

Đối với công nghiệp lọc hóa dầu, tỉnh định hướng thu hút đầu tư tổ hợp lọc hóa dầu quy mô lớn (10 triệu tấn/năm), ưu tiên các hóa chất cơ bản nguồn ethylen, propylen, benzen, toluen, xylen và butan. Tăng năng lực, đầu tư mới sản xuất sản phẩm hóa dầu, sau hóa dầu, nhất là nhựa nguyên sinh, xơ, sợi để đáp ứng nhu cầu các ngành công nghiệp hóa cao su và nhựa, công nghiệp dệt trên địa bàn, vùng kinh tế trọng điểm phía Nam và cả nước, cũng như xuất khẩu. Tạo thuận lợi thúc đẩy mở rộng tổ hợp hóa dầu Long Sơn.

Ngoài một số lĩnh vực hóa chất (chất dẻo) sau hóa dầu thường gắn liền với lọc hóa dầu, tỉnh cũng định hướng thu hút đầu tư: Phát triển công nghiệp chế biến khí đốt, sản xuất phân bón,  công nghiệp tách khí công nghiệp và y tế, nhất là các khí cho cụm ngành công nghiệp luyện kim, công nghiệp công nghệ cao (ngành điện tử); công nghiệp phân bón vô cơ, hữu cơ, vi sinh và tổng hợ; sản xuất chất nhuộm, chất màu, sơn, mực in vô cơ (từ sản phẩm trung gian của công nghiệp khai thác, chế biến khoáng sản kim loại) và hữu cơ. Phát triển nhóm hóa mỹ phẩm, chất tẩy, làm bóng; sản xuất các hóa phẩm chuyên dùng phục vụ ngành dầu khí.

Đối với công nghiệp hóa dược và dược liệu, thu hút đầu tư sản xuất, gia công thuốc tân dược và đông, nam dược; sản xuất thuốc thú y, vi lượng bổ sung thức ăn chăn nuôi. Khuyến khích đầu tư nghiên cứu, phát triển và sản xuất vắc-xin, tiền chất vitamin và kháng sinh,... (tức dược liệu), đặc biệt là thuốc gốc bản quyền.

Đối với công nghiệp hóa cao su và nhựa, thu hút đầu tư sản xuất săm, lốp cao su (tự nhiên, tổng hợp, tái chế) thế hệ mới;  sản xuất sản phẩm cao su (tự nhiên, tổng hợp, tái chế) dân dụng, y tế, kỹ thuật (cho tất các ngành kinh tế); sản xuất sản phẩm nhựa dân dụng dùng lâu bền, công nghiệp, xây dựng có và không gia cường (thanh, lưới, sợi thép,...); sản xuất sản phẩm công nghiệp hỗ trợ cho cụm ngành cơ khí và cụm ngành dệt may - da giày từ nhựa, cao su (tự nhiên, tổng hợp, tái chế).

Quan điểm về đầu tư của tỉnh định hướng phát triển ngành công nghiệp hóa chất theo hướng thân thiện với môi trường, sử dụng công nghệ hiện đại, giá trị gia tăng cao, không thâm dụng lao động. Việc thu hút các dự án hóa chất phải tuân theo các quy định của pháp luật, cũng như các quy chế, quy định của địa phương. Các cơ sở hoạt động hóa chất trên địa bàn tỉnh chủ yếu tập trung trong các Khu công nghiệp, có hệ thống xử lý nước thải theo quy định. Đặc biệt, hình thành các Khu Công nghiệp hóa chất chuyên sâu, các tổ hợp công nghiệp hóa chất với quy mô lớn hiện đại, an toàn theo hướng hóa học xanh và kinh tế tuần hoàn.

hóa chất Bà Rịa - Vũng Tàu
Hình thành các tổ hợp công nghiệp hóa chất với quy mô lớn hiện đại, an toàn theo hướng hóa học xanh và kinh tế tuần hoàn

Phóng viên: Ngày 16/6/2022, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 726/QĐ-TTg về Chiến lược phát triển ngành công nghiệp hóa chất Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2040. Theo ông, Chiến lược được ban hành sẽ có tác động ra sao đối với hoạt động thu hút đầu tư, phát triển các dự án công nghiệp hóa chất tại các địa phương nói chung và tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu nói riêng? 

Ông Nguyễn Văn Đồng: Chiến lược phát triển ngành công nghiệp hóa chất Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2040 phê duyệt tại Quyết định 726/QĐ-TTg đã được ban hành rất kịp thời, giúp địa phương định hướng việc xây dựng ngành công nghiệp hóa chất có cơ cấu tương đối hoàn chỉnh, bao gồm sản xuất tư liệu sản xuất và tư liệu tiêu dùng, phục vụ cho nhiều ngành công nghiệp khác; đáp ứng ngày càng tốt hơn nhu cầu trong nước và đẩy mạnh xuất khẩu; chú trọng ưu tiên phát triển một số phân ngành trọng điểm như hóa chất cơ bản, hóa dầu, cao su kỹ thuật, hóa dược, phân bón.

Theo đó hình thành chuỗi giá trị, tham gia sâu vào mạng lưới sản xuất ngành công nghiệp địa phương và khu vực. Sử dụng hợp lý và tiết kiệm tài nguyên; ứng dụng công nghệ hiện đại, kinh tế số và chuyển đổi số nhằm gia tăng giá trị tăng thêm, nâng cao năng lực cạnh tranh của ngành, thúc đẩy tích tụ vốn của các tập đoàn kinh tế hoạt động trong lĩnh vực hóa chất. Phân bố hợp lý lực lượng sản xuất theo ngành và vùng lãnh thổ, hình thành và phát huy hiệu quả các khu, cụm công nghiệp tập trung, các tổ hợp sản xuất hóa chất có quy mô lớn.

Ngay sau khi Quyết định của Thủ tướng Chính phủ được ban hành, Ủy ban nhân dân tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu đã có Công văn số 8720/UBND-VP ngày 25/7/2022 triển khai thực hiện Chiến lược phát triển ngành công nghiệp hóa chất Việt Nam theo Quyết định 726/QĐ-TTg, cùng với đó giao cho các Sở, ban ngành có liên quan và đơn vị tư vấn lập quy hoạch tỉnh căn cứ điều kiện phát triển, tiềm năng, lợi thế của tỉnh thực hiện tích hợp các nội dung triển khai của Chiến lược vào Quy hoạch tỉnh; chủ động nghiên cứu, bố trí quỹ đất tạo điều kiện thu hút đầu tư xây dựng các tổ hợp, khu công nghiệp hóa chất tập trung và trung tâm logistics.

Trong đó, định hướng phát triển Khu công nghiệp hóa chất tập trung và trung tâm logistics về hóa chất đảm bảo tập trung tại các địa điểm xa dân cư, gần cảng nước sâu, thuận tiện kết nối giao thông đường bộ đảm bảo an toàn môi trường, đảm bảo an toàn nguồn nước, thu hút các dự án sản xuất hóa chất, các dự án sử dụng hóa chất để sản xuất trong các lĩnh vực khác, có tính đến các yếu tố kinh tế chia sẻ, kinh tế tuần hoàn, các sản phẩm và chất thải của nhà máy này trở thành nguyên liệu của nhà máy khác trong tổ hợp. Trong đó Phát triển các ngành hóa dầu, sản phẩm hạ nguồn của ngành công nghiệp hoá dầu, chế biến sản phẩm từ dầu, hóa chất và sản phẩm hoá dược và dược liệu, hóa cao su và chất dẻo.

Phóng viên: Trân trọng cảm ơn ông!

Thăng Long (thực hiện)