Bà Rịa-Vũng Tàu: Xuất khẩu nông, lâm, thủy sản tăng trưởng ấn tượng

Dịch Covid-19 diễn biến phức tạp đã tác động tiêu cực đến hoạt động sản xuất nông nghiệp. Song, nhờ sự chủ động tháo gỡ khó khăn, tạo đột phá mới từ việc thay đổi tư duy sản xuất, nâng cao chất lượng sản phẩm…, xuất khẩu nông, lâm, thủy sản tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu (BR-VT) đã ghi nhận sự tăng trưởng ấn tượng.

Để làm rõ hơn về vấn đề này, phóng viên (PV) Tạp chí Công Thương đã có cuộc phỏng vấn ông Đỗ Minh Tuấn, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) tỉnh BR-VT. 

đồng chí Đỗ Minh Tuấn, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) tỉnh BR-VT.
Đồng chí Đỗ Minh Tuấn, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh BR-VT

PV: Những tháng đầu năm 2021, tỉnh BR-VT ghi nhận sự tăng trưởng xuất khẩu của nhóm hàng nông, lâm, thủy sản, theo ông Tỉnh và ngành Nông nghiệp đã có những chính sách cụ thể nào để hỗ trợ cho doanh nghiệp thuộc lĩnh vực này trên địa bàn?

Ông Đỗ Minh Tuấn: Mặc dù dịch bệnh lần thứ 4 đã ảnh hưởng rất lớn đến hoạt động sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông, lâm, thủy sản trong thời gian qua. Tuy nhiên, kim ngạch xuất khẩu vẫn tăng trưởng so với cùng kỳ.

Các mặt hàng xuất khẩu chủ yếu là thủy sản, gỗ, cao su… với các thị trường truyền thống như: Pháp, Úc, Nhật Bản, Thái Lan, Singapo, Đức, Hàn Quốc, Đài Loan, Trung Quốc, Baraxin,…

Trong thời gian tỉnh thực hiện công tác phòng chống dịch, UBND tỉnh đã chỉ đạo Sở NN&PTNT thường xuyên cập nhật tình hình sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp xuất khẩu nông nghiệp trên địa bàn tỉnh để báo cáo UBND tỉnh, Sở Kế hoạch Đầu tư, Sở Công Thương, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chi nhánh BR-VT để có những chính sách ưu đãi, hỗ trợ doanh nghiệp phục hồi xuất khẩu như là: Chính sách vay vốn trả lương, phục hồi sản xuất, chính sách miễn giảm tiền điện, tiền thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế thuê đất, chính sách hỗ trợ người lao động bị thất nghiệp, chính sách về tiêm vacxin cho doanh nghiệp để phục hồi sản xuất cũng như chính sách test nhanh Covid cho các doanh nghiệp thực hiện công tác sản xuất 3 tại chỗ.

Tình hình xuất khẩu các mặt hàng nông, lâm sản và thủy sản tháng 10/2021 đạt 42,19 triệu USD, lũy kế 10 tháng đầu năm đạt 405,08 triệu USD đạt 158,01 % so với cùng kỳ 10 tháng đầu năm 2020 (10 tháng đầu năm 2020 đạt 256,08 USD).

Ngoài ra Sở còn tham mưu cho UBND tỉnh hướng dẫn doanh nghiệp tham dự nhiều hội nghị, hội thảo, công tác xúc tiến thương mại trực tuyến giữa các doanh nghiệp Việt Nam và các doanh nghiệp nước ngoài như: Hội nghị trực tuyến giữa doanh nghiệp Việt Nam và doanh nghiệp Ấn Độ, Hội nghị trực tuyến thúc đấy sản xuất giữa Doanh nghiệp Việt Nam và Hàn Quốc, Nhật Bản, Indonesia; Hội trợ Du lịch trực tuyến tỉnh BR-VT, …

Trong chăn nuôi, Sở NN&PTNT đã tham mưu các chính sách hỗ trợ tiêm phòng, phòng chống dịch bệnh cho gia súc, gia cầm trên địa bàn tỉnh BR-VT (Nghị quyết số 03/2021/NQ-HĐND ngày 17/8/2021 của HĐND tỉnh): Hỗ trợ tiêm phòng vắc xin các bệnh truyền  nhiễm nguy hiểm ở động vật như Cúm gia cầm, Niu-cát-xơn, Dịch tả heo, lở mồm long móng, Heo tai xanh; Hỗ trợ kinh phí xét nghiệm, xác định mức độ bảo hộ sau tiêm phòng, dự trù tổng kinh phí hỗ trợ mỗi năm khoảng 10 tỷ đồng; Hỗ trợ di dời các cơ sở chăn nuôi (theo Nghị quyết số 41/2018/NQ-HĐND ngày 14/12/2018);  Hỗ trợ xây dựng vùng, cơ sở an toàn dịch bệnh động vật.

Kim ngạch xuất khẩu nông lâm thủy sản trong 10 tháng năm 2021 (theo số liệu của Cục Thống kê tỉnh BR-VT) Nhóm thủy sản tăng 24,45%, đạt 192,06 triệu USD.
Kim ngạch xuất khẩu nông, lâm, thủy sản trong 10 tháng năm 2021 (theo số liệu của Cục Thống kê tỉnh BR-VT) thì Nhóm thủy sản tăng 24,45%, đạt 192,06 triệu USD.

PV: Phát huy tiềm năng lợi thế của tỉnh BR-VT trong việc sản xuất các mặt hàng nông nghiệp có thế mạnh xuất khẩu, các doanh nghiệp trên địa bàn cần làm gì để bước ra sân chơi lớn khi hội nhập sâu rộng?

Ông Đỗ Minh Tuấn: Phát huy tiềm năng lợi thế của tỉnh BR-VT trong việc sản xuất các mặt hàng nông nghiệp có thế mạnh xuất khẩu, các doanh nghiệp trên địa bàn cần:

Thứ nhất, chủ động chuyển đổi số trong sản xuất, đầu tư công nghệ trong các khâu sản xuất, cơ giới hóa trong quá trình sản xuất, giải phóng sức lao động. Từ đó, giảm chi phí đầu tư sản xuất, giảm thất thoát sau thu hoạch, tăng hiệu quả kinh tế sản xuất nông nghiệp

Thứ hai, phát triển kinh tế tuần hoàn trong nông nghiệp là việc làm cần thiết và là xu hướng tất yếu trong tương lai. Kinh tế tuần hoàn trong nông nghiệp là quá trình sản xuất nông nghiệp theo chu trình khép kín, chất thải và phế, phụ phẩm của quá trình này là đầu vào của quá trình sản xuất khác thông qua áp dụng tiến bộ kỹ thuật, công nghệ sinh học, công nghệ hóa lý. Nhờ đó, sản xuất nông nghiệp sẽ khai thác và sử dụng tài nguyên một cách tiết kiệm, hiệu quả, giảm thiểu sự lãng phí, thất thoát sau thu hoạch, tạo ra sản phẩm an toàn, chất lượng cao và nhất là giảm thiểu và đi đến triệt tiêu chất thải gây ô nhiễm môi trường, bảo vệ hệ sinh thái và sức khỏe con người.

Thứ ba, phát triển sản xuất theo hướng hữu cơ, bền vững, xây dựng một nền nông nghiệp sạch tiến đến chứng nhận hữu cơ theo các tiêu chuẩn của Mỹ, Châu Âu…hướng đến xuất khẩu sang các thị trường khó tính.

Thứ tư, đảm bảo nguồn nguồn nguyên liệu phục vụ công tác chế biến bằng cách ký các hợp đồng liên kết sản xuất, xây dựng vùng nguyên liệu để đảm bảo nguồn nguyên liệu cho công tác sản xuất ổn định, lâu dài, đáp ứng yêu cầu ngày càng nghiêm ngặt của các nước nhập khẩu về truy xuất nguồn gốc nguyên liệu,…

Thứ năm, hiện đại hóa dây chuyền sản xuất nhằm đáp ứng về cơ giới hóa và ứng dụng công nghệ số trong sản xuất nông nghiệp, nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm; các doanh nghiệp cần phải tự đầu tư trang thiết bị tự kiểm soát, đánh giá chất lượng sản phẩm của doanh nghiệp trước khi đưa ra thị trường.

Thứ sáu, liên kết với các trường Đại học, Viện để đẩy mạnh nghiên cứu khoa học và công nghệ tại các doanh nghiệp, phối hợp với các viện, trường nghiên cứu các đề tài, dự án sản xuất thử nghiệm các sản phẩm chế biến sâu, chế biến tinh, ứng dụng công nghệ bảo quản, giảm tổn thất sau thu hoạch cũng như đào tạo nguồn nhận lực chất lượng cao;

Thứ bảy, áp dụng các hệ thống quản lý chất lượng theo chuỗi từ khâu sản xuất, khai thác đến vận chuyển, bảo quản, chế biến, tiêu thụ, minh bạch thông tin nguồn gốc nhằm nâng cao chất lượng sản phẩm, đáp ứng nhu cầu của thị trường trong nước và xuất khẩu, đẩy lùi hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng tiêu thụ trên thị trường.

 

được đánh giá cao về chất lượng và hương vị đặc trưng như tiêu, ca cao…
Sản phẩm tiêu Bầu Mây được đánh giá cao về chất lượng và hương vị, sản lượng xuất khẩu: 25.5 tấn/năm. Hệ thống quản lý sản xuất và chất lượng sản phẩm ISO 22000:2005; Global G.A.P

PV: Ông đánh giá thế nào về tiềm năng và thế mạnh các mặt hàng nông, lâm, thủy sản của tỉnh BR-VT?

Ông Đỗ Minh Tuấn:  BR-VT là tỉnh thuộc vùng Đông Nam Bộ, nằm trong vùng kinh tế trọng điểm phía Nam. Ngoài thế mạnh về phát triển công nghiệp, cảng biển và du lịch, nông nghiệp công nghệ cao cũng được xác định là một trong bốn trụ cột phát triển kinh tế của tỉnh giai đoạn 2020 – 2025. Trong những năm gần đây ngành nông nghiệp của tỉnh đang phát triển theo hướng ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp hữu cơ, liên kết chuỗi giá trị, xây dựng thương hiệu, quảng bá sản phẩm, nông nghiệp gắn với du lịch.

Hiện nay một số sản phẩm nông nghiệp của tỉnh đã được bảo hộ chỉ dẫn địa lý, nhãn hiệu chứng nhận, nhãn hiệu tập thể như: Hồ tiêu, nhãn xuồng cơm vàng, mãng cầu ta, bưởi da xanh, hàu, muối, cá thu một nắng, mực một nắng,… Các sản phẩm tiềm năng chứng nhận OCOP (Chương trình mỗi xã một sản phẩm) như: Hồ tiêu, cà phê, đông trùng hạ thảo, mật ong, tinh bột nghệ,... Nhiều sản phẩm đã được xuất khẩu sang Châu Âu, Mỹ, Hàn Quốc, Trung Quốc, Nhật Bản,… góp phần phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh và được đánh giá cao về chất lượng và hương vị đặc trưng như tiêu, ca cao…

Định hướng trong thời gian tới ngành nông nghiệp sẽ đẩy mạnh cấp mã số vùng trồng, vùng  nuôi nhằm quản lý điều kiện sản xuất và sản phẩm của vùng, đồng thời định hướng phát triển đáp ứng các thị trường xuất khẩu khó tính.

PV: Xin trân trọng cảm ơn ông.

Hoàng Dương (thực hiện)