Ba sáng kiến thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội trong bối cảnh mới

Thông tin tại buổi họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 11/2020 diễn ra chiều 2/12 tại Hà Nội, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng, Người phát ngôn của Chính phủ cho biết trong tháng 11 và 11 tháng năm 2020, tình hình kinh tế xã hội chuyển biến tích cực với nhiều điểm sáng.

Tại buổi họp báo, Bộ trưởng Mai Tiến Dũng điểm lại một số kết quả trong lĩnh vực kinh tế, xã hội trong tháng qua và những tháng đầu năm. Trong đó, có nhiều điểm sáng nổi bật.

Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ nhắc lại quan điểm chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ là kiên định những mục tiêu đề ra, không lùi bước trước dịch bệnh, biến nguy cơ thành thời cơ, hoàn thành mục tiêu kinh tế - xã hội với mức cao nhất, ở mức 2,5-3% trong năm 2020.

họp báo chính phủ
Bộ trưởng Mai Tiến Dũng điểm lại một số kết quả trong lĩnh vực kinh tế, xã hội trong tháng 11 và 11 tháng đầu năm. Trong đó, có nhiều điểm sáng nổi bật

Thông tin cụ thể về tình hình kinh tế-xã hội, Người phát ngôn Chính phủ khẳng định, kinh tế xã hội tháng 11/2020 tiếp tục có sự cải thiện hơn so với các tháng trước.

Sản xuất công nghiệp tiếp tục khởi sắc; nhất là ngành chế biến, chế tạo tháng 11/2020 tăng 11,9% so với cùng kỳ (IIP toàn ngành tăng 9,2%). Tuy nhiên, IIP 11 tháng chỉ tăng 3,1% so với cùng kỳ (cùng kỳ tăng 9,2%). Sản xuất nông nghiệp tiếp tục có bước chuyển biến tích cực.

Hoạt động thương mại và dịch vụ tiêu dùng tháng 11 tiếp tục xu hướng phục hồi; tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tháng 11/2020 tăng 8,5% so với cùng kỳ. Tuy nhiên, tính chung 11 tháng năm 2020, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng chỉ tăng 2% so với cùng kỳ.

Kinh tế vĩ mô ổn định, lạm phát được kiểm soát ở mức thấp; chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 11/2020 giảm 0,01% so với tháng trước, tăng 0,08% so với tháng 12/2019 và tăng 1,48% so với cùng kỳ năm trước. Bình quân 11 tháng năm 2020, CPI chỉ tăng 3,51% so với cùng kỳ năm trước.

Hoạt động xuất nhập khẩu hàng hóa tiếp tục có chuyển biến tích cực. Tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa 11 tháng ước đạt 489,1 tỷ USD, tăng 3,5% so với cùng kỳ năm trước, xuất siêu ở mức kỷ lục là 20,1 tỷ USD, trong đó xuất khẩu đạt 254,6 tỷ USD, tăng 5,3%.

Tổng kim ngạch nhập khẩu 11 tháng đạt 234,5 tỷ USD, tăng 1,5%, trong đó chủ yếu là nhóm hàng tư liệu sản xuất (ước tính đạt 218,8 tỷ USD, tăng 1,6% so với cùng kỳ năm trước và chiếm 93,3% tổng kim ngạch nhập khẩu). Đây là tín hiệu đáng mừng cho thấy tình hình sản xuất đang phục hồi mạnh mẽ.

Đáng chú ý, 11 tháng qua, hoạt động đối ngoại và hội nhập quốc tế sôi động, đạt nhiều kết quả quan trọng, hình ảnh và uy tín của Việt Nam được nâng cao.

họp báo chính phủ
Người phát ngôn Chính phủ truyền đạt lại 3 sáng kiến của Thủ tướng. Nổi bật nhất là sáng kiến: kích cầu tiêu dùng, khuyến khích hàng của thành phố, đô thị xuống nông thôn, đưa hàng nông thôn lên thành phố

Theo Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ, trong thời gian tới, bối cảnh trong nước và quốc tế vẫn tiềm ẩn nhiều rủi ro. Quan điểm chỉ đạo của Chính phủ là: Kiên định với những nhiệm vụ, giải pháp đề ra; kiên quyết không lùi bước trước dịch bệnh, khó khăn, thách thức; phải biến "nguy cơ" thành "thời cơ" phát triển; phát huy sáng tạo, chung sức, đồng lòng nỗ lực vượt qua khó khăn; quyết tâm phấn đấu hoàn thành cao nhất các mục tiêu, chỉ tiêu kế hoạch 2020 của cả nước và của từng bộ, ngành, địa phương.

Do vậy, nhiệm vụ còn lại của năm là rất nặng nề nên Chính phủ yêu cầu các cấp, các ngành tập trung phát triển kinh tế - xã hội ổn định, đặc biệt, tuyệt đối không lơ là trước dịch bệnh. Ngoài ra, vấn đề liên quan đến người nhập cảnh, công tác cách ly, Thủ tướng sẽ có công điện chỉ đạo.

“Rút kinh nghiệm từ ca mắc mới ở TP.Hồ Chí Minh phải rút ra bài học về quản lý cách ly hoặc đón người từ nước ngoài về Việt Nam”, Bộ trưởng Mai Tiến Dũng lưu ý và cho hay Thủ tướng đã giao các cơ quan quản lý chặt chẽ biên giới và tình trạng nhập cảnh trái phép, đồng thời quản lý chặt chẽ các khu cách ly.

Đặc biệt, người phát ngôn Chính phủ truyền đạt lại 3 sáng kiến của Thủ tướng. Một là phải trồng 1 tỷ cây xanh/năm (tương đương diện tích 5 triệu ha rừng/năm). Sáng kiến này đưa ra sau khi nhiều địa phương chịu ảnh hưởng, tác động nặng nề bởi lũ lụt.

Hai là kích cầu tiêu dùng, khuyến khích hàng của thành phố, đô thị xuống nông thôn. Đồng thời khuyến khích đưa hàng nông thôn lên thành phố.

“Kích cầu trong nước là vấn đề rất quan trọng, nhất là trong bối cảnh dịch Covid-19 còn phức tạp và phải quản lý chặt tình hình nhập khẩu”, Bộ trưởng Mai Tiến Dũng nhấn mạnh.

Ba là giao Bộ Y tế cải cách bảo hiểm y tế. Bộ trưởng Mai Tiến Dũng cho biết, Thủ tướng đề nghị ngành y tế cân nhắc sớm có đề án cải cách chính sách bảo hiểm y tế cho trẻ em dưới 16 tuổi theo tinh thần Luật Trẻ em, trước mắt là đối với trẻ em mắc bệnh hiểm nghèo, tạo đà cho sự phát triển.

[Quảng cáo]

Hạ An