"Bắc cầu" đưa nông sản Việt sang Sơn Đông, Trung Quốc bằng hình thức trực tuyến

Hội nghị giao thương trực tuyến nông sản, thực phẩm Việt Nam - Sơn Đông (Trung Quốc) là cầu nối giúp doanh nghiệp Việt tìm đường xuất khẩu sang thị trường Sơn Đông với 107 triệu dân có sức tiêu thụ lớn.

Tiếp tục chuỗi sự kiện giao thương trực tuyến tìm kiếm và mở rộng thị trường cho nông sản, thực phẩm trong nước, ngày 16-17/6/2020 vừa qua, Cục Xúc tiến thương mại, Bộ Công Thương đã phối hợp với Ủy ban Xúc tiến thương mại Quốc tế Trung Quốc - Chi nhánh tỉnh Sơn Đông (CCPIT Sơn Đông) tổ chức Hội nghị Giao thương trực tuyến kết nối các doanh nghiệp nông sản, thực phẩm của Việt Nam với các đối tác của tỉnh Sơn Đông, Trung Quốc.

Hội nghị thu hút 60 doanh nghiệp hai nước hoạt động trong lĩnh vực nông sản, thực phẩm tham gia. Trong đó có 21 doanh nghiệp nông sản, thực phẩm, đồ uống của Việt Nam tham dự và giới thiệu tới các nhà nhập khẩu Sơn Đông nhiều sản phẩm chất lượng, phù hợp với nhu cầu tiêu thụ của các nhà máy sản xuất, người tiêu dùng Sơn Đông nói riêng và thị trường Trung Quốc nói chung.

Những sản phẩm được giới thiệu tại hội nghị gồm hàng nông sản (rau, củ, quả tươi, sấy khô, các loại hạt, gia vị…); các loại thực phẩm chế biến; bánh kẹo và đồ uống như cà phê, sữa, nước ép trái cây...

đưa nông sản Việt sang Sơn Đông, Trung Quốc

đưa nông sản Việt sang Sơn Đông, Trung Quốc
Hội nghị giao thương trực tuyến nông sản, thực phẩm Việt Nam - Sơn Đông (Trung Quốc) giúp doanh nghiệp Việt tìm đường xuất khẩu sang thị trường Sơn Đông với 107 triệu dân có sức tiêu thụ lớn

Giới thiệu những tiềm năng, thế mạnh của các mặt hàng nông sản, thực phẩm trong nước tới đối tác, ông Lê Hoàng Tài, Phó Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại nhấn mạnh, việc tăng cường giao thương trực tuyến giữa Việt Nam với tỉnh Sơn Đông nói riêng và mở rộng ra là thị trường các tỉnh miền Đông, Trung Quốc sẽ thúc đẩy hơn nữa quan hệ hợp tác thương mại cho doanh nghiệp hai nước Việt Nam-Trung Quốc.

Lương thực, thủy hải sản và bông là những sản phẩm nhập khẩu chủ đạo của tỉnh Sơn Đông. Năm 2019, địa phương này nhập khẩu lương thực đạt 4,93 tỷ USD, trong đó đậu tương nhập khẩu đạt 3,9 tỷ USD; thủy hải sản nhập khẩu đạt 3,22 tỷ USD; thịt các loại nhập khẩu đạt 2,42 tỷ USD, bông nhập khẩu đạt 1,32 tỷ USD.

Tốc độ tiêu dùng các sản phẩm thủy hải sản của tỉnh Sơn Đông tăng trưởng 14,9%, hoa quả tươi và khô tăng trưởng 40,7%. Điều này cho thấy không gian nhập khẩu sản phẩm tiêu dùng của Sơn Đông còn rất lớn và triển vọng, Phó Cục trưởng Lê Hoàng Tài nhấn mạnh.

Tuy nhiên, Phó Cục trưởng Lê Hoàng Tài cũng cho rằng, thương mại giữa Việt Nam với tỉnh Sơn Đông vẫn còn nhiều dư địa bỏ ngỏ, do vậy, cần sự phối hợp tích cực hơn nữa của các cơ quan và doanh nghiệp hai bên.

Cùng chung quan điểm, ông Lưu Hiểu Giang - Phó Hội trưởng CCPIT tỉnh Sơn Đông nhấn mạnh, Hội nghị trực tuyến kết nối doanh nghiệp Việt Nam với doanh nghiệp Sơn Đông là một phương thức nhanh và hiệu quả trong việc thúc đẩy hợp tác thương mại giữa hai bên.

Ông Lưu Hiểu Giang cho biết, Sơn Đông là tỉnh có nền kinh tế phát triển, dân cư đông đúc. GDP của tỉnh này đứng thứ 3 ở Trung Quốc trong năm 2019 tạo ra nhu cầu tiêu dùng lớn.

Do vậy, thương mại giữa Việt Nam và Trung Quốc nói chung và với Sơn Đông nói riêng còn rộng mở nhiều cơ hội, ông Lưu Hiểu Giang nhận định.

đưa nông sản Việt sang Sơn Đông, Trung Quốc
Không gian nhập khẩu sản phẩm tiêu dùng của Sơn Đông còn rất lớn và là triển vọng cho các doanh nghiệp Việt Nam hoạt động trong lĩnh vực nông sản, thực phẩm 

Tham gia Hội nghị giao thương trực tuyến, bà Trần Thị Hồng Hạnh, Phó Giám đốc Sở Công Thương tỉnh Hưng Yên đã giới thiệu tới các nhà nhập khẩu Trung Quốc về quả nhãn lồng cùng nhiều hàng nông sản khác của tỉnh.

Phó Giám đốc Sở Công Thương Hưng Yên mong muốn, các doanh nghiệp Sơn Đông sẽ tới khảo sát đặc sản nhãn lồng, nhiều mặt hàng nông sản nổi tiếng khác của tỉnh và khẳng định, sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp Sơn Đông tới địa phương này tìm hiểu, làm việc và hợp tác kinh doanh.

Để thúc đẩy hợp tác thương mại giữa doanh nghiệp Việt Nam với doanh nghiệp Sơn Đông nói riêng và doanh nghiệp Trung Quốc nói chung, ông Lê Hoàng Tài đề nghị, CCPIT Sơn Đông giúp đề xuất tới các cơ quan chính quyền liên quan tại Trung Quốc đơn giản hóa thủ tục, tạo điều kiện thuận lợi hơn nữa cho hoạt động thông thương hàng hóa.

Đặc biệt đối với mặt hàng nông sản, thủy sản, thực phẩm của Việt Nam xuất khẩu sang thị trường này, tiến tới giảm dần thâm hụt thương mại của Việt Nam với Trung Quốc.

Phó Cục trưởng Lê Hoàng Tài cũng đề nghị, phía Trung Quốc đẩy nhanh tiến trình mở cửa thị trường cho một số mặt hàng nông sản Việt Nam như thạch đen, tổ yến, khoai lang, sầu riêng, chanh leo, bơ, bưởi, dừa, na, roi...; đưa sản phẩm nông sản Việt Nam xuất khẩu và giao dịch theo phương thức chính quy.

Ngoài ra, Cục Xúc tiến thương mại cũng đề nghị CCPIT Sơn Đông tăng cường phối hợp với Cục XTTM thực hiện đa dạng các hoạt động kết nối giao thương doanh nghiệp hai bên, khuyến khích doanh nghiệp hai bên giao lưu và đầu tư sang nhau.

Ông Lê Hoàng Tài khẳng định, Cục Xúc tiến thương mại luôn ủng hộ, làm tốt vai trò cơ quan xúc tiến, là cầu nối để doanh nghiệp Việt Nam và tỉnh Sơn Đông tăng cường giao lưu, kết nối kinh doanh và đầu tư hiệu quả.

“Cục Xúc tiến thương mại có Văn phòng tại Hàng Châu (Trung Quốc), cách tỉnh Sơn Đông khoảng 800 km, đây là địa điểm luôn sẵn sàng hỗ trợ các doanh nghiệp tỉnh Sơn Đông tìm kiếm các cơ hội hợp tác kinh doanh và đầu tư lâu dài với các doanh nghiệp Việt Nam”, Phó Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại Lê Hoàng Tài nhấn mạnh.

Sau phiên hội nghị, doanh nghiệp hai bên đã tham gia các phiên giao thương theo từng lĩnh vực, chủ đề hợp tác cụ thể. Tại các phiên giao thương, doanh nghiệp hai bên đã gặp gỡ, trao đổi trực tuyến thông tin thị trường, sản phẩm, đối tác, qua đó tìm kiếm được những cơ hội hợp tác song phương.

Trước đó, Cục Xúc tiến thương mại cũng đã tổ chức nhiều chương trình giao thương trực tuyến với Nhật Bản, Ấn Độ, Trung Quốc, Singapore... nhằm tìm kiếm và mở rộng thị trường cho nông sản, thực phẩm trong nước. 

Hạ An