Bắc Giang: Công nhận 39 sản phẩm tham gia Chương trình OCOP đợt 2 năm 2021

Lũy kế hết năm 2021 toàn tỉnh có 155 sản phẩm OCOP, trong đó có 36 sản phẩm 4 sao và 119 sản phẩm 3 sao đưa Bắc Giang trở lên vị trí thứ 2 Khu vực miền núi phía Bắc, sau Hà Giang và đứng thứ 7 cả nước về số sản phẩm OCOP.
ba giang
Ảnh minh họa: BGP/Nguyễn Miền

UBND tỉnh Bắc Giang vừa ban hành Quyết định phê duyệt kết quả đánh giá, phân hạng và cấp Giấy chứng nhận cho sản phẩm tham gia Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP) tỉnh Bắc Giang đợt 2 năm 2021.

Theo đó, UBND tỉnh phê duyệt kết quả đánh giá, phân hạng và cấp Giấy chứng nhận cho 39 sản phẩm tham gia Chương trình OCOP tỉnh Bắc Giang đợt 2 năm 2021. Trong đó, công nhận 02 sản phẩm đạt hạng 4 sao gồm: Dưa Kim hoàng hậu (HTX Rau sạch Yên Dũng, xã Tiến Dũng, huyện Yên Dũng) và Sâm nam núi Dành khô (HTX sản xuất và tiêu thụ Sâm nam núi Dành, xã Việt Lập, huyện Tân Yên). Đồng thời công nhận 37 sản phẩm đạt hạng 3 sao.

Như vậy, lũy kế hết năm 2021 toàn tỉnh có 155 sản phẩm OCOP, trong đó có 36 sản phẩm 4 sao và 119 sản phẩm 3 sao đưa Bắc Giang trở lên vị trí thứ 2 Khu vực miền núi phía Bắc, sau Hà Giang và đứng thứ 7 cả nước về số sản phẩm OCOP.

Các phẩm được công nhận đạt các hạng sao được UBND tỉnh cấp Giấy chứng nhận sản phẩm OCOP 3 sao, 4 sao; được sử dụng biểu trưng của Chương trình OCOP và thứ hạng sao in trên bao bì, nhãn mác và các tài liệu giới thiệu, quảng bá về sản phẩm và được khen thưởng theo quy định. Giấy chứng nhận cho các sản phẩm OCOP đạt từ 3 sao trở lên có giá trị trong thời hạn 36 tháng kể từ ngày ban hành Quyết định.

UBND tỉnh yêu cầu Sở Nông nghiệp và PTNT tham mưu tổ chức công bố, trao Giấy chứng nhận sản phẩm OCOP; phối hợp với Sở Công Thương hướng dẫn UBND các huyện và các chủ thể sản xuất thực hiện việc sử dụng và in biểu trưng của Chương trình OCOP, thứ hạng sao lên sản phẩm được công nhận theo quy định.

Đồng thời đề xuất các giải pháp hỗ trợ các sản phẩm OCOP để tiếp tục hoàn thiện sản phẩm, giới thiệu, xúc tiến thương mại; phối hợp thực hiện việc kiểm tra đột xuất, định kỳ các sản phẩm OCOP đã được công nhận và đề xuất biện pháp xử lý khi có vi phạm xảy ra.

UBND các huyện tiếp tục quan tâm, hỗ trợ các chủ thể sản xuất sản phẩm OCOP nâng cao chất lượng sản phẩm; ưu tiên hỗ trợ hoạt động quảng bá, giới thiệu, xúc tiến thương mại và hoàn thiện sản phẩm.

Các chủ thể sản xuất (doanh nghiệp, hợp tác xã, cơ sở sản xuất) có sản phẩm được công nhận tại Quyết định này có trách nhiệm nâng cao chất lượng sản phẩm theo quy định của Chương trình OCOP, tiếp tục hoàn thiện các sản phẩm đã được công nhận để nâng cấp sản phẩm đạt thứ hạng sao cao hơn.

 

Nguyễn Miền