Bắc Giang: Khôi phục sản xuất công nghiệp, thương mại thần tốc sau sóng dịch Covid-19

Dù đối mặt với ảnh hưởng trực tiếp của đợt bùng phát dịch Covid-19 lần thứ tư, nhưng với sự quyết tâm, vào cuộc của cả hệ thống chính trị và sự đồng lòng của người dân, doanh nghiệp, Bắc Giang đã nhanh chóng đẩy lùi dịch bệnh, khôi phục sản xuất công nghiệp, vượt mục tiêu đề ra, tạo đà cho kinh tế - xã hội của tỉnh phát triển ở mức cao nhất.

Để hiểu hơn về những nỗ lực, tích cực của Bắc Giang khi vừa chống dịch, vừa khôi phục sản xuất và đẩy mạnh phát triển kinh tế, phóng viên (PV) Tạp chí Công Thương đã có cuộc phỏng vấn ông Trần Quang Tấn, Giám đốc Sở Công Thương Bắc Giang.

GĐ Sở Công Thương Bắc Giang
Ông Trần Quang Tấn - Giám đốc Sở Công Thương Bắc Giang. Ảnh minh hoạ

PV: Thưa ông, ông đánh giá thế nào về tình hình phát triển công nghiệp - thương mại trên địa bàn tỉnh Bắc Giang dưới ảnh hưởng của dịch bệnh trong 10 tháng năm 2021?

Ông Trần Quang Tấn: Vừa qua, tỉnh Bắc Giang là địa phương bị ảnh hưởng trực tiếp, nặng nề của đợt dịch Covid-19 bùng phát lần thứ 4. Dịch bệnh đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến mọi mặt của đời sống, kinh tế, xã hội, nhiều khu vực đã phải cách ly, phong tỏa, giãn cách. Các hoạt động sản xuất, kinh doanh bị đình trệ, sự an toàn, sức khỏe và đời sống của người dân, nhất là công nhân lao động bị ảnh hưởng lớn.

Trong bối cảnh dịch bệnh khó khăn, tỉnh đã có nhiều giải pháp quyết liệt, linh hoạt, với sự vào cuộc quyết tâm của cả hệ thống chính trị, sự đồng lòng của người dân, doanh nghiệp. Sau gần 2 tháng, Bắc Giang đã đẩy lùi dịch bệnh, từ tháng 7/2021 toàn tỉnh đã trở lại trạng thái bình thường mới, vừa phòng, chống dịch vừa khôi phục và đẩy mạnh phát triển kinh tế - xã hội.

Đến nay, các hoạt động kinh tế - xã hội trên địa bàn tỉnh, đã hoạt động trở lại trong trạng thái bình thường mới. Hầu hết các doanh nghiệp trong các khu công nghiệp, cụm công nghiệp (KCN, CCN) đã hoạt động trở lại, thậm chí trong các KCN tổng số lao động làm việc tăng cao hơn so với thời điểm trước dịch.

Cụ thể, đã có 385 doanh nghiệp trong 6 KCN đang hoạt động với 192.163 lao động, vượt gần 40.000 lao động so với thời điểm trước khi bùng phát dịch Covid-19; 225 doanh nghiệp trong các CCN hoạt động trở lại, đạt tỷ lệ 98% với 48.054 lao động, đạt tỷ lệ 97% so với thời điểm trước khi bùng phát dịch Covid-19.

Bên cạnh đó, tăng trưởng tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) 10 tháng đầu năm 2021 của tỉnh Bắc Giang đạt gần 6%, dự kiến cả năm tăng trên 7%; trong đó, giá trị sản xuất công nghiệp (giá thực tế) 10 tháng ước đạt 250 nghìn tỷ đồng, tăng 14,7% so với cùng kỳ. Hoạt động thương mại dịch vụ, lưu thông hàng hóa có mức tăng trưởng khá, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ sản xuất 10 tháng đầu năm ước đạt 27.210 tỷ đồng, tăng 6,4% so cùng kỳ.

Đồng thời, Bắc Giang là địa phương đứng trong Top 10 tỉnh, thành phố có giá trị xuất khẩu lớn nhất toàn quốc, kim ngạch xuất nhập khẩu 10 tháng đầu năm 2021 đạt 26,7 tỷ USD, trong đó xuất khẩu 12,9 tỷ USD, nhập khẩu 13,8 tỷ USD, dự kiến cả năm khoảng 30 tỷ USD.

Hiện nay, thị trường xuất khẩu lớn nhất của Bắc Giang là Trung Quốc, Hàn Quốc, Mỹ, Ấn Độ, Tây Ban Nha… với các sản phẩm chính là dệt may, da giày, sản phẩm điện tử, linh kiện các loại, thiết bị điện, sản phẩm từ chất dẻo... Bắc Giang cũng là địa phương có tốc độ tham gia hội nhập kinh tế quốc tế và chuỗi cung ứng toàn cầu nhanh, toàn diện.

Ảnh Bài Sở CT Bắc Giang

Qua đây, có thể thấy Bắc Giang là điểm đến hấp dẫn của nhiều nhà đầu tư, chỉ tính từ đầu năm 2021 đến nay, tỉnh đã thu hút được 881,75 triệu USD vốn đầu tư quy đổi (bao gồm cả vốn đăng ký cấp mới và vốn điều chỉnh) gấp 4,72 lần so với cùng kỳ năm 2020; trong đó, cấp mới 25 dự án trong nước, vốn đăng ký 1.582,6 tỷ đồng, cấp mới 19 dự án FDI, vốn đăng ký 624,95 triệu USD gấp 2,17 lần so với cùng kỳ (thu hút đầu tư FDI trong 10 tháng năm 2021, Bắc Giang đứng thứ 9 cả nước). Và hiện còn 01 dự án có vốn đầu tư 160 triệu USD trong Khu công nghiệp Quang Châu vẫn đang trong quá trình thẩm định.

Ngoài ra, từ đầu năm 2021 đến nay, trên toàn tỉnh đã có 1.114 doanh nghiệp được thành lập mới với tổng số vốn đăng ký đạt 21.765 tỷ đồng, tăng gấp 2 lần so với cùng kỳ năm 2020.

PV: Theo ông những nhiệm vụ cấp bách nào đang đặt ra cho ngành Công Thương Bắc Giang trong 2 tháng còn lại của năm 2021?

Ông Trần Quang Tấn: Hiện nay, dịch Covid-19 có nguy cơ bùng phát trở lại gây ảnh hưởng không nhỏ đến phát triển công nghiệp - thương mại trên địa bàn tỉnh. Vì vậy, nhiệm vụ cấp bách đặt ra trong thời gian tới là vừa “thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19” vừa đảm bảo phát triển sản xuất an toàn và hoàn thành “mục tiêu kép” theo tinh thần của Nghị quyết 128/NQ-CP ngày 11/10/2021.

Bắc Giang sẽ tiếp tục duy trì, thúc đẩy tăng trưởng sản xuất công nghiệp, thương mại dịch vụ và hoạt động xuất nhập khẩu để đảm bảo mục tiêu đã đề ra của năm 2021; đồng thời, đẩy mạnh công tác xúc tiến thương mại, thương mại điện tử nhằm hỗ trợ bà con nông dân đẩy mạnh tiêu thụ nông sản chủ lực, đặc trưng của tỉnh Bắc Giang trong dịp Tết Nguyên đán 2022.

PV: Sở Công Thương sẽ tập trung thực hiện những giải pháp nào để hoàn thành các nhiệm vụ đó, hướng đến mục tiêu tăng trưởng của tỉnh Bắc Giang năm 2021?

Ông Trần Quang Tấn: Để hướng đến mục tiêu tăng trưởng của tỉnh Bắc Giang năm 2021, Sở Công Thương sẽ tập trung thực hiện một số giải pháp chủ yếu sau.

Sở sẽ tập trung triển khai thực hiện hiệu quả Nghị quyết số 147-NQ/TU ngày 15/07/2021 của Tỉnh ủy về phát triển công nghiệp tỉnh Bắc Giang giai đoạn 2021-2030; Kế hoạch số 395/KH-UBND ngày 19/8/2021 của UBND tỉnh về triển khai thực hiện Nghị quyết số 147-NQ/TU của Tỉnh ủy.

Bên cạnh đó, tiếp tục duy trì khu vực sản xuất tại các KCN, CCN an toàn, đảm bảo đầy đủ các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19 hiệu quả. Phát huy vai trò thành viên Ban chỉ đạo và Tổ giúp việc Ban chỉ đạo hỗ trợ doanh nghiệp phát triển sản xuất và phòng, chống dịch Covid-19, thường xuyên nắm bắt tình hình sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp, kịp thời tham mưu UBND tỉnh các giải pháp giải quyết, tháo gỡ khó khăn của doanh nghiệp.

Hướng dẫn, theo dõi, kiểm tra, đôn đốc việc triển khai thực hiện các nội dung công việc của các chủ đầu tư kinh doanh hạ tầng CCN theo Kế hoạch số 1721/KH-UBND ngày 23/4/2021 của UBND tỉnh, phối hợp các sở, ngành, UBND huyện, thành phố hỗ trợ thực hiện giải pháp nhằm tháo gỡ khó khăn, vướng mắc của các chủ đầu tư, nhất là công tác bồi thường bồi thường, giải phóng mặt bằng.

Phối hợp với UBND huyện, thành phố xác định vị trí, tổ chức thực hiện cắm mốc đường dây và TBA 110kV, 220kV, 500kV sau khi Quy hoạch tỉnh và Quy hoạch điện VIII được duyệt. Phối hợp với Tổng Công ty Điện lực Miền Bắc, Công ty Điện lực Bắc Giang đẩy nhanh tiến độ đầu tư xây dựng các công trình điện trên địa bàn. Phấn đấu hoàn thành đóng điện các công trình theo đúng kế hoạch, đảm bảo cung ứng đủ điện cho sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp trong các khu, cụm công nghiệp.

Đồng thời, tiếp tục phối hợp với các ngành, UBND huyện, thành phố hỗ trợ, đẩy mạnh các hoạt động thương mại, dịch vụ để thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, đồng thời đảm bảo an toàn, phòng chống dịch Covid-19. Xây dựng kế hoạch đảm bảo đủ hàng hóa phục vụ nhân dân trong dịp Tết Nguyên đán 2022, đẩy mạnh phối hợp kiểm tra, kiểm soát thị trường, chống gian lận thương mại, tạo môi trường kinh doanh lành mạnh. Chủ động, linh hoạt có phương án xúc tiến, tiêu thụ nông sản của tỉnh trong các tình huống.

Hoạt động xúc tiến thương mại, nhằm hỗ trợ các doanh nghiệp tìm kiếm và mở rộng thị trường, đẩy mạnh xuất khẩu sẽ được tăng cường thực hiện cũng như hỗ trợ doanh nghiệp đẩy mạnh hoạt động thương mại điện tử, thúc đẩy phát triển kinh tế số. Phối hợp chặt chẽ với cơ quan chức năng của các tỉnh có cửa khẩu để thường xuyên trao đổi, thông tin kịp thời về tình hình xuất, nhập khẩu hàng hóa, qua đó giúp các doanh nghiệp chủ động có kế hoạch hoạt động xuất nhập khẩu một cách hợp lý, giảm thiểu tối đa hàng hóa ùn ứ tại cửa khẩu, gây thiệt hại cho doanh nghiệp.

Đặc biệt, Bắc Giang sẽ đẩy mạnh thu hút các dự án đầu tư trong lĩnh vực thương mại, dịch vụ, từng bước đổi mới, nâng cấp hạ tầng thương mại của tỉnh theo hướng văn minh, hiện đại, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của người dân, doanh nghiệp.

Bên cạnh đó, Sở sẽ phối hợp với các huyện, thành phố đẩy nhanh tiến độ chuyển đổi mô hình tổ chức quản lý, kinh doanh khai thác chợ; tham mưu bố trí nguồn ngân sách nhà nước thực hiện cải tạo, sửa chữa đối với các chợ tại khu vực miền núi, vùng sâu, vùng xa, vùng kinh tế đặc biệt khó khăn nhằm đảm bảo an toàn thực phẩm, văn minh thương mại.

PV: Xin trân trọng cảm ơn ông.

Phương Thúy