Bãi bỏ các điều kiện kinh doanh không cần thiết

Ban Chỉ đạo cải cách hành chính của Chính phủ đề nghị các Bộ, ngành rà soát, kiến nghị bãi bỏ các điều kiện kinh doanh không cần thiết, không khả thi, không rõ ràng, khó xác định, không phù hợp thực tiễn; bãi bỏ các loại chứng chỉ không cần thiết, thu gọn các loại chứng chỉ trùng lặp về nội dung, hoàn thành trong Quý II năm 2024.

Văn phòng Chính phủ vừa ban hành Thông báo số 53/TB-VPCP ngày 15/2/2024 kết luận của Ban Chỉ đạo cải cách hành chính của Chính phủ tại Phiên họp thứ bảy ngày 2/2/2024.

Tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho các địa phương

Năm 2023, công tác chỉ đạo, điều hành đã bám sát phương châm hành động của Chính phủ "Đoàn kết kỷ cương, bản lĩnh linh hoạt, đổi mới sáng tạo, kịp thời hiệu quả". Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã quan tâm, chỉ đạo quyết liệt, toàn diện trên tất cả các lĩnh vực cải cách hành chính (CCHC) với nhiều văn bản, chỉ thị được ban hành bám sát tình hình thực tiễn nhằm xoay chuyển tình thế, chuyển đổi trạng thái; đã thành lập 26 Tổ công tác trực tiếp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho các địa phương; tổ chức nhiều hội nghị toàn quốc về công tác quy hoạch, đầu tư nước ngoài, thị trường tài chính, bất động sản, đất đai, doanh nghiệp… Thanh tra, kiểm tra công vụ được tăng cường.

Ban Chỉ đạo cải cách hành chính của Chính phủ được kiện toàn, phân công rõ trách nhiệm, hoạt động hiệu lực, hiệu quả hơn với thành viên là các đồng chí Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ (riêng Bộ Công an, Bộ Quốc phòng, các đồng chí Thứ trưởng tham gia làm thành viên Ban Chỉ đạo).

điều kiện kinh doanh
Thời gian qua, cải cách thủ tục hành chính được thúc đẩy, môi trường kinh doanh có bước cải thiện.

Các bộ, ngành đã cắt giảm, đơn giản hóa 628 quy định kinh doanh

Cải cách thể chế, xây dựng pháp luật là trọng tâm ưu tiên, có nhiều đổi mới, mang lại kết quả tích cực. Nhiều văn bản, cơ chế, chính sách quan trọng đã được ban hành, góp phần tháo gỡ các nút thắt và thúc đẩy mạnh mẽ tiến trình cải cách hành chính, như: Luật Căn cước, Luật Giao dịch điện tử (sửa đổi), Luật Kinh doanh bất động sản… Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi), Luật Đất đai (sửa đổi)… Một số chính sách đặc thù phát triển lĩnh vực, địa phương đã được thông qua.

Cải cách thủ tục hành chính được thúc đẩy, môi trường kinh doanh có bước cải thiện: Các bộ, ngành đã cắt giảm, đơn giản hóa 628 quy định kinh doanh; 100% bộ, ngành, địa phương đã công bố danh mục thủ tục hành chính nội bộ; chất lượng giải quyết thủ tục hành chính có nhiều cải thiện.

Cải cách tổ chức bộ máy có nhiều nỗ lực, đạt kết quả tích cực: 100% bộ, ngành đã hoàn thành việc ban hành văn bản quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn; 100% các địa phương đã hoàn thành việc rà soát, sắp xếp tổ chức bên trong các sở ngành…

Đẩy mạnh cải cách chế độ công vụ: (i) Ban hành các quy định mới về kiểm định chất lượng đầu vào công chức; về khuyến khích, bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung; phê duyệt Chiến lược quốc gia về thu hút, trọng dụng nhân tài; (ii) Sửa đổi, bổ sung kịp thời một số quy định về đánh giá và xử lý kỷ luật cán bộ, công chức, viên chức; (iii) Bỏ thi thăng hạng viên chức, góp phần tiết kiệm chi phí xã hội, cắt giảm TTHC; (iv) Sửa đổi, bổ sung chế độ chính sách cho cán bộ, công chức cấp xã và người hoạt động không chuyên trách.

Đẩy mạnh triển khai chuyển đổi số quốc gia

Cải cách tài chính công được quan tâm. Thu ngân sách nhà nước vượt khoảng 8,12% dự toán trong khi đã miễn, giảm, gia hạn thuế, phí, lệ phí và tiền thuê đất gần 194 nghìn tỷ đồng; đồng thời với nỗ lực lớn của cả hệ thống chính trị, dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng, thường xuyên và trực tiếp là Bộ Chính trị, cụ thể là đồng chí Tổng Bí thư, đã tăng thu, tiết kiệm chi, đã trích lập được khoảng 560 nghìn tỷ đồng, bảo đảm đủ nguồn để cải cách tiền lương trong 3 năm 2024-2026. Giải ngân vốn đầu tư công đạt 662,6 nghìn tỉ đồng, cao nhất từ trước đến nay, thống kê bước đầu đạt khoảng 93%, cao hơn khoảng 123,3 nghìn tỷ đồng về số tuyệt đối so với cùng kỳ năm 2022, cơ cấu chi cho đầu tư phát triển tăng lên.

Xây dựng và phát triển Chính phủ điện tử, Chính phủ số được triển khai mạnh mẽ, quyết liệt: (i) Khung pháp lý được hoàn thiện một bước, nhiều thể chế quan trọng được ban hành: Luật Giao dịch điện tử (sửa đổi); Luật Viễn thông (sửa đổi), Luật Căn cước; (ii) Các cơ sở dữ liệu quốc gia, cơ sở dữ liệu chuyên ngành được đẩy mạnh triển khai xây dựng, kết nối, chia sẻ (quản lý dân cư, đăng ký doanh nghiệp, bảo hiểm, hộ tịch điện tử…); (iii) Đề án 06 được thúc đẩy triển khai, là điểm sáng trong chuyển đổi số quốc gia; hiện nay đang tiếp tục nghiên cứu, rút kinh nghiệm từ các nước để đẩy mạnh triển khai; Chính phủ đã phê duyệt Đề án xây dựng Trung tâm dữ liệu quốc gia; (iv) An ninh mạng, an toàn thông tin ngày càng được củng cố, tăng cường.

Nhận thức về chuyển đổi số và chuyển đổi xanh được tăng cường, các bộ, ngành, địa phương đã tích cực nghiên cứu triển khai và đẩy mạnh triển khai các Chương trình, Đề án của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ...

Bên cạnh những kết quả trên, CCHC vẫn còn tồn tại một số hạn chế: (i) Công tác chỉ đạo, điều hành CCHC nhiều nơi còn chưa quyết liệt, sát sao; kiểm tra, đánh giá còn hình thức; chưa xử lý dứt điểm các tồn tại, hạn chế; (ii) Cơ chế, chính sách trên một số lĩnh vực vẫn còn chồng chéo, mâu thuẫn, chưa phù hợp thực tiễn, chậm được sửa đổi, bổ sung, tháo gỡ; (iii) Cải cách TTHC chuyển biến còn chậm, nhất là thủ tục đối với người dân, doanh nghiệp; (iv) Trách nhiệm thực thi công vụ của cán bộ, công chức, viên chức nhiều nơi còn thấp; (v) Cải cách tài chính công hiệu quả chưa cao, cơ cấu chi cho đầu tư phát triển chuyển dịch còn chậm; (vi) Xây dựng Chính phủ điện tử còn gặp nhiều thách thức... (vii) Phân cấp, phân quyền chưa triệt để, còn nhiều vướng mắc về pháp lý; (viii) Công tác phối hợp giữa các bộ, ngành, địa phương có nơi, có lúc còn chậm.

Nguyên nhân có cả khách quan và chủ quan, trong đó chủ quan là chủ yếu: (i) Công tác chỉ đạo, điều hành chậm được đổi mới, chưa phát huy được vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu là nguyên nhân lớn, nhất là ở một số cơ quan, đơn vị, địa phương, người đứng đầu chưa phát huy hết khả năng và năng lực của bộ máy quản lý, chưa mạnh mẽ, quyết liệt, chưa có quyết tâm cao do công tác CCHC đụng chạm đến những vấn đề nhạy cảm; (ii) Tinh thần trách nhiệm của một bộ phận cán bộ, công chức còn chưa cao, còn ỷ lại, đùn đẩy, né tránh, sợ trách nhiệm, sợ sai; năng lực phản ứng chính sách còn hạn chế; (iii) Cơ chế bảo đảm (thể chế, nguồn nhân lực, hạ tầng về công nghệ thông tin, giao thông, y tế, giáo dục…) còn nhiều vướng mắc, thiếu hụt, chưa đáp ứng được đòi hỏi của Nhân dân và yêu cầu ngày càng nhiều, càng cao của công việc.

Đầu tư cải cách hành chính để tạo giá trị mới, thành công mới

Quan điểm của Ban Chỉ đạo CCHC của Chính phủ trong thời gian tới là lấy người dân, doanh nghiệp làm trung tâm, chủ thể CCHC; xác định đầu tư cho CCHC là đầu tư phát triển để tạo khí thế, động lực mới, giá trị mới, thành công mới.

Tiếp tục đẩy mạnh CCHC trên cả 06 lĩnh vực với trọng tâm, trọng điểm:

Về thể chế, tập trung tháo gỡ vướng mắc pháp lý cho sản xuất, kinh doanh; cải cách thủ tục hành chính, tập trung đơn giản hóa thủ tục hành chính, phân cấp, phân quyền, giảm chi phí đầu vào, chi phí tuân thủ cho người dân, doanh nghiệp;

Cải cách tổ chức bộ máy hành chính, tập trung xây dựng bộ máy tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả, tinh giản biên chế gắn với cơ cấu lại và nâng cao năng lực thực thi của cán bộ, công chức, viên chức;

Cải cách chế độ công vụ, tập trung tăng cường kỷ luật, kỷ cương hành chính, tăng cường văn hóa công sở, xây dựng đạo đức công vụ, tăng cường trách nhiệm của các cán bộ, công chức, viên chức làm nhiệm vụ đối với người dân và doanh nghiệp;

Cải cách tài chính công, tập trung tăng cường các biện pháp tăng thu, giảm chi thường xuyên, cơ cấu lại, tăng chi cho đầu tư phát triển, chống tiêu cực, tham nhũng trong việc sử dụng tài chính công;

Xây dựng và phát triển Chính phủ điện tử, Chính phủ số, đẩy mạnh chuyển đổi số, xây dựng chính quyền số, công dân số, đặc biệt là tập trung triển khai Đề án 06.

Nhiệm vụ, giải pháp cụ thể trong thời gian tới 

Ban Chỉ đạo CCHC của Chính phủ đã đưa ra các nhiệm vụ, giải pháp cụ thể trong thời gian tới. Trong đó Ban Chỉ đạo CCHC yêu cầu Bộ trưởng các bộ, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương căn cứ vào Kết luận của Ban Chỉ đạo tại Phiên họp, ban hành và tổ chức thực hiện hiệu quả Kế hoạch CCHC năm 2024, xác định rõ trọng tâm, trọng điểm theo quan điểm chỉ đạo trên; tổ chức triển khai thực hiện các nhiệm vụ CCHC được giao tại các Nghị quyết số: 01/NQ-CP, 02/NQ-CP ngày 5/1/2024 của Chính phủ và các nhiệm vụ được nêu tại Báo cáo của Ban Chỉ đạo CCHC của Chính phủ. Chủ động ban hành theo thẩm quyền và triển khai có hiệu quả các cơ chế, chính sách khuyến khích, khen thưởng, ưu tiên đề bạt, bổ nhiệm các công chức có năng lực nổi trội, đề xuất nhiều ý tưởng, sáng kiến CCHC.

Ưu tiên nguồn lực cho công tác xây dựng, hoàn thiện pháp luật; nâng cao hiệu lực, hiệu quả tổ chức thi hành pháp luật. Tập trung tháo gỡ các điểm nghẽn về cơ chế, chính sách nhằm hỗ trợ hoạt động sản xuất kinh doanh và đời sống của người dân, doanh nghiệp. Tiếp tục hoàn thiện đồng bộ khung khổ pháp lý thúc đẩy sự phát triển của khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo.

Bãi bỏ các điều kiện kinh doanh không cần thiết

Các bộ, ngành chủ động nghiên cứu, rà soát, kiến nghị đưa ra khỏi danh mục ngành nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện đối với những ngành nghề có thể áp dụng biện pháp quản lý khác hiệu quả hơn, hoàn thành trước tháng 6/2024, vì rất cấp bách.

Rà soát, kiến nghị bãi bỏ các điều kiện kinh doanh không cần thiết, không khả thi, không rõ ràng, khó xác định, không phù hợp thực tiễn; bãi bỏ các loại chứng chỉ không cần thiết, thu gọn các loại chứng chỉ trùng lặp về nội dung, hoàn thành trong Quý II năm 2024.

Đẩy mạnh việc rà soát, ban hành các quy định để hoàn thành việc xây dựng vị trí việc làm cán bộ, công chức, viên chức trong hệ thống hành chính nhà nước hoàn thành trước ngày 31/3/2024; tiếp tục triển khai có hiệu quả Chiến lược quốc gia thu hút, trọng dụng nhân tài và các quy định về kiểm định chất lượng đầu vào công chức, quy định về khuyến khích, bảo vệ cán bộ dám nghĩ, dám làm...

Tiếp tục triển khai các giải pháp nâng cao kỷ luật, kỷ cương hành chính, chất lượng thực thi công vụ và cải thiện chất lượng phục vụ người dân, doanh nghiệp; kiên quyết xử lý nghiêm những trường hợp vi phạm kỷ luật, kỷ cương hành chính, bảo đảm sự nghiêm minh trong thực thi pháp luật và củng cố niềm tin của Nhân dân đối với Đảng và chính quyền.

Tiếp tục hoàn thiện, xây dựng bộ máy tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả; thực hiện sắp xếp tổ chức bộ máy bên trong gắn với tinh giản biên chế và nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của từng cơ quan, đơn vị, trong đó tập trung xây dựng vị trí việc làm để cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức.

Thực hiện sáp nhập các đơn vị hành chính không đủ tiêu chuẩn, hoàn thành việc sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã vào Quý III năm 2024.

Bộ Nội vụ rà soát, đề xuất sửa đổi, bổ sung Luật Tổ chức Chính phủ, Luật Tổ chức chính quyền địa phương nhằm tăng cường phân cấp, phân quyền gắn với phân bổ nguồn lực phù hợp và tăng cường kiểm tra, giám sát, kiểm soát quyền lực.

Tiếp tục hoàn thiện các Trung tâm phục vụ hành chính công cấp tỉnh, cấp huyện, cấp xã theo cơ chế một cửa, một cửa liên thông, áp dụng chuyển đổi số, tổ chức tinh gọn, phù hợp với thực tiễn. Giao Bộ Nội vụ chủ trì, phối hợp với Văn phòng Chính phủ nghiên cứu, trường hợp cần thiết thành lập Tổ Nghiên cứu để triển khai thực hiện, sớm báo cáo Thủ tướng Chính phủ kết quả.

Các bộ, ngành, địa phương quyết tâm chống thất thoát, chống tiêu cực, lãng phí trong sử dụng tài chính công và cơ cấu lại chi cho đầu tư phát triển tăng ít nhất 2%/năm để dịch chuyển cơ cấu chi từ nay đến cuối năm 2025 đạt mức 40%.

Tập trung phát triển hạ tầng số, hạ tầng công nghệ thông tin bảo đảm cho việc kết nối, chia sẻ dữ liệu. Các bộ, ngành tiếp tục hoàn thiện các Cơ sở dữ liệu quốc gia, Cơ sở dữ liệu chuyên ngành, phối hợp với Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ Công an, các bộ, cơ quan liên quan tăng cường kết nối, chia sẻ dữ liệu giữa các cơ quan, địa phương phục vụ phân tích, xử lý dữ liệu, hỗ trợ công tác chỉ đạo, điều hành dựa trên dữ liệu nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước và chất lượng cung cấp dịch vụ công cho người dân, doanh nghiệp.

Bộ Tư pháp phối hợp với các cơ quan liên quan nghiên cứu, xây dựng chế độ, chính sách đặc thù cho người làm công tác thể chế.

Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư, các bộ, cơ quan liên quan xây dựng Nghị định quy định việc lập dự toán, quản lý, sử dụng kinh phí thường xuyên ngân sách nhà nước để thực hiện các dự án đầu tư xây dựng, cải tạo, nâng cấp, mở rộng dự án đã đầu tư xây dựng; mua sắm tài sản; mua, sửa chữa, nâng cấp trang thiết bị máy móc, theo trình tự, thủ tục rút gọn bảo đảm đúng quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật...

Hoàng Phương