Bài học kinh nghiệm về cải cách hành chính hệ thống ngân hàng

ThS. NGUYỄN THỊ NGUYỆT MINH (Khoa Quản trị Kinh doanh, Trường Đại học Kinh tế - Kỹ thuật Công nghiệp)

TÓM TẮT:

Ngành Ngân hàng Việt Nam đang dần hoàn thiện thể chế thông qua việc ban hành các Nghị quyết, quy định mới đối với phía hệ thống ngân hàng. Thủ tục cải cách hành chính dần được thông thoáng. Cải cách tổ chức bộ máy, công vụ cũng đã được triển khai thường xuyên. Tuy nhiên, trước những cơ hội và thách thức khi hội nhập vào nền kinh tế thế giới, quá trình cải cách hành chính (CCHC) ngành Ngân hàng Việt Nam cần phải được tổ chức thực hiện thường xuyên, liên tục trong tất cả các mặt hoạt động ngân hàng, tuân thủ theo các nguyên tắc: phát huy thế mạnh và khắc phục những yếu kém còn tồn đọng, để vừa hội nhập thành công, vừa góp phần hoàn thực hiện các mục tiêu chiến lược mà Đảng và Nhà nước đề ra, nhằm cải thiện môi trường kinh doanh, phát triển hiệu quả tạo đà phát triển kinh tế - xã hội.

Từ khóa: cải cách hành chính, hệ thống ngân hàng, Thái Lan, nợ xấu.

1. Kinh nghiệm cải cách hành chính hệ thống ngân hàng của Thái Lan

Năm 2004, Thái Lan bắt đầu thực hiện kế hoạch tổng thể ngành tài chính (FSMP) với giai đoạn đầu tiên hoàn thành năm 2009 và giai đoạn thứ hai của cải cách bắt đầu vào năm 2010.

Trọng tâm của các nhà quản lý là các biện pháp khẩn cấp ngắn hạn nhằm ngăn chặn khủng hoảng và ổn định hệ thống tài chính, bao gồm việc đóng hơn 50 tổ chức tài chính phá sản, tái cấp vốn cho các tổ chức khả thi và thiết lập cơ chế tái cấu trúc nợ. Đến năm 2000, các dấu hiệu ổn định đã bắt đầu trở lại ngành ngân hàng, các nhà quản lý tập trung thành lập một chương trình cải cách toàn diện và lâu dài hơn.

Ngân hàng Thái Lan (BOT) thu hẹp phạm vi cải cách tập trung chủ yếu vào các tổ chức nhận tiền gửi. Đồng thời, BOT mở rộng các mục tiêu cải cách bao gồm việc gia hạn các dịch vụ tài chính cho các hộ gia đình có thu nhập thấp không được bảo đảm về mặt tài chính và các doanh nghiệp vừa và nhỏ (SMEs). Đầu năm 2002, BOT đã thành lập một ủy ban để xây dựng và hoàn thiện một kế hoạch tổng thể cho cải cách (FSMP). Ủy ban tiến hành 2 cuộc điều tra được thực hiện bởi các chuyên gia tư vấn bên ngoài. Cuộc khảo sát đầu tiên đo lường mức độ hài lòng của các hộ gia đình và doanh nghiệp với các dịch vụ tài chính và tìm cách xác định các nhóm khách hàng chưa tiếp cận được với các dịch vụ tài chính. Cuộc khảo sát thứ hai để đánh giá hệ thống tài chính của Thái Lan với các thực tiễn quốc tế tốt nhất để xác định các lựa chọn cải cách phù hợp nhất với nhu cầu của Thái Lan. Các khảo sát này mang lại 3 phát hiện chính:

- Những bất cập đáng kể trong việc cung cấp các dịch vụ tài chính - đáng chú ý là tín dụng, dịch vụ tiền gửi - cho các hộ gia đình có thu nhập thấp ở nông thôn và thành thị và cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ.

- Sự không tương đồng của khu vực tài chính giữa một số tổ chức tài chính nhỏ và một số tổ chức lớn không thể đạt được lợi ích về quy mô, dẫn đến năng suất tương đối thấp và quản lý rủi ro yếu hơn.

- Các yếu tố cấu trúc của hệ thống tài chính có vẻ ảnh hưởng bất lợi đến hiệu suất, chẳng hạn như cơ sở dữ liệu thông tin yếu, bảo vệ người sử dụng dịch vụ không đầy đủ.

Để giải quyết những vấn đề này, vào năm 2003, ủy ban đã đề xuất 3 bộ biện pháp cải cách nhằm: (i) tăng hiệu quả ngành tài chính; (ii) mở rộng khả năng tiếp cận chung đối với các dịch vụ tài chính; và (iii) cải thiện sự bảo vệ và minh bạch thông tin.

Biện pháp thứ 1: Nâng cao hiệu quả của ngành tài chính.

Hệ thống cấp phép mới được thực hiện theo Đạo luật kinh doanh các tổ chức tài chính 2008 (FIBA), thay thế hơn một chục luật hiện hành chi phối hoạt động kinh doanh của các tổ chức tài chính và củng cố sự quản trị của các tổ chức này theo một luật duy nhất. Kết quả của những thay đổi pháp lý này, trần pháp lý về đầu tư nước ngoài vào các ngân hàng thương mại Thái Lan đã tăng lên từ 25% lên 49%. FIBA cũng làm rõ trách nhiệm của BOT là cơ quan điều hành duy nhất của các tổ chức tài chính và trao quyền cho ngân hàng trung ương thực hiện giám sát hợp nhất đối với các tập đoàn tài chính. Vị trí của ngân hàng trung ương được củng cố thêm bởi việc sửa đổi Đạo luật Ngân hàng Thái Lan năm 2008, đảm bảo quyền tự chủ và độc lập của BOT từ Chính phủ.

Để khuyến khích hợp nhất theo chính sách, chính phủ Thái Lan cũng nới lỏng các quy định về thuế áp dụng cho việc sáp nhập tổ chức tài chính và giảm các khoản phí chuyển nhượng đất do sáp nhập. Trong khoảng thời gian này, quy mô tài sản ngân hàng thương mại trung bình đã tăng gần 50%,  từ 220 tỷ THB (6,8 tỷ USD) lên 324,3 tỷ THB (10 tỷ USD). Sự tham gia của các ngân hàng nước ngoài cũng tăng lên và một số ngân hàng nước ngoài đã mua cổ phần lớn trong các ngân hàng thương mại trong nước, từ 10,8% tháng 01/2004 tăng lên 14,0% tháng 01/2010 (theo dữ liệu BOT).

Biện pháp 2: Mở rộng quyền truy cập chung vào các dịch vụ tài chính

Để khuyến khích hơn nữa việc mở rộng tín dụng cho những lĩnh vực nông thôn, tháng 02/2006, việc cho vay được khuyến khích cho các lĩnh vực này bằng cách sửa đổi hướng dẫn về phân bổ rủi ro của các ngân hàng đối với một số loại khoản vay nhất định. Hướng dẫn sửa đổi cho phép các ngân hàng phân bổ các rủi ro thấp hơn cho các khoản vay có thế chấp tối đa 3 triệu THB (92.400 USD), các khoản vay SME có thế chấp tối đa lên đến 50 triệu THB (1,5 triệu USD) và các khoản vay bán lẻ không ký gửi lên đến 100.000 THB ( 3.000 USD). Những sửa đổi này yêu cầu các ngân hàng dự trữ ít vốn hơn để có biện pháp xử lý các khoản lỗ trong tương lai đối với các khoản vay này, nới lỏng nguồn tiền để sử dụng trong việc mở rộng tín dụng bổ sung.

Biện pháp 3: Khuyến khích người gửi tiền, bảo vệ người tiêu dùng và minh bạch thông tin

Biện pháp quan trọng áp dụng để khuyến khích bảo vệ người tiêu dùng trong giai đoạn I của FSMP là thay thế hệ thống bảo lãnh tiền gửi của Thái Lan với một khoản bảo đảm tiền gửi kỳ hạn và tất cả các ngân hàng thương mại bắt buộc phải tham gia với tư cách thành viên. BOT cũng thực hiện các biện pháp để tăng tính minh bạch của sản phẩm và dịch vụ bằng cách yêu cầu các ngân hàng đăng tải trên trang web các mức lãi suất tiền gửi tiền tiết kiệm và không kỳ hạn cũng như các mức phí và lệ phí cho phép người tiêu dùng so sánh giữa các tổ chức. Để bảo vệ người tiêu dùng trong hoạt động cho vay tiêu dùng của ngân hàng, BOT giới hạn ở mức tổng hợp 28% tổng số tiền lãi, tiền phạt, phí dịch vụ và các khoản phí khác mà ngân hàng có thể tính cho các khoản vay tiêu dùng. Các ngân hàng cũng được yêu cầu công khai đăng tải trên trang web của họ và ở tất cả các chi nhánh chi tiết về tiền phạt, phí, lệ phí và phản hồi kịp thời các khiếu nại của người tiêu dùng về các khoản vay thương mại.

2. Bài học kinh nghiệm cho Việt Nam từ quá trình cải cách hành chính hệ thống ngân hàng Thái Lan

Một là, cải cách đầu tiên phải bắt đầu từ cải thiện cơ sở hạ tầng tài chính. Thái Lan đã rất chú trọng trong việc cải tiến, đổi mới để tạo thuận lợi cho DN cũng như nâng cao sự tiếp cận sản phẩm dịch vụ tài chính đối với người dân thông qua các cuộc khảo sát như đo lường mức độ hài lòng của các hộ gia đình và doanh nghiệp cũng như đánh giá về hệ thống tài chính của mình. Việt Nam với nguồn nhân lực trẻ, khả năng thích ứng công nghệ cao là yếu tố thuận lợi của ngành Tài chính trong nước. Do vậy, ngành cần có những cải tiến, tối ưu hóa quy trình cung cấp dịch vụ thông qua việc ứng dụng công nghệ hiện đại như internet banking, mobile banking,… ứng dụng công nghệ 4D vào sản phẩm, dịch vụ. Việc ứng dụng công nghệ thông tin vào quy trình cung cấp sản phẩm không những giúp khách hàng tiết kiệm chi phí, rút ngắn thời gian chờ đợi mà còn tạo hiệu suất rất lớn ở các ngân hàng, nâng tầm vị thế của hệ thống trong khu vực và thế giới. Bên cạnh đó, các ngân hàng cần chủ động nghiên cứu, xây dựng các chương trình cho vay với lãi suất hợp lý kết hợp với việc đổi mới quy trình cho vay theo hướng đơn giản hóa thủ tục vay vốn nhưng vẫn đảm bảo an toàn vốn vay và phù hợp với quy định của pháp luật, nâng cao khả năng thẩm định để rút ngắn thời gian giải quyết cho vay, tạo điều kiện cho doanh nghiệp tiếp cận vốn tín dụng hơn nữa.

Hai là, phát triển hệ thống ngân hàng phải theo đảm bảo nguyên tắc thị trường và minh bạch. Với cộng đồng kinh tế ASEAN được thành lập vào cuối năm 2015 thì tiềm năng phát triển dịch vụ ngân hàng của các nước trong khu vực nói chung và Việt Nam nói riêng đang hấp dẫn hơn bao giờ hết trong thời gian tới. Những hiệp định thương mại tự do Việt Nam đã ký kết gần đây đang giúp nguồn vốn FDI rót vào tăng trưởng tích cực, từ đó kéo theo nhu cầu sử dụng các dịch vụ tài chính theo chuẩn quốc tế. Bên cạnh đó, các ngân hàng nước ngoài có nguồn vốn ngoại tệ dồi dào với chi phí thấp từ sự hỗ trợ của ngân hàng mẹ cũng đang là ưu thế. Hiệu quả của việc mở rộng thị trường có thể thấy rõ, không những tăng nguồn vốn vào trong nước, công nghệ tích hợp hiện đại, kinh nghiệm quản lý, điều hành mà còn góp phần nâng cao tính cạnh tranh, nâng cao hiệu quả sử dụng vốn cũng như đa dạng sản phẩm hơn đối với người tiêu dùng. Do vậy, chúng ta cần mở rộng sự cạnh tranh, đưa ra các quy chế phù hợp với mục tiêu của chính sách tiền tệ, không tạo các rào cản bất hợp lý nhằm bảo hộ sự yếu kém của một vài ngân hàng để tăng cường hội nhập quốc tế và mở cửa dịch vụ ngân hàng, phù hợp sự phát triển của thế giới.

Ba là, hoàn thiện khung pháp lý cho hoạt động mua bán nợ. Với mô hình xử lý nợ xấu của Thái Lan, nhà nước đã tiến hành thực hiện mô hình cổ phần hóa công ty quản lý tài sản, mô hình này sẽ tăng tính minh bạch và hiệu quả hơn là mô hình dựa vào 100% nhà nước như ở Việt Nam. Nên siết chặt các quy định về phân loại nợ và trích lập dự phòng theo đúng chuẩn quốc tế như Trung Quốc vào năm 2002 khi Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PBC) thiết lập hệ thống phân loại tín dụng 5 nhóm theo thông lệ quốc tế. Tăng cường năng lực tài chính của các tổ chức tín dụng, bảo đảm đủ vốn tự có theo chuẩn mực Basel; đổi mới và phát triển hệ thống quản trị ngân hàng phù hợp với các nguyên tắc, chuẩn mực quản trị ngân hàng hiện đại, trong đó tập trung nâng cao hiệu quả của các hệ thống quản trị rủi ro, hệ thống kiểm soát, kiểm toán nội bộ.

TÀI LIỆU THAM KHẢO:

  1. Alicia García-Herrero and Daniel Santabárbara. (2013). An Assessment of China’s Banking System Reform. Asia’s Financial Muscle and Europe’s Financial Maturity.
  2. Hoàng Trà My (2012), Kinh nghiệm xử lý nợ xấu ở Thái Lan, http://thoibaonganhang.vn/kinh-nghiemxu- ly-no-xau-o-thai-lan.html
  3. Lukas Menkhoff. (2007). 10 Years after the Crisis: Thailand's Financial System Reform. School of Economics and Management, University of Hannover.
  4. Nguyễn Hồng Sơn, Trần Thị Thanh Tú (2014), Tái cấu trúc hệ thống ngân hàng Việt Nam những ẩn số nhìn từ thông lệ quốc tế, Hội thảo Phát triển bền vững hệ thống ngân hàng Việt Nam trong bối cảnh hội nhập, Trường Đại học Kinh tế quốc dân.

Experiences in reforming administrative procedures of the banking sector

Master. Nguyen Thi Nguyet Minh

Faculty of Business Administration, University of Economic and Technical Industries

Abstract:

Vietnam's banking industry is gradually perfecting its institutions through the introduction of new resolutions and regulations for the banking system. Administrative procedures and civil services are also gradually reformed to be more open and effective. However, facing opportunities and challenges from the country’s economic integration process, it is necessary for Vietnam’s banking sector to continuously conduct administrative reforms in all banking operations to successfully integrate into the global economy and achieve strategic goals set by the Communist Party of Vietnam and the Government of Vietnam.

Keywords: administrative reform, banking system, Thailand, bad debt.

[Tạp chí Công Thương - Các kết quả nghiên cứu khoa học và ứng dụng công nghệ, Số 12, tháng 5 năm 2022]