TÓM TẮT:

Đổi mới cơ chế tự chủ của cơ sở giáo dục đại học công lập (ĐHCL), tiến tới quản trị và tự chủ đại học là yêu cầu cấp thiết trong đổi mới GDĐH công lập Việt Nam. Trên thế giới, mô hình tự chủ được nhìn nhận là phương thức quản trị đại học tiên tiến nhằm cải thiện và nâng cao chất lượng đào tạo. Ở Việt Nam, trong thời gian qua, vấn đề tự chủ trong GDĐH công lập đã có nhiều kết quả thay đổi tích cực. Bài nghiên cứu này nhằm tìm hiểu các kinh nghiệm trong tiến trình tự chủ tài chính đại học tại các cơ sở GDĐH trong nước và thế giới. Với việc tìm hiểu một số kinh nghiệm về tự chủ tài chính tại các quốc gia: Mỹ, Hàn Quốc, Pháp, cùng với một số cơ sở GDĐH công lập trong nước đã tiến hành tự chủ trong thời gian qua, tác giả đưa ra một số bài học kinh nghiệm cho các cơ sở GDĐH công lập hiện nay để đẩy nhanh quá trình tự chủ đại học.

Từ khóa: Tự chủ tài chính, cơ chế tự chủ, đại học công lập, giáo dục đại học, tự chủ đại học, đổi mới quản lý.

2. Kinh nghiệm tự chủ tại các trường đại học công lập Việt Nam

2.1. Trường Đại học Tôn Đức Thắng

Với mô hình trường đại học bán công ngay từ khi thành lập, sau đó chuyển sang trường đại học công lập, Trường Đại học (ĐH) Tôn Đức Thắng vẫn giữ cơ chế tài chính của trường đại học bán công về mức thu học phí. Đến năm 2014, Trường xây dựng Đề án Tự chủ đại học theo Nghị quyết 77/NQ-CP ngày 24/10/2014 của Chính phủ về thí điểm đổi mới cơ chế hoạt động đối với các cơ sở giáo dục đại học công lập giai đoạn 2014-2017 và ngày 19/01/2015 Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 158/QĐ-TTg về việc phê duyệt đề án của Trường ĐH Tôn Đức Thắng. Thực tế cho thấy quyết định này là khẳng định về quyền tự chủ đã có của trường về nhân sự, tổ chức, học thuật và tài chính. Đặc thù của Trường ĐH Tôn Đức Thắng là đào tạo từ trình độ cao đẳng đến trình độ tiến sỹ, theo định hướng là trường ĐH nghiên cứu. Hiện nay, tổng số sinh viên của trường là 20.000 sinh viên, theo thông báo ba công khai của trường năm học 2017-2018 có trên 4.400 sinh viên trình độ đại học nhập học, chưa tính các trình độ khác là cao đẳng và sau đại học[17]. Trường có 16 Khoa chuyên môn, phân hiệu Nha Trang, cơ sở đào tạo tại Bảo Lộc và Cà Mau, trường Trung cấp chuyên nghiệp Tôn Đức Thắng. Ngoài ra, nhà trường còn có 12 phòng, ban và 10 trung tâm dịch vụ đào tạo và quỹ phát triển khoa học công nghệ, với đội ngũ là 1.320 giảng viên, viên chức [17]. Nguồn tài chính chủ yếu của trường là từ thu học phí. Nhờ có đặc thù chuyển từ bán công qua công lập nên trường ĐH Tôn Đức Thắng đã có nhiều nội dung tự chủ từ trước, so với các quy định và luật pháp của Việt Nam. Chính sách học phí của trường ĐH Tôn Đức Thắng cũng chia làm hai nhóm (cao) và thấp hơn cho những ngành xã hội, toán. Mức thu học phí trường thực hiện theo Nghị định số 86/2015/NĐ-CP ngày 02/10/2015 của Chính phủ (khối ngành Khoa học xã hội, kinh tế, quản lý thể thao, luật: 17,2 triệu đồng; khối ngành Khoa học tự nhiên, kỹ thuật, công nghệ, nghệ thuật, khách sạn, du lịch: 17,2 triệu đồng/năm; khối ngành Y - Dược: 18,73 triệu đồng/năm; chương trình Chất lượng cao dao động từ 35 đến 36 triệu đồng/năm, ngành Quản trị kinh doanh từ 44 đến 45 triệu đồng/năm) [17]. Về nghiên cứu khoa học, Trường ĐH Tôn Đức Thắng đã thành lập Quỹ nghiên cứu khoa học hỗ trợ giảng viên làm nghiên cứu và công bố quốc tế. Nguồn tài trợ cho nghiên cứu khoa học là từ quỹ của trường và một số hợp đồng từ bên ngoài, hiện nay trường có 49 nhóm nghiên cứu [17]. Trường ĐH Tôn Đức Thắng có Hội đồng trường gồm 01 chủ tịch và 15 thành viên, có sự tham gia của lãnh đạo, nguyên lãnh đạo cấp cao của Nhà nước làm chủ tịch, thành viên hội đồng. Trường có lợi thế về cơ sở vật chất, về vị trí đóng hiện tại ở Quận 7, cách trung tâm thành phố Hồ Chí Minh không xa [17], [18].

2.2. Trường Đại học Kinh tế TP. Hồ Chí Minh

Đây là một trong 6 trường đại học được Bộ Giáo dục và Đào tạo chọn thực hiện thí điểm tự bảo đảm toàn bộ kinh phí hoạt động thường xuyên giai đoạn 2008-2012. Ngày 29/12/2014, Thủ tướng Chính phủ ký Quyết định số 2377/QĐ-TTg về việc phê duyệt Đề án thí điểm đổi mới cơ chế hoạt động Trường Đại học Kinh tế Thành phố Hồ Chí Minh giai đoạn 2014-2017. Theo đề án này, trường được thu học phí chương trình đại trà ổn định từ 13-16,5 triệu đồng/năm và tăng không quá 30% học phí đối với sinh viên đã nhập học trước thời điểm quyết định tự chủ có hiệu lực. Theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ về thí điểm tự chủ tài chính (TCTC) thì trường tự bảo đảm chi thường xuyên và đầu tư; được tiếp tục thực hiện các dự án đầu tư xây dựng theo Quyết định đã được Bộ Giáo dục và Đào tạo phê duyệt chủ trương đầu tư từ nguồn NSNN và tích lũy của Trường. Trường có 15 đơn vị đào tạo, 14 đơn vị quản lý chức năng, 7 đơn vị quản lý và phục vụ đào tạo. Ngoài các đơn vị đào tạo tại TP. Hồ Chí Minh, Trường ĐH Kinh tế TP.HCM còn có hai cơ sở nghiên cứu và đào tạo cao cấp tại các tỉnh đồng bằng sông Cửu long và các tỉnh duyên hải Nam Trung bộ và 4 trung tâm, chương trình đào tạo liên kết quốc tế. Ngoài ra, trường có 9 trung tâm nghiên cứu, dịch vụ khoa học - thông tin kinh tế và hai công ty TNHH một thành viên hoạt động trong lĩnh vực in và sách [25]. Quy mô nhân sự khá lớn, có tổng số cán bộ công nhân viên khoảng 1.000 người, cán bộ viên chức khối phòng ban chiếm 30%, giảng viên có 13 giáo sư, 58 phó giáo sư, 206 tiến sỹ, 329 thạc sỹ và trên 100 cử nhân; Với quy mô trên 25.000 sinh viên các bậc đào tạo, trong đó có 14.700 sinh viên đại học chính quy, 8.000 sinh viên đại học không chính quy, 300 sinh viên hệ đào tạo liên kết, 2.500 học viên cao học, 300 nghiên cứu sinh. Số sinh viên chính quy sau khi có quyết định thí điểm đổi mới cơ chế hoạt động đã tăng về quy mô, số tuyển sinh từ 4.000 năm 2015 lên 5.000 năm 2016, tuyển sinh đầu vào hệ cao học là 1.000 chỉ tiêu/năm và NCS là 100 chỉ tiêu/năm [18]. Mức học phí cho các hệ đã được điều chỉnh thí điểm trước từ giai đoạn 2008-2012 và tiếp tục tăng ở giai đoạn 2014-2017 nên vấn đề tăng học phí không ảnh hưởng nhiều đến tuyển sinh đầu vào. Tuy nhiên, nếu so sánh cả quá trình thì việc tăng học phí có ảnh hưởng ít nhiều đến điểm chuẩn đầu vào của trường. Trước đây điểm chuẩn đầu vào của trường ĐH Kinh tế TP.HCM luôn ở tốp cao trong khối ngành kinh tế (từ 21-23,5 bình quân), nhưng năm 2016, khi học phí tăng lên 17,5 triệu năm thì điểm đầu vào giảm xuống 18 cho một số ngành khó tuyển (dù học phí ngành này thấp 50-70% so với ngành cao) và 21 điểm cho những ngành dễ tuyển. Những ngành có học phí thấp gồm kinh tế chính trị, kinh tế nông nghiệp, toán tài chính, thống kê kinh tế bằng 50% các ngành thuộc khối ngành quản lý (quản trị kinh doanh, marketing, tài chính- ngân hàng, kế toán, anh văn chuyên ngành, kinh tế đầu tư, bất động sản và luật kinh tế....). Học phí chương trình chất lượng cao và chương trình tiên tiến 25 triệu/năm, cao học 30 triệu năm và NCS 40 triệu/năm. Với quy mô về đào tạo hiện có, đã góp phần cho nguồn thu từ đào tạo chiếm trên 80% tổng nguồn thu của trường, còn lại thu từ hoạt động dịch vụ, đầu tư tài chính, lãi ngân hàng. Về chế độ chính sách đối với người học, trường có quỹ học bổng cho sinh viên do các doanh nghiệp tài trợ và trích lập từ nguồn thu của trường [18]. Tổ chức bộ máy và nhân sự trường, có hội đồng trường gồm một số thành viên trong trường và 5 thành viên bên ngoài là lãnh đạo thành phố, vùng Tây Nam Bộ và các tập đoàn lớn. Trường có chiến lược thu hút và ký kết hợp đồng làm việc với chuyên gia trong và ngoài nước, đặc biệt trong lĩnh vực NCKH và đào tạo đang tiến tới quốc tế hóa trong các lĩnh vực hoạt động của trường. Các chương trình liên kết quốc tế của trường có rất nhiều chuyên gia, giảng viên nước ngoài có chuyên môn, phương pháp sư phạm tiên tiến, nghiên cứu hiện đại và có nhiều kinh nghiệm. Đây chính là lợi thế cạnh tranh trong thời kỳ hội nhập của trường. Một số vị trí công việc như bảo vệ, vệ sinh trường thực hiện ký hợp đồng với đơn vị dịch vụ thuê ngoài đã tinh giảm được biên chế, bộ máy và nâng cao chất lượng dịch vụ phục vụ [18]. Hoạt động nghiên cứu khoa học và dịch vụ của trường, có cơ chế khuyến khích công bố kết quả nghiên cứu trên các tạp chí có uy tín như ISI, Scopus, ABS, ABCD với mức rất cao từ 100 triệu đồng đến 200 triệu đồng và cho tạm ứng 50% ngay khi được phê duyệt đề tài, trong đó đề tài cấp trường được tài trợ từ kinh phí của trường [18]. Lợi thế của trường khi chuyển qua TCTC là: (i) Có tích lũy lớn do những năm trước đây quy mô đào tạo phi chính quy, chủ yếu hệ vừa học vừa làm và bằng hai lớn; (ii) Có đội ngũ mạnh trên 30% có trình độ tiến sỹ trở lên; (iii) Có hệ thống cơ sở vật chất tương đối tốt nằm trong các quận nội thành TP. Hồ Chí Minh. Khi chuyển sang TCTC trường cũng gặp một số khó khăn như quy mô phi chính quy giảm mạnh, phải đầu tư sửa chữa, nâng cấp cơ sở vật chất để đảm bảo nâng cao chất lượng giảng dạy và mức thu học phí điều chỉnh tăng, ngành khó tuyển sinh phải hạ mức học phí để thu hút người học là các ngành kinh tế chính trị, kinh tế nông nghiệp, thống kê toán. Về quy định của pháp luật còn chưa đồng bộ với quyền tự chủ nên trường phải làm việc với các bộ, ngành trung ương xin ý kiến, chủ trương như (bổ nhiệm nhân sự còn năng lực, trình độ được kéo dài tuổi nghỉ hưu theo quy định của pháp luật vào các vị trí quản lý, mua sắm xe ôtô, chi đầu tư...) [18].

2.3. Trường Đại học Kinh tế quốc dân

Với trên 60 năm hình thành và phát triển, đến nay, Trường ĐH Kinh tế quốc dân có 20 khoa, 11 viện đào tạo và nghiên cứu, 7 trung tâm dịch vụ và 15 đơn vị phòng ban chức năng; với 940 giảng viên cơ hữu, hợp đồng dài hạn gồm 16 giáo sư, 132 phó giáo sư, 290 tiến sỹ và 457 thạc sỹ [24]. Là một trong 6 trường đại học được Bộ Giáo dục và Đào tạo chọn thực hiện thí điểm tự bảo đảm toàn bộ kinh phí chi thường xuyên và đầu tư giai đoạn 2008-2012, nên từ năm 2008, trường đã thực hiện tự chủ 100% chi thường xuyên. Trước đó, học phí áp dụng theo khung của Nhà nước quy định, nguồn thu từ học phí chiếm 40%, còn 60% NSNN cấp. Giai đoạn ban đầu khi cắt nguồn thu NSNN đột ngột đã tác động rất lớn đến nguồn tài chính của trường. Để bù đắp nguồn thiếu hụt khi NSNN cắt chi thường xuyên, trường phải tăng nguồn thu từ hệ đào tạo phi chính quy, thu hoạt động dịch vụ, sau này tăng nguồn thu từ các chương trình tiên tiến, chất lượng cao, liên kết quốc tế và mở rộng nhiều hình thức đào tạo khác [18]. Quy mô sinh viên của trường hiện có hơn 26.400 sinh viên hệ chính quy, tuyển sinh hệ chính quy trong ba năm qua ổn định với hơn 3.900 sinh viên/năm; cao học là 1.300 học viên và chương trình tiến sỹ là 150 nghiên cứu sinh [24]. Về chế độ chính sách, nhờ có quá trình lịch sử lâu năm, nhiều cựu sinh viên của trường là những nhà lãnh đạo trong cơ quan nhà nước, cũng như chủ tịch hội đồng quản trị, tổng giám đốc nhiều tập đoàn lớn; đến nay quỹ học bổng đã có trên 50 tỷ đồng, để thực hiện miễn, giảm học phí, cấp học bổng cho sinh viên [18]. Trường đã hoàn tất dự án tòa nhà điều hành và đưa vào sử dụng năm 2017, với tổng mức đầu tư gần 1.260 tỷ đồng, trong đó vốn NSNN là 85%, vốn đối ứng là 15%. Đây là cơ sở vật chất hiện đại bậc nhất trong các trường đại học của Việt Nam [24]. Có thể nói, trường ĐH Kinh tế quốc dân có đủ năng lực để chuyển qua tự chủ tài chính trên một số mặt như đảm bảo cơ sở vật chất tốt, có đội ngũ giảng viên tương đối mạnh (trên 37% có trình độ tiến sỹ trở lên), có các ngành học đang có nhu cầu thị trường và xã hội (chỉ có hai ngành thu học phí thấp là kinh tế nông nghiệp và thống kê toán). Quá trình thực hiện thí điểm TCTC đã cho trường được quyền tự chủ về tuyển sinh, chủ động trong liên kết đào tạo, mở ngành, đa dạng hóa hình thức đào tạo, tăng nguồn thu từ học phí để tự bảo đảm chi thường xuyên, tăng thu nhập của cán bộ công nhân viên lên 10% năm so với trước khi TCTC. Tuy nhiên, nguồn thu phần lớn nhờ vào mở rộng quy mô và đa dạng hóa các hình thức đào tạo, cũng như nhiều trường ở Việt Nam cơ cấu nguồn thu từ NCKH và kết quả hoạt động khoa học còn chưa cao. Khó khăn khi tự chủ là: (i) Một số mặt tự chủ đang bị ràng buộc bởi pháp luật như bố trí nhân sự liên quan đến Luật Công chức và đầu tư mua sắm là Luật Đầu tư công; (ii) Thời gian triển khai đề án TCTC thí điểm kéo dài 2 năm, khi kết thúc vào năm 2017 chưa thể đánh giá được tác động đến nguồn thu của trường (iii) Theo Quyết định giao thí điểm tự chủ của Chính phủ thì được quyền rất rộng, nhưng khi thực hiện lại bị vướng mắc bởi nhiều văn bản chưa đồng bộ. Quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo chưa cho phép trường mở rộng liên kết đào tạo sau đại học ra các tỉnh cách xa địa điểm Hà Nội trên 200 km [18], [22].

3. Bài học kinh nghiệm trong quá trình đẩy mạnh tự chủ tài chính

Qua nghiên cứu cho thấy mô hình TCTC hiện đang là xu hướng chung của nhiều quốc gia trên thế giới. Tuy nhiên, ở mỗi nước cách thức tự chủ cũng sẽ khác nhau tùy thuộc vào văn hóa, điều kiện kinh tế của nước đó, nên khó có thể lựa chọn mô hình TCTC khuôn mẫu để áp dụng cho các quốc gia; dù mô hình đó được đánh giá là ưu việt, nhưng cũng cần phải chọn lọc, xem xét kỹ lưỡng và đặc biệt không nên rập khuôn bê nguyên mô hình để học tập. Hiện nay, trong bối cảnh toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế, TCTC tạo ra những cơ hội, nhưng cũng là thách thức rất lớn đối với phát triển kinh tế xã hội nói chung và GDĐH nói riêng. Để phát triển GDĐH theo đúng với mục tiêu, sứ mạng, tầm nhìn của nó, cần có được cơ chế tài chính, nguồn lực tài chính phù hợp, theo đó là sự phân bổ hợp lý và sử dụng hiệu quả tài chính. Tuy nhiên, cần phải thay đổi tư duy về trông chờ vào NSNN đầu tư ở các cơ sở GDĐH công lập; thay vào đó là tạo hành lang pháp lý, cơ chế, chính sách tài chính, nhằm tăng cường trao quyền TCTC gắn với bảo đảm chất lượng đào tạo, trách nhiệm giải trình, huy động nguồn lực tài chính từ nhiều đối tượng khác nhau, giảm dần kinh phí từ NSNN cấp. Từ những nghiên cứu về kinh nghiệm các trường đại học tại một số quốc gia trên thế giới và các cơ sở GDĐH công lập tại Việt Nam về cơ chế TCTC đã tổng hợp, rút ra được một số nội dung đề xuất nhằm đẩy mạnh tự chủ tài chính tại các cơ sở GDĐH công lập:

Thứ nhất, Chính phủ tăng cường trao quyền tự chủ về cơ chế tự chủ tài chính đối với các cơ sở GDĐH công lập

Tự chủ trong các cơ sở GDĐH công lập đã được quy định, nhưng cần được Chính phủ trao quyền đồng bộ về tự chủ tuyển sinh, chuyên môn, học thuật, tổ chức bộ máy và nhân sự, về học phí, về cơ chế tạo nguồn và sử dụng nguồn kinh phí cùng với TCTC. Qua đó, rà soát các chính sách ban hành, chỉnh sửa đồng bộ và theo hướng mở rộng hơn việc giao quyền tự chủ gắn với tự chịu trách nhiệm, nâng cao chất lượng đào tạo, NCKH, quản lý hiệu quả, công khai minh bạch trong các cơ sở GDĐH công lập, nhằm khuyến khích đóng góp của toàn xã hội tài trợ cho giáo dục; tăng cường cơ chế kiểm soát, bảo vệ quyền lợi cho người học [21].

Thứ hai, gia tăng các nguồn lực tài chính từ ngoài ngân sách nhà nước

Các cơ sở GDĐH công lập gia tăng cơ cấu nguồn thu từ chương trình đào tạo khác nhau, dịch vụ đào tạo, tư vấn chính sách, chuyển giao, nghiên cứu khoa học, doanh nghiệp khoa học, công ty dịch vụ trên cơ sở lợi thế sẵn có về nguồn nhân lực, cơ sở vật chất; Huy động nguồn lực từ các tổ chức, cá nhân bên ngoài, các cựu sinh viên thành đạt tài trợ tạo quỹ hỗ trợ cho hoạt động đào tạo, nghiên cứu và hỗ trợ người học; Xây dựng chương trình đào tạo tăng cường gắn kết với doanh nghiệp một mặt là nâng cao chất lượng và khai thác, huy động từ nguồn trích lập các quỹ KHCN của doanh nghiệp, các cơ quan, ban ngành trung ương, địa phương, khai thác tốt sẽ giúp cho nhà khoa học tìm kiếm được nguồn tài trợ từ dự án nghiên cứu, chuyển giao công nghệ. Để phát triển nguồn lực này, một trong những nội dung quan trọng là chính sách ưu đãi về thuế đối với các tổ chức, cá nhân khi họ tham gia đầu tư cho phát triển giáo dục cần được quan tâm. Theo đó, ban hành các văn bản hướng dẫn phù hợp với yêu cầu thực tế, tạo thuận lợi cho các doanh nghiệp trích lập và sử dụng nguồn quỹ phát triển KHCN [23].

Thứ ba, đổi mới quản lý tài chính tại các cơ sở GDĐH công lập theo hướng tự chủ, tự chịu trách nhiệm

Quản lý tài chính đóng vai trò quan trọng trong quá trình thực hiện tự chủ tài chính, nhằm đảm bảo quá trình tự chủ và tự chịu trách nhiệm được thực hiện đầy đủ, khách quan, công bằng, hiệu quả. Để tự chủ và tự chịu trách nhiệm về tài chính, các cơ sở GDĐH công lập cần thực hiện: Khuyến khích thành lập các viện, trung tâm nghiên cứu và đào tạo, doanh nghiệp khoa học, công ty dịch vụ; phân cấp cho các đơn vị trực thuộc chủ động gia tăng nguồn thu và được quyền tự chủ về chi; hoàn thiện các quy định của chế chi tiêu nội bộ; quy định rõ ràng về quyền hạn, trách nhiệm quản lý, giải trình về tài chính; tổ chức hoạt động kiểm soát nội bộ và công khai minh bạch tài chính; tăng cường công tác đào tạo nâng cao năng lực quản lý tài chính cho đội ngũ làm công tác tài chính, kế toán và đơn vị trực thuộc [22].

Thứ tư, đổi mới cơ chế phân bổ kinh phí từ nguồn NSNN

Tài chính trong giáo dục, cụ thể hơn là cung cấp tài chính cho GDĐH đã và sẽ tiếp tục có một vai trò rất lớn trong hoạch định NSNN của Chính phủ. Trong bối cảnh nhu cầu ngày càng tăng, nguồn tài chính có giới hạn, với mục tiêu là chất lượng thì việc đổi mới cơ chế phân bổ từ nguồn NSNN đối với các cơ sở GDĐH công lập rất quan trọng và cần dựa trên các tiêu chí như: Thực hiện phân bổ nguồn NSNN theo tiêu chí đầu ra với chi phí, định mức thực tế chi cho đào tạo, gắn với bảo đảm chất lượng đào tạo, hoạt động của các cơ sở GDĐH công lập theo kết quả đánh giá, kiểm định chất lượng đào tạo độc lập, tạo sự công bằng và hiệu quả (thay thế cơ chế phân bổ theo biên chế nhân sự, chỉ tiêu số lượng sinh viên đầu vào, quy mô sinh viên có mặt). Phân bổ NSNN nên xem xét đến một số lĩnh vực như khối ngành xã hội nhân văn, khoa học cơ bản thường có quy mô sinh viên nhỏ, khó tuyển sinh để hỗ trợ. Với các cơ sở đào tạo uy tín, chất lượng, Nhà nước cần thực hiện theo hướng ưu tiên đầu tư cơ sở vật chất, đầu tư có trọng điểm, đặt hàng theo nhu cầu những ngành đào tạo mà thị trường chưa có, trên cơ sở tính đủ chi phí đào tạo cần thiết, có tích lũy. Những ngành học khác thị trường đang có thì để cơ sở giáo dục cạnh tranh theo cơ chế thị trường về chất lượng nhằm thu hút sinh viên, tạo áp lực phải đổi mới cơ chế hoạt động, nâng cao chất lượng đào tạo. Tuy nhiên, những cơ sở GDĐH công lập ở vùng khó khăn, đào tạo sinh viên diện chính sách rất cần được Nhà nước quan tâm hỗ trợ kinh phí hoạt động. Theo đó, rà soát các cơ sở GDĐH công lập khác nhằm tinh gọn bộ máy hoặc sáp nhập nếu không có khả năng TCTC [21], [22], [23].

Thứ năm, cơ chế hỗ trợ tài chính đối với người học

Các cơ sở GDĐH công lập cần có cơ chế hỗ trợ tài chính cho người học thuộc đối tượng chính sách, hộ nghèo được miễn, giảm học phí có cơ hội tiếp cận, học tập. Ngoài các đối tượng được miễn, giảm theo chính sách của Nhà nước, các cơ sở giáo dục cần thực hiện chính sách học bổng khuyến khích học tập dành cho sinh viên học giỏi, xuất sắc, sinh viên là đối tượng chính sách từ các quỹ hỗ trợ sinh viên. Việc hỗ trợ cho sinh viên có kinh phí để chi trả các chi phí đào tạo là cần thiết, nhưng bài toán khó là không làm tăng chi ngân sách hàng năm; đồng thời xây dựng chính sách hỗ trợ tài chính cho sinh viên khó khăn được vay vốn từ tổ chức tín dụng và hoàn trả sau khi tốt nghiệp, đi làm hoặc sinh viên với chương trình khởi nghiệp [23].

4. Kết luận

Ở mỗi quốc gia, muốn phát triển kinh tế xã hội nhanh, bền vững không chỉ dựa trên hiệu quả tăng trưởng thông qua đầu tư cho nghiên cứu và phát triển, mà nhu cầu nguồn nhân lực chất lượng cao là một trong những trụ cột quan trọng. Muốn có được nguồn nhân lực chất lượng cao cần có các cơ sở GDĐH uy tín, đảm bảo chất lượng đào tạo. Hiện nay trong bối cảnh xu thế toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế, để duy trì hoạt động, sự phát triển và tồn tại của các cơ sở GDĐH công lập cần phải có nguồn tài chính, cơ chế quản lý và sử dụng hiệu quả nguồn tài chính. Qua nghiên cứu, tìm hiểu về cơ chế tự chủ tài chính tại một số nước trên thế giới đã cho thấy được một số nội dung như: Mô hình về cơ chế tự chủ về tài chính đối với các cơ sở GDĐH, đi cùng với TCTC là sự giao quyền tự chủ đồng bộ về tuyển sinh, tổ chức bộ máy và nhân sự, tự chủ về chuyên môn và NCKH; rút ra đề xuất về cơ chế TCTC trong huy động nguồn lực tài chính, phân bổ NSNN, quản lý tài chính, hỗ trợ tài chính đối với người học. Hạn chế của nghiên cứu đó là chủ yếu sử dụng phương pháp nghiên cứu định tính, tìm hiểu tài liệu thông qua các dữ liệu có sẵn, chưa đi sâu, áp dụng tại một đối tượng cụ thể. Hướng nghiên cứu có thể phát triển đó là đánh giá khả năng tự chủ đại học, tự chủ tài chính tại một đơn vị ở phạm vi rộng hơn như các cơ sở GDĐH công lập, hoặc khối các cơ sở GDĐH thành viên thuộc hai Đại học Quốc gia là Đại học Quốc gia TP. Hồ Chí Minh và Đại học Quốc gia Hà Nội ■

TÀI LIỆU THAM KHẢO:

1. “Secrests of Success, The Economist, 8th Steptember 2005”, http://www.economist.com/node/4339944

2.https://www.timeshighereducation.com/world-university-rankings/2017/reputationranking!/page/0/length/25/sort_by/rank/sort_order/asc/cols/stats

3. http://lypham.net/joomla/index.php?option=com_content&task=view&id=81&Itemid=2

4. https://www.baomoi.com/dh-stanford-nhan-hon-1-ti-usd-tu-cac-nha-tai-tro/c/10885234.epi

5. Arthur M. Hauptman, Cải cách tài chính tiểu bang cho đào tạo đại học công như thế nào, trong sách của Donald E. Heller, Chính sách giáo dục đại học công (tiểu Bang và Liên Bang), NXB ĐH Johns Hopkins, Tái bản lần 2, 2011.

6. http://www.pewtrusts.org/~/media/assets/2015/06/federal_state_funding_higher_education_final.pdf

7. http://sinhvienusa.org/2014/08/14/tu-chu-dai-hoc-thuc-trang-va-giai-phap-cho-dai-hoc-viet-nam/

8. http://www.giohocduong.vn/giao-duc/du-hoc/533-giao-duc-nuoc-phap.html

9. https://fr.wikipedia.org/wiki/Loi_relative_aux_libertés_et_responsabilités_des_universités

10. http://vietnam.globaleducationfairs.net/6-loai-hinh-giao-duc-han-quoc/ “6 loại hình giáo dục bậc cao ở Hàn Quốc”, 2017

11. Nguyễn Tiến Đạt (2004) “Kinh nghiệm và thành tựu phát triển giáo dục và đào tạo trên thế giới”, Tập 1, NXB Giáo dục, 2004, tr 317.

12. Đặng Văn Huấn, “Giao quyền tự chủ đại học: Kinh nghiệm từ Hàn Quốc” http://vietnamnet.vn/vn/giao-duc/giao-dh-quyen-tu-chu-kinh-nghiem-tu-han-quoc-50854.html

13. http://dantri.com.vn/giao-duc-khuyen-hoc/tu-chu-giao-duc-dh-viet-nam-va-kinh-nghiem-quoc-te-1355401521.htm

14. http://www.duhoctaybanha.info.vn/han-quoc-hoc-phi-dai-hoc-khong-ngung-tang.html

15. http://korea.net.vn/hoc-phi-cac-truong-dai-hoc-o-han-quoc.html

16. http://edukorea.vn/truong-han-quoc/truong-dai-hoc-sogang-sogang-university.html

17. http://www.tdtu.edu.vn/gioi-thieu, ngày truy cập 28/02/2018.

18. Nguyễn Thị Cành (2016), “Nghiên cứu áp dụng các loại hình tự chủ đại học trong các trường thành viên trong ĐHQG-HCM và những tác động đến nguồn tài chính”, năm 2017.

19. Chính phủ (2015), “Quy định về cơ chế thu, quản lý học phí đối với cơ sở giáo dục thuộc hệ thống giáo dục quốc dân và chính sách miễn, giảm học phí, hỗ trợ chi phí học tập từ năm học 2015-2016 đến năm học 2020-2021”, số 86/2016/QĐ-TTg.

20. http://vietnamnet.vn/vn/giao-duc/tuyen-sinh/tu-chu-dai-hoc-khong-phai-chiec-dua-than-407663.html

21. Hiệp hội các trường đại học, cao đẳng Việt Nam (2017), “Tự chủ đại học cơ hội và thách thức”, NXB Thông tin và Truyền thông, Hà Nội, 2017.

22. Bộ Giáo dục và Đào tạo (2017), “Báo cáo hội nghị tổng kết Thí điểm đổi mới cơ chế hoạt động đối với các cơ sở giáo dục đại học công lập theo Nghị quyết số 77/NQ-CP ngày 24/10/2014 của Chính phủ giai đoạn 2014-2017”.

23. Ủy Ban văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng và Trường Đại học Kinh tế TP.HCM (2017), “Hội thảo hoàn thiện chính sách, pháp luật về tự chủ đại học”.

24. https://www.neu.edu.vn/vi/ba-cong-khai, ngày truy cập 06/01/2018.

25. http://www.ueh.edu.vn/news.aspx?id=26, ngày truy cập 06/01/2018.

LESSONS ON FINANCIAL AUTONOMY

IN SOME HIGHER EDUCATION INSTITUTIONS

IN THE WORLD AND IN VIETNAM

● MA. NGUYEN DINH HUNG

University of Economics and Law

Post Graduate Student of Faculty of Economics,

Graduate Academy of Social Sciences

ABSTRACT:

Renewing the autonomy of public higher education institutions (HE) and advancing governance and university autonomy are urgent needs realating to Vietnam's public higher education reform. In the world, self-reliant model is seen as the advanced mode of university management to improve the quality of training. In Vietnam, over the past years, the issue of autonomy in public higher education has had many positive changes. This paper explores the experiences of university financial autonomy in HE institutions in the country and in the world. The author presents a number of experiences on financial autonomy in the United States, Korea, France and some public HE insitutions in the country which help to accelerate university autonomy.

Keywords: Financial autonomy, self-control, public university, university autonomy, management innovation.

Xem tất cả ấn phẩm Các kết quả nghiên cứu khoa học và ứng dụng công nghệ số 3 tháng 3/2018 tại đây