Bài toán “đếm cua trong lỗ” của người nông dân cũng chào thua nếu giá thức ăn chăn nuôi biến động

Đây chẳng qua là bài toán “đếm cua trong lỗ”; chứ nếu 3-4 năm chỉ dính 1 lần dịch bệnh thôi, hoặc giá thức ăn nhập khẩu biến động thì công sức của người chăn nuôi cũng... trôi đi, chẳng được tính.

Thông tin từ Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) cho biết, nước ta đứng thứ 7 trong tổng số 20 quốc gia sản xuất thức ăn chăn nuôi (TACN) lớn nhất thế giới và đứng thứ 3 trong khu vực ASEAN. Tuy nhiên, nhiều năm qua chúng ta vẫn chi hàng tỷ USD nhập khẩu TACN. Thống kê cho thấy, năm 2016, Việt Nam nhập khẩu 3,39 tỷ USD TACN và nguyên liệu, năm 2017 nhập 3,75 tỷ USD; trong 6 tháng đầu năm 2018 nhập 1,98 tỷ USD, dự báo cả năm nhập trên 4,2 tỷ USD.

Thức ăn chăn nuôi nhập khẩu chủ yếu là ngô, đậu tương và lúa mì. Ngoài lúa mỳ là thứ không trồng được, còn lại ngô và đậu tương trong nước đã trồng được nhưng vẫn phải nhập với khối lượng lớn. Cụ thể, ngô 6 tháng đầu năm 2018 nhập khẩu trên 4,89 triệu tấn, trị giá 985,12 triệu USD. Theo đánh giá, hiện ngô trồng trong nước mới đáp ứng nhu cầu làm thức ăn chăn nuôi khoảng 40%. Theo tính toán của Hộ Chăn nuôi Việt Nam, năm 2018 chúng ta sẽ nhập khẩu khoảng 7 triệu tấn ngô, trong nước cung ứng khoảng 5 triệu tấn. Nhưng hết 6 tháng đầu năm, ta đã nhập 70% kế hoạch cả năm (4,89 triệu tấn/7 triệu tấn), điều đó có nghĩa là ngô trong nước chưa đủ khả năng đáp ứng 40% nhu cầu như đã tính toán.

Một nguyên liệu khác chúng ta trồng được là đậu tương. 6 tháng đầu năm 2018 nhập gần 900 ngàn tấn, trị giá 365,53 triệu USD, tức giá trên 1 tấn khoảng 437 USD, cao hơn 2 lần so với ngô nhập khẩu (201,5 USD/tấn), thì nguồn cung nội địa gần như không đáng kể.

Vậy tại sao chúng ta không đẩy mạnh trồng ngô, đậu tương thay thế hàng nhập khẩu, trong khi lượng nhập khẩu và kim ngạch nhập khẩu tăng liên tục từ nhiều năm nay? Trước đây, năm 2015 Cục Chăn nuôi và Cục Trồng trọt (Bộ NN-PTNT) từng đưa ra chủ trương kiến nghị cho giảm bớt xuất khẩu gạo để chuyển sang làm nguyên liệu sản xuất thức ăn chăn nuôi. Nhưng đề xuất đó bị các hiệp hội và doanh nghiệp chế biến thức ăn chăn nuôi phản đối vì dùng gạo thay ngô không kinh tế, làm tăng giá thành sản xuất, đơn giản là gạo đắt hơn ngô hơn 2 lần.

Lý do mà ta rất khó tập trung trồng ngô, đậu tương là vì sản xuất nhỏ lẻ, lạc hậu. Trong khi đó các quốc gia khác đã công nghiệp hóa nông nghiệp nên họ cho ra sản lượng lớn, giá thành thấp, Việt Nam sẽ khó cạnh tranh được. Năng suất ngô nước ta thấp, bằng khoảng 80% năng suất trung bình của thế giới, giá thành sản xuất lại cao, từ 4.200 – 4.300 đồng/kg, và người nông dân phải bán được giá 5.000 đồng trở lên mới có lãi. Trong khi ngô hạt nhập từ Mỹ, Argentina về đến cảng của Việt Nam hiện đang được chào bán với giá 4.600 đồng/kg (6 tháng đầu năm 2018 giá nhập khẩu ngô 201,5 USD/tấn, khoảng 4.600 đồng/kg).

Theo tính toán của Hiệp hội Thức ăn chăn nuôi Việt Nam, chúng ta chỉ tự túc được khoảng 40% nguyên liệu chế biến thức ăn công nghiệp. Hiện nay, toàn bộ ngô nhập về dùng cho sản xuất thức ăn chăn nuôi; đậu nành hạt nhập về để ép lấy dầu, còn 80% bã dùng cho chăn nuôi. Việt Nam chỉ chủ động được nguồn cám gạo, khoai mì. Ðây là nguyên nhân khiến sức cạnh tranh của ngành chăn nuôi Việt Nam tiềm ẩn nhiều rủi ro, bởi thức ăn chăn nuôi chiếm tới 60% chi phí sản xuất và giá thành.

Hiện nay, giá thịt lợn hơi (ngày 2/8/2018) bình quân 54-55 ngàn đồng/kg, người nông dân đang có lãi. Nhưng nếu tính đủ cả sức lao động thì gần như không có lãi. Cụ thể, người nuôi phải bỏ ra các chi phí sau: (1). 20 kg lợn giống x 95.000 đồng/kg = 1.900.000 đồng; (2) 320 kg thức ăn chăn nuôi x 8.000 đồng/kg = 2.880.000 đồng (cứ 4 kg thức ăn cho 1 kg thịt, lợn xuất chuồng 100 kg – 20 kg (lợn giống) =80 kg; lấy 80 kg thịt hơi này nhân 4 kg thức ăn = 320 kg thức ăn chăn nuôi).

Cộng khoản (1) và (2) = 4.780.000 đồng. Bán lợn xuất chuồng 100 kg x 55.000đ/kg= 5.500.000 đồng, trừ con giống và thức ăn, người nông dân lãi gộp 720.000 đồng. Nếu trừ thêm các chi phí như rau, điện nước, thú y và chia đều cho 4 tháng (chu kỳ nuôi từ 20 kg lên 100 kg) thì người nông dân phải nuôi từ 5 con trở lên mới cho lãi khoảng 100 ngàn đồng/tháng. 100 ngàn đồng này thức chất là sức lao động chứ không phải lợi nhuận. Mặc dù vậy, đây chẳng qua là bài toán “đếm cua trong lỗ”; chứ nếu 3-4 năm chỉ dính 1 lần dịch bệnh thôi thì sức người cũng... trôi đi, chẳng còn đồng nào.

Bởi thế, dù giá lợn trong nước tiếp tục tăng nhưng hầu hết người chăn nuôi vẫn chưa dám tái đàn vì còn lo ngại giá có thể rớt và thức ăn chăn nuôi có thể tăng bất cứ lúc nào. Sự thực thì giá ngô nhập khẩu 6 tháng đầu năm nay đã tăng so với cùng kỳ năm trước.