TÓM TẮT:

Bài viết đề cập đến những giải pháp trọng tâm nhằm tăng cường vốn điều lệ tại 4 ngân hàng thương mại (NHTM), gồm: Vietcombank, Vietinbank, BIDV, Agribank. Bằng phương pháp thống kê mô tả vốn điều lệ tại 4 NHTM giai đoạn 2018 - 2019. Qua đó, tác giả đánh giá, phân tích và đưa ra những giải pháp trọng tâm nhằm tăng cường vốn điều lệ tại 4 NHTM nói trên. Kết quả nghiên cứu cho thấy có 3 giải pháp trọng tâm nhằm tăng cường vốn điều lệ tại 4 NHTM hiện nay là: căn cứ vào năng lực cạnh tranh thật sự của từng NHTM, Ngân hàng Nhà nước cần phải xây dựng nhiều giải pháp riêng phù hợp cho từng đối tượng; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ hiện đại vào các NHTM và các cơ quan nhà nước tạo điều kiện cho các NHTM triển khai phương án phát hành cổ phần ra công chúng. Khi đó, các ngân hàng sẽ chủ động tìm kiếm nhà đầu tư và cổ đông để bán cổ phần, phát hành cổ phần ưu đãi cho người lao động để tăng vốn.

Từ khóa: Gia tăng vốn, vốn điều lệ, ngân hàng thương mại, năng lực cạnh tranh, cổ phần ưu đãi.

1. Đặt vấn đề

Theo Thông tư số 41/2016/TT-NHNN quy định tỷ lệ an toàn vốn đối với ngân hàng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài, cách tính hệ số CAR mới sẽ chặt chẽ hơn theo chuẩn Basel II, bắt đầu có hiệu lực từ năm 2020. Do đó, áp lực lên việc tăng vốn tự có từ nay cho đến lúc đó là rất lớn cho toàn thể hệ thống NHTM nói chung và  4 NHTM trụ cột cũng không ngoại lệ.

Nửa đầu năm 2019, vấn đề tăng vốn điều lệ cho 4 NHTM trụ cột, gồm Vietcombank, Vietinbank, BIDV, Agribank lại nóng lên, khi cơ quan quản lý và lãnh đạo các ngân hàng này đều lên tiếng được giữ lại phần cổ tức hay lợi nhuận từ phần vốn nhà nước tại ngân hàng để tăng vốn điều lệ, nhằm vượt qua giới hạn tỷ lệ an toàn vốn đang lùi về dưới 9%.

Tuy nhiên, đề xuất của Ngân hàng Nhà nước và 4 NHTM trụ cột cho đến nay vẫn chưa nhận được sự đồng thuận của các cơ quan, ban ngành có liên quan, cũng như tạo ra nhiều băn khoăn cho xã hội, giới chuyên môn, do căn cứ đề xuất chưa thực sự vững chắc và thiếu cách tiếp cận toàn diện. Đây cũng là lý do để tác giả hướng đến tìm kiếm những giải pháp trọng tâm để tăng cường vốn điều lệ tại 4 NHTM: Vietcombank, Vietinbank, BIDV, Agribank trong giai đoạn hiện nay.

2. Thực trạng gia tăng vốn điều lệ tại 4 NHTM

Các ngân hàng đặt ra kế hoạch ồ ạt tăng vốn điều lệ, nhằm nâng cao vốn tự có, từ đó cải thiện hệ số an toàn vốn (CAR) để có thể mở rộng phát triển kinh doanh. Ngoài ra, một số ngân hàng cũng xây dựng kế hoạch tăng vốn cấp 2 thông qua phát hành các trái phiếu dài hạn. Trong năm 2016, nhiều ngân hàng cũng đã khá thành công với các phiên phát hành trái phiếu dài hạn. Đơn cử như 2 NHTM trụ cột là Vietinbank và Vietcombank. Tuy nhiên, phần lớn các trái phiếu này được các ngân hàng đầu tư lẫn nhau. Theo một thống kê của công ty chứng khoán VCBS, gần 50% lượng trái phiếu cấp 2 phát hành được mua bởi các ngân hàng. 

Điều đáng lưu ý là theo Thông tư số 41/2016/TT-NHNN quy định tỷ lệ an toàn vốn đối với ngân hàng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài có hiệu lực từ ngày 1/1/2020, phần vốn đầu tư vào trái phiếu đủ điều kiện tính vốn cấp 2 của các ngân hàng khác sẽ bị loại khi tính vốn tự có của TCTD. Điều này đồng nghĩa với việc những ngân hàng đang sở hữu lượng trái phiếu cấp 2 của các ngân hàng khác với số lượng lớn, từ năm 2020 trở đi, vốn tự có cấp 2 sẽ chịu áp lực suy giảm khi phải loại trừ các khoản đầu tư này. Đây là một điểm mới của Thông tư trên so với các quy định trước đây. Cụ thể, theo hướng dẫn cách xác định của Thông tư số 41, với phần mua, đầu tư vào nợ thứ cấp của tổ chức tín dụng (TCTD), bắt đầu từ năm thứ 5 trước khi đến hạn thanh toán, mỗi năm, tại ngày đầu tiên của năm (tính theo ngày phát hành), khoản mua, đầu tư nợ thứ cấp của TCTD, chi nhánh ngân hàng nước ngoài khác phát hành đáp ứng đầy đủ các điều kiện để tính vào vốn cấp 2 của TCTD, chi nhánh ngân hàng nước ngoài khác phát hành đáp ứng đầy đủ các điều kiện để tính vào vốn cấp 2 của TCTD, chi nhánh ngân hàng nước ngoài đó sẽ được khấu trừ 20% của tổng giá mua.

Phương án tăng vốn chủ yếu thông qua các hình thức quen thuộc từ trước đến nay như phát hành cổ phiếu để chia cổ tức, phát hành thêm cho cổ đông hiện hữu và đối tác chiến lược, hoặc kết hợp tất cả các hình thức trên. Cụ thể: BIDV sẽ phát hành 102,6 triệu cổ phiếu ESOP; 239,3 triệu cổ phiếu trả cổ tức và 102,6 triệu cổ phiếu phát hành riêng lẻ cho nhà đầu tư. Theo tờ trình của BIDV, ngân hàng này xem xét phát hành cho nhà đầu tư nước ngoài, đồng thời phát hành thêm trái phiếu chuyển đổi để tăng vốn tự có cấp 2 (Đoàn Phương Ngân, 2018).

Vào tháng 1/2019, Vietcombank đã phát hành riêng lẻ thành công hơn 111 triệu cổ phiếu cho 2 nhà đầu tư nước ngoài là GIC Private Limited (mua 94,4 triệu cp) và Mizuho Bank (mua 16,6 triệu cổ phiếu). Mizuho mua cổ phần của Vietcombank để đảm bảo duy trì tỷ lệ sở hữu 15% vốn điều lệ còn GIC mua 2,55% cổ phần, qua đó giúp ngân hàng này tăng vốn lên hơn 37.000 tỉ đồng.

Bảng 1. Tốc độ tăng trưởng vốn điều lệ tại 4 NHTM trụ cột tính đến ngày 30/6/2019

Tốc độ tăng trưởng vốn điều lệ tại 4 NHTM trụ cột tính đến ngày 30/6/2019

Nguồn: Diệp Bình (2019)

Xét về con số tuyệt đối, VietinBank là ngân hàng có vốn điều lệ lớn nhất trong 4 NHTM trụ cột, với 37.234 tỉ đồng. Tiếp đó là các ngân hàng Vietcombank, BIDV, Agribank đều có vốn điều lệ trên 30.000 tỉ đồng.

Xét về sự tăng trưởng, đáng chú ý nhất là vốn điều lệ của Vietcombank tính đến ngày 30/6/2019 đã tăng đến 3,1% so với vốn điều lệ của ngân hàng này tại thời điểm ngày 31/12/2018.

Tóm lại, việc giữ lại phần cổ tức hay lợi nhuận từ phần vốn nhà nước tại ngân hàng để tăng vốn điều lệ không chỉ vi phạm nguyên tắc an toàn vốn theo quy định hiện hành, mà còn ảnh hưởng tới khả năng thực hiện chuẩn mực Basel II trong những năm tới (Vũ Đình Ánh, 2019).

3. Những khó khăn, tồn tại trong quá trình tăng vốn điều lệ tại 4 NHTM

Thực tế, thời gian qua, 3 ngân hàng Vietcombank, Vietinbank, BIDV đã nỗ lực tăng vốn nhưng không thành. Đơn cử, Vietcombank chưa thể bán hơn 7% vốn cho đối tác nước ngoài, do giá trên thị trường cao mà ngân hàng lại không được phép bán giá thấp hơn, trong khi nhà đầu tư mua lô lớn luôn muốn giá rẻ. BIDV cũng chưa tìm được đối tác để bán tối đa 30% cổ phần như mục tiêu đề ra từ năm 2014 và Vietinbank thì chưa nhận sáp nhập xong PG Bank do còn vướng mắc một số vấn đề, trong đó có tỷ lệ hoán đổi.

Với room nhà đầu tư nước ngoài đã đầy và phát hành trái phiếu cấp 2 đã gần như tới hạn, việc tăng vốn của VietinBank chỉ trông chờ vào việc phê duyệt trả cổ tức bằng cổ phiếu từ Bộ Tài chính. Tuy nhiên, tới quí III/2019, nhưng chưa có một thông tin mới nào từ kiến nghị trên.

BIDV thì có vẻ khả quan hơn khi đã chốt được thương vụ bán 15% vốn cho đối tác ngoại là KEB Hana Bank. Ngân hàng sẽ phát hành riêng lẻ hơn 603,3 triệu cổ phần, tương ứng tỉ lệ 15% vốn điều lệ của BIDV cho đối tác với tổng giá trị giao dịch hơn 20.295 tỉ đồng.

Giá trị thương vụ đã được chốt nhưng có vẻ việc thực hiện lại chưa thể nhanh chóng. Từ ngày BIDV thông báo về việc thông qua hoạt động giao dịch cổ phiếu với nhà đầu tư chiến lược nước ngoài đến nay vẫn chưa có tín hiệu về việc giao dịch hoàn tất.

Mặt khác, theo nhận định của Công ty cổ phần Chứng khoán Bản Việt (VCSC), cho dù BIDV có phát hành thành công cho KEB Hana Bank, ngân hàng này vẫn sẽ tiếp tục đối mặt với tình trang thiếu hụt vốn. VCSC dự báo, BIDV sẽ tiếp tục phụ thuộc vào phát hành vốn cấp 2 và có thể sẽ phải thực hiện một đợt phát hành riêng lẻ khác trong giai đoạn 2020 - 2023.

Bên cạnh đó, Agribank là ngân hàng có vốn điều lệ thấp nhất trong nhóm "ông lớn", lại đang loay hoay với việc cổ phần hóa. Sau nhiều năm lên kế hoạch, nhiều tín hiệu cho thấy thời điểm IPO của ngân hàng này đang tới gần.

Mặc dù ngân hàng chỉ ra còn nhiều khó khăn trong quá trình cổ phần hóa đặc biệt trong việc xác định giá trị doanh nghiệp với tổng tài sản, lượng khách hàng lớn và quĩ đất quản lí lên tới gần 3 triệu m2, nguồn gốc hình thành đa dạng.

4. Những giải pháp nhằm gia tăng vốn điều lệ tại 4 NHTM

Trước hết, Ngân hàng Nhà nước không nên đề xuất giải pháp chung là cho phép cả 4 ngân hàng trụ cột giữ lại phần quy ngân sách nhà nước từ phần vốn nhà nước tại ngân hàng, hoặc nộp bằng cổ phiếu thay vì tiền mặt để tăng vốn điều lệ, do mỗi ngân hàng trụ cột có đặc điểm rất khác nhau. Theo đó, cần có nhiều phương án tăng vốn điều lệ, cũng như có nhiều chiến lược phát triển, đề án tái cấu trúc khác biệt phù hợp với từng ngân hàng. Hay nói cách khác, Ngân hàng Nhà nước cần phải xây dựng nhiều giải pháp riêng phù hợp cho từng NHTM trụ cột.

Thứ nhất, căn cứ năng lực cạnh tranh thật sự. Trong bối cảnh các khoản chi ngân sách nhà nước đang được cơ cấu lại theo hướng tiết kiệm triệt để chi thường xuyên, dành vốn cho đầu tư phát triển, nhất là đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng và phát triển nguồn nhân lực, việc tăng vốn điều lệ cho 4 NH trụ cột, nguồn vốn ngoài nhà nước, kể cả vốn đầu tư nước ngoài (FDI) đóng vai trò quan trọng, nhất là khi nguồn vốn nhà nước ngày càng khó bố trí sắp xếp.

Cuộc đua giữa các NHTM, không phân biệt trụ cột hay cổ phần, phải căn cứ vào năng lực cạnh tranh thật sự trên thị trường, không phải bằng nỗ lực tăng quy mô vốn hay tăng số lượng chi nhánh, đội ngũ nhân viên dựa vào tài trợ của Nhà nước.

Theo đó, vấn đề của Agribank là thúc đẩy nhanh tiến trình cổ phần hóa hoặc thông qua bán một phần vốn nhà nước, hoặc phát hành thêm cổ phiếu cho các nhà đầu tư trong và ngoài nước để tăng vốn, không phải bơm thêm vốn nhà nước cho Agribank.

Tương tự như vậy đối với Vietinbank và BIDV, khi tỷ trọng vốn nhà nước sau cổ phần hóa tại 2 ngân hàng này vẫn quá lớn, thậm chí ở BIDV đến 95,28%.

Vì thế, kinh nghiệm và bài học giảm tỷ trọng vốn nhà nước xuống 65% thông qua bán vốn, phát hành riêng lẻ cho nhà đầu tư trong và ngoài nước của Vietcombank cần được lãnh đạo Vietinbank và BIDV tham khảo, học tập nghiêm túc, thay vì chỉ quẩn quanh trông chờ vào nguồn ngân sách nhà nước vốn đang rất khó khăn. Cũng chính Vietcombank là ngân hàng có quy mô lợi nhuận và các chỉ số tài chính tốt nhất, ngày càng củng cố vị trí dẫn đầu so với 3 ngân hàng tr cột còn lại, với phần vốn nhà nước chiếm tỷ trọng áp đảo tuyệt đối.

Bên cạnh đó, môi trường cạnh tranh bình đẳng giữa các thành phần kinh tế giữa khu vực nhà nước với ngoài nhà nước, đòi hỏi các nhiệm vụ mang tính chất chính trị - xã hội cần chuyển cho các định chế chuyên biệt, không phải là doanh nghiệp nhà nước hay ngân hàng trụ cột. Vì thế, thực hiện nhiệm vụ chính trị - xã hội không thể biện minh cho việc xin tăng phần vốn nhà nước tại các ngân hàng trụ cột dưới bất kỳ hình thức nào.

Năm 2018 với tốc độ tăng trưởng tín dụng 14% - mức thấp nhất trong nhiều năm qua - trong khi GDP tăng trưởng cao nhất với 7,08%, chứng tỏ vai trò của tín dụng đối với tăng trưởng kinh tế đang thay đổi, có thể tạo ra xu hướng mới với hiệu quả sử dụng vốn nói chung, vốn tín dụng nói riêng tăng cao hơn nhiều so với giai đoạn trước. Mục tiêu tăng trưởng tín dụng 14% cả năm 2019, cho thấy dường như xu hướng này đang dần được thiết lập.

Thứ hai, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ hiện đại. Xu thế chung hiện nay của thế giới là đa dạng hóa hoạt động ngân hàng, thông qua đẩy mạnh cung cấp dịch vụ tài chính phi tín dụng. Qua đó, tăng tỷ trọng lợi nhuận từ các hoạt động phi tín dụng, thay vì lệ thuộc quá mức vào lợi nhuận từ tín dụng và chênh lệch lãi suất tiền gửi và lãi suất cho vay, đồng thời tích cực áp dụng các công nghệ hiện đại, fintech... để nâng cao hiệu quả hoạt động ngân hàng, nâng cao khả năng cạnh tranh của mỗi ngân hàng cũng như của hệ thống NHTM, hệ thống các tổ chức tín dụng với các tổ chức tài chính phi ngân hàng đang từng ngày lấn sân các ngân hàng truyền thống.

Bí quyết lập kỷ lục về lợi nhuận của Vietcombank năm 2018 và vươn lên vị trí dẫn đầu về vốn cách đây không lâu lần lượt thuộc về BIDV, rồi Vietinbank, một phần quan trọng xuất phát từ ưu thế vượt trội của ngân hàng này trong lĩnh vực dịch vụ tài chính phi tín dụng. Ngay một số NHTM bình thường cũng trưởng thành nhanh chóng chính từ việc tập trung cung cấp dịch vụ tài chính phi tín dụng, không phải tập trung vào tín dụng truyền thống.

Xu thế trên ngày càng được khẳng định, củng cố và phát triển nhờ sự hỗ trợ mạnh mẽ của tiến bộ khoa học kỹ thuật tiên tiến trong thời đại 4.0. Mỗi NH trụ cột nên tập trung vào xây dựng và triển khai thực hiện đề án tái cấu trúc một cách toàn diện, từ cơ cấu vốn chủ sở hữu, quản trị ngân hàng, tìm kiếm nhà đầu tư chiến lược đến quản lý rủi ro, quản lý nhân sự, phát triển sản phẩm mới, áp dụng công nghệ hiện đại, áp dụng các thông lệ và chuẩn mực quốc tế... nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh không chỉ trên thị trường trong nước, còn trên thị trường khu vực và toàn cầu, không nên loay hoay vào mỗi việc tăng ít vốn điều lệ từ nguồn ngân sách ngà nước, dù trực tiếp hay gián tiếp.

Thứ ba, các cơ quan nhà nước cần tạo điều kiện cho các ngân hàng thương mại trụ cột triển khai phương án phát hành cổ phần ra công chúng. Khi đó, các ngân hàng sẽ chủ động tìm kiếm nhà đầu tư và cổ đông để bán cổ phần, phát hành cổ phần ưu đãi cho người lao động để tăng vốn. Giải pháp này thuận lợi khi cổ đông hiện hữu có sức mạnh tài chính và không muốn giảm tỉ lệ sở hữu, trong điều kiện thị trường chứng khoán ổn định và phát triển thuận lợi.

Bên cạnh đó, cần đẩy mạnh thực hiện cổ phần hóa và giảm bớt tỷ lệ sở hữu của Nhà nước tại các ngân hàng trụ cột. Giải pháp tăng vốn qua bán cổ phần cho nhà đầu tư chiến lược nước ngoài rất có ích, do nhà đầu tư nước ngoài có tiềm lực tài chính mạnh và nhiều kinh nghiệm quản lý.

5. Kết luận

Theo thống kê của Ngân hàng Nhà nước, hiện nay, hệ số an toàn vốn của khối NHTM NN là 9,48% (quy định hiện hành là 9%). Nếu không khẩn trương tăng vốn điều lệ, khi áp dụng theo Basel II, hệ số CAR của các NHTM NN không đạt được yêu cầu tối thiểu về an toàn vốn (quy định mới là 8%, song cách tính toán nghiêm ngặt hơn). Để đạt chuẩn Basel II, các ngân hàng cần tăng vốn tự có gấp 1,8 - 2 lần so với hiện tại. Trong số 4 NHTM NN, trừ Agribank, 3 ngân hàng còn lại là Vietcombank, Vietinbank, BIDV đều đang thí điểm thực hiện tiêu chuẩn Basel II.

Tóm lại, câu trả lời cho câu hỏi có cần tăng vốn điều lệ cho 4 NHTM: Vietcombank, Vietinbank, BIDV, Agribank của Việt Nam hay không, nếu tăng cho ngân hàng nào, tăng bao nhiêu, khi nào và bằng cách nào, cần được tiếp cận một cách toàn diện. Theo đó, từ vấn đề thể chế, nguồn lực tài chính quốc gia đến phương thức và hiệu quả sử dụng vốn của mỗi ngân hàng trụ cột, cần được đặt ra cụ thể, rõ ràng. Đồng thời, đặt chiến lược phát triển, đề án tái cấu trúc toàn diện mỗi ngân hàng trụ cột trong chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của cả nước, trong chiến lược cơ cấu lại tổng thể nền kinh tế và thay đổi mô hình tăng trưởng kinh tế.

Có vậy, mỗi đề xuất điều chỉnh vốn điều lệ của từng ngân hàng trụ cột mới có sức thuyết phục, đảm bảo tính khả thi, quan trọng hơn cả là đảm bảo mỗi đồng vốn của Nhà nước đều được sử dụng với hiệu quả cao nhất, ích nước lợi dân.

TÀI LIỆU THAM KHẢO:

  1. ThS. Đoàn Phương Ngân (2018). Bài toán tăng vốn tại các ngân hàng thương mại. Tạp chí Công Thương. 2018; 5+6: 378.
  2. TS. Vũ Đình Ánh. Tăng vốn điều lệ 4 NHTM trụ cột: Cần cách tiếp cận toàn diện. Truy cập từ http://cafef.vn/tang-von-dieu-le-4-nhtm-tru-cot-can-cach-tiep-can-toan-dien-20190717083558093.chn [10/10/2019].
  3. Diệp Bình. Mức tăng vốn điều lệ các ngân hàng quá thấp, bài toán tăng vốn vẫn chưa có lời giải. Truy cập từ https://vietnambiz.vn/muc-tang-von-dieu-le-cac-ngan-hang-qua-thap-bai-toan-tang-von-van-chua-co-loi-giai-20190903172348681.htm [01/10/2019].
  4. TS. Hoàng Nguyên Khai. Thực hiện mục tiêu tăng vốn điều lệ của các NHTM Việt Nam. Truy cập từ http://thitruongtaichinhtiente.vn/thuc-hien-muc-tieu-tang-von-dieu-le-cua-cac-nhtm-viet-nam-23077.html [22/03/2019].
  5. Thông tư số 41/2016/TT-NHNN ngày 30/12/2016.

SOLUTIONS TO INCREASE CHARTER CAPITAL

AT 4 COMMERCIAL BANKS IN VIETNAM:

VIETCOMBANK, VIETINBANK, BIDV AND AGRIBANK

Master. DANG THI HONG NHUNG

Faculty of Economics - Bussiness Administration,

An Giang University, Vietnam National University - Ho Chi Minh City 

ABSTRACT:

By using the statistical method of describing the charter capital in these banks in the period of 2018 – 2019, this study assesses, analyzes and proposes key solutions to increase the charter capital at 4 key commercial banks including Vietcombank, Vietinbank, BIDV, Agribank. The study’s results show that there are tthree key solutions to increase the charter capital in these banks. Firstly, the State Bank of Vietnam needs to produce specific solutions based on the true competitiveness of each bank. Secondly, it is neccessary to promote the application of modern technology to the key commercial banks. Thirdly, state administrative agencies need create conditions for these key banks to deploy the plan of issuing shares. Meanwhile, the key commercial banks will actively seek investors and shareholders to sell shares and issue preferred shares to their employees to increase capital.

Keywords: Increasing capital, charter capital, commercial bank, competitiveness, preferred shares.