Chọn lối đi an toàn

Cú bắt tay với 2 đối tác Luenthai (Hồng Kông) và Newtech của Tổng công ty cổ phần May Việt Tiến để triển khai dự án nhà máy sản xuất vải Việt Thái Tech, với tổng vốn 20 triệu USD phục vụ làm hàng xuất khẩu ngay trong ngày đầu năm 2020 đã cho thấy nỗ lực lớn của Việt Tiến trong việc chủ động nguồn cung vải, chớp thời cơ thị trường và hưởng ưu đãi xuất xứ, khi mà Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) đã có hiệu lực được 1 năm và tới đây là Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA) với khu vực thị trường 28 nước EU.

Dự án Việt Thái Tech ra đời sẽ góp phần giải quyết phần cung thiếu hụt của nguồn vải đang là trở ngại lớn đối với ngành dệt may Việt Nam, cụ thể hơn là giải tỏa nguồn cung thiếu hụt cho chính Việt Tiến trong việc làm hàng xuất khẩu, tăng tận dụng ưu đãi thuế trong các FTA. Hoạt động đầu tư đang được triển khai rốt ráo với đích ngắm là đưa dự án vào hoạt động giữa năm 2020.

Chỉ mới 2 tháng trước, Việt Tiến đã khánh thành Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển mẫu Dương Long (Dương Long R&D) với mục tiêu hướng đến đẩy mạnh sản xuất, kinh doanh ODM (sản xuất, thiết kế gốc) và OBM (phát triển thương hiệu gốc).

Ngành dệt may Việt Nam đã lọt Top 3 xuất khẩu lớn nhất thế giới, năm 2019 xuất khẩu 39 tỷ USD và mục tiêu năm 2020 đạt 42-43 tỷ USD. Với việc ký kết 14 FTA và 3 FTA đang đàm phán, Việt Nam đã trở thành nền kinh tế có độ mở lớn, mở ra thời cơ tăng xuất khẩu cho nhiều ngành hàng, trong đó dệt may luôn được đánh giá có lợi thế cao từ các FTA.

Nhưng điểm bất lợi của ngành xuất khẩu hàng chục tỷ USD này đã được nói nhiều năm nay là thiếu vải, mà mấu chốt được ưu đãi thuế suất bằng 0% trong các FTA lớn như CPTPP, EVFTA, KVFTA... là dệt may Việt Nam phải tự chủ được ở các công đoạn từ sợi hoặc từ vải trở đi.

det soi
Dệt may Việt Nam phải tự chủ được ở các công đoạn từ sợi hoặc từ vải trở đi

Nhưng không phải cứ thiếu vải là phải đầu tư bằng được để có ưu đãi. Với một ngành xuất khẩu vốn được xem là “lấy công làm lãi”, hạn chế về giá trị gia tăng như dệt may thì vốn ở đâu để đầu tư làm vải, làm vải rồi thì bán đi đâu, lợi thế cạnh tranh về giá đến đâu khi Việt Nam ở cạnh “ông lớn” Trung Quốc đang cung cấp 60-70% lượng vải toàn cầu với giá cạnh tranh.

Ông Lê Tiến Trường, Phó chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam (Vitas) chia sẻ, cách tiếp cận nhằm gia tăng nguồn cung thiếu hụt như cách làm của Việt Tiến là sự lựa chọn tối ưu trong hoàn cảnh eo hẹp của ngành dệt may hiện nay và nhìn rộng hơn là cả nền kinh tế.

“Các doanh nghiệp sẽ chỉ rót vốn làm vải nếu có sự đồng nhất của chuỗi cung ứng với nhóm mặt hàng nào đó, trong từng tình huống cụ thể mới quyết định đầu tư và quyết làm ở quy mô nào. Hiệu quả nhất là tìm đối tác có kinh nghiệm, cùng trong chuỗi cung ứng với nhà sản xuất để đi cùng với mình. Cách đi của Việt Tiến chính là chọn khe để lách”, ông Trường nói.

Không thể đổ xô làm vải

Dệt may thiếu vải trầm trọng, điều này thể hiện rõ ở kim ngạch nhập khẩu hàng chục tỷ USD mỗi năm, con số ngoại tệ chi nhập khẩu tăng đều cùng với xuất khẩu. Đơn cử, năm 2018, ngành dệt may xuất khẩu 36 tỷ USD, nhưng phải chi 12,7 tỷ USD nhập vải, đến năm 2019, xuất khẩu 39 tỷ USD, thì chi nhập vải đã tăng lên 13,33 tỷ USD.

Với quy mô ngành, câu chuyện đầu tư để dệt may có thể cung cấp được một lượng vải lớn đang bị giới hạn bởi chính năng lực cạnh tranh quốc gia. Theo tính toán của Vitas, ngành dệt may đang cần 10 tỷ mét vải, nhưng để làm ra số vải này cần đầu tư 30 tỷ USD. Ở đây mới đang nói đến vốn để làm vải, chưa nói tới chuyện đầu tư có hiệu quả không, có đánh trúng nhu cầu khách hàng không, có cạnh tranh được về giá không.

“30 tỷ USD vốn đầu tư để làm vải là không tưởng. Chưa kể, để làm ra số vải này, cần hơn 10 vạn kỹ sư hóa, dệt, thì nguồn lực này ở đâu. Thành thử, khi đối chiếu lại với tổng thể năng lực cạnh tranh quốc gia thì mục tiêu làm vải chỉ để tận dụng các ưu đãi trong FTA là không khả thi”, đại diện Vitas phân tích.

Yếu tố được không ít nhà đầu tư cả trong nước lẫn FDI quan ngại, là chi phí đầu tư vải tại Việt Nam thuộc hàng đắt nhất thế giới.

Hiện nay các hãng máy trên thế giới bán máy trả nợ theo chương trình của ngân hàng phát triển, họ chỉ lấy 2,4% lãi suất/năm bằng đồng euro, trong khi từ năm 2019, Việt Nam vay đầu tư để nhập thiết bị cũng quy đổi thành tiền Việt, với lãi suất 10,5%. Với một nhà máy đầu tư 50 triệu USD, thì doanh nghiệp Việt Nam phải “cõng” chi phí tài chính rất lớn.

Một doanh nghiệp chuyên làm hàng may xuất khẩu với quy mô 50 triệu USD/năm thừa nhận: “Chúng tôi mua vải từ Trung Quốc về làm nguyên liệu rẻ hơn khi mua vải từ nhà máy sản xuất ở miền Bắc vận chuyển vào miền Nam, do chi phí vận chuyển nội địa cao hơn chi phí đường biển”.

Ông Trường phân tích, mục tiêu tối thượng của ngành trong hội nhập và phát triển là đầu tư gì để dệt may có thêm năng lực cạnh tranh, chứ không đơn thuần chỉ là câu chuyện đầu tư để đáp ứng quy tắc xuất xứ trong các FTA Việt Nam đã ký kết. “Nếu ta tiếp cận theo hướng thiếu vải, mà đầu tư vải đặt trong bối cảnh cạnh tranh của doanh nghiệp lẫn quốc gia như hiện nay doanh nghiệp sẽ thua lỗ”.

det may
Với hàng loạt FTA đã ký kết, dệt may có thể tăng được xuất khẩu

Trung Quốc, thị trường cung cấp vải chính yếu cho ngành dệt may Việt Nam đã sản xuất khoảng 60 tỷ mét vải trong năm 2019. Cao điểm, có năm Trung Quốc đã sản xuất tới 75 tỷ mét vải, cung ứng cho thị trường toàn cầu với giá bán vô cùng linh hoạt bởi ưu thế của sản lượng lớn. Giả thiết, ngành dệt may triển khai các dự án vải, chỉ cần hàng vừa mới đưa ra thị trường, một động thái nhỏ giảm giá của họ cũng khiến doanh nghiệp Việt chao đảo.

“Trung Quốc lợi thế về quy mô do xuất phát trước ta 20 năm, nếu giờ ta chọn cách đầu tư như thế, chẳng khác nào một ông dùng vũ khí cầm tay đi đánh trực diện với một ông vũ khí hạng nặng”, đại diện Vitas ví von.

Xoay chuyển tình thế

Sức ép tăng trưởng và cạnh tranh buộc doanh nghiệp dệt may phải có chiến lược phát triển để nâng cao được vị thế.

Nhà máy sợi Vinatex Phú Cường tại Định Quán, Đồng Nai với sản lượng 10.000 tấn sợi/năm, do  Tập đoàn Dệt may Việt Nam (Vinatex) làm chủ đầu tư với vốn gần 500 tỷ đồng đã đi vào hoạt động ổn định trong năm qua. Nhưng điều quan trọng hơn cả là nhà máy này đã so găng để đối tác chấp thuận và lọt vào chuỗi cung ứng toàn cầu của Mỹ.

Đó là cả một quá trình nỗ lực để có thể trở thành một mắt xích trong chuỗi cung ứng, để có cơ hội phát triển đường dài.

Với các đặc trưng mới của chuỗi cung ứng dệt may toàn cầu, chỉ có các doanh nghiệp đặt được chân vào chuỗi, được doanh nghiệp đầu chuỗi đánh giá mới có khả năng có được đơn hàng sản xuất ổn định, giá cả hợp lý nhất, do được san sẻ lợi nhuận từ các khâu có tỷ lệ cao như thiết kế, phân phối cho khu vực sản xuất.

Thực tế sản xuất, kinh doanh trong tâm bão thương chiến Mỹ - Trung của năm 2019 đã chứng minh, doanh nghiệp nào có tên trong chuỗi cung ứng toàn cầu sẽ tạm “ăn ngon ngủ yên”.

Ông Vũ Đức Giang phân tích, năm 2019 là năm toàn ngành sợi khó khăn do đơn giá xuất khẩu đi Trung Quốc giảm trên 15%, trong khi bông, xơ chỉ giảm 5%, các đơn vị không có tên trong chuỗi cung ứng mà xuất khẩu hàng cho các công ty thương mại đều thua lỗ trung bình 6-8 tỷ đồng/năm cho 10.000 cọc sợi. Nhưng ngược lại, các nhà máy sợi nằm trong chuỗi cung ứng sản xuất vải, may mặc và phân phối vẫn duy trì lợi nhuận 1% doanh thu, thấp hơn các năm trước (3-3,5% doanh thu) nhưng không thua lỗ. Bởi vậy, có thể nói, trở thành thành viên của chuỗi cung ứng toàn cầu và cạnh tranh để duy trì được vị trí là nhiệm vụ bắt buộc để doanh nghiệp có thể phát triển bền vững.

Nhìn rộng ra, với hàng loạt FTA đã ký kết, dệt may có thể tăng được xuất khẩu, nhưng làm thế nào để có được ưu đãi nhờ đáp ứng được nguồn cung nguyên liệu.

Ông Trường lý giải, để tăng năng lực cạnh tranh, ngành vẫn mở rộng quy mô sản xuất và hướng vào các dự án thượng nguồn (nguyên liệu) nhưng không phải làm một mình mà cần có “bạn đồng hành” để giảm thiểu rủi ro như cách mà Việt Tiến đang đi.

Câu chuyện đi một mình để đi nhanh có thể đúng với một số ngành, nhưng sản xuất vải thì chưa chính xác. Trong hành trình đầu tư làm vải, gần đây nhất, đã có những dự án đầu tư tư nhân hàng ngàn tỷ đồng trong ngành dệt may bị “vỡ trận” do nhà máy đi vào sản xuất, nhưng đơn hàng chưa khi nào chạm nổi 50% công suất.