Ban Chỉ đạo 389 Hà Nội: Quyết liệt chống buôn lậu, hàng giả và gian lận thương mại

6 tháng đầu năm 2023, các lực lượng chức năng toàn thành phố Hà Nội đã thanh tra, kiểm tra 12.052 vụ (tăng 14,17% so với cùng kỳ), xử lý hành chính 11.136 vụ vi phạm (tăng 18,12% so với cùng kỳ).

Ngày 11/7, Ban Chỉ đạo chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả thành phố Hà Nội (Ban Chỉ đạo 389/TP) tổ chức hội nghị sơ kết công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả 6 tháng đầu năm 2023 và phương hướng, nhiệm vụ trọng tâm trong thời gian tới. Đồng chí Nguyễn Mạnh Quyền, Phó Chủ tịch UBND thành phố, Trưởng ban Chỉ đạo 389/TP chủ trì hội nghị.

Kiểm soát chặt chẽ, giữ bình ổn thị trường

Theo báo cáo của Ban Chỉ đạo 389 thành phố Hà Nội, trong 6 tháng đầu năm 2023, các lực lượng chức năng toàn thành phố đã thanh tra, kiểm tra 12.052 vụ (tăng 14,17% so với cùng kỳ), xử lý hành chính 11.136 vụ vi phạm (tăng 18,12% so với cùng kỳ).

Trong đó, phát hiện, bắt giữ 1.801 vụ vi phạm về buôn lậu, 769 vụ vi phạm về hàng giả, 8.566 vụ vi phạm về gian lận thương mại. Khởi tố 111 vụ (tăng 52% so với cùng kỳ) đối với 122 đối tượng (tăng 15% so với cùng kỳ). Tổng số thu nộp ngân sách nhà nước 1.558 tỷ 807 triệu đồng (tăng 36,06% so với cùng kỳ).

Ban Chỉ đạo 389 Hà Nội sơ kết công tác 6 tháng đầu năm 2023
Phó chủ tịch UBND, Trưởng ban chỉ đạo 389 Hà Nội, Nguyễn Mạnh Quyền phát biểu tại Hội nghị

 

Lực lượng Quản lý thị trường đã làm tốt vai trò Cơ quan Thường trực Ban Chỉ đạo 389 Thành phố, tham mưu cho Ban Chỉ đạo 389 Thành phố triển khai các văn bản chỉ đạo của Ban Chỉ đạo 389 quốc gia, UBND Thành phố; theo dõi, đôn đốc các sở, ngành thành viên và Ban chỉ đạo 389 quận, huyện, thị xã thực hiện nhiệm vụ đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả theo chức năng, lĩnh vực và địa bàn được giao.

Ban hành các Kế hoạch về triển khai thực hiện công tác đấu tranh, phòng chống hàng giả, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ và hàng hóa xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ; đấu tranh chống buôn lậu, kinh doanh hàng cấm, hàng hóa nhập lậu, vi phạm an toàn thực phẩm, chất lượng hàng hóa và gian lận thương mại, vi phạm trong lĩnh vực thương mại điện tử và các văn bản chỉ đạo các Đội Quản lý thị trường tăng cường kiểm tra, kiểm soát các mặt hàng do ngành Công Thương quản lý, các mặt hàng trọng điểm.

Lực lượng Hải quan chỉ đạo các Đội kiểm soát, các Chi cục tại các địa bàn trọng điểm tăng cường công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại, vận chuyển trái phép qua cảng hàng không quốc tế Nội Bài. Triển khai quyết liệt các biện pháp nghiệp vụ, áp dụng các phương tiện kỹ thuật (máy soi hàng hoá, hành lý, máy thử ma tuý, chó nghiệp vụ…), đặc biệt chú trọng kiểm tra chặt chẽ hàng hoá nhập khẩu, vận chuyển từ các nước châu Âu về Việt Nam. Đồng thời, chủ động phối hợp chặt chẽ với các đơn vị có liên quan để phát hiện và bắt giữ đối tượng, thu giữ vật chứng qua đường hàng không, chuyển phát nhanh, đường hàng không kéo dài 02 ICD Gia Thuỵ và Mỹ Đình, đạt kết quả cao nhất từ trước đến nay.

Lực lượng Công an đã ban hành 3 Kế hoạch trong đó: 1 là Kế hoạch về triển khai đợt cao điểm đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả trước, trong và sau Tết Nguyên đán Quý Mão; 2 là Kế hoạch về tăng cường công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại, vận chuyển trái phép hàng hóa qua cảng hàng không quốc tế Nội Bài; 3 là Kế hoạch về công tác đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả năm 2023 trên địa bàn thành phố Hà Nội.

Ban đã chỉ đạo các phòng nghiệp vụ, Công an các quận, huyện, thị xã xây dựng kế hoạch, xác lập chuyên án đấu tranh nhằm phát hiện nhiều vụ việc vi phạm về buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả; kịp thời phát hiện, bắt giữ, xử lý nghiêm các đối tượng chủ mưu, cầm đầu. Kết quả các mặt công tác góp phần phòng ngừa, kiềm chế tội phạm buôn lậu, sản xuất, tàng trữ, vận chuyển, buôn bán hàng cấm, chống thất thu thuế và bình ổn thị trường.

Ban Chỉ đạo 389 Hà Nội sơ kết công tác 6 tháng đầu năm 2023
Các đại biểu lắng nghe ý kiến chỉ đạo

 

Ban Chỉ đạo 389 Hà Nội đánh giá, kết quả công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả trong 6 tháng đầu năm 2023, các lực lượng chức năng đã tích cực, chủ động trong công tác phối hợp, trao đổi thông tin, tiến hành các biện pháp nghiệp vụ phát hiện, ngăn chặn, bắt giữ và xử lý ngiêm các hành vi vi phạm pháp luật liên quan đến buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả; nhiều vụ việc được khởi tố kịp thời mang tính răn đe. Những kết quả trên đã góp phần ổn định thị trường, bảo vệ quyền và lợi ích của người dân, doanh nghiệp, bảo đảm an ninh trật tự và phục vụ phát triển kinh tế xã hội.

Tăng cường phối hợp, chia sẻ thông tin

Phát biểu tại hội nghị, Phó chủ tịch UBND, Trưởng ban chỉ đạo 389 Hà Nội, Nguyễn Mạnh Quyền đánh giá, 6 tháng đầu năm 2023, công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả trên địa bàn thành phố Hà Nội đã đạt được kết quả đáng khích lệ. Tuy nhiên, bên cạnh những kết qủa đạt được  công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả cũng gặp nhiều khó khăn, thách thức khi phương thức, thủ đoạn hoạt động của các đối tượng vi phạm ngày càng tinh vi, phức tạp nhất là trên môi trường thương mại điện tử; công tác trao đổi thông tin của một số đơn vị đôi lúc còn thiếu chủ động, nhạy bén; kho bảo quản tang vật, kinh phí giám định hàng hóa còn thiếu; một số văn bản quy phạm pháp luật còn bất cập, chưa phù hợp với tình hình thực tế.

Về phương hướng, nhiệm vụ từ nay đến cuối năm 2023, Phó chủ tịch UBND TP. Hà Nội lưu ý, các lực lượng chức năng trong Ban Chỉ đạo 389 Hà Nội cần cần tiếp tục thực hiện có hiệu quả kế hoạch về tăng cường công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại của Ban chỉ đạo 389 thành phố như: Kế hoạch 03/KH-BCĐ389/TP; Kế hoạch số 09/KH-BCĐ38 ; Kế hoạch số 92/KH-BCĐ389.

Đồng thời, tăng cường kiểm tra, kiểm soát chặt chẽ tại các tuyến, địa bàn, mặt hàng trọng điểm; chú trọng các kho hàng, bến bãi tập kết hàng hóa như Hoàng Mai, Hai Bà Trưng, Thanh Trì...; các điểm trung chuyển hàng hóa như: Ninh Hiệp, ga Yên Viên, Cảng hàng không quốc tế Nội Bài; các điểm giao nhận chuyển phát hàng hóa, các tuyến đường có địa bàn giáp ranh với các tỉnh Hưng Yên, Bắc Ninh, Thái Nguyên, Hòa Bình...; qua đó, lập kế hoạch, chuyên đề đấu tranh có trọng tâm, trọng điểm.

Tăng cường công tác phối hợp, chia sẻ thông tin và trao đổi kinh nghiệm trong công tác đấu tranh, phát hiện và xử lý các hành vi buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả giữa các lực lượng chức năng; chủ động tham mưu, kiến nghị các cấp có thẩm quyền về những sơ hở, bất cập trong các văn bản pháp luật nhằm nâng cao hiệu quả trong công tác đấu chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả. Đồng thời, cần có các biện pháp quyết liệt hơn nữa để xử lý, ngăn chặn các vụ việc.

Diệu Hân