Bàn về đạo đức của nghề Kiểm toán

ThS. ĐỖ THỊ THANH TÂM (Khoa Kế toán - Trường Đại học Kinh tế Kỹ thuật Công nghiệp)

TÓM TẮT:

Trong nghề kế toán nói chung và kiểm toán nói riêng,  đạo đức nghề nghiệp phải được xác định rõ ràng, công bố và trở thành yêu cầu bắt buộc, để một mặt sẽ giúp quản lý và giám sát chặt chẽ mọi kiểm toán viên và tổ chức kiểm toán. Chính việc tuân thủ đạo đức nghề nghiệp sẽ giúp cho các thành viên luôn phải duy trì một thái độ nghề nghiệp đúng đắn, giúp bảo vệ và nâng cao uy tín cho nghề kiểm toán trong xã hội.

Từ khóa: Kiểm toán viên, đạo đức, trách nhiệm, nghề nghiệp, chuẩn mực kế toán.


I. Đặt vấn đề

Đạo đức nghề nghiệp là những chỉ dẫn để các thành viên luôn duy trì được một thái độ nghề nghiệp đúng đắn nhằm bảo vệ và nâng cao uy tín của nghề nghiệp.

Thông thường, các nội dung sau đây được quy định trong đạo đức nghề nghiệp của kiểm toán viên độc lập:

Chính trực: Kiểm toán viên phải thực hiện công việc với một tinh thần trung thực, thẳng thắn, bất vụ lợi.

Khách quan: Kiểm toán viên phải công minh, nghĩa là không được phép phán quyết một cách vội vàng, hoặc áp đặt, hay gây áp lực đối với người khác.

Độc lập: Kiểm toán viên phải thực sự độc lập và tỏ ra độc lập.

Bảo mật: Kiểm toán viên phải giữ bí mật của những thông tin đã thu nhập được trong thời gian thực hiện dịch vụ chuyên môn và không được sử dụng hoặc tiết lộ bất cứ thông tin nào nếu không có thẩm quyền rõ ràng và hợp lý, trừ khi có nghĩa vụ pháp lý, hoặc trách nhiệm nghề nghiệp yêu cầu phải công bố.

Chấp hành các chuẩn mực nghiêp vụ trong khi tiến hành công việc.

Trình độ nghiệp vụ: Kiểm toán viên có nghĩa vụ phải duy trì trình độ nghiệp vụ của mình trong suốt quá trình hành nghề; kiểm toán viên chỉ được phép làm những công việc khi đã có đủ trình độ nghiệp vụ để hoàn thành nhiệm vụ.

Tư cách nghề nghiệp: Kiểm toán viên phải tự điều chỉnh những hành vi của mình sao cho phù hợp với uy tín của ngành nghề và phải tự kiềm chế để không có những hành vi có thể gây tổn hại cho uy tín của nghề nghiệp.

Tại các quốc gia, những nội dung chi tiết của đạo đức nghề nghiệp thường được trình bày trong Điều lệ về đạo đức nghề nghiệp do tổ chức nghề nghiệp ban hành. Ví dụ như: Hiệp hội kế toán viên Công chứng Hoa Kỳ ban hành điều lệ Hạnh kiểm nghề nghiệp, Hiệp hội kế toán viên Công chứng Canada ban hành Quy tắc thống nhất về Hạnh kiểm nghề nghiệp…

Trong điều lệ, tổ chức nghề nghiệp quy định về những việc mà kiểm toán viên phải làm và không được làm trong khi hành nghề. Để cụ thể hóa, các tổ chức nghề nghiệp còn ban hành những văn bản giải thích và hướng dẫn chi tiết về từng nguyên tắc và chúng hợp thành hệ thống chuẩn mực về đạo đức nghề nghiệp. Phụ lục II-D sẽ minh họa về hệ thống này tại Hoa Kỳ.

Các tổ chức nghề nghiệp đều xem một trong các mục đích hàng đầu của mình là khuyến khích mọi thành viên phải luôn có hành vi đạo đức đúng đắn, vì vậy họ luôn giám sát việc tuân thủ điều lệ này. Tất nhiên, những biện pháp chế tài khi vi phạm điều lệ không bằng các bản án của tòa, nhưng lại có ảnh hưởng rất lớn đến các thành viên. Chẳng hạn, mặc dù hình phạt cao nhất chit là khai trừ khỏi tổ chức nghề nghiệp, điều này tuy không làm cho họ phải chịu bồi thường hay tù tội, nhưng lại dẫn đến khả năng bị tước bỏ quyền hành nghề kế toán.

Như vậy, trên một bình diện nhất định, việc kiểm soát các kiểm toán viên và tổ chức kiểm toán bằng Điều lệ Đạo đức nghề nghiệp thậm chí có thể còn nghiêm khắc hơn cả pháp luật, bởi vỉ ngay cả khi chưa đủ các yếu tố để ràng buộc nghĩa vụ pháp lý, tổ chức nghề nghiệp vẫn có thể dựa vào đó để xét xử về những sai phạm.

Thậm chí, điều lệ cũng có thể quy định rõ về các hanh vi sai phạm sẽ đương nhiên dẫn đến hậu quả bị khai trừ. Chẳng hạn như tại Hoa Kỳ, nếu kiểm toán viên có các hành vi làm mất tín nhiệm, như là bị kết án tù giam một năm trở lên, hay gian lận thuế lợi tức cá nhân… ngay tức khắc họ sẽ bị khai trừ.

Ở Việt Nam, mục tiêu và nguyên tắc cơ bản chi phối kiểm toán báo cáo tài chính yêu cầu kiểm toán viên phải tuân thủ các nguyên tắc đạo đức nghề nghiệp kiểm toán như sau.

1. Độc lập

Độc lập là nguyên tắc hành nghề cơ bản của kiểm toán viên. Tính độc lập bao gồm:

a) Độc lập về tư tưởng - Là trạng thái suy nghĩ cho phép đưa ra ý kiến mà không chịu ảnh hưởng của những tác động trái với những đánh giá chuyên nghiệp, cho phép một cá nhân hành động một cách chính trực, khách quan và có sự thận trọng nghề nghiệp.

b) Độc lập về hình thức - Là không có các quan hệ thực tế và hoàn cảnh có ảnh hưởng đáng kể làm cho bên thứ ba hiểu là không độc lập, hoặc hiểu là tính chính trực, khách quan và thận trọng nghề nghiệp của nhân viên công ty hay thành viên của nhóm cung cấp dịch vụ đảm bảo không được duy trì.

2. Chính trực

Người làm kiểm toán phải thẳng thắn, trung thực và có chính kiến rõ ràng. Tính chính trực còn nhấn mạnh đến sự công bằng và sự tín nhiệm.

3. Khách quan

Người làm kiểm toán phải công bằng, tôn trọng sự thật và không được thành kiến, thiên vị. Cần tránh các mối quan hệ dẫn đến sự thành kiến, thiên vị hoặc bị ảnh hưởng của những người khác có thể dẫn đến vi phạm tính khách quan; không nên nhận quà hoặc tặng quà, dự chiêu đãi hoặc mời chiêu đãi đến mức có thể làm ảnh hưởng đáng kể tới các đánh giá nghề nghiệp hoặc tới những người mình cùng làm việc.

4. Năng lực chuyên môn và tính thận trọng

Người làm kiểm toán phải thực hiện công việc kiểm toán với đầy đủ năng lực chuyên môn cần thiết, với sự thận trọng cao nhất và tinh thần làm việc chuyên cần. Kiểm toán viên có nhiệm vụ duy trì, cập nhật và nâng cao kiến thức trong hoạt động thực tiễn, trong môi trường pháp lý và các tiến bộ kỹ thuật để đáp ứng yêu cầu công việc

5. Tính bảo mật

Người làm kiểm toán phải bảo mật các thông tin có được trong quá trình kiểm toán; không được tiết lộ bất cứ một thông tin nào khi chưa được phép của người có thẩm quyền, trừ khi có nghĩa vụ phải công khai theo yêu cầu của pháp luật hoặc trong phạm vi quyền hạn nghề nghiệp của mình.

6. Tư cách nghề nghiệp

Người làm kiểm toán phải trau dồi và bảo vệ uy tín nghề nghiệp, không được gây ra những hành vi làm giảm uy tín nghề nghiệp.

7. Tuân thủ chuẩn mực chuyên môn

Người làm kiểm toán phải thực hiện công việc kiểm toán theo những kỹ thuật và chuẩn mực chuyên môn đã quy định trong chuẩn mực kiểm toán, quy định của Hội nghề nghiệp và các quy định pháp luật hiện hành.

Tuy nhiên, để có thể thực hiện được nhất quán và duy trì theo nguyên tắc nghề nghiệp đề ra thì kiểm toán viên luôn phải trau dồi kiến thức chuyên môn và nghiệp vụ để có thể đáp ứng được:

- Yêu cầu về học vấn, đào tạo và kinh nghiệm làm nghề kiểm toán.

- Các yêu cầu về cập nhật chuyên môn liên tục.

- Các quy định về bộ máy quản lý điều hành doanh nghiệp.

- Các chuẩn mực nghề nghiệp và quy định về thủ tục soát xét.

- Các quy trình kiểm soát của Hội nghề nghiệp hay của cơ quan quản lý nhà nước và các biện pháp kỷ luật.

Kiểm soát từ bên ngoài do một bên thứ ba được ủy quyền hợp pháp đối với các báo cáo, tờ khai, thông báo hay thông tin do người làm kiểm toán lập. Thông qua đó mới có thể đáp ứng được yêu cầu của 7 nguyên tắc đạo đức nghề nghiệp nói trên.

“Học” phải đi đôi với “Hành” thì mới có hiệu quả, tuy nhiên trong quá trình thực hành, hay nói đúng hơn là khi thực hiện các nghiệp vụ kiểm toán thì phát sinh các “nguy cơ” không thể lường trước được, đó chính là rủi ro mà chúng ta cần phải tránh.

Về cơ bản những nội dung chính trong đạo đức nghề nghiệp đã được trình bày tại VSA 200 là phù hợp với thông lệ quốc tế. Tuy nhiên, các vấn đề này vẫn cần được thể chế hóa và hướng dẫn riêng trong mỗi Điều lệ và đạo đức nghề nghiệp do tổ chức nghề nghiệp ban hành.

II. Thực trạng

Năm 1991, Bộ Tài chính thành lập 2 công ty là doanh nghiệp nhà nước (DNNN) làm kiểm toán, đó là Công ty Kiểm toán Việt Nam (VACO) và Công ty Dịch vụ Tư vấn Tài chính Kế toán và Kiểm toán (AASC). Đến nay đã có hàng trăm công ty kiểm toán độc lập với đủ mọi hình thức

Với số lượng kiểm toán viên (KTV) và các tổ chức kiểm toán đông đảo như hiện nay không thể phủ nhận sự phát triển của lĩnh vực kiểm toán, song sự phát triển đó vẫn chưa tương xứng với nhu cầu hiện tại và vai trò, chức năng của lĩnh vực (nghề) kiểm toán. Chất lượng dịch vụ của các công ty kiểm toán cung cấp là tương đối tốt nhưng do môi trường tài chính Việt Nam chưa chuyên nghiệp và minh bạch nên cũng gặp phải những khó khăn nhất định. Trình độ năng lực chuyên môn cũng như đạo đức nghề nghiệp của KTV ngày càng được nâng cao như so với các nước tiên tiến trên thế giới vẫn có một khoảng cách khá xa. Thực trạng trên xuất phát từ một số nguyên nhân sau:

Hoạt động kiểm toán ở nước ta còn rất mới, chưa được phổ biến và coi trọng. Nền kinh tế nước ta chưa đạt đến mức độ nền kinh tế thị trường đầy đủ, nên hoạt động kiểm toán không phải lúc nào cũng được coi là một yêu cầu bức thiết.

Hệ thống các văn bản pháp quy liên quan đến hoạt động kiểm toán độc lập chưa được ban hành, hướng dẫn đầy đủ và thống nhất. Các công ty kiểm toán có thể tiến hành các công việc kiểm toán dựa trên các quyết định, nguyên tắc trong các chuẩn mực kiểm toán Việt Nam hay quốc tế.

Sự trợ giúp về chuyên môn và kỹ thuật của các hiệp hội và tổ chức nghề nghiệp chưa có tác dụng nhiều trong hoạt động của các công ty kiểm toán.

Việc cung cấp dịch vụ còn chịu tác động của quy luật cung cầu, cạnh tranh. Do vây, giá phí kiểm toán thấp (đặc biệt đối với các công ty kiểm toán nhỏ) đã ảnh hưởng rất lớn đến việc thực hiện đúng đắn, đầy đủ các công việc kiểm toán.

Việc đào tạo KTV ở các học viện, trường đại học chỉ mang tính chất lý luận, chưa sát với thực tế. Ngoài ra, việc đào tạo KTV ở các công ty kiểm toán thường mang tính chất kinh nghiệm chưa vận dụng lý luận kiểm toán, hoặc việc đào tạo KTV theo tiêu chuẩn quốc tế ở các hãng kiểm toán. Do đó, việc vận dụng kiến thức vào hoạt động kiểm toán thực tế thường không phù hợp. ngoài ra, do KTV ở mỗi công ty kiểm toán thường xuyên có sự biến động, nên việc trang bị chuyên môn nghề nghiệp kiểm toán thường không tác động đến hoạt động của công ty kiểm toán.

Chưa có một cơ chế quản lý, kiểm soát cụ thể đối với chất lượng của các cuộc kiểm toán cũng như kết quả của nó.

Các nhu cầu về công khai thông tin kế toán tài chính chưa trở thành thói quen, vì vậy kết quả kiểm toán chưa thực sự quan trọng đối với các đối tượng sử dụng thông tin.

Nội dung môn thi để cấp chứng chỉ KTV chủ yếu vẫn như chương trình học đại học, có hệ thống lại và cập nhật cơ chế chính sách mới. Nội dung ôn thi chủ yếu vẫn là kiến thức lý thuyết, hầu như ít kinh nghiệm thực tế. Với cách thi này, nhiều trường hợp có chứng chỉ KTV phải thêm vài ba năm kinh nghiệm thực tế nữa mơi hành nghề được.

Lĩnh vực kiểm toán ở Việt Nam đối với nhiều người còn mới mẻ nhưng trên thế giới thì kiểm toán thực sự là một nghề rất phổ biến và đã có một quá trình phát triển lâu dài. Việc đào tạo KTV được các nước như Mỹ, Nhật Bản và một số nước châu Âu rất quan tâm, Các KTV của những nước này nhiều về số lượng, tốt về chất lượng, giàu kinh nghiệm, có khả năng đáp ứng yêu cầu công việc và tính linh hoạt, nhạy bén cao.

III. Giải pháp nâng cao năng lực và phẩm chất đạo đức của kiểm toán viên

Về phía Nhà nước:

- Sớm thiết lập môi trường pháp lý hoạt động kiểm toán trong điều kiện kinh tế thị trường như hiện nay. Ban hành đầy đủ các văn bản pháp quy về kiểm toán trong đó có nhấn mạnh vai trò quyên hạn và trách nhiệm đối với các KTV, các tổ chức và hội nghề nghiệp.

- Nhà nước cần mở rộng tăng cường năng lực và vai trò hoạt động của các tổ chức nghề nghiệp, tăng cường chất lượng hoạt động của Hội nghề nghiệp kế toán kiểm toán, Hội đồng Quốc gia về kế toán, các chuyên gia kế toán, kiểm toán, các KTV hành nghề.

- Nhà nước cần phải đảm bảo cho các công ty kiểm toán cũng như các KTV có được sự cạnh tranh trong khuôn khổ pháp luật, nâng cao năng lực và thế mạnh của các công ty kiểm toán trong nước nhằm phát huy vai trò chủ đạo của kinh tế nhà nước trong lĩnh vực kiểm toán.

Về phía và trường và các tổ chức đào tạo:

- Nhà trường phải có kế hoạch tuyển chọn phù hợp với nhu cầu, chất lượng đầu vào cao, số lượng hợp lý. Trong quá trình đào tạo phải xác định học sinh, sinh viên là trung tâm với phương pháp chủ động trong trong lĩnh hội kiến thức.

- Quá trình đào tạo phải đảm bảo gắn kết giữa lý thuyết với thực tế để sinh viên khi ra trường có thể đảm nhận một số công việc và có thể giảm thiểu thời gian công sức đào tạo lại. Đặc biệt, đạo đức, tác phong và tư cách nghề nghiệp cũng cần phải được đề cập và phổ biến trong quá trình đào tạo KTV.

- Giáo viên phải là người chủ đạo trong quá trình dạy học, đồng thời phải là người có trình độ khoa học và nghiệp vụ cao với những phẩm chất tốt đẹp của một nhà giáo. Muốn vậy các học viên, các trường đại học phải làm tốt khâu tuyển dụng, đào tạo, bồi dưỡng người giáo viên “vừa hồng vừa chuyên”, đảm bảo khả năng sư phạm. có tâm huyết với nghề, với thế hệ trẻ.

- Nhà trường cần xác định và từng bước xây dựng một trung tâm đào tạo KTV riêng biệt và chuyên nghiệp để có thể nâng cao chát lượng KTV. Cần phải phát huy vai trò của hội tổ chức nghề nghiệp trong công tác bồi dưỡng, đào tạo nguồn nhân lực cho kiểm toán.

Về phía các tổ chức, công ty kiểm toán:

- Cần xây dựng một chế độ, phương pháp quản lý tốt và môi trường kiểm toán chuyên nghiệp là những yếu tố quan trọng góp phần không nhỏ đến chất lượng KTV, để họ có thể yên tâm công tác, cống hiến và có điều kiện nâng cao trình độ, kỹ năng nghiệp vụ.

- Cần có sự liên kết chặt chẽ, phối hợp nhịp nhàng với các cơ sở đào tạo KTV, các tổ chức nghề nghiệp. Các công ty có thể nhận sinh viên năm cuối đến tham gia vào hoạt động của công ty, giúp sinh viên tiếp cận sớm với thực tế kiểm toán và môi trường nghề nghiệp.

- Cần có sự tham gia vào các hoạt động dạy và học ở trong nhà trường: tham gia ý kiến vào việc xây dựng kế hoạch đào tạo nguồn nhân lực kiểm toán; tham gia viết bài chuyên môn trên giác độ thực tế hoạt động kiểm toán; tham gia báo cáo thực tế kiểm toán cũng như trả lời và cung cấp thông tin cập nhật về hoạt động nghề nghiệp cho sinh viên; tham gia giảng dạy cho các lớp chuyên ngành kiểm toán.

Về phía kiểm toán viên:

- Cần phải có kiến thức và sự hiểu biết tương đối rộng và toàn diện ở nhiều lĩnh vực và khía cạnh liên quan đến kiểm toán. Chủ động tiếp cận với thực tế hoạt động nghề nghiệp kế toán, kiểm toán để hình thành kiến thức kiểm toán trên phương diện lý luận và thực tiễn.

- Không ngừng nâng cao phát triển chuyên môn nghiệp vụ bằng việc tham gia các khóa học nâng cao nghiệp vụ. Đồng thời phải rèn luyện khả năng sáng tọa riêng của mình cũng như học hỏi, chia sẻ kinh nghiệm với các đồng nghiệp. Thời đại ngày nay là thời đại của thông tin vì vậy các KTV không chỉ trau dồi kiến thức chuyên môn mà còn phải luôn luôn cập nhật các thông tin về tin học, về ngoại ngữ và về các lĩnh vực khoa học kỹ thuật cũng như xã hội khác.

- Cần phải thường xuyên tu dưỡng và rèn luyện phẩm chất của một cán bộ kiểm toán, rèn luyện cho mình thính trực quan, độc lập, vô tư, công bằng, cẩn thận, siêng năng, có tinh thần trách nhiệm. Luôn có thái độ cầu thị, học hỏi và đúc rút kinh nghiệm thực tế kiểm toán. Việc làm này góp phần giúp KTV hình thành kỹ năng kiểm toán cho mình, cũng như tố chất để trở thành một KTV chuyên nghiệp.

TÀI LIỆU THAM KHẢO:

1. “Hệ thống chuẩn mực kế toán quốc tế” (IAS, IFRS)

2. “26 Chuẩn mực kế toán Việt Nam”, Nhà xuất bản Thống kê

3. web.kiemtoan.gov.vn

4. tapchiketoan.com


DISCUSSION ABOUT THE PROFESSIONAL ETHICS IN AUDITING

Master. DO THI THANH TAM

Faculty of Accounting, University of Economic and Technical Industries

ABSTRACT:

Regarding accounting profession in general and audit profession in particular, professional ethics must be clearly identified and published mandatory requirements in order to help manage strictly the performance of auditors as well as audit firms. The implementation of professional ethics will help auditors maintain a proper professional attitude, protect and enhance the reputation of audit profession in society.

Keywords: Auditor, ethic, responsibility, career, accounting standard.