Bàn về quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình tại ban quản lý dự án đầu tư xây dựng ngành bảo hiểm xã hội

NGÔ DUY ANH (Bảo hiểm xã hội Việt Nam)

TÓM TẮT:

Quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình sử dụng vốn ngân sách nhà nước (NSNN) hoặc vốn nhà nước ngoài ngân sách (NNNNS) là vấn đề rất được quan tâm hiện nay. Các yếu tố hiệu quả trong tiết kiệm chi phí, chất lượng công trình, tiến độ thi công và an toàn trong quá trình thi công là những yếu tố cơ bản được đặt ra làm mục tiêu cho công tác quản lý dự án. Các yếu tố này được thực hiện và triển khai một cách bài bản tại Ban Quản lý dự án đầu tư và xây dựng ngành Bảo hiểm xã hội (BHXH), tại BHXH Việt Nam, đến nay đã đạt một số kết quả nhất định. Đây cũng là nội dung được bàn đến trong bài viết này..

Từ khóa: Quản lý dự án đầu tư xây dựng, Ban quản lý dự án ngành Bảo hiểm xã hội.

1. Đặt vấn đề

Đối với các dự án đầu tư xây dựng sử dụng nguồn vốn từ NSNN và NNNNS thì việc tuân thủ tuyệt đối các quy định của pháp luật về đầu tư xây dựng (ĐTXD), quản lý tài sản, quản lý chi phí thực hiện dự án, tổ chức lựa chọn nhà thầu, thanh quyết toán dự án là vô cùng quan trọng khi thực hiện.

Tuy nhiên, trước đây, khi các đơn vị được giao nhiệm vụ chủ đầu tư của một hay nhiều dự án sẽ thành lập Ban QLDA để tổ chức quản lý các dự án với nguồn nhân sự từ bộ máy làm việc theo chế độ kiêm nhiệm hoặc thuê đơn vị tư vấn QLDA thực hiện một phần hoặc toàn bộ dự án. Các hình thức này xuất hiện nhiều yếu điểm trong tổ chức thực hiện, đặc biệt là về chuyên môn, nghiệp vụ do năng lực của cá nhân tham gia Ban QLDA là kiêm nhiệm từ nhiều vị trí công việc chuyên môn khác nhau. Một số đơn vị tư vấn còn chưa có trách nhiệm cao khi tham gia tư vấn quản lý, các chế tài xử phạt, quy trách nhiệm đối với các hợp đồng tư vấn chưa thực sự mạnh mẽ, hiệu quả. Có đơn vị tư vấn chỉ thực hiện theo chỉ đạo của chủ đầu tư nhằm đạt các mục đích khác, từ đó dẫn đến tình trạng kém hiệu quả trong tổ chức thực hiện, kéo dài thời gian thực hiện dự án do thay đổi, điều chỉnh, sửa chữa nhiều lần, gây thất thoát, lãng phí nguồn vốn nhà nước. Nhiều trường hợp dẫn đến sai phạm trong hoạt động đầu tư xây dựng từ giai đoạn chuẩn bị đầu tư cho đến khi hoàn thành dự án.

Luật Đầu tư công ra đời, theo đó Luật Xây dựng, Luật Đấu thầu sửa đổi, bổ sung và hàng loạt các Nghị định, Thông tư sửa đổi hiện nay đã tạo hành lang pháp lý rõ ràng, thuận lợi trong công tác quản lý, thực hiện các dự án về đầu tư xây dựng sử dụng nguồn kinh phí từ NSNN và NNNNS. Trong đó, phải nói đến một điểm mới quy định về các Ban QLDA chuyên ngành, Ban QLDA khu vực. Việc quy định rất rõ về chức năng, nhiệm vụ, cơ cấu, tổ chức, quy mô và năng lực đối với các Ban QLDA chuyên ngành và khu vực giúp định hình và nâng cao rõ rệt chất lượng, hiệu quả trong các dự án đầu tư xây dựng hiện nay tại các địa phương, cơ quan ban, ngành trung ương và địa phương nói chung cũng như ngành BHXH nói riêng.

Ban QLDA đầu tư và xây dựng ngành BHXH được thành lập năm 2015 (Quyết định số 899/QĐ-BHXH và 705/QĐ-BHXH), trên cơ sở sáp nhập từ 02 Ban QLDA gồm “Ban QLDA xây dựng trụ sở làm việc” và “Ban QLDA đầu tư xây dựng” với các nhiệm vụ làm chủ đầu tư dự án xây dựng các trụ sở làm việc BHXH các tỉnh, thành phố, quận, huyện, thị xã khi được Tổng Giám đốc giao phó.

Năm 2020, BHXH Việt Nam ban hành các Quyết định số 459, 460/QĐ-BHXH về việc sắp xếp lại Ban QLDA đầu tư và xây dựng ngành BHXH cũng như đưa ra các quy chế, chức năng, nhiệm vụ của Ban. Tại đây, các phòng ban chuyên môn nghiệp vụ được sắp xếp tổ chức rõ ràng, bài bản hơn theo từng quy trình thực hiện dự án đầu tư xây dựng, nâng cao tính chuyên môn hóa, từng bước thực hiện dự án ở các giai đoạn khác nhau. Việc này vừa đáp ứng yêu cầu về năng lực chuyên môn, vừa giúp nâng cao hiệu quả trong công tác quản lý.

2. Thực trạng quản lý dự án đầu tư xây dựng tại Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng ngành BHXH

2.1. Về quản lý tiến độ và chất lượng các công trình xây dựng

Trong những năm qua, chất lượng và tiến độ thi công công trình xây dựng của các đơn vị trong toàn ngành BHXH có nhiều chuyển biến tích cực, đặc biệt là các công trình giao cho Ban QLDA đầu tư và xây dựng ngành BHXH làm chủ đầu tư. Công tác quản lý chất lượng và tiến độ công trình luôn được quan tâm, coi trọng. Vì vậy, hầu hết các dự án đều đạt hoặc vượt tiến độ ban đầu đặt ra. Tuy nhiên, vẫn còn một số dự án chậm tiến độ do vướng công tác giải phóng mặt bằng. Đây là yếu tố khách quan và cũng là vấn đề khó khăn nhất của các chủ đầu tư nói chung và của Ban QLDA ngành BHXH nói riêng.

Về chất lượng công trình xây dựng, các công trình hoàn thành trong các năm từ giai đoạn 2017 đến 2019 hoàn toàn đạt chất lượng sau khi tổ chức nghiệm thu các cấp, từ nghiệm thu nội bộ, nghiệm thu trước khi bàn giao đưa vào sử dụng và bước nghiệm thu của cơ quan quản lý chuyên môn (Sở Xây dựng hoặc Bộ Xây dựng) để chính thức bàn giao đưa vào sử dụng. Công tác bảo hành, bảo trì công trình sau khi đưa vào sử dụng cũng được nghiêm túc thực hiện theo quy định. Công tác kiểm tra, bảo trì, vận hành các thiết bị tiến hành thường xuyên như bảo hành thang máy, điều hòa không khí, hệ thống PCCC, máy phát điện, trạm biến áp và các thiết bị liên quan. Toàn bộ các công trình không xảy ra sự cố đáng kể từ giai đoạn thi công cho đến giai đoạn vận hành. Đây là thành quả đáng ghi nhận trong công tác quản lý thực hiện các dự án đầu tư xây dựng của Ban QLDA thời gian qua.

2.2. Về quản lý chi phí ĐTXD

Trong đầu tư xây dựng, đặc biệt là các dự án có nguồn đầu tư từ NSNN hoặc NNNNS, ngoài yếu tố chất lượng, tiến độ thì công tác quản lý chi phí là hết sức quan trọng. Việc đầu tư hợp lý, quy mô, trang thiết bị, vật tư vật liệu phù hợp luôn được quan tâm, kiểm soát chặt chẽ. Về vấn đề này, hiện nay đang được Ban QLDA ngành BHXH thực hiện tương đối tốt. Các công trình vượt tổng mức đầu tư (TMĐT) phải phê duyệt điều chỉnh dự án rất ít. Giai đoạn 2017 - 2019 chỉ có 2 dự án phải điều chỉnh TMĐT do chi phí GPMB thay đổi, vượt so với dự kiến ban đầu. Dự toán các gói thầu, hạng mục công trình được thiết lập, thẩm tra, thẩm định đầy đủ. Bám sát các định mức, tiêu chuẩn và quy định hiện hành. Việc thay đổi, điều chỉnh dự toán cho công việc phát sinh trong mỗi hạng mục, công việc đều nằm trong chi phí dự phòng được duyệt, không làm thay đổi dự toán gói thầu, giá gói thầu và giá hợp đồng.

Công tác giải ngân các dự án hầu hết thực hiện đúng tiến độ hàng năm đặt ra, các gói thầu đều được thanh toán theo khối lượng nghiệm thu thực tế và theo tiến độ. Không có hiện tượng đọng vốn, chậm giải ngân. Công tác thanh, quyết toán đảm bảo đúng thời gian, tiến độ quy định.

2.3. Công tác quản lý an toàn trong thi công xây dựng

An toàn trong thi công luôn được Ban QLDA ngành BHXH quan tâm chú trọng. Hầu hết, các dự án đã và đang thực hiện đều chưa xảy ra sự cố đáng tiếc về an toàn lao động. Chủ đầu tư luôn nghiêm túc trong việc yêu cầu nhà thầu lập để thẩm tra, phê duyệt biện pháp thi công và biện pháp an toàn cho toàn bộ công trình. Các nhà thầu phải mua bảo hiểm bắt buộc đầy đủ cho người, máy móc, thiết bị trên công trường thuộc phạm vi công việc của nhà thầu.

Công tác hướng dẫn an toàn định kỳ hàng tuần, hàng tháng luôn thực hiện đầy đủ dưới sự kiểm tra, giám sát của chủ đầu tư, TVGS và những cá nhân, đơn vị có trách nhiệm liên quan.

Chủ đầu tư quy định nhà thầu thành lập Ban an toàn tại công trường với yêu cầu các thành viên phải có đầy đủ kỹ năng, chứng nhận về đào tạo, kiểm tra, giám sát công tác an toàn. Biển báo, cảnh báo, biện pháp an toàn phải được trang bị đầy đủ ở những nơi có nguy cơ mất an toàn lao động. Máy móc, thiết bị thi công luôn kiểm tra, kiểm định, bảo dưỡng đầy đủ theo quy định. Công tác phòng chống cháy nổ phải có sự kiểm tra, kiểm định của cơ quan cảnh sát PCCC.

Kế hoạch bảo vệ môi trường phải được thực hiện nghiêm túc, hiệu quả đúng theo phương án đã duyệt.

2.4. Công tác quản lý lựa chọn nhà thầu và hợp đồng xây dựng

Trong đầu tư xây dựng, công tác đấu thầu luôn là vấn đề được quan tâm đặc biệt. Việc lựa chọn được nhà thầu có năng lực, kinh nghiệm là vô cùng quan trọng đối với công trình xây dựng. Hiện nay, công tác đấu thầu một số nơi, đặc biệt là những dự án sử dụng nguồn vốn NSNN và NNNNS vẫn còn hiện tượng “xin, cho”. Hiện tượng “quân xanh, quân đỏ”, quây thầu vẫn còn khá phổ biến.

Ý thức được vấn đề quan trọng này, lãnh đạo, cán bộ, viên chức và người lao động của Ban QLDA luôn nghiêm túc thực hiện đầy đủ, chính xác và đảm bảo tính công khai, minh bạch trong lựa chọn các nhà thầu.

Tuy nhiên, phương thức lựa chọn nhà thầu bằng hình thức chỉ định thầu (thông thường hoặc rút gọn) đối với một số gói thầu (trong hạn mức theo quy định) tư vấn nhỏ còn áp dụng nhiều dẫn đến hiện tượng thiếu tính cạnh tranh. Một nhà thầu thực hiện nhiều gói thầu ở nhiều dự án khác nhau. Điều này mang tính hai mặt lợi và hại, đó là quen việc nhưng thiếu tính sáng tạo trong công việc.

Trong giai đoạn 2017 - 2019 vừa qua, nhiều hợp đồng xây lắp, tư vấn có giá trị lớn được Ban QLDA ngành BHXH thực hiện nhưng không có hiện tượng vi phạm hợp đồng của các bên. Không có hợp đồng phải tranh chấp, kiện tụng, khiếu nại hoặc phạt hợp đồng. Các bảo lãnh thực hiện hợp đồng được thực hiện nghiêm túc, đầy đủ và không có dự án phải dùng đến bảo lãnh thực hiện hợp đồng để thu hồi hoặc tiến hành phạt đối với nhà thầu.

3. Một số giải pháp nhằm tăng cường hơn nữa công tác QLDA

a) Về công tác quản lý tiến độ và chất lượng xây dựng

Để các công trình do Ban QLDA ngành BHXH làm chủ đầu tư thực hiện tốt hơn nữa công tác quản lý tiến độ và chất lượng công trình, tác giả đề xuất một số giải pháp như sau:

- Khi xác định địa điểm đầu tư cần nghiên cứu kỹ về hạ tầng, giao thông, công tác đền bù, bồi thường giải phóng mặt bằng trước khi chính thức đề xuất địa phương giới thiệu, giao đất thực hiện dự án. Việc này cần phối hợp chặt chẽ giữa Ban QLDA và BHXH các tỉnh, thành phố ở giai đoạn lập chủ trương đầu tư dự án. Ngoài ra, đội ngũ cán bộ phải thường xuyên bồi dưỡng trình độ chuyên môn để hiểu và nắm rõ quy trình trong công tác GPMB. Phối hợp chặt chẽ với UBND các cấp tại địa phương trong công tác GPMB, đảm bảo thực hiện đúng cơ chế, chính sách của Nhà nước, vừa đảm bảo quyền lợi của người dân vừa đảm bảo đúng quy định của pháp luật.

- Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát của chủ đầu tư tại hiện trường. Bám sát và theo dõi chặt chẽ hoạt động của các nhà thầu trên công trường. Theo dõi sát sao tiến độ đã phê duyệt, trong trường hợp có biện pháp, sáng kiến có thể rút ngắn tiến độ thi công thì ngay lập tức phải nghiên cứu, kiểm tra, thẩm tra, thẩm định và xem xét, phê duyệt điều chỉnh ngay để các nhà thầu áp dụng, thực hiện. Trường hợp phát hiện sai sót trong thi công, nguy cơ mất an toàn, tai nạn lao động hoặc giảm chất lượng, tiến độ dự án thì ngay lập tức phải yêu cầu các nhà thầu dừng thi công và có biện pháp điều chỉnh phù hợp, đảm bảo an toàn, tiến độ cho công trình.

- Luôn kiểm tra, rà soát để phát hiện những bất hợp lý trong thiết kế, thi công để sớm có biện pháp khắc phục. Tránh sửa chữa, điều chỉnh khi đã thi công xong, vừa lãng phí vừa kéo dài thời gian.

- TVGS là nhà thầu chuyên môn thay mặt chủ đầu tư để giám sát toàn bộ các hoạt động trên công trường về tiến độ, chất lượng, khối lượng của công trình. Do đó, luôn yêu cầu TVGS phải đảm bảo có mặt thường xuyên, liên tục trên công trường. Cán bộ TVGS phải đảm bảo phù hợp chuyên môn, nghiệp vụ cho mỗi hạng mục công việc.

b) Về quản lý chi phí trong đầu tư xây dựng

- Thực hiện chính xác các quy định hiện hành về quản lý chi phí trong đầu tư xây dựng của Chính phủ, các Bộ, Ngành và UBND các cấp.

- Kiểm tra, kiểm soát các chi phí trong tất cả các giai đoạn đầu tư theo những tiêu chí: (1) Sự phù hợp với quy định pháp luật; (2) Tính hợp lý về mặt kinh tế - kỹ thuật trong giải pháp thiết kế xây dựng công trình; (3) Kiểm soát quản lý tốt định mức dự toán, giá và chỉ số giá xây dựng, nhằm khống chế tiêu hao nguyên vật liệu các công việc xây dựng và là cơ sở dự trù lượng vật liệu tiêu hao trong quá trình thi công, căn cứ xu hướng biến động giá và đặc thù công trình để quyết định chỉ số giá xây dựng cho phù hợp; (4) Giảm giá thành xây dựng công trình; (5) Tính đúng đắn trong việc lập và thực hiện dự toán - thanh quyết toán; (6) Giảm thiểu các nội dung phát sinh trong quá trình tổ chức thực hiện; (7) Tổ chức đánh giá sự tiết kiệm, hiệu quả của dự án, so sánh chi phí quyết toán thực tế với dự toán, tổng dự toán và tổng mức đầu tư.

- Áp dụng các tiến bộ khoa học - công nghệ để thực hiện công tác quản lý chi phí nhằm đạt hiệu quả trong giải quyết công việc.

c) Về công tác quản lý an toàn trong thi công xây dựng

- Tuyệt đối tuân thủ các quy định hiện hành về kỹ thuật và pháp luật về an toàn trong thi công xây dựng.

- Thường xuyên theo dõi, kiểm tra việc thực hiện biện pháp thi công, biện pháp đảm bảo an toàn của nhà thầu thi công xây dựng.

- Yêu cầu các chủ thể có liên quan trong thi công xây dựng nghiêm túc thực hiện và tuân thủ các quy định kỹ thuật và pháp luật về an toàn trong thi công xây dựng. Trong đó, đặc biệt lưu ý: (1) Đảm bảo an toàn kết cấu giàn giáo; (2) Đảm bảo an toàn đối với máy, thiết bị nâng hạ; (3) Bố trí cán bộ chuyên trách hoặc kiêm nhiệm làm công tác an toàn phù hợp với quy mô, mức độ rủi ro xảy ra tai nạn lao động của công trường theo quy định; (4) Tổ chức huấn luyện và phổ biến các quy định về an toàn cho người lao động; (5) Đối với các công việc có yêu cầu nghiêm ngặt về an toàn thì người lao động phải được cấp Chứng chỉ huấn luyện an toàn lao động theo quy định của pháp luật; lập phương án xử lý, ứng cứu khẩn cấp khi xảy ra sự cố mất an toàn trong quá trình thi công xây dựng.

d) Về công tác quản lý lựa chọn nhà thầu và hợp đồng xây dựng

- Các gói thầu thuộc hình thức chỉ định thầu, nhà thầu phải trình hồ sơ năng lực của ít nhất 3 nhà thầu để chủ đầu tư xem xét, phê duyệt.

- Ưu tiên lựa chọn nhà thầu theo các tiêu chí kỹ thuật, năng lực nhà thầu không nên chỉ xem xét trên hồ sơ dự thầu, mà phải kết hợp kiểm tra năng lực thực tế.

- Đề xuất BHXH Việt Nam xây dựng phát triển hệ thống cơ sở dữ liệu, quản lý thông tin về năng lực hoạt động của các nhà thầu, gói thầu trên trang thông tin điện tử của Ngành xây dựng và các phương tiện thông tin đại chúng.

- Đề xuất BHXH Việt Nam hạn chế phương pháp lựa chọn nhà thầu theo hình thức chỉ định thầu và đấu thầu hạn chế, phát triển mở rộng hình thức đấu thầu rộng rãi.

4. Kết luận

Công tác quản lý dự án đầu tư xây dựng nói chung rất quan trọng, cấp thiết và luôn nhận được sự quan tâm của các cấp, các ngành cũng như của toàn xã hội, đặc biệt tại Ban QLDA ĐTXD ngành BHXH. Để hướng đến hiệu quả cho hoạt động này thì giải pháp được Ban QLDA đầu tư và xây dựng ngành BHXH Việt Nam coi trọng đó là: Một mặt phải hoàn thiện cơ chế chính sách cũng như cơ cấu tổ chức thực hiện quản lý dự án đầu tư xây dựng, mặt khác phải thực hiện các giải pháp hoàn thiện từng công việc trong từng giai đoạn của dự án từ chuẩn bị dự án, thực hiện dự án cho đến kết thúc dự án. Lưu ý là các nội dung như chất lượng xây dựng, quản lý chi phí đầu tư xây dựng, quản lý an toàn trong thi công xây dựng, quản lý tiến độ xây dựng và đặc biệt là việc quản lý lựa chọn nhà thầu và hợp đồng là những vấn đề được coi trọng hàng đầu.

TÀI LIỆU THAM KHẢO:

  1. Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính (2015), Thông tư liên tịch số 07/2015/TTLT-BTC-BKHĐT ngày 08/9/2015 Quy định chi tiết về việc cung cấp, đăng tải thông tin về đấu thầu và lựa chọn nhà thầu qua mạng.
  2. Bộ Tài chính (2015), Thông tư số 09/2016/TT-BTC ngày 18/01/2016 Quy định về quyết toán dự án hoàn thành thuộc nguồn vốn ngân sách nhà nước.
  3. Bộ Xây dựng (2016), Thông tư số 26/2016/TT-BXD ngày 26/10/2016 Quy định chi tiết một số nội dung về quản lý chất lượng và bảo trì công trình xây dựng.
  4. Chính phủ (2014), Nghị định số 63/2014/NĐ-CP ngày 26/6/2014 Quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Đấu thầu về lựa chọn nhà thầu.
  5. Chính phủ (2017), Nghị định số 42/2017/NĐ-CP ngày 05/4/2017 của Chính phủ về sửa đổi, bổ sung một số điều Nghị định số 59/2015/NĐ-CP ngày 18/6/2015 của Chính phủ về quản lý dự án đầu tư xây dựng.
  6. Chính phủ (2015), Nghị định số 32/2015/NĐ-CP ngày 25/3/2015 của Chính phủ quy định về quản lý chi phí đầu tư xây dựng.
  7. Chính phủ (2015), Nghị định số 37/2015/NĐ-CP ngày 22/4/2015 của Chính phủ Quy định chi tiết về hợp đồng xây dựng.
  8. Chính phủ (2015), Nghị định số 46/2014/NĐ-CP ngày 12/5/2015 của Chính phủ Quy định về quản lỳ chất lượng và bảo trì công trình xây dựng.
  9. Chính phủ (2015), Nghị định số 59/2015/NĐ-CP ngày 18/6/2015 của Chính phủ quy định về quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình.
  10. Nguyễn Bạch Nguyệt, Từ Quang Phương (2015), Giáo trình Kinh tế đầu tư, Nhà xuất bản Đại học Kinh tế quốc dân.
  11. Quốc hội (2013), Luật Đấu thầu số 43/2013/QH13.
  12. Quốc hội (2013), Luật Xây dựng số 50/2014/QH13.

Discussing the work and achivement of the Management board of investment and construction projects of the social insurance sector

Ngo Duy Anh

Vietnam Social Insurance

ABSTRACT:

The management of construction investment projects which use capital from state budget or non-state budget sources is a concerned issue today. Efficiency factors including cost saving, construction quality, construction schedule and safety during construction are fundamental goals of project management. These factors are well implemented in the Management board of investment and construction projects of the social insurance sector under the Vietnam Social Insurance. This paper is to present the work and the achivement of this management board.

Keywords: Construction project management, Project Management Unit of Social Insurance sector.

[Tạp chí Công Thương - Các kết quả nghiên cứu khoa học và ứng dụng công nghệ, Số 20, tháng 8 năm 2020]