Bàn về tính minh bạch thông tin kế toán công và mối quan hệ với trách nhiệm giải trình

TS. PHẠM QUANG HUY (Trường Đại học Kinh tế TP. Hồ Chí Minh)

TÓM TẮT:

Kế toán công là một lĩnh vực đang nhận được sự quan tâm của các nhà khoa học, chuyên viên của các cơ quan nhà nước trong việc nghiên cứu, phát triển và nâng tầm vai trò của lĩnh vực này. Để nhận được sự tiếp nhận đầu tư hoặc viện trợ từ các tổ chức quốc tế hoặc các quốc gia trên thế giới, số liệu kế toán công của Việt Nam cần đạt được sự minh bạch trong thông tin, dữ liệu và báo cáo ngân sách, tài chính do hệ thống kế toán khu vực công cung cấp. Khi dữ liệu có được sự minh bạch thì trách nhiệm liên quan sẽ dễ dàng đạt được. Mục tiêu chính của bài viết là cung cấp lịch sử hình thành, quá trình phát triển và khái niệm của tính minh bạch trong kế toán công, qua đó tìm hiểu các nội dung và giác độ trong mối quan hệ giữa sự minh bạch và trách nhiệm giải trình thông tin trong kế toán công. Kết quả bài viết cung cấp một cơ sở lý thuyết cơ bản về minh bạch cho các nghiên cứu chuyên sâu về kế toán công trong thời gian tới.

Từ khóa: Khu vực công, kế toán công, tính minh bạch, trách nhiệm giải trình.

1. Giới thiệu

Trong quá trình phát triển của khoa học, sự minh bạch hóa thông tin là một vấn đề đang được các nhà nghiên cứu và hoạch định chính sách đưa ra tìm hiểu trong nhiều năm gần đây. Có nhiều nhà nghiên cứu đã đưa ra các khái niệm khác nhau về minh bạch hóa thông tin trong nhiều lĩnh vực khác nhau cùng với việc giải trình những thông tin đó như thế nào. Trong những nội dung đó, sự minh bạch thông tin trong kế toán khu vực công có thể hiểu là sự công bố một cách công khai các thông tin kế toán kịp thời và đáng tin cậy đối với số liệu của các tổ chức công do bộ máy kế toán cung cấp, nó cho phép những người sử dụng tiến hành thông tin đó và qua đây có thể đánh giá về tình hình và hiệu quả các hoạt động diễn ra trong nền kinh tế thị trường có liên quan đến quá trình ghi chép, xử lý và tổng hợp nguồn ngân sách cùng các nguồn kinh phí khác, đồng thời người dùng hoàn toàn có thể xác minh được những công việc hay số liệu đó do cá nhân hoặc tổ chức nào đã ban hành, quyền hạn và nghĩa vụ ở mức độ nào. Từ đó, khi có được sự minh bạch, việc giải trình cũng sẽ được đảm bảo. Cụ thể hơn, Hiến pháp Việt Nam năm 2014 đã khẳng định: “Ngân sách nhà nước, dự trữ quốc gia, quỹ tài chính nhà nước và các nguồn tài chính công khác do Nhà nước thống nhất quản lý và phải được sử dụng hiệu quả, công bằng, công khai, minh bạch, đúng pháp luật”. Tuy nhiên, việc minh bạch thông tin kế toán được hiểu như thế nào, có quan hệ gì với trách nhiệm giải trình trong khu vực công. Nhận thức được ý nghĩa của thông tin do kế toán công cung cấp chính là số liệu về các khoản thu chi để bảo đảm thực hiện chức năng, nhiệm vụ của Nhà nước, việc tìm hiểu về tính minh bạch của kế toán công và xác lập quan hệ giữa minh bạch với trách nhiệm của các bên liên quan chính là mục tiêu chính của bài viết.

2. Quá trình hình thành và khái niệm về tính minh bạch

2.1. Quá trình hình thành

Xét về lịch sử thì khái niệm về tính minh bạch được xác định là có nguồn gốc chính từ niềm tin của nhà lập quốc trong các triều đại đối với việc xuất bản chính thức các thông tin có tính chất mở của chính phủ và sự cần thiết phải cung cấp việc truy cập thông tin cho người dân như là một điều kiện tiên quyết cho sự tồn tại của một xã hội dân chủ, nơi mà đòi hỏi sự tham gia tích cực của người dân giữa các cuộc đối thoại về các vấn đề xã hội và chính trị. Một bước quan trọng trong việc tiếp cận thông tin của chính phủ là việc thông qua Đạo luật Tự do thông tin (viết tắt là FOIA) vào năm 1966 đã làm cho Mỹ trở thành “quốc gia đầu tiên với một luật đảm bảo quyền hợp pháp để yêu cầu thông tin của chính phủ” (Jaeger & Bertot, 2010; Quinn, 2003; McDermott, 2010). FOIA giúp cho các cơ quan liên bang đàm phán giữa quyền của công chúng được biết và nhu cầu hợp lý cho những nội dung cần được đảm bảo tính chất bí mật, cho người dân một cơ chế tương đối rõ ràng để yêu cầu thông tin mà nếu không được phát hành. Trong hai thập kỷ qua, khối lượng thông tin khổng lồ, cùng hệ thống mạng internet hỗ trợ đã cách mạng hóa công nghệ phổ biến thông tin của chính phủ. Bản ghi nhớ của Tổng thống Obama về minh bạch và mở của chính phủ ký ngày 21/01/2009 đã công nhận các công nghệ mới và vai trò quan trọng của họ trong nhanh chóng công bố thông tin “trong các hình thức mà công chúng có thể dễ dàng tìm thấy và sử dụng”. Sự minh bạch đã được thúc đẩy bởi một số tổ chức công, chẳng hạn như Tạp chí Sunshine Week đã khuyến khích một cuộc thảo luận đang diễn ra liên quan đến tính minh bạch, hoặc là Nhóm công tác chính phủ mở, tập hợp nhiều người ủng hộ cho chính phủ minh bạch. Qua đó, họ đề ra 8 nguyên tắc cơ bản trong thông tin một chính phủ, đó là: Các dữ liệu cần được hoàn thành, chuẩn xác, kịp thời, có thể truy cập, xử lý được bằng thiết bị, không có sự phân biệt, không mang tính độc quyền và sử dụng miễn phí.

2.2. Khái niệm

Khi đề cập đến tính minh bạch, hầu hết mỗi cá nhân hay tổ chức đều nghĩ đến thông tin được công bố của các đơn vị. Đối với các nhà đầu tư cũng vậy, họ luôn mong đợi có những thông tin về những doanh nghiệp mà họ mua các chứng khoán về các chỉ tiêu tài chính như mức giá các sản phẩm, độ sâu thị trường, đòn bẩy tài chính hay báo cáo tài chính đã được kiểm toán và hầu hết các đối tượng đều mong đợi rằng sẽ biết càng nhiều thông tin càng tốt. Từ đó, khái niệm “minh bạch” ra đời và được hiểu là một trong những điều kiện tiên quyết, ngầm định của bất kỳ thị trường nào hiệu quả, tự do và cho cả bất kỳ tổ chức nào trong một quốc gia. Khi tính minh bạch được đáp ứng có liên quan đến các dòng thông tin của các doanh nghiệp gửi đến các nhà đầu tư thì điều này sẽ được hiểu rằng có mối quan hệ với một khái niệm khác, đó là sự công bố đầy đủ (full disclosure). Còn theo Anheier (2005), tính minh bạch liên quan đến việc cung cấp các thông tin về những thành viên trong ban lãnh đạo của doanh nghiệp, đội ngũ quản lý, nhân viên cùng các thành viên khác.

Nhìn chung, thuật ngữ “tính minh bạch” này liên quan khá mật thiết đến một khái niệm, đó là tính mở (openness), hay đây chính là sự rõ ràng trong truyền thông. Nếu đề cập về nội dung liên quan đến dịch vụ công thì sự minh bạch sẽ áp dụng cho toàn bộ các công chức, viên chức thực hiện các hoạt động và công khai những thông tin mà mình phụ trách đảm nhiệm. Họ sẽ cung cấp những lý do cho những quyết định đã đề ra cũng như loại thông tin nào nằm trong phạm vi giới hạn công bố cho phép (Chapman, 2000). Tính chất minh bạch còn được thể hiện qua các nhu cầu khác nhau của ban lãnh đạo của đơn vị cũng cần được nêu ra công khai và thực hiện có được kiểm chứng trên thực tế. Điều này thể hiện thông qua việc yêu cầu hầu hết các văn bản dự thảo, các quy định, các quyết định kinh tế, kết quả thực hiện đều phải công khai và lưu trữ trong một khoảng thời gian nhất định. Do vậy, tính chất minh bạch này sẽ giúp gia tăng hơn trách nhiệm của từng cá nhân, tổ chức trong quá trình thực hiện các chức năng, nhiệm vụ được giao.

3. Vai trò và đặc điểm của tính minh bạch đối với kế toán công

3.1. Vai trò

Tính minh bạch trong kế toán công liên quan mật thiết đến 6 tính chất, gồm: Tính rõ ràng, sự đáng tin cậy, đúng thời điểm, mức độ thường xuyên và độ thích hợp với các báo cáo tài chính cùng với tính mở đối với các quy trình đưa ra quyết định về chính sách tài chính của chính phủ. Từ những tính chất này có thể thấy rằng, tính minh bạch trong khu vực công sẽ hướng đến thể hiện 3 vai trò chính như sau:

- Thông qua mức độ của tính minh bạch sẽ cho thấy được những phần quan trọng trong chính sách, chiến lược của một nước hay giữa các nước qua mức độ hoạt động trong bộ máy kế toán khu vực công, từ đó hướng đến việc giảm bớt khoảng cách cũng như mức độ không đồng nhất về cách hiểu do sự chênh lệch thông tin giữa các đối tượng sử dụng cũng như giữa các khu vực, vùng miền hay các quốc gia với nhau.

- Tạo ra tính công bằng về phương diện tài chính giữa các quốc gia với nhau trong bối cảnh toàn cầu hóa và quốc tế hóa hiện nay. Hơn thế nữa, sự minh bạch còn giúp cho chính phủ các quốc gia có thể nhận định những rủi ro tài chính, từ đó tiến hành thực thi việc giám sát chính sách tài chính và đưa ra những cảnh báo, những giải pháp khi hệ thống tài chính, kế toán khu vực công gặp phải những khó khăn.

- Gia tăng sự tin cậy và mức độ thuyết phục của người dân đối với các chính sách, quy định hay những quyết định mà các bộ, ngành, hay chính phủ đã thực hiện trong năm tài chính liên quan đến việc sử dụng ngân sách cho những hoạt động đã phê duyệt đó.

3.2. Đặc điểm

Tính minh bạch chính là một phương tiện quan trọng giúp cho chính phủ thực hiện các quyết định và làm luật pháp có căn cứ đầy đủ để người dân có thể hiểu được một cách dễ dàng, mức cam kết của dân chúng cũng như giúp họ cho những phản hồi khá thuyết phục về những hoạt động mà chính phủ đã, đang thực hiện và các chiến lược điều hành trong năm tài chính (Birkinshaw, 2006; White House, January 21, 2009; Ferranti, 2009). Từ đó, đặc điểm quan trọng của tính minh bạch thể hiện qua chiều của tính chất này. Theo Jaeger và Bertot (2010), chiều của tính chất sẽ bị chi phối bởi 3 loại thông tin chính phủ được truy cập, đó là truy cập vật chất (tức là có khả năng đọc được), truy cập về tư duy (tức là có khả năng hiểu được) và truy cập xã hội (tức là có khả năng chia sẻ được). Chiều hay khía cạnh này của tính minh bạch chính là những thông tin nào sẽ được công bố. Nó sẽ phụ thuộc vào bản chất bên trong và bản chất bên ngoài. Nói một cách khác, tính minh bạch có liên quan đến việc các nhân viên tập hợp nghiệp vụ, ghi chép, xử lý, thực hiện công bố dữ liệu và chính sách công trong phạm vi của đơn vị đó (bên trong) hay mức độ mà các tổ chức, các bên có liên quan nắm được đầy đủ thông tin (bên ngoài).

4. Những giai đoạn chính để đạt được tính minh bạch

Đối với các tổ chức thuộc khu vực công, khi đề cập đến tính minh bạch của vấn đề về thông tin thì được hiểu là muốn đề cập đến 7 khía cạnh là: Lập dự toán và kế hoạch; cấu trúc đơn vị; chính sách nhân sự; chiến lược điều hành; quá trình hoạt động chuyên môn và kinh doanh; mối quan hệ giữa các cấp, các bộ phận; hệ thống thông tin kế toán.

Các giác độ trên sẽ được thực thi nhằm đạt được tính minh bạch qua 6 giai đoạn cụ thể theo một trình tự nhất định, gồm:

- Giới thiệu về tính minh bạch sẽ thực hiện: Tùy theo tính chất, nội dung của từng bộ phận, phòng ban thì sẽ có bối cảnh, định nghĩa rõ các nội dung trong tính chất minh bạch khác nhau cần được đảm bảo nhằm mọi người đều hiểu được.

- Nhấn mạnh chiều hướng từ trên xuống: Việc truyền thông từ cấp lãnh đạo về tầm quan trọng của sự minh bạch trong tổ chức và nêu rõ lợi ích sẽ đạt được. Giá trị của tính minh bạch cần được nêu rõ trong kế hoạch chiến lược, sứ mệnh và nhiệm vụ cùng hệ thống quản trị chung.

- Hỗ trợ từ dưới lên trên: Phối hợp, nỗ lực và phần thưởng từng ngày sẽ giúp củng cố cho sự minh bạch trong phạm vi của tổ chức, để từng thành viên trong đơn vị đều hiểu được vai trò của mình và từ đó sẽ giúp cho lãnh đạo đạt được sự minh bạch chung cho toàn bộ thông tin công bố.

- Cam kết và ghi nhận: Điều này cần được thực hiện bởi tất cả các bên liên quan trong tổ chức hay quốc gia trong việc thực thi quyết định và đạt được kỳ vọng của xã hội như mong đợi. Qua đó, giúp cho mọi người nhận thức được rằng minh bạch sẽ giúp gia tăng trách nhiệm và sự uy tín.

- Tính sẵn lòng hay sẵn sàng: Đây chính là khả năng phát triển các kênh khác nhau trong việc tiếp nhận các thông tin phản hồi từ các đối tượng, để qua đó có những điều chỉnh kịp thời.

- Vận dụng văn hóa tổ chức: Đây là nội dung tác động đến những sự chú ý, đo lường và kiểm soát, cách thức ứng phó với các ý kiến của dân chúng, điều kiện phân bổ nguồn lực và giải thưởng, điều kiện về tuyển dụng, lựa chọn, thăng chức hay loại thải…, tất cả những yếu tố này đều giúp tăng hoặc giảm tính minh bạch nếu như nó được thực hiện theo quan điểm của nhà lãnh đạo.

Với quy trình trọn vẹn và những tính chất về điều kiện như trên thì tính minh bạch trong tổ chức sẽ được thiết lập và dần gia tăng qua nhiều giai đoạn khác nhau, và giúp gia tăng sự trách nhiệm.

5. Mối quan hệ giữa tính minh bạch và trách nhiệm giải trình trong kế toán công

Tính minh bạch được hiểu là tính chất mở của chính phủ, tạo ra các thông tin mang tính chất sẵn sàng đối với các nhân tố giúp cho việc ra quyết định và mang lại về cho những lợi ích toàn công chúng. Đối với trách nhiệm giải trình thì đây chính là việc thực thi quyền lực, gắn liền với trách nhiệm và phù hợp với các nghĩa vụ trước xã hội. Do đó, tính minh bạch và trách nhiệm giải trình có mối quan hệ tương tác lẫn nhau trong quá trình quản trị của chính phủ hay tại các khu vực công của một quốc gia. Theo Siobhán McGee (2007) thì trong quá trình tạo lập và xử lý thông tin của kế toán công cần phải định hướng theo và chú ý đến một bộ bao gồm 6 nguyên tắc cơ bản sau và được gọi là bộ nguyên tắc TANPEC. Điều này được hiểu chi tiết là:

* Tính minh bạch (Transparency): Tất cả số liệu gắn liền với hoạt động, dự án hay các lĩnh vực cụ thể đều cần phải công bố đầy đủ, chi tiết theo hai khía cạnh là không gian và thời gian.

* Trách nhiệm giải trình (Accountability): Toàn bộ dữ liệu được ghi nhận, xử lý và công bố báo cáo có liên quan về một vấn đề, một tổ chức, một chương trình… thì cần thiết phải có những cơ sở rõ ràng, mang tính khách quan và có thể giải thích khi phát sinh nhu cầu trên thực tế.

* Tính cần thiết (Necessity): Thông tin được tạo ra từ hệ thống phải gắn liền với sự việc, hiện tượng đang cần được giải thích hay làm rõ, giúp cho các đối tượng sử dụng hiểu rõ hơn về nội dung, hình thức của vấn đề đó.

* Tính cân xứng (Proportionality): Sự cân xứng trong thông tin có thể được hiểu chính là sự đầy đủ và mang tính chất trọn vẹn. Nếu thông tin công bố cho người sử dụng theo những mục đích của quan của bên công bố, điều này có thể làm lệch lạc định hướng của người dùng và dẫn đến có thể hiểu không đúng những gì mà kết quả đem lại cho một vấn đề nào đó.

* Tính hữu hiệu (Effectiveness): Thông tin đạt được sự minh bạch thì sẽ giúp biết được mức độ hoàn thành giữa thực tế so với kế hoạch đã đề ra. Việc so sánh này sẽ giúp cho ban lãnh đạo đánh giá được quá trình hoạt động, thực hiện theo chuyên môn của đơn vị và nhận định được những điểm đã làm được và những tồn tại (nếu có), từ đó đưa ra những giải pháp phù hợp cho những niên độ sau hoặc những loại hoạt động kế tiếp.

* Tính nhất quán (Consistency): Dữ liệu tạo ra cần có sự nhất quán với các chính sách đã đăng ký, các quy định trong hệ thống văn bản pháp luật của nhà nước. Sự nhất quán giúp tạo ra một tính chất quan trọng của thông tin kế toán, đó là tính chất có thể so sánh được, giúp đơn vị có thể đối chiếu kết quả giữa các giai đoạn khác nhau hay giữa các đơn vị khác nhau trong cùng ngành.

Tóm lại, 6 nguyên tắc nêu trên có mối quan hệ mật thiết trong quá trình thông tin được tạo lập, giúp cho thông tin của kế toán công đảm bảo được các đặc điểm chất lượng cần thiết, hướng đến việc cung cấp đầu ra mang tính hữu ích cho người sử dụng. Xét về khía cạnh truyền đạt thông tin tạo ra trong khu vực công thì theo Johnson, Sabo và Skelton (2013) để đảm bảo đạt được sự minh bạch trong việc chuyển tải thông tin trong khu vực công và công bố những thông tin đó cho các đối tượng có liên quan cũng như ra bên ngoài tổ chức cần phải quan tâm đến 3 khía cạnh quan trọng của vấn đề và có chi phối một cách tổng thể đến tính minh bạch và giải trình, đó là quản trị hoạt động trong nội bộ của tổ chức, quy trình lập kế hoạch và lập dự toán tài chính ngân sách và lập các báo cáo theo yêu cầu.

TÀI LIỆU THAM KHẢO:

1. Abdallah, M. I. & Sumayatu, A (2015). Assessing Internal Financial Controls of the Lands Commission of Ghana.

2. Beechy, T. H (2007), Does Full Accrual Accounting Enhance Accountability?, The Innovation Journal: The Public Sector Innovation Journal, vol. 12, no. 3, pp. 1 - 18.

3. Bovens, M (2007), Analysing and Assessing Accountability: A Conceptual Framework, European Law Journal, vol. 13, no. 4, pp. 447 - 468.

4. Bùi Quang Vinh (2014), Công khai, minh bạch là giải pháp bao trùm, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư trình bày thông tin trên Báo Pháp luật TP. Hồ Chí Minh.

5. Chisolm, L. B. (1995), Accountability of nonpro?t organizations and those who control them: The legal framework. Nonpro?t Management and Leadership, vol. 6, no. 2, pp. 141 - 156.

6. Cornwall, A., Lucas, H., & Pasteur, K. (2000), Introduction: accountability through participation: developing workable partnership models in the health sector, IDS Bulletin, vol. 31, no. 1, pp. 1 - 13.

7. Đinh Văn Minh (2013), Bàn về trách nhiệm giải trình, Cơ sở dữ liệu quản lý công và thông tin về luật, Phó Viện trưởng Viện Khoa học Thanh tra.

8. Dubnick, M. J. & Romzek, B. S (1993), Accountability and the Centrality of Expectations in American Public Administration, Research in Public Administration, vol. 2, pp. 37 - 78.

9. Hoàng Yến (2013), Minh bạch hóa thông tin và vai trò thúc đẩy kinh tế, Trung tâm thông tin và dự báo - Kinh tế xã hội quốc gia, NCEIF.

10. Jaeger, P. T., & Bertot, J. C. (2010), Transparency and technological change: Ensuring equal and sustained public access to government information, Government Information Quarterly, 27, 371 - 376.

11. Lê Ánh Hồng (2009), Vai trò của công nghệ thông tin và truyền thông trong khu vực công, Cục Ứng dụng công nghệ thông tin - AITA, Bản tin cải cách nền hành chính nhà nước, Viện Khoa học tổ chức nhà nước, Bộ Nội vụ, tháng 05/2009.

12. Ssonko, D. K. W (2010), Ethics, accountability, transparency, integrity and professionalism in the public service: The case of Uganda, Capacity Building Workshop for Public Sector Human Resource Managers in Africa, Cotonou, Republic of Benin-12 to 16 April 2010.

DISCUSSING THE ACCOUNTING TRANSPARENCY IN THE PUBLIC ACCOUNTING

 SECTOR AND THE RELATIONSHIP BETWEEN

THE ACCOUNTING TRANSPARENCY AND THE ACCOUNTABILITY

PhD. PHAM QUANG HUY

University of Economics Ho Chi Minh City

ABSTRACT:

Public accounting is an area that is receiving the attention of a lot of scientists and experts from state agencies in researching, developing and enhancing the role of this sector. In order to receive investment or aids from international organizations or foreign countries, the data of Vietnam's public accounting sector, such as accounting information, budget and financial reports, need to be transparent. If accounting data is transparent, the accountability will be attained easily. The main objective of this article is to provide a history of development and the concept of transparency in the public accounting sector, thereby exploring the content and perspective of the relationship between the transparency and the accountability in the public accounting. The results of this paper provide a basic theoretical foundation for the accounting transparency for in-depth public accounting research in the coming years.

Keywords: Public sector, public accounting, transparency, accountability.


Xem tất cả ấn phẩm Các kết quả nghiên cứu khoa học và ứng dụng công nghệ số 08 tháng 07/2017 tại đây