Bàn về vấn đề phụ nữ tham gia hoạt động quản lý ở Việt Nam dưới góc độ của lý thuyết nữ quyền tự do

ThS. MAI THỊ DIỆU THÚY (Giảng viên Trường Đại học Luật, Đại học Huế)

TÓM TẮT:

Ở Việt Nam, phụ nữ đã tham gia hoạt động quản lý từ rất sớm và có nhiều đóng góp cho tiến trình phát triển và hội nhập quốc tế. Tuy nhiên, thực tiễn thực thi pháp luật cho thấy, vẫn còn tồn tại sự bất bình đẳng giữa nam và nữ trên nhiều lĩnh vực, trong đó có lĩnh vực quản lý. Trên cơ sở nghiên cứu các vấn đề liên quan đến việc tham gia hoạt động quản lý của phụ nữ, bài viết đã vận dụng nội dung của trường phái lý thuyết nữ quyền tự do để phân tích và làm rõ những rào cản đối với phụ nữ tham gia quản lý. Đây cũng là cơ sở cho việc xây dựng các giải pháp hữu hiệu nhằm nâng cao hiệu quả, bảo đảm cho phụ nữ Việt Nam tham gia hoạt động quản lý.

Từ khóa: nữ quyền, quyền phụ nữ, hoạt động quản lý.

1. Quản và vai trò giới trong hoạt động quản lý

1.1. Quản lý (management)

Là hoạch định, tổ chức, chỉ đạo và kiểm soát công việc, khai thác các nguồn lực nhằm đạt đ­ược mục tiêu đề ra. Quản lý có chức năng xây dựng cách thức, biện pháp hoạt động cụ thể để thực hiện đúng hướng mà lãnh đạo đã vạch ra.

Quản lý là một chức năng xã hội bắt nguồn từ tính chất của quá trình lao động trong các tổ chức xã hội. Các tổ chức có thể được hình thành tự phát hay có chủ đích nhưng luôn gắn với những mục tiêu nhất định mà số đông hoặc toàn thể các thành viên đồng thuận và theo đuổi.

Quản lý được quan niệm là “nghệ thuật đạt được mục tiêu thông qua người khác”[1]. Do đó, “quản lý liên quan đến đạt được mục tiêu, thông qua con người với định hướng nhiệm vụ, định hướng thành tựu, và định hướng con người trong khuôn khổ tổ chức”[2]. Khái niệm quản lý, được hiểu trên các góc độ “(1) theo đuổi các mục tiêu của tổ chức một cách hiệu lực và hiệu quả; (2) kết hợp công việc của mọi người thông qua việc lập kế hoạch, tổ chức, lãnh đạo, và kiểm tra các nguồn lực của tổ chức”[3].

1.2. Vai trò giới trong hoạt động quản lý

 Thuật ngữ “vai trò” được các nhà xã hội học xác định là để chỉ sự mong đợi và kỳ vọng của xã hội đối với cá nhân ở một địa vị xã hội nhất định. Với ý nghĩa này, vai trò giới chính là sự kỳ vọng và mong đợi của xã hội đối với phụ nữ và đàn ông khi ở một địa vị xã hội cụ thể nào đó. Ở hầu hết các quốc gia châu Á truyền thống, trong đó có Việt Nam, chuẩn mực kỳ vọng của xã hội đối với phụ nữ là người có vai trò chăm sóc gia đình, còn nam giới có vai trò thực hiện các công việc bên ngoài xã hội, quan niệm này tồn tại từ thế hệ này sang thế hệ khác. Thực tế cho thấy, dù cho bối cảnh kinh tế - xã hội thay đổi và các giá trị xã hội cũng thay đổi theo, nhưng những quan niệm này vẫn tồn tại bền vững trong mỗi xã hội.

Vai trò giới được chia thành 3 nhóm gồm: Vai trò sản xuất; Vai trò tái sản xuất và Vai trò tham gia hoạt động cộng đồng.

Thứ nhất,  vai trò sản xuất: Trong thực tiễn cuộc sống cũng như kỳ vọng của cộng đồng, phụ nữ và nam giới được mong đợi có những vai trò khác nhau trong hoạt động sản xuất để tạo thu nhập. Phụ nữ thường đóng vai trò chủ yếu trong lĩnh vực nông nghiệp, công nghiệp nhẹ, dịch vụ, buôn bán và lao động gia đình. Nam giới chiếm tỉ lệ lớn trong lĩnh vực công nghiệp nặng, khoa học kỹ thuật và lãnh đạo, quản lý. Công việc của phụ nữ thường có thu nhập thấp hơn nam giới.

Hai là, vai trò tái sản xuất sức lao động cho xã hội: Bao gồm việc sinh con, và việc nhà như nuôi dạy con cái, chăm sóc người thân trong gia đình như người bệnh, người già; và việc nội trợ thường gắn với người phụ nữ. Mặc dù không thể thiếu, nhưng tất cả những việc nhà không được trả lương, và không được tính toán thành chỉ tiêu kinh tế.

Thứ ba,, vai trò tham gia các hoạt động cộng đồng:  Vai trò này được phân chia theo hai loại: hoạt động chung, và hoạt động quản lý đời sống sản xuất, sinh hoạt của cộng đồng. Phụ nữ thường được mong đợi và kỳ vọng tham gia vào hoạt động chung với tư cách người thực hiện quyết định. Do đó, trong hoạt động quản lý cộng đồng, phụ nữ tham gia với tỉ lệ rất ít ở vai trò của người quản lý.

1.3. Bất bình đẳng giới trong hoạt động quản lý

Bất bình đẳng giới là sự không ngang bằng nhau giữa cá nhân cũng như các nhóm đàn ông và phụ nữ trong việc tiếp cận các cơ hội, nguồn lực cũng như thụ hưởng những thành quả mà xã hội mang lại. Bất bình đẳng giới trong hoạt động quản lý sẽ tạo ra sự không công bằng về cơ hội, điều kiện để phụ nữ tham gia quản lý xã hội và dễ dẫn tới hậu quả phụ nữ ít được tham gia và bổ nhiệm vào các vị trí lãnh đạo, quản lý, cũng như không có cơ hội để đóng góp và thụ hưởng những thành quả từ quá trình tham gia quản lý. Bất bình đẳng giới có thể được coi là hệ quả của sự phân biệt đối xử trên cơ sở giới, nghĩa là nam giới hay phụ nữ bị đối xử khác nhau, do định kiến giới tác động đến.

Bất bình đẳng giới sẽ gây thiệt hại về phúc lợi xã hội và làm chậm tiến trình phát triển của xã hội. Vì thế, việc thực hiện mục tiêu bình đẳng giới không chỉ có ý nghĩa đối với phụ nữ, mà còn mang ý nghĩa lớn lao đối với sự phát triển bền vững của xã hội, góp phần hạn chế tình trạng bất bình đẳng giới và giải quyết hiệu quả các vấn đề phát sinh do dân số già đi, lực lượng lao động thu hẹp và tăng gánh nặng cho phúc lợi xã hội. Thực tiễn của đời sống xã hội đã chứng minh: “đầu tư cho phụ nữ mang lại hiệu quả, lợi ích cao hơn bất kỳ sự đầu tư nào khác ở các nước đang phát triển[4]. Hay nâng cao khả năng và tạo cơ hội lựa chọn cho phụ nữ không chỉ đem lại lợi ích cho họ, mà còn là cách chắc chắn nhất để đóng góp cho tăng trưởng kinh tế và phát triển chung[5].

2. Quan điểm của lý thuyết nữ quyền tự do đối với việc lý giải những rào cản phụ nữ tham gia hoạt động quản lý xã hội

Từ thế kỷ thứ XVIII, lý thuyết nữ quyền tự do đã hình thành và chịu ảnh hưởng từ truyền thống triết học tự do thế kỉ XVI-XVII (chủ nghĩa tự do châu Âu, Bắc Mỹ), phản ánh niềm tin, sự tôn trọng vào tư tưởng bình đẳng và tự do. Triết lý này xuất hiện trong cách mạng tư sản Pháp (1798) với quan điểm “tự do, bình đẳng, bác ái” để chống lại chế độ phong kiến quân chủ, có ảnh hưởng sâu sắc đến quan điểm nữ quyền tự do.

Lý thuyết nữ quyền tự do dựa vào hai cấp độ tiếp cận: cơ thể con người và trí tuệ. Theo họ, cái khiến cho người ta khác với sinh vật là biết suy luận và tư duy. Trí tuệ của con người không mang bản sắc nhưng trong chế độ nam trị thì trí tuệ luôn được đề cập đến nam giới[6]. Vì thế, theo các nhà nữ quyền tự do, sự bị trị của phụ nữ nằm trong những ràng buộc về tập quán và pháp luật. Các tập tục và pháp luật đã tước đoạt quyền đi học của phụ nữ và giam hãm họ trong chính gia đình của mình. Điều này đã được thể hiện rõ qua các đạo luật như Luật Sharia của các nước Hồi giáo, Luật Hudur của Hồi giáo ở Malaysia, Luật Hồng Đức ở thế kỷ XV và Luật Gia Long ở thế kỷ thứ XVII ở Việt Nam.

Những ràng buộc này đã tạo ra rào cản đối với phụ nữ tham gia hoặc thành công trong lĩnh vực chính trị. Bởi theo quan niệm trong những xã hội này, phụ nữ kém năng lực hơn đàn ông về trí tuệ hoặc thể chất, xã hội đã gạt bỏ phụ nữ tham gia ra khỏi hàn lâm viện, các diễn đàn và thương trường. Phụ nữ ít có cơ hội để học tập và phát huy trí tuệ của mình, vì vậy trí tuệ của họ luôn bị coi là thấp hơn nam giới.[7]

Cùng với những quy định của luật pháp, những giá trị, chuẩn mực giới đã được xã hội hóa và tác động đến đứa trẻ ngay từ khi mới sinh. Chính quá trình xã hội hóa đã chuyển con người sinh vật thành con người xã hội thông qua học tập các giá trị, chuẩn mực, tri thức của xã hội. Vì thế, trẻ em khi sinh ra sẽ được cha mẹ và người thân dạy cách làm thế nào để trở thành con trai và con gái, để rồi xã hội luôn kỳ vọng ở nam giới “hướng ngoại”, vai trò của nam giới là vai trò “văn hóa” và phụ nữ “hướng nội”, vai trò của phụ nữ là vai trò “tự nhiên”[8]. Chính điều này làm cho hình ảnh của phụ nữ thường gắn với “thiên chức” là người “giữ lửa” trong gia đình, được kỳ vọng với hoạt động nhẹ nhàng, giản đơn. Trong khi đó, nam giới thường gắn với các hoạt động bên ngoài xã hội, được kỳ vọng là “trụ cột”, với những hoạt động mạnh mẽ, có tính chất trí tuệ. Do đó,  đã có sự phân chia ranh giới rõ ràng trong phạm vi hoạt động của phụ nữ và nam giới.

Bằng chứng thực tế cho thấy, trong lĩnh vực lao động việc làm, phụ nữ được kì vọng thực hiện các công việc "nhẹ nhàng", lao động "giản đơn", mà không chú ý đến bản thân nhu cầu của phụ nữ, thiếu hệ thống dịch vụ xã hội đảm bảo cho phụ nữ và trẻ em phát triển,... Vì lẽ đó, phụ nữ thường ít được tự do chọn lựa trong phân công lao động, họ chỉ giới hạn tập trung ở một số ngành nghề đặc thù, gặp khó khăn trong việc tham gia vào nhóm nghề nghiệp mới mở hoặc nghề nghiệp mà nam giới chiếm ưu thế vượt trội. Điều này tạo nên sự khác biệt trong đánh giá về lợi ích khi nam giới và phụ nữ cùng tham gia một hoạt động xã hội.

Chính xu hướng đánh giá hoặc thiên kiến giới của xã hội đối với nam giới hoặc phụ nữ đã tước đoạt cơ hội bình đẳng trong việc mưu cầu các lợi ích phát triển của bản thân phụ nữ. Vì vậy, các nhà nữ quyền đã coi luật pháp là công cụ quan trọng để xóa bỏ sự phân biệt đối xử với phụ nữ. Họ cho rằng, quyền lực nam giới là sức mạnh của Nhà nước và muốn xây dựng xã hội bình đẳng thì phải tìm được sự ủng hộ và can thiệp của Nhà nước. Đây là tiền đề cho sự ra đời các công ước quốc tế sau này liên quan đến phụ nữ, điển hình là CEDAW, và là nguyên nhân cho sự thay đổi luật pháp của nhiều quốc gia trên thế giới. Đồng thời, các nhà nữ quyền tự do cũng đã động viên và cổ vũ phụ nữ phải tự giải phóng mình, bởi theo họ sự khác biệt giữa nam giới và phụ nữ là sự khác biệt về hình thể, chứ không phải trí tuệ [9].

         Như vậy, lý thuyết nữ quyền tự do đã cho thấy, tập quán và luật pháp đã tạo ra sự khác biệt về cơ hội phát triển giữa nam giới và phụ nữ, là rào cản đối với phụ nữ tham gia quản lý xã hội. Điều này bắt nguồn từ nguyên nhân của quan niệm sai lầm rằng, phụ nữ trí tuệ kém hơn đàn ông. Chính điều đó đã dẫn đến hệ lụy xã hội là có sự phân chia phạm vi hoạt động của mỗi giới.. Đối với lĩnh vực chính trị, lý thuyết nữ quyền tự do đã lý giải một cách thỏa đáng về sự hạn chế và thiếu vắng của phụ nữ trong các vị trí chiến lược, bởi sự kỳ vọng cũng như cơ hội đào tạo dường như vẫn còn khoảng cách giới khá lớn mà nam giới thường có ưu thế hơn đối với phụ nữ.

        Các bằng chứng nghiên cứu trong những năm gần đây ở Việt Nam cho thấy, có khoảng cách khá lớn về trình độ lý luận chính trị giữa phụ nữ và nam giới trong hệ thống chính trị các cấp. Thực tế cho thấy, trình độ học vấn của cán bộ, công chức nữ tương đối cao, song, họ thiếu công cụ lý luậnTình trạng  “nam trưởng, nữ phó” vẫn còn hiện hữu trong hệ thống chính trị các cấp. Điều này thể hiện rõ ở tỷ lệ nữ tham gia cấp ủy Đảng nhiệm kỳ 2015-2020, mặc dù đã tăng hơn nhiệm kỳ 2010-2015.

Tỷ lệ cấp ủy viên là nữ ở cấp xã chiếm 19,69% (tăng 1,59%), Tỷ lệ cấp ủy viên là nữ ở cấp huyện chiếm 14,3% (tăng 0,3%), Tỷ lệ nữ trong ban chấp hành Đảng bộ cấp tỉnh chiếm 13,3% (tăng 1,9%); Trong thường vụ là 10,75 %; có 3/63 tỉnh thành có Bí thư Tỉnh ủy là nữ, chiếm 4,76%; Phó Bí thư tỉnh ủy là 17 người, chiếm tỷ lệ 10,9%; tham gia cấp ủy Bộ Chính trị, số lượng nữ ủy viên Bộ Chính trị đạt 3/19 ủy viên (chiếm 15,7%); và tham gia Ban chấp hành Trung ương đảng là 20 ủy viên nữ (đạt 7,8%) so với ủy viên nam là 166 người (đạt 92,2%)[10]. Nhìn chung, tỷ lệ đảng viên nữ tham gia cấp ủy Đảng trong những năm qua đã có nhiều thay đổi tích cực đáng ghi nhận, nhưng trong tương quan với nam giới thì thực tế vẫn còn thấp.

Bên cạnh đó, sự thiếu hụt cán bộ nữ trong một số lĩnh vực quan trọng  sẽ cản trở đến việc hoạch định và thực thi chính sách liên quan đến bình đẳng giới. Không chỉ trong tổ chức Đảng, mà ngay trong cơ quan quyền lực nhà nước cao nhất là Quốc hội, tỷ lệ nữ đại biểu Quốc hội nhiệm kỳ năm 2016 - 2021 chỉ là 26,8% (khóa XIV có 133 đại biểu Quốc hội nữ). Đặc biệt, có cả Chủ tịch Quốc hội và Phó Chủ tịch Quốc hội đều là nữ, cao hơn các nhiệm kì trước. Nhưng tỷ lệ này phân bố chưa đồng đều ở các đoàn đại biểu Quốc hội (Quảng Nam, Tây Ninh, Thừa Thiên Huế) và 25 tỉnh có tỷ lệ nữ đại biểu dưới 20%.[11] Thực tế này cho thấy, mục tiêu của Đảng và Nhà nước về bình đẳng giới vẫn chưa có bước phát triển vững chắc và cũng chưa đồng đều trong các địa phương của cả nước, chưa đạt mục tiêu 35% như quyết tâm của Đảng và Nhà nước. 

Từ những phân tích trên cho thấy, các nhà lý thuyết nữ quyền tự do đã lý giải một cách thỏa đáng và hợp lý về sự thiếu vắng và các rào cản đối với phụ nữ tham gia họa động quản lý ở Việt Nam nói riêng, thế giới nói chung.

3. Một số giải pháp nhằm xóa bỏ những rào cản và nâng cao hiệu quả bảo đảm quyền tham gia hoạt động quản lý xã hội của phụ nữ Việt Nam trong giai đoạn hiện nay

Qua sự phân tích những rào cản đối với vấn đề phụ nữ tham gia hoạt động quản lý xã hội từ góc độ lý thuyết nữ quyền tự do cho thấy, để nâng cao tỷ lệ phụ nữ tham gia hoạt động quán lý, cũng như chất lượng của vị trí đảm nhận trong bối cảnh của Việt Nam hiện nay gắn với việc đạt được mục tiêu tăng cường sự tham gia của phụ nữ vào đời sống chính trị ở Việt Nam, cần tiếp tục thực hiện đồng bộ những giải pháp:

Thứ nhất, cần hoàn thiện khung pháp lý liên quan đến việc bảo đảm quyền tham gia quản lý của phụ nữ một cách thực chất và hiệu quả. Cụ thể:

  • Rà soát và điều chỉnh quy định tuổi quy hoạch, bổ nhiệm vào quản lý nhà nước, một cách linh hoạt phù hợp với từng nhóm ngành nghề, lĩnh vực hoạt động phù hợp với tinh thần của Công ước CEDAW.
  • Cần đưa ra chỉ tiêu cụ thể về tỷ lệ phụ nữ tham gia lãnh đạo, quản lý vào quá trình hoạch định và thực thi chính sách của từng cơ quan nhà nước, coi đó là tiêu chí đánh giá mức độ hoàn thành nhiệm vụ của cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền.
  • Cần bổ sung các chế tài cụ thể để xử lý nghiêm minh và kịp thời đối với các chủ thể không thực thi hoặc thực thi việc bảo đảm quyền tham gia quản lý của phụ nữ không hiệu quả, nhất là đối với công tác quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng, sử dụng và bổ nhiệm cán bộ nữ trong hệ thống chính trị.

Thứ hai, tăng cường cam kết và phát huy trách nhiệm của các tổ chức, cơ quan, các cấp, các ngành trong việc bảo đảm cho phụ nữ tham gia quản lý.

  • Đảng và Nhà nước cần có chính sách hỗ trợ công tác đào tạo, bồi dưỡng cho cán bộ nữ cả về vật chất cũng như tinh thần để họ có đủ điều kiện vượt lên chính mình, vươn đến vị trí cao trong lĩnh vực chính trị.
  • Tăng cường vai trò tham mưu, thực thi và giám sát của Hội Liên hiệp Phụ nữ các cấp, Ủy ban Quốc gia vì sự tiến bộ của phụ nữ, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội cũng như các tổ chức xã hội khác trong việc bảo đảm cho phụ nữ tham gia hoạt động quản lý.

       Thứ ba, chú trọng công tác truyền thông, đa dạng hóa các hình thức tuyên truyền vận động về bình đẳng giới, hướng đến xóa bỏ định kiến giới, tập quán xã hội lạc hậu ăn sâu trong tâm trí người Việt, gây bất lợi cho phụ nữ tham gia hoạt động quản lý. Đồng thời, góp phần làm thay đổi tư tưởng của người nam giới trong gia đình theo hướng tích cực cũng như phát huy vai trò của gia đình và cộng đồng trong việc chia sẻ và hỗ trợ phụ nữ vượt qua áp lực vai trò giới trong gia đình và tại nơi công sở.

       Thứ tư, bản thân người phụ nữ Việt Nam cũng cần tiếp tục không ngừng nỗ lực vươn lên, tránh tâm lý an phận, ngại phấn đấu, mặc cảm, tự ti; Phải cố gắng vượt qua mọi thành kiến và thử thách, đóng góp tích cực vào các hoạt động xã hội, và khẳng định vai trò của mình trong lĩnh vực quản lý.

        Thứ năm, tiếp tục đẩy mạnh hợp tác quốc tế (đa phương, song phương, phi Chính phủ) để có cơ hội học tập kinh nghiệm của các quốc gia trên thế giới, nhất là các quốc gia  có chỉ số bình đẳng giới trong tham chính cao (Thụy Điển, Na Uy, Phần Lan,...) , từ đó có thể vận dụng sáng tạo và phù hợp vào bối cảnh kinh tế, xã hội của Việt Nam.

4. Kết luận

Để việc thực thi bình đẳng giới trong lĩnh vực chính trị có hiệu quả thiết thực thì việc phát huy vai trò của người phụ nữ trong lãnh đạo và quản lý là không thể thiếu. Đây là yếu tố quan trọng quyết định đến thành công của công cuộc xây dựng nền dân chủ xã hội chủ nghĩa cũng như sự nghiệp bình đẳng giới ở Việt Nam trong giai đoạn hiện nay.

 

TÀI LIỆU TRÍCH DẪN:

[1] Follet, M.P. (1995). Management, 6th edn, Stonner, J.A.F., Freeman, R.E., Gilbert Jr, D.R., p.38. Engewood Cliffs, NJ: Prentice Hall.

[2,3] Kinicki, A. Williams, B.K. (2008). Management- A Practical introduction, 3rd. edn. McGraw-Hill, Boston.

[4] Ngân hàng Thế giới, Ngân hàng Phát triển châu Á, CIDA (2012). Đánh giá tình hình giới ở Việt Nam, Hà Nội.

[5] UNDP (1995). Báo cáo phát triển con người năm 1995. Báo cáo tóm tắt cho Việt Nam, Brief Vietnam –HDI Update_VN.pdf

[6] Lê Thị Quý (2009). Giáo trình Xã hội học về giới. NXB Giáo dục Việt Nam, Hà Nội, tr.142.

[7] Lê Thị Quý (2009). Sdd. 155

[8] Mai Huy Bích (2009). Giáo trình Xã hội học giới: Phần 2, trang 94. NXB Chính trị Quốc gia, Hà Nội.

[9] Lê Thị Quý (2009), sdd, Trang 151

[10] Báo cáo số 08/BC-UBQG ngày 03-02-2016 của Ủy ban Quốc gia vì sự tiến bộ của phụ nữ Việt Nam về kết quả hoạt động năm 2015 và phương hướng nhiệm vụ công tác năm 2016, tr11-12.

[11] Báo cáo số 454 /BC-CP ngày 17/10/2017 của Chính phủ  về việc thực hiện mục tiêu quốc gia về bình đẳng giới.

 

TÀI LIỆU THAM KHẢO:

  1. Trần Thị Vân Anh (2010), Những trở ngại đối với sự phấn đấu của nữ lãnh đạo. Tạp chí Nghiên cứu Gia đình và giới, số 2, 12-25.
  2. Barbar Kellerman, Deborah L. Rhode. (2009). Women and Leadership: The State of Play and Strategies for Change. USA: Jossey-Bass.
  3. Mai Huy Bích (2009), Giáo trình Xã hội học giới: Phần 2. NXB Chính trị Quốc gia, Hà Nội.
  4. Chính phủ nước CHXHCN Việt Nam (2017), Báo cáo số 454 /BC-CP ngày 17/10/2017 của Chính phủ về việc thực hiện mục tiêu quốc gia về bình đẳng giới.
  5. Trần Hàn Giang (2004). Về một số lý thuyết nữ quyền. Tạp chí Khoa học về phụ nữ,số 1, 1.
  6. Nguyễn Đức Hạt (chủ biên) (2007). Nâng cao năng lực lãnh đạo của cán bộ nữ trong hệ thống chính trị. NXB Chính trị Quốc gia, Hà Nội.
  7. Kinicki, A. Williams, B.K. (2008). Management- A Practical introduction, 3rd. edn. Boston: McGraw-Hill.
  8. Ngân hàng Thế giới, Ngân hàng Phát triển châu Á, CIDA (2012). Đánh giá tình hình giới ở Việt Nam. Hà Nội.
  9. Lê Thị Quý (2009). Giáo trình Xã hội học về giới. NXB Giáo dục Việt Nam, Hà Nội.
  10. Schriesheim, C.A., Tolliver, J.M. and Behling O.C. (1978). Leadership Theory: Some implications for Managers. MSU Business Topics, P.35.
  11. Mai Thị Diệu Thúy (2017). Bảo đảm thực hiện quyền chính trị của phụ nữ - Thực tiễn tại tỉnh Thừa Thiên Huế. Đề tài NCKH cấp Đại học Huế 2017-2018.
  12. UNDP (1995). Báo cáo phát triển con người năm 1995, Báo cáo tóm tắt cho Việt Nam. Brief Vietnam –HDI Update_VN.pdf
  13. Ủy ban quốc gia vì sự tiến bộ của phụ nữ Việt Nam (2016). Báo cáo số 08/BC-UBQG ngày 03-02-2016 về kết quả hoạt động năm 2015 và phương hướng nhiệm vụ công tác năm 2016.
  14. Lê Ngọc Văn (2006). Một số lý thuyết nghiên cứu gia đình và giới. NXB Khoa học Xã hội, Hà Nội.

                             

THE PARTICIPATION OF VIETNAMESE WOMEN IN MANAGEMENT ACTIVITIES UNDER THE APPROACH OF LIBERAL FEMINIST THEORY

Master. MAI THI DIEU THUY

Lecturer, University of Law, Hue University

ABSTRACT:

In Vietnam, women have participated in political activities for a long time and have made many contributions to the national development and the country’s international integration process. However, the practice of law enforcement shows that there are still large inequalities between men and women in many fields including the field of management. By using the liberal feminist theory, this paper analyzes and clarifies barriers for women to participate in management activities. This paper is expected to serve as a basis for the development of effective solutions to promote and ensure Vietnamese women’s participation in management activities.

Keywords: feminism, women’s rights, management.

[Tạp chí Công Thương - Các kết quả nghiên cứu khoa học và ứng dụng công nghệ, 

Số 12, tháng 5 năm 2021]