Trong giai đoạn 2011-2015, Chính phủ đã nỗ lực triển khai nhiều biện pháp nhằm kiểm soát chỉ số giá tiêu dùng. Năm 2011 là năm có chỉ số giá tiêu dùng tăng cao nhất trong 10 năm gần đây (tăng 18,13%) do tác động của các biện pháp nhằm cứu trợ kinh tế trong khủng hoảng tài chính cuối năm 2009 và năm 2010 dẫn tới lạm phát gia tăng tại nhiều nước và Việt Nam.

Sự tăng giá hàng hóa thế giới cùng với biến động của tỷ giá đã tác động tới giá cả nhiều mặt hàng thiết yếu trong nước, đặc biệt là các mặt hàng phụ thuộc nhập khẩu như xăng dầu...

Bên cạnh đó, việc điều chỉnh tăng giá một số đầu vào quan trọng như: điện, than, xăng dầu, giá nước sạch tại một số địa phương, tiền lương... cũng góp phần làm tăng lạm phát trong năm 2011.

Tuy nhiên từ năm 2012 đến năm 2015, cùng với các giải pháp quyết liệt của Chính phủ, kinh tế trong nước dần phục hồi, lạm phát được kiểm soát tốt, chỉ số giá tiêu dùng liên tục giảm và đạt mức tăng thấp nhất 0,6% trong năm 2015, niềm tin của người dân vào sự ổn định kinh tế vĩ mô gia tăng, sức mua của thị trường được cải thiện.

Giai đoạn này nguồn cung các mặt hàng lương thực, thực phẩm dồi dào, giá hàng hóa thấp, đồng thời giá các mặt hàng nhóm nhiên liệu năng lượng thế giới giảm làm giảm giá các mặt hàng xăng dầu, gas trong nước, kéo theo giá cước vận tải, chi phí giá thành sản xuất giảm…

Trong giai đoạn 2016-2020, Chỉ số giá hàng hóa được kiểm soát nhờ thực hiện tốt, đồng bộ các giải pháp về tiền tệ, tín dụng và tài khóa cũng như cơ chế phối hợp linh hoạt giữa chính sách tài khóa và chính sách tiền tệ.

Chỉ số CPI bình quân từng năm từ 2016 đến 2020 đều đạt được mục tiêu do Quốc hội đề ra. CPI bình quân giảm từ 4,74% năm 2016 xuống 3,54% năm 2018, tiếp tục giảm còn 2,79% trong năm 2019 và ở mức 3,23% trong năm 2020 (cách khá xa mức chỉ tiêu Quốc hội giao dưới 4%).

Trong giai đoạn này, mặt bằng giá hàng hóa chịu ảnh hưởng chủ yếu ở các nhóm hàng do nhà nước quản lý (phí dịch vụ y tế, giáo dục) được điều chỉnh tăng giá theo lộ trình. Nguồn cung hàng hóa các mặt hàng thiết yếu trên thị trường cơ bản được bảo đảm, giá cả tương đối ổn định (chỉ tăng cục bộ và trong thời gian ngắn, như dịp Tết Nguyên đán).

Riêng mặt hàng thịt lợn, trong năm 2017, giá giảm mạnh (có thời điểm giảm xuống dưới mức giá thành) do nguồn cung dư thừa nhưng sang nửa cuối năm 2019 đến năm 2020, giá lại có xu hướng tăng mạnh do nguồn cung thiếu hụt so với nhu cầu tiêu dùng sau khi chịu ảnh hưởng nặng nề của bệnh Dịch tả lợn Châu phi bùng phát từ đầu năm 2019 và công tác tái đàn còn gặp nhiều khó khăn.

 Đến nay mặc dù giá bán vẫn ở mức cao so với các năm trước nhưng đã giảm mạnh so với cuối năm 2019 và nửa năm đầu 2020, nguồn cung cơ bản đáp ứng nhu cầu người dân. Một số mặt hàng nông sản khác (sản phẩm trồng trọt) được mùa, nguồn cung tăng nhưng được sự chủ động hỗ trợ tiêu thụ của các Bộ, ngành, địa phương nên giá không bị giảm sâu, bảo đảm lợi nhuận cho người trồng. Nhóm hàng năng lượng chịu ảnh hưởng lớn nhất từ các biến động giá trên thị trường thế giới.

Tuy nhiên, nguồn cung trong nước vẫn luôn được bảm đảo, giá các mặt hàng chính như xăng dầu được điều hành linh hoạt, theo sát diễn biến giá thế giới và có sự phối hợp trong điều hành giá các mặt hàng khác do Nhà nước quản lý, góp phần kiểm soát mức tăng CPI chung. Nguồn cung các mặt hàng nhóm vật tư nông nghiệp và vật liệu xây dựng từ nguồn sản xuất trong nước cơ bản đáp ứng nhu cầu tiêu dùng, giá các mặt hàng này không có biến động lớn.

Công tác điều hành thị trường trong nước trong những năm vừa qua đã được thực hiện theo đúng các tinh thần chỉ đạo của Chính phủ, theo dõi sát sao, hành động kịp thời để ứng phó với các biến động của thị trường. Nhờ đó, thị trường trong nước tiếp tục phát triển, đóng góp của thương mại trong nước vào GDP ngày càng tăng, thương mại trong nước trở thành một trong những trụ đỡ quan trọng của nền kinh tế. Cung cầu hàng hóa thiết yếu được bảo đảm, giá cả hàng hóa ổn định, góp phần vào thành công trong thực hiện mục tiêu kiềm chế lạm phát, bảo đảm an sinh xã hội của Chính phủ.