Báo động đỏ về các hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ

Dù lực lượng chức năng cả nước đã tăng cường kiểm tra, kiểm soát nhưng tình trạng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ vẫn diễn ra rất phổ biến, đến mức báo động đỏ.

Sáng 22/10, Tổng cục Quản lý thị trường (QLTT) phối hợp với Trường Đại học Kinh tế Quốc dân tổ chức Tọa đàm “Nâng cao năng lực của cơ quan QLTT trong xử lý xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ bằng biện pháp hành chính”. Tọa đàm được diễn ra dưới hình thức trực tiếp và trực tuyến.

Báo động đỏ về các hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ
Tổng cục trưởng Tổng cục QLTT Trần Hữu Linh nhấn mạnh, chống hàng giả, hàng xâm phạm quyền SHTT sẽ là nhiệm vụ chính, trọng tâm của toàn lực lượng

Ông Trần Hữu Linh - Tổng cục trường Tổng cục QLTT nhận định, QLTT là lực lượng nòng cốt của Chính phủ trong việc xử lý xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ (SHTT) bằng biện pháp hành chính. Trong suốt quá trình hoạt động, QLTT có ba nhiệm vụ chính: chống buôn lậu; chống gian lận thương mại và chống hàng giả và vi phạm quyền SHTT.

Tuy nhiên, trong quá trình thực thi các nhiệm vụ, không chỉ QLTT mà các lực lượng khác cũng gặp không ít khó khăn. Bởi, mặt trận chống hàng giả, hàng xâm phạm quyền SHTT rất là rộng, biểu hiện ở nhiều góc độ, khía cạnh, ở nhiều chủng loại mặt hàng và hành vi vi phạm ngày càng tinh vi.

Đặc biệt, trong thời gian gần đây, giả về nhãn hiệu, thương hiệu; giả về chất lượng, đo lường… diễn ra phổ biến ở mặt hàng xăng dầu, phân bón. Do vậy, để giữ ổn định thị trường, bảo vệ quyền và lợi ích của người tiêu dùng, của doanh nghiệp làm ăn chân chính, giai đoạn từ nay đến 2030, chống hàng giả, hàng xâm phạm quyền SHTT sẽ là nhiệm vụ chính, trọng tâm của toàn lực lượng. Làm được điều này, việc nâng cao năng lực của cơ quan QLTT là điều kiện tiên quyết.

Đồng quan điểm, PGS.TS Tạ Văn Lợi - Viện trưởng Viện Thương mại và Kinh tế Quốc tế, Trường Đại học Kinh tế quốc dân cho rằng, khi Việt Nam gia nhập nhiều Hiệp định thương mại tự do, nhất là những Hiệp định tự do thế hệ mới, thì cam kết về quyền SHTT là vấn đề đặt lên hàng đầu. Một trong những vấn đề quan trọng hàng đầu của các nước phát triển là việc xác định SHTT của các sáng chế, phát minh. Chỉ những quốc gia nào bảo về được quyền SHTT thì nền kinh tế mới phát triển ổn định, vững mạnh.

Lấy ví dụ, PGS.TS Tạ Văn Lợi dẫn chứng, Nhật, Trung Quốc rất quan tâm đến vấn đề SHTT. Còn tại Việt Nam, nền kinh tế đã mở cửa 200%, vậy làm thế nào để thực hiện các cam kết về SHTT trong các Hiệp định mà Việt Nam đã tham gia nhưng không cản trở sự phát triển của nền kinh tế mà vẫn phát huy được tài sản SHTT là một bài toán khó cho cả Chính phủ và các cơ quan chức năng thực thi.

Báo động đỏ về các hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ
Dù lực lượng chức năng cả nước đã tăng cường kiểm tra, kiểm soát nhưng tình trạng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ vẫn diễn ra rất phổ biến, đến mức báo động đỏ

95% vụ xâm phạm quyền SHTT được xử lý bằng biện pháp hành chính

Nêu lên thực trạng xâm phạm quyền SHTT tại Việt Nam, bà Nguyễn Như Quỳnh - Phó Chánh Thanh tra phụ trách Thanh tra Bộ Khoa học và Công nghệ nhận định, dù lực lượng chức năng cả nước đã tăng cường kiểm tra, kiểm soát nhưng tình trạng vi phạm quyền SHTT diễn ra rất nhiều và phổ biến đến mức báo động đỏ.

Số liệu thống kê từ Chương trình 168 về phối hợp hành động phòng và chống xâm phạm quyền SHTT cho thấy, năm 2020 các lực lượng chức năng của các Bộ, ngành đã xử phạt 1.300 vụ xâm phạm quyền SHTT, tổng số tiền xử phạt trên 25 tỷ đồng.

Các hành vi vi phạm diễn ra phổ biến như: buôn bán hàng hóa giả mạo, xâm phạm quyền SHTT trên môi trường mạng, nhiều vụ việc diễn ra theo hình thức xuyên biên giới; những vi phạm cạnh tranh không lành mạnh, nhái nhãn hiệu; vi phạm liên quan đến tên miền, quốc gia; vi phạm về tên thương mại, tên doanh nghiệp; xâm phạm quyền đối với sáng chế, giải pháp hữu ích và lần đầu tiên có vụ xâm phạm quyền đối với bí mật kinh doanh…

Đặc biệt, trong giai đoạn dịch bệnh Covid-19, hành vi vi phạm quyền SHTT diễn ra rất nhiều ở các mặt hàng liên quan đến phòng chống dịch như khẩu trang, đồ bảo hộ, găng tay y tế…

Bà Nguyễn Như Quỳnh nhận định, xâm phạm quyền SHTT thông quan nền tảng số sẽ trở thành hình thức phổ biến trong giai đoạn tới. Không chỉ vậy, các vụ việc liên quan đến xâm phạm quyền SHTT sẽ chuyển biến nhanh so với trước đây, với những thủ đoanh, tinh vi, khó lường và rất phức tạp.

Bà Nguyễn Như Quỳnh cho rằng, hiện nay, 95% các vụ việc xâm phạm quyền SHTT được xử lý bằng biện pháp vi phạm hành chính. Tuy nhiên, nhiều ý kiến cho rằng, cần giảm biện pháp xử phạt bằng hành chính, chuyển sang biện pháp tư pháp để phù hợp với xu thế toàn cầu.

“Điều này phải hết sức cân nhắc bởi hiện nay, hạ tầng của chúng ta chưa đảm bảo, năng lực thực thi của các lực lượng chức năng còn hạn chế. Thêm vào đó, các chủ thể quyền cũng mong muốn giữ lại biện pháp xử phạt hành chính”, bà Nguyễn Như Quỳnh thông tin.

Năng lực thực thi của cán bộ QLTT chưa đủ mạnh

Ông Kiều Dương -  Vụ trưởng Vụ chính sách Pháp chế, Tổng cục QLTT cho rằng, năng lực của công chức QLTT trong lĩnh vực này là thể chất và trí tuệ của mỗi công chức, cán bộ trong việc sử dụng tổng thể các kiến thức, kỹ năng nghiệp vụ, thái độ để hoàn thành nhiệm vụ được giao.

Báo động đỏ về các hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ
Ông Kiều Dương cho rằng, mặc dù có nhiều nỗ lực nhưng năng lực thực thi xử lý xâm phạm quyền SHTT của các cơ quan, lực lượng nói chung trong đó có lực lượng QLTT là chưa đạt được như kỳ vọng của Chính phủ, của người dân

Thời gian qua, tình trạng xâm phạm quyền SHTT diễn biến phức tạp, có xu hướng gia tăng. Sách trắng 2020 của Eurocham nhận định “Tại Việt Nam những năm gần đây, chúng ta đã chứng kiến tình trạng bùng nổ của các hành vi xâm phạm trực tuyến quyền tác giả vì liên quan đến quyền sở hữu công nghiệp. Tình trạng này sẽ vượt khỏi tầm kiểm soát trong những năm tới nếu Việt Nam không nhanh chóng có những biện pháp xử lý cấp bách, hữu hiệu”.

Nhận định này cho thấy, mặc dù có nhiều nỗ lực nhưng năng lực thực thi xử lý xâm phạm quyền SHTT của các cơ quan, lực lượng nói chung trong đó có lực lượng QLTT là chưa đạt được như kỳ vọng của Chính phủ, của người dân.

Cùng chung quan điểm, ông Trịnh Quang Đức - Phó Cục trưởng Cục QLTT Hà Nội cũng thẳng thắn cho rằng, hiện nay, các hành vi sản xuất, nhập khẩu, tiếp thị, mua bán các hàng hóa giả mạo, hàng hóa xâm phạm quyền SHTT trên địa bàn Hà Nội có chiều hướng gia tăng, diễn biến phức tạp.

Các mặt hàng giả mạo, hàng hóa xâm phạm quyền SHTT ngày càng đa dạng về chủng loại và tinh vi về hình thức. Trong khi nhận thức của người tiêu dùng chưa thật sự đầy đủ, nên việc phân biệt hàng thật - giả đang trở nên khó khăn đối với người tiêu dùng.

Trong khi đó, năng lực của cơ quan chức năng chưa đủ mạnh ngang tầm nhiệm vụ được giao trong công tác đấu tranh bảo vệ quyền SHTT. Đặc biệt, phương thức sản xuất, nhập khẩu, tiếp thị, mua bán các mặt hàng vi phạm về SHTT ngày càng trở nên tinh vi, có tổ chức liên tỉnh, liên vùng, liên quốc gia và đa dạng, phong phú về hình thức, chủng loại nên rất khó phát hiện, xử lý đối với các cơ quan thực thi.

Đưa ra những giải pháp để nâng cao năng lực của lực lượng QLTT trong xử lý xâm phạm quyền SHTT, GS.TS Hoàng Đức Thân - Trường Đại học Kinh tế Quốc dân cho rằng, toàn lực lượng phải đổi mới tư duy hoạt động; áp dụng hệ thống quản lý rủi ro trong nghiệp vụ kiểm tra, kiểm soát để giải quyết gốc rễ các hành vi vi phạm; xây dựng lực lượng chính quy, chuyên nghiệp, hiện đại; hướng tới hình thành lực lượng chuyên sâu về QLTT kinh doanh công nghệ cao và lực lượng phản ứng nhanh.

Ông Nguyễn Văn Phước - Phó Cục trưởng Cục QLTT Tiền Giang kiến nghị, mở lớp đào tạo về giám định quyền nhãn hiệu và kiểu dáng công nghiệp cho lực lượng QLTT, đảm bảo ít nhất mỗi Cục phải có từ 1 đến 2 công chức có khả năng độc lập đưa ra kết luận giám đinh về nhãn hiệu và kiểu dáng công nghiệp, xác định được những hành vi vi phạm về quyền SHTT.

Hạ An