Vỉa hè Trung Quốc - Trông người mà nghĩ… đến ta

Trên thế giới, không biết ai đã phát minh ra “vỉa hè” và ở nước ta, cũng chẳng ai biết nó xuất hiện từ bao giờ? Chỉ biết người ta định nghĩa “Vỉa hè là phần dọc theo hai bên phố, được xây lát, dành ch

 

Văn hóa vỉa  hè Thượng Hải

Trong những năm qua, do may mắn mà chúng tôi được đến đất nước Trung Hoa vài lần. Lần nào cũng thế, cứ đi đến đâu, thấy sự phát triển đô thị và giao thông của họ mà lại... thèm.

Nếu có dịp đi qua những thành phố của các tỉnh Vân Nam, Quảng Tây của dân tộc Choang; Quảng Đông của những ẩm thực nổi tiếng; đảo Hải Nam của dân biển... thì ở đâu cũng chỉ thấy những cảnh quan đẹp, sạch và văn minh đô thị. Người dân đảo Hải Nam tự hào vì chỉ sau hơn 10 năm, từ một nơi mà dê, bò... “nghênh ngang, hùng dũng” đi giữa Thủ phủ, thì giờ đã thay da đổi thịt và phát triển cứ như chuyện cổ tích Phù Đổng. Chẳng thế mà Hải Nam đã hai lần được chọn là địa điểm tổ chức thi Hoa hậu thế giới. Ở thành phố Tam Á còn có những con đường to, đẹp và hiện đại mà có lẽ, phải mấy trăm năm nữa ở Việt Nam mới có? Tôi đã từng nhiều năm được sống và đi qua các nước phát triển (kể cả phương Tây), nhưng chưa thấy những con đường rộng cả trăm mét, có nhiều hàng cây, nhiều làn đường đến thế... Vỉa hè mỗi bên khoảng hơn chục mét, chỉ dành cho người đi bộ và xe đạp. Nhiều loại cây xanh được trồng, chăm sóc, đẹp hơn bất kỳ công viên nào của Hà Nội.

Ở Thượng Hải, một thành phố hơn hai mươi triệu dân, đông đúc là thế nhưng vỉa hè của họ lúc nào cũng sạch. Sạch, đẹp không chỉ ở khu đi bộ, mua bán hay trung tâm tháp truyền hình..., mà ở khắp mọi nơi. Vỉa hè của Thượng Hải có thể nói rộng, gọn gàng, sạch và không có hàng quán bán chật kín, rồi đẩy người đi bộ xuống lòng đường. Vỉa hè của họ thật sự là dành cho người đi bộ. Buổi sáng, ở một vài con đường không thuộc trung tâm, cũng có thấy lác đác một vài hàng bán quà sáng, nhưng không có nhiều loại quà bánh như Việt Nam, mà chỉ bán một loại “bánh trứng”. Loại bánh này vừa ngon, vừa rẻ, lại đảm bảo tuyệt đối an toàn vệ sinh. Người bán hàng và cả thực khách đều rất có ý thức, không để rơi vãi đồ ăn, chất thải xuống đường. Âu cũng là một nét văn hóa đặc trưng của vỉa hè Thượng Hải.

Trông người mà nghĩ về ta

Cách đây mấy năm, một đồng nghiệp bảo tôi: Vỉa hè ở Việt Nam nói chung và vỉa hè của Hà Nội nói riêng có nhiều điều để viết lắm đấy! Và thực sự, tôi thấy đây là một gợi ý hay.

Ở Hà Nội, hầu hết vỉa hè là quán ăn, quán giải khát, đủ thứ, từ phở, bún riêu, bánh cuốn, xôi chè, cơm bụi... Quanh một gánh bún ốc, bún riêu, bún đậu mắm tôm, nam thanh nữ tú cho đến các vị công chức ở Hà Nội có thể ngồi xổm chan chan, húp húp, chấm chấm... xuýt xoa vì cái nóng, cái cay, cho đến khi các vị thực khách đứng lên, thì vỉa hè đủ thứ giấy lau tay, lau miệng trắng xoá. Vỉa hè Hà Nội còn là nơi nhóm bếp than tổ ong của nhiều gia đình; nơi sản xuất; kho bãi và công trường xây dựng; nơi để xe máy và ô tô; chỗ tổ chức đám cưới, đám ma; nơi “phát hành” sách báo; là nơi tuyển chọn, phân loại và nghỉ ngơi của những bà đồng nát và cũng là vị trí lý tưởng của những bác xe ôm chờ khách... Có những đoạn vỉa hè, chẳng biết từ bao giờ, bỗng biến thành những chợ “cóc”, với những bà, những chị tần tảo bán rau, bán thịt, bán đậu. Có nơi bán toàn quần áo cũ nhưng lại là “mốt”, là “của độc” của không ít thanh niên, sinh viên, người nghèo. Nơi tụ tập của đội quân “chợ người” chờ việc. Vỉa hè còn là chợ vật liệu xây dựng sắt thép, sỏi đá ngổn ngang, rồi quầy sách, bàn kính, kệ giầy dép, hoa quả..., thôi thì đủ thứ, đa dụng, suốt từ sáng sớm đến đêm khuya.

Nhiều lần tôi tự hỏi, bao giờ Thủ đô mới có được những thành phố xanh, sạch và đẹp thật sự như ở Trung Quốc, thậm chí còn nghĩ quẩn, liệu đến bao giờ Hà Nội sẽ quay về với quá khứ mấy chục năm trước, để được đi bộ trên vỉa hè. Khó lắm, vì vỉa hè Hà Nội giờ đây còn là nơi thưởng thức cà phê, văn hoá cà phê vỉa hè với vài ba chiếc ghế mây thấp lè tè, một vài người bạn, hay có khi chỉ một mình, tờ báo trong tay hoặc điếu thuốc, cùng cái nhìn lơ đãng phố xá, người qua kẻ lại... Bên cạnh đó là những “quán cóc” chè chén với vài ba cái bánh kẹo rẻ tiền kèm theo chiếc điếu cày... Ở Hà Nội giờ đây, cũng không nhất thiết cứ phải vào cà phê wifi sang trọng mà có thể vác laptop truy cập internet không dây ngay trên vỉa hè. Chuyện vỉa  hè có lẽ có kể hàng... “ngàn năm” không hết. Hãy làm gì để không hổ thẹn khi “người ta” đến Thủ đô ngàn năm của mình và ngạc nhiên vì cái “vỉa hè” không giống ai.

Hà Nội còn có nhiều "kỷ lục tầm cỡ thế giới" nữa mà chúng ta có thể tìm ra, nói ra và viết ra  không ngoài mục đích để Hà Nội đẹp, văn minh xứng đáng với bao tâm thức của người dân đất Việt dành cho Thủ đô, nhất là sắp đến thời điểm trọng đại 1000 năm Thăng Long văn hiến. Nhiều người vẫn tiếp tục tỏ ra bức xúc: bao giờ, bao giờ Hà Nội có vỉa  hè như đã có?

 

  • Tags: