Bảo hiểm xã hội tỉnh Gia Lai: Đẩy mạnh chuyển đổi số và thông tin truyền thông

Năm 2022, BHXH tỉnh Gia Lai phấn đấu đạt khoảng 17% lực lượng lao động trong độ tuổi tham gia BHXH; tham gia BHTN bằng 12% lực lượng lao động trong độ tuổi và tham gia BHYT chiếm 90% dân số toàn tỉnh.

Thời gian qua, trong điều kiện diễn biến phức tạp của đại dịch Covid-19 đã khiến nhiều doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Gia Lai gặp khó khăn, người lao động bị mất thu nhập và việc làm ảnh hưởng không nhỏ đến việc phát triển người tham gia bảo hiểm xã hội (BHXH), bảo hiểm y tế (BHYT), bảo hiểm thất nghiệp (BHTN).

Trước tình hình đó, Bảo hiểm xã hội (BHXH) tỉnh Gia Lai chủ động xây dựng và triển khai chương trình công tác trọng tâm, chính sách an sinh xã hội để tạo điều kiện thuận lợi cho người tham gia BHXH, BHYT. Góp phần hoàn thành “mục tiêu kép”, vừa phòng chống dịch Covid-19 hiệu quả, gắn với phát triển kinh tế- xã hội.

Năm 2021, toàn tỉnh Gia Lai có trên 92.462 người người tham gia BHXH, chiếm 13,33% lực lượng lao động; tham gia BHYT có 1.215.892 người, chiếm 85% độ bao phủ dân số toàn tỉnh. Tổng thu BHXH, BHYT, BH thất nghiệp trên 2.512,1 tỷ đồng và tổng chi trên 3.185 tỷ đồng, vượt 5,3% dự toán giao năm 2021, quyền lợi của người tham gia BHXH, BHYT, BHTN được đảm bảo.

Tặng thẻ Bảo hiểm y tế cho học sinh dân tộc thiểu số

Bên cạnh đó, BHXH tỉnh Gia Lai đã thích ứng nhanh, linh hoạt với tình hình dịch Covid-19, bảo đảm tốt nhất quyền lợi người tham gia, thụ hưởng chính sách, cụ thể là: Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, chuyển đổi số, ứng dụng CNTT trong hoạt động giải quyết chính sách và truyền thông chính sách BHXH, BHYT, BHTN trên internet và các trang mạng xã hội: Fanpage, Zalo của BHXH tỉnh đã tạo sự lan tỏa chính sách BHXH, BHYT…; Đẩy mạnh giao dịch điện tử, số hóa hồ sơ, thực hiện dịch vụ công trực tuyến mức độ 4.0 và các tiện ích của ứng dụng VssID-BHXH số được triển khai mạnh mẽ.

Năm 2022, BHXH tỉnh Gia Lai xác định nhiệm vụ trọng tâm là tiếp tục mở rộng đối tượng tham gia, thực hiện có hiệu quả chính sách BHXH, BHYT, BHTN cho người lao động. Phấn đấu đạt khoảng 17% lực lượng lao động trong độ tuổi tham gia BHXH; tham gia BHTN bằng 12% lực lượng lao động trong độ tuổi và tham gia BHYT chiếm 90% dân số toàn tỉnh. Ngoài ra, toàn ngành phấn đấu tỷ lệ giao dịch điện tử đạt 100%; thực hiện dịch vụ công trực tuyến mức độ 4, giảm số giờ giao dịch giữa cơ quan BHXH với doanh nghiệp dưới 49 giờ, nâng chỉ số đánh giá mức độ hài lòng của người tham gia BHXH đạt mức trên 82%.

Đồng thời, BHXH tỉnh Gia Lai thường xuyên giữ mối quan hệ chặt chẽ và tranh thủ sự quan tâm chỉ đạo của BHXH Việt Nam, cấp ủy, chính quyền địa phương; sự phối hợp của các Sở, Ban ngành liên quan triển khai có hiệu quả Nghị quyết số 28-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương, Nghị quyết số 102/NQ-CP của Chính phủ, Chỉ thị số 34/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ.

Tiếp tục thực hiện các chỉ tiêu, nhiệm vụ chính trị và phải đảm bảo việc phòng, ngừa dịch bệnh Covid-19 và tiếp tục triển khai chính sách hỗ trợ NLĐ, NSDLĐ, người dân gặp khó khăn do đại dịch Covid-19. Đẩy mạnh hơn nữa cải cách TTHC và chuyển đổi số, hoàn thiện CSDL, nâng cao năng lực, chất lượng phục vụ, rút ngắn thời gian giải quyết các TTHC; Hoàn thiện quản lý tập trung cơ sở dữ liệu hộ gia đình, tiến tới cấp sổ BHXH, thẻ BHYT điện tử. Kết nối liên thông, chia sẻ dữ liệu với các sở, ngành bảo đảm thông suốt, chính xác, tạo thuận lợi cho việc giải quyết TTHC trên môi trường mạng.

Ra quân tuyên truyền BHXH
Ra quân tuyên truyền BHXH, BHYT toàn dân

Cùng với đó, đơn vị tiếp tục phối hợp chặt chẽ với cơ quan truyền thông để đổi mới, nâng cao hiệu quả công tác thông tin, truyền thông theo hướng đa dạng, linh hoạt, thiết thực, để người dân có thể tiếp cận tốt nhất mọi thông tin về chính sách BHXH, BHYT, BHTN.

Phát động thi đua trong toàn hệ thống, không ngừng nâng cao chất lượng phục vụ doanh nghiệp, người dân, với mục tiêu tạo sự hài lòng cho tổ chức và cá nhân về chất lượng phục vụ của ngành BHXH; phấn đấu hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ giao năm 2022.