Bảo hộ quyền tác giả trong cơ sở giáo dục đại học - Thực tiễn tại một số trường đại học

ThS. NGUYỄN THỊ NGỌC TUYỀN (Giảng viên Khoa Luật, Trường Đại học Cần Thơ)

TÓM TẮT:
Quyền tác giả phát sinh đối với các tác phẩm được sáng tạo ra trong môi trường giáo dục là rất lớn. Trong bài viết này sẽ phân tích rõ các quy định của pháp luật, cũng như thực tiễn về bảo hộ quyền tác giả trong các cơ sở giáo dục đại học. Từ đó đề xuất xây dựng quy chế bảo hộ quyền tác giả hiệu quả, cũng như góp phần hoàn thiện pháp luật hài hòa với lợi ích và nhu cầu của công chúng.
Từ khóa: Bảo hộ quyền tác giả, tài sản trí tuệ, cơ sở giáo dục đại học, sao chép, trích dẫn.

1. Đặt vấn đề

Trong bối cảnh toàn cầu hóa là mục tiêu phấn đấu của Việt Nam, việc quan tâm đến vấn đề bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ nói chung và quyền tác giả nói riêng là điều cấp thiết. Bên cạnh việc tiếp thu, học hỏi các tinh hoa văn hóa, công nghệ từ các quốc gia trên thế giới, chúng ta cũng cần tôn trọng và đảm bảo quyền sở hữu trí tuệ của các chủ thể có quyền. Trong đó, quyền tác giả là một trong những đối tượng dễ bị xâm phạm khi công cuộc cách mạng thông tin điện tử phát triển ngày càng nhanh chóng ở Việt Nam.
Đặc biệt hơn, trong môi trường giáo dục đại học, vấn đề bảo vệ quyền tác giả đang nhận được sự quan tâm mạnh mẽ hơn, chẳng hạn như Trường Đại học Luật thành phố Hồ Chí Minh đã cố gắng ra sức để bảo vệ các tài sản trí tuệ của nhà trường hay Đại học Quốc gia thành phố Hồ Chí Minh cũng ban hành quy định về sở hữu trí tuệ trong nhà trường… bởi đây là nơi hình thành rất nhiều các tác phẩm chứa đựng sự sáng tạo cũng như là môi trường cần thiết tiếp cận các tài sản trí tuệ ấy. Chính vì vậy, yêu cầu cấp thiết đặt ra là phải có sự quản lý hiệu quả cũng như những biện pháp cụ thể cho mỗi trường đại học trong việc tạo lập hành lang quy chế tác động vào nhận thức của mỗi người, nhất là giảng viên và sinh viên để đảm bảo việc bảo hộ quyền tác giả được tốt nhất. Điều này cũng góp phần tích cực trong công cuộc bảo vệ tài sản trí tuệ nói chung tại các cơ sở giáo dục đại học.

2. Vài nét về quyền tác giả trong các cơ sở giáo dục đại học

Theo khoản 2 Điều 4 Luật Sở hữu trí tuệ (SHTT) về quyền tác giả nói chung được hiểu như một tập hợp các quyền nhân thân và quyền tài sản của tác giả. Quyền tác giả là quyền của tổ chức, cá nhân do mình sáng tạo ra hoặc sở hữu. Theo khái niệm trên ta có thể hiểu luật thừa nhận 2 chủ thể có quyền tác giả là tác giả của tác phẩm và chủ sở hữu quyền tác giả. Từ đây ta cũng có thể hiểu, cá nhân có thể là chủ sở hữu quyền tác giả hay tác giả của tác phẩm hoặc cả 2 tư cách đó. Quyền tác giả đối với các tác phẩm nói chung có đặc điểm là: Thứ nhất, pháp luật về quyền tác giả chỉ bảo hộ cho hình thức thể hiện tác phẩm chứ không bảo hộ cho nội dung thể hiện trong các tác phẩm đó. Bởi vì các nhà làm luật nhận thấy rằng, nếu bảo hộ cho nội dung sáng tạo tác phẩm thì sẽ xảy ra việc độc quyền về nội dung, làm hạn chế đi sự sáng tạo của những người còn lại; Thứ hai, quyền tác giả được bảo hộ theo cơ chế tự động. Nghĩa là, quyền tác giả phát sinh ngay sau khi tác phẩm được hình thành và được thể hiện dưới một hình thức vật chất nhất định, bất kể tác phẩm đã công bố hay chưa công bố, đã đăng ký hay chưa đăng ký.
Bên cạnh đó khái niệm cơ sở giáo dục đại học được giải thích là: “Cơ sở giáo dục thuộc hệ thống giáo dục quốc dân, thực hiện chức năng đào tạo các trình độ của giáo dục đại học, hoạt động khoa học và công nghệ, phục vụ cộng đồng”1. Như vậy, có thể hiểu trường đại học là nơi cung cấp kiến thức cho sinh viên ở mức độ cao, có sứ mệnh đào tạo và cung cấp nguồn nhân lực chất lượng phục vụ sự phát triển của xã hội.
Chính vì vậy có thể hiểu bảo hộ quyền tác giả tại các cơ sở giáo dục đại học là tổng hợp các chế định pháp lí nhằm bảo hộ bằng pháp luật quyền, lợi ích hợp pháp của tác giả, chủ sở hữu quyền tác giả đối với tác phẩm văn học, nghệ thuật, khoa học tại cơ sở giáo dục đại học đào tạo, nghiên cứu nhiều ngành, được cơ cấu tổ chức theo Luật Giáo dục đại học. Bảo hộ quyền tác giả tại các cơ sở giáo dục đại học tạo điều kiện cần thiết các chủ thể quyền tác giả được hưởng đầy đủ quyền và lợi vật chất, đồng thời còn giúp cho chủ thể quyền tránh khỏi những hành vi xâm phạm có thể xảy ra tại các cơ sở giáo dục, tạo động lực để thực hiện sứ mệnh phát triển nền kinh tế tri thức.

3. Xác định các tác phẩm được sáng tạo và quyền của tác giả, chủ sở hữu quyền tác giả trong các cơ sở giáo dục đại học

Luật SHTT năm 2005 đã quy định các loại hình tác phẩm văn học, nghệ thuật và khoa học cụ thể sẽ được bảo hộ quyền tác giả, bao gồm các loại hình tác phẩm sau: Tác phẩm văn học, khoa học, sách giáo khoa, giáo trình và tác phẩm khác được thể hiện dưới dạng chữ viết hoặc ký tự khác; Bài giảng, bài phát biểu và bài nói khác…2 Như vậy, có thể thấy trong các cơ sở giáo dục đại học thì đa dạng các loại hình tác phẩm như sản phẩm của đề tài, dự án, nhiệm vụ nghiên cứu khoa học, công nghệ; Chương trình đào đạo, bộ tiêu chí đánh giá, mô tả môn học, đề cương chi tiết môn học, đề cương bài giảng, tình huống nghiên cứu, đề thi tuyển sinh, ngân hàng đề thi; Chương trình máy tính, hệ thống phần mềm quản lý; Giáo trình, sách, báo cáo khoa học, các bài viết đã công bố trên website của trường và các đơn vị thuộc trường… Tuy nhiên trên thực tế không hẳn cơ sở giáo dục nào cũng nhận diện được hết các tác phẩm sáng tạo của trường mình nên rất dễ có nhiều hành vi xâm phạm, sao chép, sử dụng các tác phẩm ấy mà không hề có sự đồng ý của tác giả hoặc chủ sở hữu quyền. Tác phẩm được tạo ra trong các cơ sở giáo dục đại học có thể chia thành 2 nhóm: Một là, tác phẩm được tạo ra từ nhiệm vụ được giao từ trường hoặc hưởng ngân sách nghiên cứu từ nhà nước, trường, đơn vị trực thuộc trường; Hai là, tác phẩm được tạo ra chính từ công sức cũng như tư duy của cá nhân giảng viên, sinh viên. Như vậy, tùy thuộc vào cách thức, nguồn gốc tạo ra các tác phẩm mà theo quy định của Luật sẽ xác định tác giả và chủ sở hữu quyền tác giả là khác nhau cũng như lợi ích được hưởng từ sự tư duy sáng tạo đó.
Thứ nhất là tác giả, theo quy định tại Điều 6 Nghị định số 22/2018/NĐ-CP ngày 23/2/2018 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật SHTT năm 2005 và Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật SHTT năm 2009 (Nghị định số 22/2018/NĐ-CP) ghi nhận tác giả là người trực tiếp sáng tạo một phần hoặc toàn bộ tác phẩm văn học, nghệ thuật, khoa học. Vậy trong môi trường giáo dục hiện nay tác giả có thể là giảng viên, có thể là sinh viên hoặc cộng tác viên trong quá trình học tập, nghiên cứu có thể tạo ra các tác phẩm như giáo trình, sách, bài giảng, đề tài khoa học (dưới mọi hình thức: bản in, bản mềm, bản ghi hình, ghi âm hoặc các hình thức phái sinh khác). Điều này hiện nay trong các trường đại học hầu như đều thừa nhận tác giả như vậy.
Thứ hai là chủ sở hữu quyền tác giả, theo quy định tại Điều 36 Luật SHTT ghi nhận đối với chủ sở hữu quyền tác giả là người nắm giữ một phần hoặc toàn bộ quyền tài sản theo Điều 20 của Luật SHTT. Trong khi đó quyền tài sản là quyền trực tiếp được sử dụng, khai thác, định đoạt quyền tác giả trong khuôn khổ tài sản trí tuệ, đặc biệt là độc quyền sao chép và độc quyền ngăn cấm người khác sử dụng hoặc sao chép trái phép. Một số trường có cách xác định phần quyền tài sản giữa nhà trường và các tác giả là khác nhau, tùy vào từng quy chế của mỗi trường. Cụ thể như Trường Đại học Kinh tế thành phố Hồ Chí Minh ghi nhận “Đối với giảng viên sử dụng ngân sách của Trường hoặc nguồn ngân sách khác thông qua Trường và có thỏa thuận bằng văn bản với Trường rằng mọi đối tượng SHTT được sáng tạo ra từ quá trình sử dụng các nguồn ngân sách nêu trên đều thuộc sở hữu của Trường”3. Hay đối với ghi nhận của quy chế này còn đề cập đến các khóa luận, luận văn, luận án thuộc về người học. Người học cam kết chuyển nhượng không thu phí quyền công bố và khai thác tất cả các tác phẩm mà mình đã sáng tạo ra cho Trường để phục vụ mục đích nghiên cứu và giảng dạy trong phạm vi của Trường, nếu Trường có nhu cầu. Trong khi đó, tại Trường Đại học Nha Trang ghi nhận “Nếu tác giả sử dụng yếu tố thời gian làm việc hành chính để tạo ra tài sản trí tuệ (TSTT) thì được hưởng tối đa 90% quyền sở hữu; Nếu tác giả sử dụng yếu tố cơ sở vật chất của Trường để tạo ra TSTT thì được hưởng tối đa 60% quyền sở hữu; Nếu tác giả sử dụng các yếu tố kinh phí của Trường hoặc các nguồn kinh phí khác thông qua Trường để tạo ra TSTT thì được hưởng tối đa 40% quyền sở hữu”4.
Như vậy, mỗi trường sẽ xác định và phân chia quyền tài sản cho chủ sở hữu là khác nhau phù hợp với tình hình thực tế của mỗi trường. Và hầu như độc quyền sao chép (quyền tài sản) sẽ do nhà trường nắm giữ. Chính từ việc thực tế hiện nay nhiều người chưa hiểu rõ được vấn đề này nên dẫn đến cách suy nghĩ khi mình là tác giả thì đương nhiên sẽ là chủ sở hữu sẽ thực hiện các hành vi không phù hợp quy chế nhà trường cũng như quy định của pháp luật.

4. Xác định các hành vi xâm phạm phổ biến về quyền tác giả trong các cơ sở giáo dục đại học

4.1. Hành vi sao chép tác phẩm không đúng quy định

Theo quy định tại khoản 10 Điều 4 Luật Sở hữu trí tuệ thì sao chép là việc tạo ra một hoặc nhiều bản sao của tác phẩm hoặc bản ghi âm, ghi hình bằng bất kỳ phương tiện hay hình thức nào, bao gồm cả việc lưu trữ thường xuyên hoặc tạm thời tác phẩm dưới hình thức điện tử. Từ đó, sao chép là độc quyền của chủ sở hữu quyền tác giả, trừ trường hợp tự sao chép một bản nhằm mục đích nghiên cứu khoa học, giảng dạy của cá nhân và sao chép tác phẩm để lưu trữ trong thư viện với mục đích nghiên cứu thì hành vi sao chép tác phẩm mà không hỏi ý kiến chủ sở hữu quyền tác giả, bị coi là hành vi xâm phạm quyền tác giả theo Điều 28 Luật SHTT. Như vậy, theo quy định trên, sao chép tác phẩm để phục vụ mục đích học tập của sinh viên không thuộc trường hợp không phải xin phép, không phải trả tiền cho chủ sở hữu quyền tác giả. Bởi vì, theo quy định pháp luật thì“nghiên cứu khoa học là hoạt động khám phá, phát hiện, tìm hiểu bản chất, quy luật của sự vật, hiện tượng tự nhiên, xã hội và tư duy, sáng tạo giải pháp nhằm ứng dụng vào thực tiễn”5. Vì thế, việc sao chụp tác phẩm bằng các phương tiện như máy photocopy, máy scan, máy chụp ảnh... vẫn phải trả tiền nhuận bút, thù lao cho chủ sở hữu quyền tác giả, kể cả việc sao chép nhằm mục đích học tập.
Theo số liệu thống kê từ liên minh quốc tế về sở hữu trí tuệ, mức độ vi phạm về tác phẩm ngôn ngữ ở nước ta chiếm tới 85-90% và Việt Nam được xếp vào một trong những nước có mức vi phạm cao nhất thế giới6. Bên cạnh đó, số liệu khảo sát của Hiệp hội Quyền sao chép Việt Nam VIETPRO tại hơn 60 cơ sở giáo dục trên cả nước cũng cho thấy tình trạng xâm phạm quyền tác giả ngày càng gia tăng mà trong đó hành vi xâm phạm phổ biến nhất là sao in tác phẩm. Mức độ sao chụp có xu hướng gia tăng từ bậc trung cấp chuyên nghiệp, cao đẳng đến đại học. Theo quy định của Luật SHTT, các tổ chức hay cá nhân khi truyền đạt tác phẩm đến công chúng bằng phương tiện hữu tuyến, vô tuyến, mạng thông tin điện tử hoặc bất kỳ phương tiện kỹ thuật nào khác,… thì đều phải xin phép và trả tiền nhuận bút, thù lao, các quyền lợi vật chất khác cho chủ sở hữu quyền tác giả theo Điều 20 Luật SHTT. Thế nhưng, việc rao bán luận văn trên mạng này hoàn toàn không có sự xin phép hay trả tiền nhuận bút, thù lao. Cho nên, việc các website đăng và rao bán luận văn trên mạng có thể bị xử lý theo quy định. Cụ thể: “Hành vi truyền đạt tác phẩm đến công chúng bằng phương tiện hữu tuyến, vô tuyến, mạng thông tin điện tử hoặc bất kỳ phương tiện kỹ thuật nào mà không được phép của chủ sở hữu quyền tác giả sẽ bị phạt tiền từ 15 - 30 triệu đồng và buộc phải dỡ bỏ tác phẩm vi phạm”7.
Thực tế tại một số trường đã cố gắng để bảo vệ tốt nhất quyền tác giả đối với các thành quả sáng tạo của nhà trường như nghiêm cấm sinh viên sử dụng và phát hành các tài liệu học tập của nhà trường biên soạn, xuất bản, in ấn và phát hành như giáo trình, tập bài giảng, sách chuyên khảo,… với hình thức photocopy và in lậu. Nhà trường đã có những biện pháp xử lí nhằm răn đe các hành vi xâm phạm quyền tác giả. Cụ thể như vụ việc nữ sinh N.A tàng trữ và đưa vào trường trái phép 8 quyển giáo trình photo vi phạm bản quyền là điển hình cho hành vi xâm phạm quyền tác giả trong việc sao chép tác phẩm trong môi trường giáo dục. Trường Đại học Luật thành phố Hồ Chí Minh đã đình chỉ học một năm với nữ sinh sử dụng tài liệu photo từ giáo trình của Trường là đúng về Luật Giáo dục, Luật Sở hữu trí tuệ và quy chế riêng của Trường Đại học Luật thành phố Hồ Chí Minh8.

4.2. Hành vi trích dẫn không hợp lý và hành vi đạo văn

Ở Việt Nam, trích dẫn và đạo văn là một trong những vấn nạn xảy ra tại hầu hết các trường đại học. Hầu như, mỗi trường đại học đều có chính sách riêng về trích dẫn và đạo văn để ngăn chặn sinh viên xâm phạm quyền tác giả đối với luận văn và tài liệu học thuật. Tuy nhiên, việc trích dẫn trái phép và đạo văn vẫn còn tồn tại và có chiều hướng gia tăng trong học đường ở Việt Nam. Thực tế hiện nay, một số trường vẫn chưa có quy định cụ thể về trích dẫn và chống đạo văn. Quy định về trích dẫn và đạo văn chỉ được tìm thấy trong một số văn bản của trường, cụ thể tại Quyết định số 3054/QĐ-ĐHCT ngày 28/8/2015 của Hiệu trưởng Trường Đại học Cần Thơ là “những nội dung được trích dẫn trong tài liệu tham khảo để biên soạn giáo trình, tài liệu học tập phải có nguồn gốc và chú thích rõ ràng, đáp ứng đầy đủ các yêu cầu về quyền tác giả theo quy định hiện hành”. Bên cạnh đó, trích dẫn được xem là một trong những việc rất quan trọng khi thực hiện bài viết khoa học, báo cáo, nghiên cứu, luận văn nếu sử dụng thông tin của người khác mà không ghi rõ nguồn trích dẫn thì thông thường gọi là đạo văn. Như vậy, tại Trường Đại học Cần Thơ việc trích dẫn không ghi rõ nguồn thì thông thường sẽ được xem là đạo văn. Tuy nhiên, việc xác định hành vi đạo văn dựa theo quy định như trên là chưa đầy đủ, đòi hỏi nhà trường cần phải ban hành một văn bản riêng để điều chỉnh vấn đề về trích dẫn và đạo văn, quy định hình thức xử lí giúp ngăn chặn các hành vi xâm phạm một cách hiệu quả.
Để giải quyết vấn nạn này, một số trường đại học đã sử dụng phần mềm kiểm tra sự tương đồng. Theo đó, các bài báo, công trình nghiên cứu, giáo trình, luận văn... sẽ được đưa vào phần mềm này. Với dữ liệu toàn thế giới, phần mềm sẽ đọc và so sánh sự tương đồng của bài viết với các bài viết đã công bố chính thức trước đó trong nguồn dữ liệu, từ đó đưa ra kết quả tương đồng. Phần mềm cũng chỉ rõ phần tương đồng này đã được trích trong tài liệu nào. Tùy vào đặc thù của mình, mỗi trường sẽ quy định tỉ lệ phần trăm bao nhiêu thì bị xem là đạo văn. Bên cạnh đó, Trường Đại học Luật thành phố Hồ Chí Minh cũng có những hình thức để xử lí hành vi đạo văn. Theo đó, tùy vào hình thức và mức độ, hành vi đạo văn có thể bị xử lí bởi một trong những biện pháp như: Khiển trách; Trừ điểm từ 25% đến 50% đối với tác phẩm vi phạm; Đình chỉ có thời hạn việc bảo vệ, đánh giá, nghiệm thu tác phẩm từ 03 tháng đến 12 tháng; Không cho bảo vệ, nghiệm thu tác phẩm; Hủy bỏ kết quả bảo vệ khóa luận tốt nghiệp đối với luận văn, luận án, các công trình nghiên cứu khoa học9.
Như vậy, để ngăn chặn hành vi trích dẫn trái quy định và đạo văn đang diễn ra vô cùng phổ biến như hiện nay, bên cạnh việc áp dụng phần mềm kiểm tra đạo văn, Trường Đại học Cần Thơ cần phải xây dựng quy định cụ thể về việc trích dẫn và đạo văn của nhà trường. Từ đó, tạo cơ sở để bảo hộ quyền tác giả một cách chặt chẽ, chống lại các hành vi xâm phạm quyền tác giả.

5. Kết luận và kiến nghị

Trong xu thế của thời đại, khi mà việc phát triển mạng thông tin công nghệ 4.0 hiện nay, các cơ sở giáo dục đại học cần quan tâm nhiều hơn nữa trong công tác bảo hộ quyền tác giả, xem đây là nhiệm vụ chiến lược và công tác tổ chức thực hiện bảo vệ quyền tác giả tại nhà trường là nhiệm vụ trọng tâm. Có như thế, mới tạo điều kiện bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho các chủ thể quyền tác giả trong nhà trường một cách hiệu quả, đảm bảo hài hòa lợi ích của các chủ thể trong hoạt động đào tạo, nghiên cứu và học tập. Chính vì lẽ đó, tác giả kiến nghị: Thứ nhất, nhà trường cần xây dựng quy chế riêng về bảo hộ quyền tác giả cho cơ sở giáo dục của mình, tăng cường giao lưu học hỏi kinh nghiệm xây dựng quy chế từ các trường đại học khác; Thứ hai, nhà trường cần phát triển các biện pháp công nghệ để các chủ thể có thể tự bảo vệ quyền tác giả một cách hiệu quả; Thứ ba, quy định rõ việc phân bổ lợi ích giữa tác giả và chủ sở hữu trong hoạt động thương mại hóa các tác phẩm.

TÀI LIỆU TRÍCH DẪN:
1Khoản 1 Điều 4 Luật Giáo dục đại học năm 2012 (sửa đổi, bổ sung 2018)
2Điều 14 Luật Sở hữu trí tuệ năm 2005.
3Điều 4 Quy chế quản lý SHTT của Trường Đại học Kinh tế TP.HCM (Ban hành kèm theo Quyết định số 1396/QĐ-ĐHKT_QLKH ngày 11 tháng 5 năm 2015)
4Kèm theo Quyết định số 1677/QĐ-ĐHNT ngày 26/12/2011)
5Khoản 4 Điều 3 Luật Khoa học và Công nghệ năm 2013.
6Bùi Loan Thùy: “Hướng giải quyết vấn đề sao chép tài liệu trong thư viện để thực thi quyền tác giả và quyền liên quan ở Việt Nam”, Tạp chí Thư viện Việt Nam, Số 6 (2014): 8-13, trang 7.
7Điều 17 Nghị định số 131/2013/NĐ/CP ngày 16 tháng 10 năm 2013 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính về quyền tác giả, quyền liên quan.
8Lê Phương: “Quyết định đình chỉ học nữ sinh mang tài liệu photo vào trường gây nhiều tranh cãi”, Trang thông tin điện tử Báo Dân trí, https://dantri.com.vn/giao-duc-khuyen-hoc/quyet-dinh-dinh-chi-hoc-nu-sinh-mang-tai-lieu-photo-vao-truong-gay-nhieu-tranh-cai-20170214163225257.htm [truy cập 26-4-2019].
9Điều 7 Điều 6 Quy định về trích dẫn và chống đạo văn của Trường Đại học Luật Thành phố Hồ Chí Minh, ban hành kèm theo Quyết định số 250/QĐ-ĐHL ngày 03 tháng 3 năm 2015 của Hiệu trưởng Trường Đại học Luật TP. Hồ Chí Minh.

TÀI LIỆU THAM KHẢO:
1. Luật Giáo dục đại học năm 2012 (sửa đổi, bổ sung 2018)
2. Luật Sở hữu trí tuệ 2005 (sửa đổi, bổ sung 2009)
3. Nghị định số 22/2018/NĐ-CP ngày 23 tháng 2 năm 2018 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật SHTT năm 2005 và Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật SHTT năm 2009
4. Quyết định số 3054/QĐ-ĐHCT ngày 28 tháng 8 năm 2015 của Hiệu trưởng Trường Đại học Cần Thơ.
5. Quy chế quản lý SHTT của Trường Đại học Kinh tế TP.HCM (Ban hành kèm theo Quyết định số 1396/QĐ-ĐHKT_QLKH ngày 11 tháng 5 năm 2015)
6.Quy định sở hữu trí tuệ trong Đại học Quốc gia TP.HCM (Ban hành kèm theo Quyết định số 201/QĐ/ĐHQG-KHCN ngày 04/3/2019).

 

COPYRIGHT PROTECTION AT HIGHER EDUCATION INSTITUTIONS - SITUATION AT SOME UNIVERSITIES

LLM. NGUYEN THI NGOC TUYEN
Lecturer of School of Law - Can Tho University

ABSTRACT:
The copyright which arises for educational works is huge. This article is to in depth analyze laws and practices of copyright protection regulation at higher education institutions. Based on the analysis’s result, the article proposes effective copyright protection regulations, contributing to improve the effectiveness of the law and to make the law be in harmony with the interests and needs of the public.
Keywords: Copyright protection, intellectual property, higher education institutions, copying, citing.