Bảo hộ thương mại có đang thắng thế?

Mức độ kết nối của các chuỗi cung ứng toàn cầu, các công ty và khách hàng từ nhiều khu vực trên thế giới sẽ hạn chế tác động của căng thẳng chính trị đối với thương mại toàn cầu.

Nhật Bản, Trung Quốc và nhiều nước châu Á khác đã phát triển kinh tế nhanh chóng và cải thiện mức sống cho người dân bằng cách mở cửa nền kinh tế và trở thành những bộ phận không thể tách rời của hệ thống kinh tế thương mại toàn cầu.Quá trình hội nhập của họ được củng cố bởi các cam kết quốc tế, như trở thành thành viên của Tổ chức Thương mại Thế giới và tham gia các hiệp định thương mại song phương và đa phương.

Trao đổi thương mại tự do có vai trò quan trọng đối với việc cải thiện mức sống ở nhiều quốc gia; giúp nhiều nước nghèo có được cơ hội phát triển tốt hơn. Trong khi đó, tại các nước giàu, người tiêu dùng tiếp cận được nguồn hàng hóa phong phú hơn. Nhập khẩu hàng hóa nguyên vật liệu giá rẻcũng giúp giảm chi phí sản xuất và tăng tích lũy tư bản.

Tại sao bảo hộ thương mại trỗi dậy đến vậy?

Toàn cầu hóa đã thúc đẩy thương mại quốc tế phát triển nhanh chóng trong suốt vài thập trước khi xảy ra cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2007. Các nền kinh tế công nghiệp tiên tiến, dẫn đầu bởi Mỹ và Châu Âu, đã tạo ra và duy trì hệ thống thương mại vững mạnh trong quá khứ, nhưng trước vai trò ngày càng tăng của các nước châu Á, đặc biệt là cán cân thương mại thâm hụt với các nước này đã khiến họ có dấu hiệu quay lưng lại với toàn cầu hóa. Chủ nghĩa dân túy và tăng cường bảo hộ trên thực tế đã diễn ra tại cả châu Âu và Mỹ.

Thực vậy, mặc dù các lợi ích của tự do hóa thương mại không thể phủ nhận nhưng đôi khi những lợi ích này khó nhìn thấy hơn là chi phí. Những người phản đối cho rằng các lý thuyết đánh giá thấp tác động xã hội và kinh tế của thương mại tự do và lợi ích từ các thị trường xuất khẩu mới cho các công ty đa quốc gia phải đượcxem xét lại khi thực tế, các nước phát triển đang phải chứng kiến sự sụp đổ của các “thành trì” sản xuất đã từng vững mạnh trong quá khứ. Xu hướng tiêu dùng xanh, bảo vệ trái đất, bảo vệ sức khỏe người tiêu dùng khỏi hàng hóa tồn dư chất hóa học và kháng sinh không chỉ tạo lập lên những hàng rào kỹ thuật mà còn được các nhà hoạt động xã hội tại các nước phát triển đẩy lên thành hàng rào vô hình đối với hàng hóa nhập khẩu từ các nước đang phát triển.

Trong khi đó, ở các nước nghèo và đang phát triển, những người phản đối tự do hóa thương mại cho rằng công ăn việc làm được tạo ra không đủ bù đắp cho chi phí cơ hội bị mất, đặc biệt là nguồn tài nguyên, môi trường và sự bị động trong sản xuất.

Một số nhà địa chính trị thậm chí cho rằng các hiệp định thương mại tự do có thể cản trở các mục tiêu chính sách công khác - như chống biến đổi khí hậu hoặc bảo vệ người tiêu dùng - nếu họ mâu thuẫn với các quy định khác. Thương mại cũng có thể là một “công cụ” để gây dựng quyền lực cho một số quốc gia trong khi đe dọa tới an ninh của quốc gia khác. Khi vai trò dẫn đầu TPP của Mỹ không còn nữa, sự chú ý đang chuyển sang Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực(RCEP), nơi Trung Quốc có nhiều lợi thế để xây dựng tầm ảnh hưởng với các nước châu Á. Và đây có thể là nguồn cơn cho những lo lắng?

Bảo hộ thương mại có thực sự sẽ thắng thế?

Tuy nhiên, kết quả của cuộc bầu cử Tổng thống Pháp cho thấy một bộ phận của châu Âu vẫn ủng hộ tự do thương mại và hợp tác trên diện rộng. Những dấu hiệu khởi sắc của kinh tế cũng đang giúp các ngân hàng trung ương có tâm lý lạc quan hơn sau nhiều năm phải duy trì chính sách tiền tệ siêu lỏng để kích thích tăng trưởng.Tại Châu Âu, các nhà hoạch định chính sách tin tưởng rằng phục hồi kinh tế toàn cầu đang ngày càng hỗ trợ cho thương mại và xuất khẩu của khu vực đồng euro, làm cơ sở cho sự phát triển mạnh mẽ của lực lượng sản xuất trong nước.

Ngay cả tại Anh, nơi số người ủng hộ Brexit đã thắng thế, sự nuối tiếc thương mại tự do cũng có thể thấy rõ. Thống đốc Ngân hàng Canada Stephen Poloz, khi dự kiến tăng lãi suất,đã nhận định sự tăng trưởng đồng bộ của nhiều nền kinh tế là một dấu hiệu tích cực cho sự hồi phục của thương mại và kinh tế toàn cầu. Các nhà sản xuất Anh đang tận hưởng những gì mà Thống đốc NHTW Anh- Ben Broadbent gọi là "điểm ngọt ngào": họ vẫn có thể tiếp cận thị trường chung của Liên minh Châu Âu cho đến khi Brexit hoàn thành trong khi được hưởng lợi từ đồng bảng Anh giảm giá.

Tại Mỹ, Tập đoàn Ford Motor Cođã tuyên bố sẽ mở rộng lắp ráp xe tại Trung Quốc, bất chấp những cáo buộc nặng nề của Mỹ đối với các chính sách “trợ cấp” và “thao túng” tỷ giá của nước này và nỗ lực của Tổng thống Trump nhằm “lôi kéo” các công ty của Mỹ quay trở lại sản xuất trong nước. Điều này càng củng cố thêm khả năng của các công ty đa quốc gia trong việc phá vỡ các mối đe doạ từ bảo hộ thương mại đối với các chuỗi cung ứng toàn cầu. Mẫu xe đầu tiên được sản xuất tại Trung Quốc cho người Mỹ có thể sẽ giúp Trung Quốc trở thành quốc gia xuất khẩu ô tô lớn nhất của Châu Á đến Mỹ. Tập đoàn Tesla Inc cũng đang tiến tớithị trường đông dân nhất thế giới này. Nhà sản xuất ô tô điện này đã gần như đạt được thỏa thuận với thành phố Thượng Hải để sản xuất xe điện tại Trung Quốc, trong bối cảnh chính phủ Trung Quốc yêu cầu giảm dần các ngành sản xuất gây ô nhiễm môi trường.

G20 cần nỗ lực, hợp tác chống lại bảo hộ thương mại

Một báo cáo mới của Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) cho thấy các hạn chế thương mại trong G20 chỉ tăng ở mức vừa phải, mặc dù lo ngại về chủ nghĩa bảo hộ tăng lên. Mức độ kết nối giữa các chuỗi cung ứng toàn cầu, các công ty và khách hàng từ nhiều khu vực trên thế giới sẽ giảm thiểu tác động của căng thẳng chính trị đối với thương mại toàn cầu.

Trước đó, Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) đã cảnh báo các nhà lãnh đạo trước kỳ hội nghị thượng đỉnh G20 tại Hamburg (Đức) về nguy cơ tác động của các căng thẳng chính trị đối với thương mại quốc tế và sự phá vỡ hợp tác trong biến đổi khí hậu.Nền kinh tế toàn cầu đang tăng lên và trong ngắn hạn, tốc độ tăng trưởng thương mại dự kiến sẽ được cải thiện trong năm nay (đạt khoảng 2,4-2,5%).

Một khuôn khổ hợp tác kinh tế quốc tế đa phương là thành phần quan trọng của tăng trưởng bền vững, cân bằng và hội nhập. Việc theo đuổi những chính sách không tổng thể chỉ có thể kết thúc bằng cách làm tổn thương tất cả các quốc gia và lịch sử đã chứng minh điều đó.Nền kinh tế thế giới sẽ hoạt động tốt hơn khi các nhà hoạch định chính sách tham gia đối thoại thường xuyên và làm việc trong các cơ chế đã thống nhất để giải quyết sự bất đồng.

Bảo Lâm