Bảo vệ người tiêu dùng - Cần những cách tiếp cận mới

Thế giới đang trải qua đại dịch Covid-19 với nhiều biến động ảnh hưởng tới tâm lý và hành vi của người tiêu dùng. Công tác bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, vì thế cũng cần những cách tiếp cận mới, để đáp ứng yêu cầu của thực tế.

Bà Nguyễn Quỳnh Anh, Phó Cục trưởng Cục Cạnh tranh và Bảo vệ Người tiêu dùng (Bộ Công Thương) vừa có một số chia sẻ về vấn đề này tại Tọa đàm “Tiêu dùng an toàn trong thời kỳ bình thường mới” do Tạp chí Công Thương tổ chức. Trân trọng giới thiệu cùng bạn đọc.

quynh anh
Bà Nguyễn Quỳnh Anh, Phó Cục trưởng Cục Cạnh tranh và Bảo vệ Người tiêu dùng (Bộ Công Thương)

PV: Xin bà cho biết, hiện nay chúng ta đang sử dụng những công cụ gì để bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng?

Bà Nguyễn Quỳnh Anh: Những năm qua công tác bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng được Đảng và nhà nước hết sức quan tâm.

Trước hết là chúng ta đã có hành lang pháp lý với nhiều công cụ pháp lý hết sức đa dạng. Đầu tiên là Chỉ thị số 30/2019 của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng và trách nhiệm quản lý nhà nước đối với công tác bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng. Ngay tiếp theo từ năm 2020 đã có Nghị quyết số 82 của Chính phủ ban hành chương trình hành động để thực hiện Chỉ thị 30. Bên cạnh đó, chúng ta có Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng năm 2010 hiện nay đang trong quá trình sửa đổi.

Theo đó, Luật bảo vệ người tiêu dùng sửa đổi sẽ bổ sung để thống nhất với các cái quy định của các cái luật khác hiện đang hiện hành và tương thích với các điều ước quốc tế mà Việt Nam tham gia. Ví dụ như trong luật mới này dự kiến sẽ bổ sung những quy định về sản xuất - kinh doanh tiêu dùng bền vững, những điều liên quan đến bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng dễ bị tổn thương như người già, trẻ em, những người dân vùng cao… là những đối tượng rất cần phải có những quy định để bảo vệ quyền lợi của họ. Một điểm nữa là cũng cần phải có những quy định về bảo vệ người tiêu dùng trong những giao dịch từ xa như giao dịch qua mạng.

Ngoài ra thì mỗi bộ, ban, ngành và các địa phương đều ban hành những chương trình hành động của mình trong công tác bảo vệ người tiêu dùng.

Công cụ thứ hai mà chúng tôi nghĩ rằng có thể thực thi công tác bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng đó là có một tổng đài tư vấn miễn phí đang hoạt động ở tại Bộ Công Thương là tổng đài 18006838. Ở các địa phương hiện nay cũng đang triển khai tổng đài này. Chỉ riêng năm 2021, chúng tôi đã nhận được 13.000 cuộc gọi và gần như tất cả những cuộc gọi của người tiêu dùng đều được tư vấn một cách nhiệt tình, cụ thể và có giải pháp cho người tiêu dùng.

Thứ ba, chúng tôi cho rằng người tiêu dùng cần được hưởng quyền tiếp nhận thông tin và cơ quan quản lý nhà nước phải cung cấp cho người tiêu dùng thông tin cần thiết. Nếu như trước đây chúng ta sử dụng hình thức cung cấp thông tin là những bản in phát đi khắp nơi, thì giờ tất cả những văn bản cần thiết  được đưa lên website  của Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng hay các website của các Sở Công Thương hoặc Hội bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng các địa phương.

Đấy là những bộ công cụ mà theo chúng tôi là tương đối hữu hiệu cho đến thời điểm này để người tiêu dùng có thể tận dụng để tự bảo vệ mình.

PV: Thế giới đang trải qua đại dịch Covid-19 với nhiều biến động ảnh hưởng tới tâm lý và hành vi của người tiêu dùng, điều này tác động thế nào tới công tác bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng?

Bà Nguyễn Quỳnh Anh: Đại dịch Covid-19 đã gây ảnh hưởng rất lớn đến tình hình kinh tế - xã hội mà đặc biệt là đối với thói quen tiêu dùng. Những thói quen tiêu dùng trước đây như giao dịch trực tiếp thì bây giờ đã chuyển thành những giao dịch qua mạng. Do đó, công tác bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng cũng phải có những hình thức thích ứng với xu hướng này.

Để đáp ứng việc hỗ trợ cho người tiêu dùng, ngoài thông qua tổng đài hỗ trợ từ xa, Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng đã có những hoạt động đào tạo cho cán bộ về bảo vệ người tiêu dùng ở tại địa phương, bởi vì một mình cấp ở trung ương thì sẽ không thể giải quyết hết được, người tiêu dùng sẽ cần đến sự hỗ trợ gần nhất.

Về phía các doanh nghiệp, ngoài việc phải có trách nhiệm cung cấp thông tin về hàng hóa, cung cấp những chứng cứ về giao dịch, bảo hành hàng hóa hay thu hồi sản phẩm khuyết tật và chịu trách nhiệm với những hậu quả do việc thu hồi hàng hóa khuyết tật gây ra. Còn một quyền lợi nữa mà thường ít khi để ý đến, đó là hãy sử dụng các cơ quan quản lý nhà nước để được tư vấn về xây dựng lại quy trình sản xuất hay quy trình về xử lý những khiếu nại của người tiêu dùng. Đó  cũng là một cách để góp phần tạo nên thương hiệu của doanh nghiệp, góp phần vào sự phát triển của doanh nghiệp .

Như vậy có thể nói, đại dịch Covid-19 như là một đòn bẩy để mọi người cùng thay đổi; từ người tiêu dùng tới doanh nghiệp và cơ quan quản lý nhà nước.

PV: Chủ đề của Ngày Quyền của người tiêu dùng Việt Nam năm nay là tiêu chí tiêu dùng an toàn trong thời kỳ bình thường mới. Vậy chúng ta mong muốn doanh nghiệp và người tiêu dùng cần thay đổi ý thức và hành động như thế nào trong sản xuất cũng như trong tiêu dùng?

Bà Nguyễn Quỳnh Anh: Năm nay chúng tôi lựa chọn chủ đề là “An toàn tiêu dùng an toàn trong thời kỳ bình thường mới” và thông điệp cũng khá là ngắn gọn để cho chúng ta dễ nhớ là thông điệp 3A: An toàn trong lựa chọn; an toàn trong thanh toán và an toàn trong sử dụng, để từ đó người tiêu dùng có thể biết là họ được có những cái quyền gì, bởi vì chúng tôi hiểu rằng không ai bảo vệ mình hơn chính bản thân mình.

Thông điệp này bám sát với quy trình mua sắm hàng hóa và giao dịch của người tiêu dùng. An toàn trong lựa chọn tức là người tiêu dùng thông qua lựa chọn của mình cũng gây tác động để doanh nghiệp phải thay đổi.

An toàn trong thanh toán là người tiêu dùng giao dịch an toàn, đặc biệt là các giao dịch trên mạng.

An toàn trong sử dụng là người tiêu dùng biết cách sử dụng sản phẩm an toàn và biết cách yêu cầu các doanh nghiệp phải bảo đảm chất lượng sản phẩm, có bảo hành hoặc thu hồi nếu trong trường hợp  có sự cố xảy ra.

MC: Vâng, xin cảm ơn bà.

 

vo tri thanh

TS. Võ Trí Thành, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phát triển thương hiệu và Cạnh tranh

 Ý thức của doanh nghiệp và người tiêu dùng là điều quan trọng nhất

Đối với việc thực thi pháp luật của nhà nước chúng ta đã nỗ lực rất nhiều. Nhưng luật có giỏi bao nhiêu thì cũng không xử lý được hết các phát sinh trong đời sống thực tiễn. Cho nên bên cạnh việc xử lý các hành vi tiêu cực, chúng ta nên quan tâm hơn nữa đến việc thúc đẩy những nhân tố tích cực, để sự tích cực lấn át tiêu cực. Đấy là cách mà chúng ta cần phải quan tâm hơn kể cả về luật pháp, cách thức truyền thông cả việc thực thi của cơ quan Nhà nước.

Cuối cùng tôi nhấn mạnh lại là cuộc sống phát triển không ngừng; công nghệ thay đổi rất nhiều.Luật có các định hướng, nhưng không bao giờ có thể bắt nhịp và đầy đủ với thực tiễn cuộc sống, cho nên ở đây ý thức của doanh nghiệp và người tiêu dùng mới là điều quan trọng nhất.

 

nguyen quang huy

Ông Nguyễn Quang Huy, Phó Vụ trưởng Vụ Tổng hợp - Kế hoạch - Tài chính, Tổng cục Quản lý thị trường (Bộ Công Thương)

Vi phạm trong lĩnh vực thương mại điện tử rất tinh vi

Riêng trong năm 2021 thì lực lượng quản lý trường đã kiểm tra trên 25.000 vụ, đã xử lý trên 23.000 vụ việc liên quan đến vi phạm trong lĩnh vực thương mại điện tử, đã xử phạt vi phạm hành chính trên 18 tỷ đồng.

Các đối tượng chủ yếu tập trung vào những mặt hàng có giá trị lớn, mặt hàng sản xuất tại nước ngoài, thông qua những kênh bán hàng như facebook... để giao dịch. Thường các đối tượng rất tinh vi trong việc xóa dấu vết, gây ảnh hưởng đến quá trình điều tra xác minh của lực lượng chức năng. Chính vì thế rất cần có sự phối hợp của người tiêu dùng , doanh nghiệp và các đơn vị khác mới có thể xử lý đúng đối tượng và xử lý đúng hành vi.

Thực hiện chỉ đạo của Bộ Công Thương, Tổng cục Quản lý thị trường đang  xây dựng đề án về kiểm tra xử lý đối với các vi phạm trong lĩnh vực thương mại điện tử , sẽ ban hành trong năm 2022 .Chúng tôi tin tưởng rằng là trong thời gian tới thì cái hiệu quả của công tác này sẽ được nâng lên.

Việt Hằng