TÓM TẮT:

Trong thời đại công nghệ hiện nay, người tiêu dùng đang dần chuyển đổi thói quen thanh toán của mình. Bên cạnh việc rút tiền từ các máy rút tiền tự động để mua sắm hàng hóa, dịch vụ,người tiêu dùng đã bắt đầu chuyển sang chi trả tiền mua sắm bằng thẻ ngân hàng (ATM). Tuy nhiên, điều này lại phát sinh những vấn đề làm cho quyền lợi người tiêu dùng (NTD) không được đảm bảo. Bài viết tập trung phân tích thực trạng xâm phạm quyền lợi của NTD khi sử dụng thẻ ATM, từ đó tác giả kiến nghị các giải pháp phù hợp.

Từ khóa: Bảo vệ, người tiêu dùng, thẻ ngân hàng, ATM, ngân hàng.

1. Khái niệm thẻ ngân hàng - ATM theo quy định của pháp luật Việt Nam

Thẻ ngân hàng - Thẻ ATM là một loại thẻ theo chuẩn ISO 7810, dùng để thực hiện các giao dịch từ máy rút tiền tự động (ATM), như: kiểm tra tài khoản, rút tiền hoặc chuyển khoản, thanh toán hóa đơn, mua thẻ điện thoại.... Loại thẻ này cũng được chấp nhận như một phương thức thanh toán không dùng tiền mặt tại các điểm thanh toán có chấp nhận thẻ.

Theo Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, thẻ ngân hàng (thường được gọi tắt là “thẻ”) là phương tiện do tổ chức phát hành thẻ phát hành để thực hiện giao dịch thẻ theo các điều kiện và điều khoản được các bên thỏa thuận. Các tổ chức phát hành thẻ hiện nay bao gồm các ngân hàng thương mại, chi nhánh ngân hàng nước ngoài tại Việt Nam và một số công ty tài chính. Thẻ ngân hàng thường được phân loại theo 2 cách:

- Phân loại theo phạm vi lãnh thổ sử dụng thẻ, gồm có: thẻ nội địa và thẻ quốc tế.

- Phân loại theo nguồn tài chính đảm bảo cho việc sử dụng thẻ, gồm có: thẻ ghi nợ, thẻ tín dụng, thẻ trả trước.

Như vậy, trong phạm vi bài viết này, thẻ ngân hàng (sau đây gọi là ATM) được hiểu là thẻ ghi nợ, thẻ tín dụng, thẻ trả trước. Theo quy định tại Khoản 2,3,4 - Điều 3, Thông tư số 19/2016/TT-NHNN ngày 30 tháng 6 năm 2016 của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước quy định về hoạt động thẻ ngân hàng, các loại thẻ được định nghĩa như sau:

  “1. Thẻ ghi nợ (debit card) là thẻ cho phép chủ thẻ thực hiện giao dịch thẻ trong phạm vi số tiền và hạn mức thấu chi (nếu có) trên tài khoản thanh toán của chủ thẻ mở tại tổ chức phát hành thẻ.

  1. Thẻ tín dụng (credit card) là thẻ cho phép chủ thẻ thực hiện giao dịch thẻ trong phạm vi hạn mức tín dụng đã được cấp theo thỏa thuận với tổ chức phát hành thẻ.
  2. Thẻ trả trước (prepaid card) là thẻ cho phép chủ thẻ thực hiện giao dịch thẻ trong phạm vi giá trị tiền được nạp vào thẻ tương ứng với số tiền đã trả trước cho tổ chức phát hành thẻ”.

Với việc định nghĩa rõ ràng và phân loại chi tiết như trên, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã tránh cho người tiêu dùng có những nhận thức thiếu sót về thẻ ngân hàng khi lâu nay nhiều người vẫn quan niệm rằng chỉ thẻ tín dụng mới được xem là ATM.

2. Thực trạng bảo đảm quyền lợi người tiêu dùng khi sử dụng thẻ ngân hàng tại Việt Nam

Thứ nhất, vấn đề ký vào hợp đồng soạn sẵn.

Để thủ tục mở thẻ được tiến hành một cách nhanh chóng, tiện lợi, hầu hết các tổ chức phát hành thẻ đều sử dụng một mẫu hợp đồng được soạn sẵn cho tất cả các khách hàng với nội dung sử dụng được quy định như nhau. Tuy nhiên, vấn đề đặt ra ở đây chính là quyền của người tiêu dùng khi mở thẻ ATM có được đảm bảo không khi mà họ chỉ cần đặt bút ký vào mẫu hợp đồng soạn sẵn đó? Chúng ta có thể phân tích một vài vấn đề tồn tại thông qua hợp đồng của Viet Capital Bank[1] như sau:

Một là, quy định về phí: thông thường nội dung hợp đồng sử dụng thẻ đều quy định rằng “Chủ thẻ đồng ý vô điều kiện và không hủy ngang, chịu các khoản phí theo quy định của ngân hàng”. Điều này có nghĩa, người tiêu dùng phải đồng ý với tất cả các khoản phí mà ngân hàng quy định để duy trì việc sử dụng thẻ mà không hề có bất kì quyền sửa đổi hay từ chối sử dụng nào. Trong khi đó, biểu phí áp dụng cho thẻ của ngân hàng lại được thay đổi qua từng thời kỳ tương ứng với hoạt động kinh doanh dẫn đến các quy định về phí cũng theo đó mà thay đổi. Nếu người tiêu dùng không có những cập nhật kịp thời về biểu phí thì xem như mặc nhiên cho là đã đồng ý với biểu phí vừa được thay đổi đó.

Hai là, vấn đề về quyền và nghĩa vụ của hai bên: khi nghiên cứu kĩ phần nội dung này trong các hợp đồng soạn sẵn, chúng ta sẽ dễ dàng nhận ra có sự bất bình đẳng đáng kể về quyền và nghĩa vụ giữa chủ thẻ và ngân hàng. Hầu hết các nội dung đều có thiên hướng áp đặt nghĩa vụ của chủ thẻ, buộc họ phải gánh vác hầu hết các trách nhiệm khi có sự cố xảy ra nếu không thông báo trong thời hạn nhất định. Về phía ngân hàng, mọi nghĩa vụ được quy định trong hợp đồng chỉ được ngắn gọn trong nội dung về “Ngân hàng có trách nhiệm giải quyết các khiếu nại, thắc mắc từ phía Chủ thẻ khi có các lỗi phát sinh từ phía Ngân hàng”. Các nội dung về chịu trách nhiệm giải quyết rủi ro, bồi thường tài sản thiệt hại hay quy trình điều tra sự cố đều không được đề cập hoặc chỉ quy định một cách mơ hồ.

Thứ hai, về phí sử dụng dịch vụ thẻ ngân hàng.

Hiện nay, chi phí sử dụng dịch vụ ATM được xem là vấn đề nhức nhối nhất khi mà thực tế chỉ ra với mỗi chiếc thẻ ATM được sử dụng, người tiêu dùng phải chi trả đến hàng chục loại phí. Ngoài 6 loại phí cơ bản, như: rút tiền, chuyển tiền, phát hành thẻ, phí thường niên, truy vấn số dư, in sao kê thì lại xuất hiện thêm nhiều loại phí lạ và cao, chẳng hạn như: phí phát hành lại, phí cấp lại pin, phí đòi bồi hoàn, phí rà soát khiếu nại, phí duy trì thẻ hay thậm chí là phí không giao dịch, phí báo mất thẻ… Có thể kể đến như Ngân hàng Agribank đang thu khoảng 25 loại phí giao dịch trên một thẻ ATM tùy theo giao dịch trong hay ngoài hệ thống ngân hàng; BIDV đang thu 20 loại phí trên chiếc thẻ tín dụng quốc tế, 16 loại phí trên thẻ ghi nợ quốc tế…[2]  Thông tư số 35/2012/TT-NHNN quy định về phí ghi nợ thẻ nội địa tuy đã có quy định về khoảng giới hạn phí sử dụng thẻ, nhưng khoảng giới hạn này lại có biên độ chênh lệch lớn, dẫn đến mỗi ngân hàng tính toán chi phí hoạt động khác nhau so với mặt bằng lãi suất thẻ tín dụng phổ biến (ở mức 30 - 40%/năm). Với số lượng phí quá nhiều và cách thức tính phí hoàn toàn khác nhau, câu hỏi được đặt ra ở đây đó là quyền lợi của người sử dụng thẻ liệu có được đảm bảo??

Bên cạnh đó, theo Thông tư số 35/2012/TT-NHNN quy định về phí ghi nợ thẻ nội địa, ngoài những khoản phí cơ bản kể trên,còn có thêm quy định: “Phí dịch vụ thẻ khác, theo biểu phí dịch vụ của các tổ chức phát thẻ”. Có thể dễ dàng nhận ra, đây là một quy định theo hướng mở mang tính dự liệu. Tuy nhiên, theo tình hình thực tiễn hiện nay, việc quy định như vậy là quá mở và ưu ái đối với các tổ chức phát hành thẻ. Chính điều này đã dẫn đến sự tùy tiện trong việc đưa ra các loại phí dịch vụ liên quan đến sử dụng thẻ, gây phương hại lớn đến quyền lợi của người tiêu dùng.

Thứ ba, vấn đề lãi suất khi sử dụng thẻ ghi nợ (thẻ thấu chi).

Như đã đề cập, khi chủ thẻ thực hiện một giao dịch bằng thẻ ghi nợ, số tiền chủ thẻ chi trả bằng thẻ này chính là số tiền mà chủ thẻ đã vay TCTD. Tuy nhiên, có 2 vấn đề đang tồn tại khi sử dụng loại thẻ này:

Một là, mức lãi suất cho vay đối với thẻ ghi nợ quá cao.

Theo Thông tư số 39/2016/TT-NHNN quy định về hoạt động cho vay của TCTD và chi nhánh ngân hàng nước ngoài đối với khách hàng (Thông tư 39) cũng như Thông tư số 43/2016/TT-NHNN quy định cho vay tiêu dùng của công ty tài chính (Thông tư 43), cụ thể về mức lãi suất cho vay theo quy định của pháp luật giao động từ 10 -12%/ năm và lãi suất chậm trả không được vượt quá 150% lãi suất cho vay trong hạn. Tuy nhiên, trên thực tế, các chủ thẻ ghi nợ đã phải trả mức lãi suất cao hơn rất nhiều so với quy định. Ví dụ như Anh Hiếu, chủ thẻ Visa debit của Techcombank, bị ngân hàng trừ 85.000 đồng khi anh rút 1 triệu đồng tại máy rút tiền của Sacombank. Nhân viên Techcombank giải thích là khi rút tiền ngoài mạng, chủ thẻ phải trả 4% phí (tối thiểu là 50.000 đồng), trường hợp anh Hiếu phải trả thêm 5.000 đồng tiền thuế của 50.000 đồng phí tối thiểu một lần rút và 30.000 đồng phí do Sacombank thu.[3] Theo cách tính này thì lãi suất người tiêu dùng phải trả quá cao so với mức đáng lẽ họ phải trả.

Hai là, người tiêu dùng không được biết những thông tin khi sử dụng thẻ ghi nợ.

Điều 8.2, Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng 2010 quy định quyền của người tiêu dùng: “Một trong những quyền lợi của người tiêu dùng là được biết mọi thông tin về các giao dịch của mình”. Tuy nhiên, trên thực tế, quyền này của người tiêu dùng không được bảo đảm. Qua khảo sát ở hầu hết cổng thông tin điện tử của các ngân hàng thương mại đều không quy định mức lãi suất cụ thể mà người tiêu dùng phải trả khi sử dụng thẻ ghi nợ. Các ngân hàng chỉ quy định rất chung chung:“Mức lãi suất thẻ thấu chi: theo lãi suất quy định hiện hành của ngân hàng (ABBANK)”.[4] Rõ ràng, người tiêu dùng cần phải biết mọi thông tin để đưa ra quyết định của bản thân khi lựa chọn các dịch vụ của ngân hàng, dịch vụ sử dụng thẻ ngân hàng nói chung và thẻ ghi nợ nói riêng. Đã đến lúc, các ngân hàng cần phải công bố mọi thông tin liên quan đến các dịch vụ mà khách hàng lựa chọn, để bảo đảm quyền lợi của người tiêu dùng.

3. Kiến nghị bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng sử dụng dịch vụ thẻ ngân hàng

Thứ nhất, vấn đề hợp đồng soạn sẵn.

Để có thể giải quyết vấn đề này, cần phải triển khai những giải pháp hiệu quả, tác động về cả phía chủ thẻ và ngân hàng.

Về phía khách hàng, phương pháp cần thiết và mang lại hiệu quả khả quan nhất, trong giai đoạn hiện nay, chính là nâng cao nhận thức người tiêu dùng. Theo Nghị quyết số 39/248 của Đại Hội Đồng Liên hợp quốc về Các Nguyên tắc chỉ đạo về Bảo vệ Người tiêu dùng được thông qua vào ngày 9 tháng 4 năm 1985, người tiêu dùng ở các quốc gia phát triển và đang phát triển trên thế giới được tôn trọng và đảm bảo các quyền lợi và nhu cầu của mình, và một trong những phương thức để phát huy là thông qua Quyền được giáo dục tiêu dùng. Theo đó, Quyền được giáo dục tiêu dùng có nghĩa là quyền có được các kiến thức và thông tin cần thiết để có thể là một người tiêu dùng có hiểu biết.[5] Chính sự tuyên truyền, nâng cao hiểu biết của chính quyền và các tổ chức xã hội sẽ giúp người tiêu dùng nhận thức rõ ràng về quyền lợi của mình, qua đó có thể đưa ra những quyết định sáng suốt trong quá trình sử dụng dịch vụ. Chính vì vậy, việc tăng cường tổ chức các buổi hội thảo về quyền lợi người tiêu dùng, các buổi tọa đàm, chia sẻ kinh nghiệm là vô cùng cần thiết. Bên cạnh đó, việc xây dựng các chương trình hành động cụ thể ở từng địa phương như tổ chức các buổi hướng dẫn thủ tục, tuyên truyền các rủi ro về hợp đồng… sẽ giúp người tiêu dùng có những quyết định tỉnh táo, chính xác trước khi sử dụng bất kì loại hình dịch vụ nào.

Về phía các tổ chức phát hành thẻ, việc yêu cầu điều chỉnh các nội dung trong hợp đồng sử dụng thẻ là hết sức cần thiết, hướng đến việc cân bằng và đảm bảo quyền lợi các bên.

Theo kinh nghiệm ở các nước thuộc Liên minh Châu Âu - EU, Hợp đồng theo mẫu được coi là bất bình đẳng, toàn bộ hay một phần, nếu trái với yêu cầu chung về tinh thần hợp tác, hợp đồng gây ra sự bất bình đẳng lớn đối với quyền lợi và nghĩa vụ của các bên, hợp đồng gây tổn hại cho người tiêu dùng. Hợp đồng theo mẫu là hợp đồng do người bán áp đặt đối với người mua mà không có khả năng đàm phán thảo luận và/hoặc sửa đổi các điều khoản hợp đồng[6]. Do đó, ở các quốc gia thuộc Liên minh châu Âu - EU, Hiệp hội người tiêu dùng được trao quyền rất lớn, có nhiệm vụ rà soát tất cả các điều khoản bất bình đẳng trong tất cả các lĩnh vực, bao gồm cả ngân hàng và viễn thông. Với mỗi trường hợp phát hiện vi phạm, Hiệp hội người tiêu dùng được quyền đệ trình lên Tòa án có thẩm quyền các đơn kiện liên quan đến bản hợp đồng soạn sẵn, có quyền yêu cầu xóa bỏ các điều kiện bất bình đẳng trong hợp đồng đó và thực hiện mọi hành động được cho là cần thiết để bảo vệ người tiêu dùng.

Xét tình hình thực tiễn ở Việt Nam, có thể thấy hoạt động của Hội Khoa học kỹ thuật về tiêu chuẩn hóa chất lượng và Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng Việt Nam (Vietnam Standard and Consumers Association - VINASTAS) chưa thật sự hiệu quả và phát huy tác dụng. Những hành động đấu tranh cương quyết để đảm bảo quyền lợi của người tiêu dùng hầu như chưa có, mới chỉ dừng lại ở mức độ khiếu nại, phản ánh. Do đó, thông qua kinh nghiệm từ các nước EU, có thể nhận thấy việc phát triển và nâng cao tầm ảnh hưởng của VINASTAS là vô cùng cần thiết. Không những vậy, việc sử dụng quyền lực Nhà nước tác động lên các tổ chức phát hành thẻ, buộc họ thay đổi nội dung hợp đồng soạn sẵn là khá khó khăn nếu so sánh với việc sử dụng sức ép từ cộng đồng người tiêu dùng, buộc các ngân hàng phải tự ý thức và định hướng lại các điều khoản sử dụng thẻ.

Thứ hai, vấn đề phí sử dụng dịch vụ.

Đối với vấn đề tín dụng/ thẻ ghi nợ, EU luôn nhắc nhở người tiêu dùng phải “kiểm tra chính sách của tổ chức phát hành thẻ trước khi sử dụng thẻ tín dụng hay thẻ ghi nợ. Những chính sách này giữa các tổ chức khác nhau có thể khác nhau và một số ngân hàng hay TCTD có nhiều ưu đãi hơn”[7]. Nếu có đơn khiếu nại từ người tiêu dùng và Hiệp hội người tiêu dùng, EU sẽ bắt đầu điều tra trên cơ sở Luật Cạnh tranh nhằm xác minh liệu phí dịch vụ mà một số ngân hàng ở các nước thành viên EU thu từ người tiêu dùng có hợp lí hay không, hay thực ra là “hành vi kinh doanh không lành mạnh”?. Khi cuộc điều tra kết thúc, Ủy ban Liên minh châu Âu sẽ thông qua một quyết định nghiêm cấm các ngân hàng tự do quy định các loại khoản phí dịch vụ khác. Kết quả là, mức phí trung bình của các ngân hàng EU được hạ thấp đáng kể.

Liên hệ thực tiễn ở Việt Nam, tương tự như EU, để có thể hạn chế sự tăng lên tùy tiện của các loại phí sử dụng thẻ, phương pháp hiệu quả và duy nhất chính là sự vào cuộc mạnh mẽ của các cơ quan có thẩm quyền. Chỉ có như vậy mới có thể đưa ra được một biểu phí vừa đảm bảo tính linh hoạt, phù hợp với quy luật thị trường, vừa đảm bảo các quyền lợi và nhu cầu cho người tiêu dùng Việt Nam. Song song đó, việc yêu cầu các tổ chức phát hành thẻ loại bỏ các khoản phí vô lí cũng như quy định quy trình điều tra các hình vi vi phạm và các hình thức xử phạt phù hợp không thể đến từ các tổ chức xã hội mà chỉ có thể do các cơ quan nhà nước có thẩm quyền thi hành và đảm bảo việc thực hiện.

Thứ ba, vấn đề lãi suất của thẻ ghi nợ (thẻ thấu chi).

Như đã phân tích ở trên, mức lãi suất cho vay đối với thẻ ghi nợ là khá cao. Để bảo đảm quyền lợi của người tiêu dùng, tác giả đưa ra hai kiến nghị, cụ thể:

Một là, Ngân hàng Nhà nước cần ban hành Thông tư quy định cụ thể trần lãi suất đối với thẻ ghi nợ.

Theo đó, cần quy định mức lãi suất cho vay đối với thẻ ghi nợ không được vượt quá mức lãi suất cho vay mà Ngân hàng Nhà nước đã quy định - chỉ nên giao động từ 12-15%/năm. Xét về mặt an toàn tín dụng, điều này hoàn toàn hợp lý. Tương tự hình thức như cho vay tín chấp, TCTD đã nắm đầy đủ các thông tin của khách hàng, bao gồm: Họ và tên, ngày tháng năm sinh, số chứng minh thư nhân dân, địa chỉ thường trú,… Thêm vào đó, để giảm thiểu rủi ro, TCTD có thể quy định hạn mức cho thẻ thấu chi. Kết hợp hai yếu tố đó, chắc chắn sẽ bảo đảm hài hòa quyền lợi của người tiêu dùng và lợi ích của TCTD.

Hai là, cần cung cấp đầy đủ thông tin về dịch vụ thẻ ghi nợ cho khách hàng khi sử dụng.

Tham khảo Đạo luật số 145/2010 về tín dụng tiêu dùng của Cộng hòa Séc, có thể thấy rằng, để đánh giá khả năng sinh lời của khoản vay được tính chủ yếu là tỷ lệ phần trăm hàng năm (RPSN). Khi tính RPSN sẽ đưa vào tài khoản không chỉ số tiền nợ và lãi suất, mà còn có các khoản thu phí khác mà người tiêu dùng phải trả liên quan đến các khoản vay (ví dụ: phí liên quan đến hợp đồng, phí duy trì tài khoản, bảo hiểm...). Vậy nên, RPSN thường sẽ cao hơn lãi suất. Theo kinh nghiệm này, Ngân hàng Nhà nước cần ban hành Thông tư quy định về việc công bố thông tin tín dụng về lĩnh vực dịch vụ thẻ ngân hàng nói chung và thẻ ghi nợ nói riêng. Cụ thể, cần quy định chi tiết trong hợp đồng bao gồm: tổng số tiền, thời gian và điều kiện phát hành thẻ ghi nợ, việc quản lý rút vốn, RPSN (bao gồm tất cả chi phí liên quan đến dịch vụ thẻ ghi nợ), lãi suất vay vốn, số lượng và các đợt trả dần, thông tin về quyền rút khỏi hợp đồng và quyền trả nợ trước hạn (bao gồm cả thông tin về việc làm thế nào để chấm dứt hợp đồng). Người tiêu dùng có quyền nhận được tất cả các thông tin - bằng văn bản hoặc trên một phương tiện lưu trữ thông tin, và có thể hiểu một cách thấu đáo các thông tin đó. Không những vậy, khi cần thiết họ có thể tham khảo ý kiến với một người khác hoặc so sánh với bất kỳ phụ phí khác trước khi quyết định ký kết hợp đồng. Sau khi rút khỏi hợp đồng, người tiêu dùng có nghĩa vụ phải hoàn trả lại số nợ một cách không chậm trễ và không quá 30 ngày, kể từ ngày gửi đơn rút khỏi hợp đồng. Hoàn lại số tiền vay cộng với lãi mà chủ nợ được hưởng nếu không rút khỏi hợp đồng, trong thời gian tính từ ngày bắt đầu được vay cho đến ngày số tiền nợ được hoàn trả.[8]

4. Kết luận

Thẻ ngân hàng - ATM ngày càng được sử dụng rộng rãi và có xu hướng thay thế thói quen dùng tiền mặt ở Việt Nam. Điều này hoàn toàn phù hợp với thông lệ quốc tế và xu thế hội nhập kinh tế quốc tế. Mặc dù vậy, qua việc phân tích thực trạng sử dụng thẻ ngân hàng, có thể thấy rằng quyền lợi của người tiêu dùng chưa được đảm bảo và cân bằng với ngân hàng khi sử dụng dịch vụ. Bài viết đề xuất một vài kiến nghị nhằm nâng cao hiệu quả để bảo đảm quyền lợi người tiêu dùng, hy vọng sẽ góp phần hỗ trợ người tiêu dùng hiểu rõ hơn về các rủi ro có thể gặp phải khi ký vào hợp đồng mở thẻ.

TÀI LIỆU TRÍCH DẪN:

[1] Viet Capital Bank, “Điều khoản và điều kiện sử dụng thẻ ghi nợ nội địa”, https://www.vietcapitalbank.com.vn/documents/10176/37523/

Dieu+khoan+&+Dieu+Kien_Viet+Capital+E-Plus.pdf/208726d1-d46c-4c7b-ae77-a2c5c2bee34c

[2] Hồng Sương - Thanh Xuân (2017), “Chủ thẻ gánh phí nặng”, http://thanhnien.vn/kinh-doanh/chu-the-ganh-phi-nang-828771.html

[3]Bài viết Thành con nợ với thẻ tín dụng thấu chi được đăng trên http://www.baomoi.com/thanh-con-no-voi-the-tin-dung-thau-chi/c/2956724.epi truy cập lần cuối vào lúc 10:00 ngày 12/6/2017.

[4] https://www.abbank.vn/cho-vay-thau-chi

[5] Báo cáo chuyên đề “So sánh Luật bảo vệ người tiêu dùng một số nước trên thế giới - Bài học kinh nghiệm và đề xuất một số nội dung cơ bản quy định trong Dự thảo Luật Bảo vệ người tiêu dùng của Việt Nam”.

[6] EU - Việt Nam Mutrap III (2011),“Các thông lệ tốt về bảo vệ người tiêu dùng từ quan điểm châu Âu”, Dự án Mutrap do Liên minh Châu Âu tài trợ, Bộ Công Thương Việt Nam phối hợp thực hiện.

[7] EU - Việt Nam Mutrap III (2011),“Các thông lệ tốt về bảo vệ người tiêu dùng từ quan điểm châu Âu”, Dự án Mutrap do Liên minh Châu Âu tài trợ, Bộ Công Thương Việt Nam phối hợp thực hiện.

[8] Tác giả bài viết tham khảo GLE_ochrana-spotrebitele, 2014, Bảo vệ người tiêu dùng tại Cộng hòa Séc khi viết mục này.

 

TÀI LIỆU THAM KHẢO:

  1. Quốc hội (2010), Luật Bảo vệ người quyền lợi người tiêu dùng 2010.
  2. Quốc hội (2010), Luật Các tổ chức tín dụng 2010.
  3. Hiệp hội Ngân hàng châu Âu (2011), Các nguyên tắc hướng dẫn thực hiện (http://www.ebf-fbe.eu/index.php?page=guiding-principles.)
  4. Hội đồng Thanh toán châu Âu, Khuôn khổ pháp lý về Thanh toán thẻ chung trong khu vực thanh toán chung bằng đồng Euro. (http://www.europeanpaymentscouncil.eu)

 

PROTECTING CONSUMER RIGHTS WHEN USING BANK CARDS

TRAN THI DIEU HA

Lecturer, School of Law, Hue University

ABSTRACT:

In current technological era, consumers are gradually shifting from using cash to using money via bank accounts. Consumers not only use their bank cards to withdraw money at automated teller machines (ATMs) but also to purchase goods and services. However, this change in consumer behavior creates issues that make consumers’ rights are not protected when using banking services via their ATM card. This article focuses on analyzing the status of consumers 'rights infringement when using ATM cards, thereby proposing solutions to ensure consumers' rights.

Keywords: Security, consumer, bank card, ATM, bank.