Giá kim loại đồng
 Diễn biến giá kim loại đồng trên Sàn giao dịch Comex kể từ đầu năm đến nay (Đồ hoạ: Markets Insider)

Chốt phiên giao dịch ngày 1/9 (theo giờ địa phương), giá kim loại đồng giao tháng 12/2021 trên Sàn giao dịch Comex tại New York (Hoa Kỳ) đã giảm 2,3% xuống còn 4,275 USD/pound tương đương 9.405 USD/tấn.

Trong khi đó, giá đồng giao tháng 10/2021 trên Sàn giao dịch tương lai Thượng Hải (SHFE, Trung Quốc) giảm 1,8% xuống mức 68.900 Nhân dân tệ tương đương 10.659,86 USD/tấn. Trên Sàn giao dịch kim loại London (LME, Anh), giá đồng giao sau 3 tháng cũng giảm 1,59% xuống mức 9.312 USD/tấn.

Giá kim loại đồng nói riêng và nhiều kim loại công nghiệp cơ bản khác đã chịu áp lực giảm xuống sau khi các dữ liệu mới nhất cho thấy hoạt động sản xuất công nghiệp tại Trung Quốc suy yếu. Cụ thể, Chính phủ Trung Quốc vừa công bố chỉ số Nhà quản trị mua hàng (PMI) chính thức trong tháng 8/2021 của nước này chỉ đạt 50,1 điểm, thấp hơn mức 50,4 điểm hồi tháng 7 trước đó và cũng thấp hơn mức kỳ vọng của giới phân tích. Chỉ số PMI là chỉ số kinh tế tổng hợp phản ánh hoạt động kinh doanh của khối sản xuất; chỉ số đạt trên 50 điểm cho thấy khối sản xuất đã được mở rộng và ngược lại.

Trong khi đó, chỉ số PMI Caixin/Markit tháng 8/2021 của Trung Quốc chỉ đạt 49,2 điểm, giảm mạnh so với mức 50,3 điểm ghi nhận trong tháng 7/2021. Đây là lần đầu tiên kể từ tháng 5/2020, chỉ số này giảm xuống. Chỉ số PMI Caixin/Markit do hãng truyền thông Caixin (Trung Quốc) phối hợp với hãng tư vấn thị trường Markit (Anh) độc lập thực hiện.

Chỉ số PMI chính thức của Chính phủ Trung Quốc tập trung vào nhóm doanh nghiệp lớn và doanh nghiệp nhà nước. Trong khi đó, chỉ số PMI Caixin/Markit tập trung vào các doanh nghiệp vừa và nhỏ và các doanh nghiệp phụ thuộc nhiều vào hoạt động xuất khẩu.

Các dữ liệu PMI tiêu cực cho thấy hoạt động sản xuất công nghiệp tại Trung Quốc đã bị thu hẹp, khiến thị trường lo ngại nhu cầu sử dụng đồng của nước này sẽ giảm theo. Trung Quốc hiện là quốc gia nhập khẩu đồng lớn nhất thế giới.

Bên cạnh đó, giá đồng cũng chịu áp lực giảm khi dữ liệu kinh tế của Hoa Kỳ kém lạc quan. Chỉ số niềm tin người tiêu dùng tại Hoa Kỳ trong tháng 8/2021 lao dốc xuống mức thấp nhất trong vòng 6 tháng trở lại đây dưới các tác động của biến chủng virus Covid-19 Delta. Chỉ số Nhà quản trị mua hàng vùng Chicago (PMI Chicago) cũng giảm mạnh từ mức 73,4 điểm trong tháng 7/2021 xuống còn 66,8 điểm trong tháng 8/2021. Chỉ số PMI Chicago thường được xem là chỉ báo sớm cho diễn biến của chỉ số PMI toàn ngành sản xuất Hoa Kỳ do Viện Quản lý Cung ứng Hoa Kỳ (ISM) công bố.

Mặt khác, việc Chính phủ Trung Quốc vừa tiếp tục bán ra 150.000 tấn kim loại công nghiệp bao gồm đồng, nhôm và kẽm nhằm kiềm chế đà tăng nóng giá hàng hoá, nguyên liệu thô trên thị trường nội địa nước này cũng gia tăng áp lực giảm lên giá kim loại đồng.

Tuy nhiên, tính chung từ đầu năm đến nay, giá kim loại đồng đã tăng hơn 20%; trong năm 2020, giá đồng đã tăng 26%. Giới đầu tư và nhiều chuyên gia phân tích hiện vẫn lạc quan về triển vọng nhu cầu sử dụng đồng sẽ tăng mạnh trong những năm tới đây khi ngày càng nhiều nền kinh tế lớn đẩy mạnh phát triển năng lượng tái tạo và sản xuất xe ô tô điện.

Ông Oliver Nugent, chuyên gia phân tích tại tập đoàn tài chính Citigroup (Hoa Kỳ), cho biết mặc dù giá đồng chịu áp lực giảm xuống trong phiên giao dịch ngày 1/9 nhưng các yếu tố cơ bản của thị trường đã được cải thiện trong những tuần gần đây, bao gồm sự sụt giảm của lượng tồn trữ kim loại đồng tại các sàn giao dịch hàng hoá, mức chênh lệch giữa giá nhập khẩu đồng trên thị trường kỳ hạn và thị trường giao ngay tại Trung Quốc tăng lên, các vị thế đầu cơ đã giảm xuống.

Bên cạnh đó, các kỳ vọng về việc Chính phủ Trung Quốc sẽ tăng cường các biện pháp kích thích kinh tế đang tăng lên, điều này có thể thúc đẩy nhu cầu sử dụng đồng. Citigroup dự báo giá kim loại đồng sẽ đạt mức trung bình trên 9.000 USD/tấn trong năm 2022.