Bệnh viện của người lao động Dệt May

Hướng đi đúng đắn và thành công của Bệnh viện Dệt May là chọn riêng cho mình một con đường phù hợp với việc phục vụ nhu cầu người lao động ngành Dệt May.

Đó là, tập trung vào các bệnh mắc phải do nghề nghiệp; nguy cơ nghề nghiệp như bệnh viêm mũi xoang, viêm mũi dị ứng, bệnh đau cột sống thắt lưng, đau lưng, thoái hóa khớp, đau cổ gáy, vai gáy do tư thế, bệnh Ecgonomi, bệnh huyết áp, tim mạch, tiểu đường và bệnh của người làm tại văn phòng…

Bệnh viện Dệt May được Bộ Công nghiệp (nay là Bộ Công Thương) và Tổng công ty Dệt May Việt Nam (nay là Tập đoàn Dệt May Việt Nam) cho phép thành lập ngày 07 tháng 01 năm 1998, trên nền của Bệnh viện Công ty Dệt 8/3 Hà Nội.

Bệnh viện Dệt May thành lập trên nền Bệnh viện thuộc Công ty Dệt 8/3 Hà Nội

Bệnh viện khi đó là nền đất thấp, ẩm ướt, với hai khu nhà cấp 4, đã quá thời gian sử dụng, trang thiết bị y tế nghèo nàn, lạc hậu và đội ngũ thầy thuốc, y tá chỉ có điều kiện phù hợp với một bệnh xá doanh nghiệp thời bao cấp.

Xây dựng thành công Bệnh viện của người lao động

Với sự chỉ đạo kịp thời của Lãnh đạo Bộ Công Thương (Bộ Công nghiệp cũ trước đây) và Tập đoàn Dệt May Việt Nam, cùng sự năng động, đồng lòng của Tập thể CBVC Bệnh viện nhằm hướng tới một mục tiêu duy nhất là sớm có một cơ sở mới, khang trang, sạch đẹp, phù hợp với cơ chế thị trường, Ban Lãnh đạo Bệnh viện đã sớm quy hoạch y tế toàn hệ thống ngành Dệt may Việt Nam từ miền Bắc, miền Trung, miền Nam về một mối, xây dựng lại chức năng, nhiệm vụ của trạm y tế đủ điều kiện để phục vụ các doanh nghiệp trước cơ chế đổi mới của các đơn vị. Trên cơ sở đó, tập trung xây dựng theo hướng trạm y tế doanh nghiệp phục vụ sản xuất kinh doanh gọn nhẹ, năng động nhưng theo quy chuẩn của Bộ Y tế.

Cùng với đó, Lãnh đạo Bệnh viện chúng tôi đã tiến hành khảo sát, làm việc với lãnh đạo các doanh nghiệp; lãnh đạo sở y tế các địa phương để tìm một mối quan hệ thống nhất giữa y tế ngành và y tế địa phương; mở rộng quan hệ với y tế dự phòng, Viện Vệ sinh môi trường lao động Trung ương, Viện Y tế công cộng Thành phố Hồ Chí Minh, với các cục, vụ, viện, bệnh viện trong và ngoài ngành Y tế; giới thiệu, quảng bá nhằm nhanh chóng đưa Bệnh viện Dệt May vào hệ thống của Bộ Y tế với suy nghĩ đơn giản là "Danh có chính thì ngôn mới thuận".

Và chỉ sau 1 năm thành lập, tháng 1 năm 1999 triển lãm hệ thống y tế Lao động Bảo vệ sức khỏe người Lao động tại Thành phố Hải Phòng do Chính phủ bảo trợ, Bộ Lao động Thương binh và Xã hội, Bộ Y tế đồng chủ trì, Trung tâm Y tế Dệt May đã được giới thiệu, ra mắt với sự hiện diện của bà Nguyễn Thị Hằng - Bộ trưởng Bộ Lao động Thương Binh và Xã hội và GS.TS. Nguyễn Văn Thưởng - Thứ trưởng Bộ Y tế, cùng lãnh đạo Tổng Liên đoàn Lao động VN, các bộ ngành khác, đánh dấu bước chuyển mình đặc biệt và chính thức vị trí của y tế Dệt May trong hệ thống y tế do Bộ Y tế trực tiếp quản lý.

Trụ sở y tế ngành có địa chỉ 454 Minh Khai, quận Hai Bà Trưng, Thành phố Hà Nội cũng được Lãnh đạo Tập đoàn cho sửa chữa nâng cấp, xây dựng thành khu nhà 2 tầng, Bộ Công nghiệp phê duyệt tổng thể xây dựng Bệnh viện với 2 tòa nhà 5 tầng, 3 tầng và hai tòa nhà 2 tầng, nhằm đáp ứng nhu cầu khám chữa bệnh của người lao động ngành Dệt May và nhân dân trong khu vực.

Chỉ trong thời gian ngắn từ 2002 đến 2005, tất cả các hạng mục, công trình chính đều đã được hoàn thành, đảm bảo chất lượng đưa vào sử dụng đúng tiến độ. Song song với việc xây dựng cơ sở vật chất, Lãnh đạo Bệnh viện cũng đã quyết định hàng loạt các chủ trương sống còn đó là phát triển chuyên môn, kỹ thuật đủ sức để phục vụ nhu cầu khám chữa bệnh của CBCNV trong ngành và nhân dân địa phương, đủ tầm để mở rộng và cạnh tranh với các bệnh viện khác một cách lành mạnh; đồng thời chọn riêng cho Bệnh viện Dệt may một hướng đi đúng, đó là tập trung vào các bệnh mắc phải do nghề nghiệp và nguy cơ nghề nghiệp như bệnh viêm mũi xoang, viêm mũi dị ứng, bệnh đau cột sống thắt lưng, đau lưng, thoái hóa khớp, đau cổ gáy, vai gáy do tư thế, bệnh Ecgonomi, bệnh huyết áp, tim mạch, tiểu đường và bệnh của người làm tại văn phòng.

Lãnh đạo Bệnh viện đã quyết định hàng loạt các chủ trương phát triển sống còn của đơn vị và mở rộng tầm để cạnh tranh lành mạnh với các bệnh viện khác

Bệnh viện đã xây dựng mới phòng nội soi tiêu hóa, phòng xông khí dung với 8 đầu máy xông cùng một lúc, mua thiết bị siêu âm 3 chiều, sinh hóa hiện đại, xây dựng một phòng mổ hiện đại cùng các thiết bị tương xứng để giải quyết công tác khám chữa bệnh và đón đầu cơ chế liên doanh liên kết mở rộng tầm hoạt động. Ngoài ra, Bệnh viện còn chủ động liên kết với các Bệnh viện: Trung ương Quân đội 108, Thanh Nhàn, Đại học Y Hà Nội, Bạch Mai, Việt Đức... và mời các giáo sư, bác sỹ, tiến sỹ có uy tín, thương hiệu, có chuyên môn, tay nghề đến hướng dẫn chuyển giao và trực tiếp giảng dạy cho các bác sỹ trong Bệnh viện; xây dựng các khoa, phòng Bệnh viện, vừa là nơi chữa bệnh, vừa là nơi thực tập cho các sinh viện Đại học Y, đào tạo bậc sau đại học như CK.I, CK.II, thạc sỹ, tiến sỹ ngay tại cơ sở bệnh viện, để chủ động về nguồn lực.

Bệnh viện cũng mở rộng hoạt động tới các doanh nghiệp trong ngành như: Tổng công ty Dệt Hà Nội, Tổng công ty Dệt 8/3, Tổng công ty May 10, Tổng công ty May Hưng Yên, Công ty cổ phần May và Dịch vụ Hưng Long, Công ty Cổ phần May Hưng Việt... Bệnh viện đã ký được những hợp đồng kinh tế khá chắc với một số đơn vị ngoài ngành như Tổng công ty Điện lực Hà Nội, Tổng công ty Thoát nước Hà Nội, một số trường đại học lớn như: Học viện ngân hàng, Đại học Giao thông Vận tải, Đại học kinh doanh và Công nghệ Hà Nội, Đại học Kinh tế kỹ thuật Hà Nội.... đảm bảo đủ nguồn bệnh nhân đến khám chữa bệnh, đảm bảo an toàn tuyệt đối công tác khám chữa bệnh tại Bệnh viện.

Công tác y tế môi trường lao động cũng đồng thời được đẩy mạnh, vừa đào tạo cán bộ vệ sinh môi trường lao động, vừa thực hành. Với sự giúp đỡ của Viện Y học Lao động và Vệ sinh môi trường, chỉ sau một năm ra mắt, năm 1999, trung tâm đã hoàn thành các yêu cầu khoa học và trang thiết bị y tế lao động, bắt tay vào đo kiểm điều kiện lao động tại 100% doanh nghiệp, góp phần không nhỏ cho công tác xuất khẩu, nhập khẩu của các doanh nghiệp Dệt May, Hiệp hội Dệt May Việt Nam.

Đơn vị đã chủ động liên kết với các bệnh viện lớn như: Bệnh viện Trung ương Quân đội 108, Bệnh viện Thanh Nhàn, Đại học Y Hà Nội, Bệnh viện Bạch Mai, Bệnh viện Việt Đức... kịp thời phục vụ nhu cầu khám, điều trị và chữa bệnh cho bệnh nhân.

Thoắt mà đã 16 năm trôi qua, cùng với sự thay đổi và phát triển mạnh mẽ của Tập đoàn Dệt May Việt Nam trong cơ chế hội nhập thị trường, Bệnh viện Dệt May đã cơ bản xây dựng và trở thành một Bệnh viện Đa khoa loại II hoàn chỉnh. Chức năng, nhiệm vụ chính là phục vụ công tác khám chữa bệnh, chữa bệnh nghề nghiệp, nguy cơ bệnh nghề nghiệp cho CBCNV trong ngành và ngoài ngành trên địa bàn Thành phố Hà Nội. Bệnh viện đã xây dựng và thực hiện tự chủ tài chính cơ bản các chỉ tiêu: lương, thưởng, mua sắm "thiết bị lớn (máy Xquang di dộng, máy siêu âm 3 chiều, máy sinh hóa...); thực hiện tốt công tác nghiên cứu khoa học, đào tạo, với 15 đề tài nghiên cứu cấp Bộ đạt loại xuất sắc và nhiều đề tài cấp Bệnh viện; đảm bảo ổn định nguồn lực và hoạt động của các tổ chức chính trị Đảng, đoàn TNCS HCM, Công đoàn, phụ nữ...

Tin tưởng vào sự phát triển mạnh mẽ trong tương lai

Với những thành tích đạt được, nhiều năm qua Bệnh viện Dệt May đã nhận được nhiều danh hiệu thi đua, cờ thi đua của Đảng, các Bộ, ngành, đoàn thể các cấp, đặc biệt là trong dịp kỷ niệm 10 năm tuổi (năm 2008), Bệnh viện đã được Chủ tịch nước CHXHCN Việt Nam tặng Huân chương Lao động hạng Ba; năm 2013 khi tròn 15 tuổi, Bệnh viện được tặng Huân chương Lao động hạng Hai, đồng chí Giám đốc Bệnh viện được Chủ tịch nước phong tặng danh hiệu Thầy thuốc Nhân dân và Huân chương Lao động hạng Ba.

Có được những kết quả trên là do sự lãnh đạo, chỉ đạo với một tình cảm đặc biệt, sự tin yêu mà lãnh đạo các thế hệ của Bộ Công Thương, Bộ Y tế, Tập đoàn Dệt May Việt Nam, Đảng ủy khối đã dành cho Bệnh viện. Sự chỉ đạo, sự đoàn kết của lãnh đạo và CBVC Bệnh viện luôn được giáo dục, huấn luyện uống nước nhớ nguồn, hết lòng phục vụ người bệnh với sự nhiệt tình năng động, đổi mới với mục tiêu rõ ràng: Vì sự phát triển toàn diện của Bệnh viện Dệt May nói riêng; của ngành Dệt May Việt Nam và Bộ Y tế nói chung


Bệnh viện Dệt May tin tưởng vào sự phát triển mạnh mẽ trong tương lai

Một ngày giữa thu, sau những công việc thường nhật của người thầy thuốc, chọn lúc rảnh những người lãnh đạo Bệnh viện Dệt May chúng tôi đứng từ ban công khu nhà chính của Bệnh viện nhìn bao quát khắp tất cả các tòa nhà và khuôn viên của Bệnh viện. Những hàng cây đầy hoa ngọc lan đan xen trong lá thơm lừng dưới nắng thu. Tiếng chim hót, tiếng chim gù, véo von như nhiều nốt nhạc tự nhiên của trời đất. Dòng người tấp nập vào ra xen giữa những tà áo trắng là những dáng đi nhiều vẻ người bệnh, người nhà, tất cả toát lên một sự ấm áp, gắn bó, tin tưởng và sẻ chia.

Lâng lâng cảm xúc tự hào về những năm tháng đã qua, trên những thành quả đã đạt được, cộng với sức mạnh của tuổi 17, hòa vào dòng chảy mạnh mẽ của ngành Dệt May Việt Nam, theo Kế hoạch phát triển và tầm nhìn của ngành Y tế đến năm 2030 đã được Thủ tướng chính phủ phê duyệt, chúng tôi tin tưởng Bệnh viện Dệt May sẽ phát triển mạnh mẽ trong tương lai, thực hiện nghiêm túc lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh "Thầy thuốc như mẹ hiền".