Bí thư tỉnh ủy Bến Tre Lê Đức Thọ trả lời phỏng vấn Tạp chí Công Thương

Ngày 2/4/2022, Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết số 13-NQ/TW về phương hướng phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng, an ninh vùng Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, Bến Tre là một trong những địa phương rất chủ động xây dựng chương trình hành động nhằm đưa chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước vào công cuộc phát triển kinh tế - xã hội.
Bến Tre
Đồng chí Lê Đức Thọ - Uỷ viên Trung ương Đảng, Bí thư tỉnh uỷ Bến Tre.

Tạp chí Công Thương đã có cuộc trao đổi với đồng chí Lê Đức Thọ - Uỷ viên Trung ương Đảng, Bí Thư tỉnh uỷ Bến Tre về những thành tựu nổi bật của tỉnh Bến Tre trong phát triển kinh tế - xã hội; các định hướng, giải pháp của tỉnh Bến Tre hướng đến thực hiện thắng lợi Nghị quyết số 13-NQ/TW.

PV: Với vị trí tiếp giáp vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, chỉ cách Thành phố Hồ Chí Minh 86 km, tỉnh Bến Tre có hệ thống giao thông đường thủy với 04 sông chính hướng ra biển Đông và hệ thống kênh, rạch là các trục giao thông đối ngoại quan trọng gắn kết Bến Tre với các tỉnh vùng Đồng bằng sông Cửu Long và vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, rất thuận lợi cho việc phát triển các lĩnh vực kinh tế - xã hội. Đồng chí có thể khái quát những thành tựu Bến Tre đã đạt được ở lĩnh vực kinh tế trong năm vừa qua?

Đồng chí Lê Đức Thọ: Trong năm qua, tỉnh đã tập trung triển khai quyết liệt, đồng bộ các giải pháp đột phá để phục hồi và phát triển kinh tế sau đại dịch COVID-19; qua đó, kinh tế - xã hội của tỉnh đã phục hồi khá tốt và đạt được nhiều kết quả trên các lĩnh vực.

Nhiều chỉ tiêu chủ yếu của Nghị quyết Tỉnh ủy năm 2022 đã thực hiện đạt và vượt hoặc ở mức xấp xỉ đạt; trong đó, đặc biệt là tốc độ tăng trưởng kinh tế (GRDP) đạt 7,33%, lần đầu tiên đạt khá tốt sau nhiều năm (cao nhất trong trong 4 năm gần đây); cơ cấu kinh tế chuyển dịch đúng hướng; các ngành, lĩnh vực đều có sự phục hồi và phát triển tích cực, sản xuất nông nghiệp tương đối thuận lợi, tăng trưởng đạt 3,27%; khu vực công nghiệp - xây dựng đang dần phục hồi và có bước tăng trưởng tích cực, với mức tăng trưởng 12,72%; giá trị sản xuất CN-TTCN tăng 12,65% so cùng kỳ; khu vực dịch vụ tăng trưởng khá (tăng 9%), tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tăng 15,1% so cùng kỳ; kim ngạch xuất khẩu tăng 19,69% so cùng kỳ xuất khẩu và lần đầu tiên Bến Tre xuất khẩu đạt cao nhất từ trước đến nay (hơn 1,5 tỷ USD).

Đặc biệt, tỉnh đã tổ chức Lễ công bố xuất khẩu lô bưởi đầu tiên của Việt Nam sang thị trường Hoa Kỳ. Hoạt động du lịch phục hồi tốt; khách du lịch gấp 5,4 lần so cùng kỳ và doanh thu gấp 6,4 lần so cùng kỳ. Thu ngân sách nhà nước trên địa bàn đạt 106,43% dự toán Trung ương giao và 100,02% dự toán địa phương phấn đấu; trong đó, thu nội địa đạt 116,9% chỉ tiêu Trung ương giao, đạt 109,18% chỉ tiêu địa phương phấn đấu.

Đặc biệt, nhiều công trình, dự án lớn, trọng điểm được triển khai xây dựng, tạo kết nối thuận lợi trong nội tỉnh và liên vùng trong Tiểu vùng Duyên Hải phía Đông và giữa tiểu Vùng với Vùng đồng bằng sông Cửu Long, Thành phố Hồ Chí Minh đang được tập trung triển khai, cụ thể: Cầu Rạch Miễu 2 và Đường gom đường vào cầu Rạch Miễu 2; cầu Đình Khao (thay thế phà Đình Khao), đây là tuyến đường giao thông rất quan trọng kết nối tỉnh Bến Tre và tỉnh Vĩnh Long; khởi động dự án tuyến đường bộ ven biển kết nối Bến Tre với Tiền Giang, Trà Vinh và Thành phố Hồ Chí Minh; khởi động Nhà máy sản xuất Hydro xanh Bến Tre; khánh thành Nhà máy điện gió số 5 tại huyện Thạnh Phú, nâng tổng công suất 100 MW vận hành thương mại hòa vào lưới điện quốc gia...

Nhiều hoạt động đối ngoại được triển khai hiệu quả; đã tiếp và làm việc với 226 đoàn nhà đầu tư trong và ngoài nước đến tìm hiểu cơ hội hợp tác đầu tư. Đồng thời, tổ chức các Chương trình “Kết nối giao thương - Tăng trưởng xuất khẩu” sang thị trường Lào và Thái Lan; tham gia chương trình Giao thương xúc tiến thương mại, kết nối giao thương tại Pháp, Hà Lan, Hàn Quốc, CH Séc, Mỹ, Thụy Điển, Na Uy, Italy, Đức...; tổ chức Hội nghị Xúc tiến hàng nông, thủy sản của tỉnh Bến Tre vào thị trường các quốc gia Hồi giáo. Ký kết Bản ghi nhớ hợp tác kinh tế giữa 02 tỉnh Bến Tre và tỉnh Tokihiro Nakamura và tỉnh Ehime (Nhật Bản); tổ chức đoàn công tác thăm và làm việc tại Bang Tamil Nadu và Bang Kerala Ấn Độ nhằm đẩy mạnh xúc tiến đầu tư, thương mại, du lịch...

PV: Trong Quy hoạch tỉnh Bến Tre giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến 2045, Bến Tre xác định 05 khâu đột phá chiến lược, trong đó điểm nhấn là phát triển về hướng Đông, phát triển kinh tế biển, từng bước hình thành khu kinh tế biển quy mô, hiện đại. Xin đồng chí cho biết, vì sao Bến Tre lại chọn tập trung phát triển về hướng Đông? Bến Tre đã chuẩn bị nguồn lực như thế nào để thực hiện những mục tiêu đã đề ra? Trong quá trình thực hiện, Bến Tre đã gặp những thuận lợi, khó khăn gì?

Đồng chí Lê Đức Thọ: Phát triển hướng Đông là một chủ trương lớn của Đảng bộ tỉnh, đã được đưa vào Nghị quyết của Tỉnh ủy để triển khai thực hiện. Với lợi thế bờ biển dài 65 km, Bến Tre phát triển về hướng Đông nhằm cải tạo cảnh quan biển, mở ra không gian phát triển mới cho địa phương và của khu vực, thúc đẩy liên kết trong toàn vùng, là động lực tạo sự đột phá trong phát triển toàn diện kinh tế - xã hội của tỉnh; tăng cường khai thác và sử dụng hiệu quả lợi thế kinh tế biển gắn với bảo đảm quốc phòng, an ninh và thích ứng biến đổi khí hậu, phát triển các lĩnh vực giao thông, năng lượng tái tạo, cảng biển - logistics, đô thị dịch vụ du lịch tổng hợp,...

Bí thư tỉnh uỷ Bến Tre Lê Đức Thọ
Ông Lê Đức Thọ (đứng giữa) trong buổi khảo sát tiến độ nghiên cứu hướng tuyến đường ven biển qua địa phận Bến Tre.

Hiện nay, Bến Tre đang huy động tổng thể các nguồn lực về nhân lực, vật lực và tài lực của cả hệ thống chính trị để thực hiện, trong đó nguồn lực về tài chính là vô cùng quan trọng, có ý nghĩa to lớn trong việc thực hiện chủ trương này.

Theo ước tính, tổng nguồn vốn thực hiện các công trình phục vụ chủ trương phát triển hướng Đông khoảng hơn 320.000 tỷ đồng, trong đó gần 95% được huy động từ nguồn xã hội hóa. Ngân sách nhà nước được huy động để thực hiện những công trình chủ chốt, quan trọng mang tính lan tỏa, thu hút đầu tư tư nhân tham gia đầu tư giao thông; hạ tầng khu công nghiệp, cụm công nghiệp; nông nghiệp sinh thái, công nghệ cao; công nghiệp chế biến; công nghiệp năng lượng, tái tạo; thương mại, dịch vụ, du lịch, đô thị...

Đảng bộ, chính quyền và người dân đặt kỳ vọng và cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh của tỉnh, tạo điều kiện thuận lợi về cơ chế chính sách, quy hoạch, kế hoạch, môi trường đầu tư kinh doanh để các doanh nghiệp, cá nhân, tổ chức tham gia vào quá trình phát triển hướng Đông.

Về nguồn nhân lực, tỉnh đang phối hợp với Trường Đại học Quốc gia TP.HCM để thành lập Trường Đại học Tây Nam bộ trên cơ sở nâng cấp Phân hiệu Đại học Quốc gia TP.HCM tại Bến Tre; và quy hoạch sắp xếp lại các cơ sở đào tạo sau phổ thông, nhằm đào tạo đội ngũ nhân lực đáp ứng nhu cầu phát triển trước mắt và về lâu dài.

Bên cạnh các thuận lợi cơ bản, trong quá trình triển khai thực hiện chủ trương phát triển hướng Đông, địa phương còn gặp một số hạn chế nhất định. Ví dụ: Khó khăn trong vấn đề thu hút đầu tư, thiếu quỹ đất sạch và chi phí bồi thường giải phóng mặt bằng cao, tiến độ các công trình còn chậm, ảnh hưởng đến tiến độ chung triển khai Nghị quyết.

Nguồn nhân lực, nhất là nhân lực chất lượng cao có lúc chưa đáp ứng nhu cầu của công cuộc đổi mới. Giá cả các mặt hàng nông sản, đặc biệt là giá dừa không ổn định, duy trì ở mức thấp trong thời gian dài trong khi chi phí đầu vào sản xuất tăng cao làm ảnh hưởng đến kinh tế của người dân, doanh nghiệp;...

Trong Quy hoạch vùng Đồng bằng Sông Cửu Long (vùng ĐBSCL) thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, Bến Tre vừa thuộc phạm vi quy hoạch vùng đất (gồm toàn bộ 12 tỉnh ĐBSCL), vừa thuộc quy hoạch vùng biển ven bờ (gồm các tỉnh Bến Tre, Tiền Giang, Trà Vinh, Sóc Trăng, Bạc Liêu, Cà Mau, Kiên Giang). Đây là một lợi thế quan trọng, tạo động lực để Bến Tre bứt phá phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng, an ninh vùng Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL)

PV: Được biết, Bến Tre là một trong những địa phương rất chủ động khi xây dựng chương trình thực hiện Nghị quyết số 13-NQ/TW ngày 02/4/2022 của Bộ Chính trị nhằm đưa chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước vào công cuộc phát triển kinh tế - xã hội. Đồng chí có thể nói rõ hơn về Chương trình hành động của Bến Tre khi thực hiện Nghị quyết số 13-NQ/TW của Bộ Chính trị?

Đồng chí Lê Đức Thọ:  Liên kết vùng được xem là vấn đề hệ trọng, đẩy mạnh liên kết vùng là một trong những nội dung được Tỉnh ủy rất quan tâm chỉ đạo thực hiện, nhằm phát huy nội lực, lợi thế sẵn có của địa phương và vươn lên phát triển cùng với các tỉnh/thành trong khu vực, tạo tiền đề quan trọng đưa tỉnh nhà phát triển nhanh và bền vững.

Trên cơ sở Nghị quyết số 13-NQ/TW của Bộ Chính trị, Tỉnh ủy đã cụ thể hóa triển khai thực hiện bằng Chương trình số 26-CTr/TU, ngày 10/10/2022, nhằm phát huy cao độ vai trò lãnh đạo của cấp ủy, tổ chức đảng, sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, sự đồng thuận của xã hội, sự tham gia tích cực của người dân và cộng đồng doanh nghiệp, tạo bước đột phá cần thiết cho sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Chương trình của Tỉnh ủy thực hiện Nghị quyết số 13-NQ/TW của Bộ Chính trị đã xác định cụ thể quan điểm, mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp phát triển tỉnh Bến Tre trong mối liên kết vùng, cụ thể:

* Về quan điểm: Tỉnh ủy xác định 05 quan điểm chỉ đạo: (1) Bến Tre luôn tích cực, chủ động, có trách nhiệm với vai trò thành viên trong 13 tỉnh/thành vùng đồng bằng sông Cửu Long. (2) Phát triển nhanh và bền vững, bao trùm, phù hợp với vai trò, vị trí chiến lược của tỉnh, bảo đảm hài hòa, phù hợp với Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của cả nước, thống nhất với hệ thống quy hoạch vùng, quốc gia; lấy con người là trung tâm, tài nguyên nước là yếu tố cốt lõi; chú trọng bảo vệ, tôn tạo và phát triển văn hóa - xã hội và hệ sinh thái tự nhiên. (3) Đẩy mạnh cơ cấu lại kinh tế theo hướng kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn; phát triển về hướng Đông là động lực phát triển kinh tế của tỉnh, mở rộng không gian phát triển, khai thác hiệu quả tiềm năng, lợi thế mặt biển, bờ biển và kinh tế biển. (4) Nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao làm việc, đóng góp cho tỉnh; gắn tăng trưởng kinh tế với phát triển xã hội, củng cố quốc phòng an ninh, bảo đảm trật tự, an toàn xã hội, tạo dựng môi trường sống bền vững, chất lượng sống tốt cho người dân. (5) Xây dựng tổ chức đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh; phát huy cao độ truyền thống văn hóa, cách mạng, khơi dậy tinh thần Đồng Khởi, ý chí tự lực, tự cường, khát vọng vươn lên của người dân Bến Tre.

* Về mục tiêu: Đến năm 2030: Phát triển tỉnh Bến Tre nhanh, toàn diện, bền vững trong khu vực vùng đồng bằng sông Cửu Long; phấn đấu đến năm 2030 trở thành tỉnh phát triển ở mức khá của cả nước (top 30); phát triển Bến Tre thành trung tâm đầu mối về nông nghiệp gắn với vùng nguyên liệu chính về trái cây, rau màu của vùng đồng bằng sông Cửu Long; xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội, hạ tầng số đồng bộ, hiện đại và kết nối thuận lợi với các tỉnh trong vùng đồng bằng sông Cửu Long và cả nước.

Đến năm 2045: Bến Tre có nền kinh tế phát triển tiên tiến và bền vững, bảo đảm môi trường theo hướng thông minh, sáng tạo, xanh, sạch, là nơi “đáng sống” cho người dân. Các trụ cột tăng trưởng có trình độ phát triển cao và trở thành động lực phát triển quan trọng của tỉnh, vùng đồng bằng sông Cửu Long và cả nước.

* Tỉnh ủy cũng đã đề ra 05 nhóm nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu; trong đó tập trung một số nhiệm vụ trọng tâm như:

- Thúc đẩy liên kết và hội nhập hành lang kinh tế theo hướng Bắc - Nam. Xây dựng phát triển trung tâm đầu mối về nông nghiệp, với quy mô khoảng 5.300 ha. Ưu tiên đầu tư và nâng cấp mạng lưới giao thông đồng bộ, bảo đảm kết nối và rút ngắn khoảng cách/thời gian đi lại giữa tỉnh Bến Tre với các địa phương trong vùng đồng bằng sông Cửu Long, Thành phố Hồ Chí Minh và kết nối các huyện, thành phố trên địa bàn tỉnh. Gồm các giai đoạn:

+ Giai đoạn 2021 - 2025: (1) Hoàn thành cầu Rạch Miễu 2; (2) Khởi công xây dựng tuyến đường bộ ven biển (giai đoạn 1); (3) Xây dựng cầu Đình Khao kết nối tỉnh Vĩnh Long và tỉnh Bến Tre.

+ Giai đoạn 2026 - 2030: Hoàn chỉnh Tuyến đường bộ ven biển; xây dựng
cầu Tân Phú; nâng cấp, mở rộng Quốc lộ 57, 57B, 57C, Quốc lộ 60; hoàn chỉnh xây dựng đường dẫn lên, xuống Cồn Phụng (để phương tiện ô tô lên xuống được) đấu nối vào cầu Rạch Miễu.

+ Giai đoạn sau 2030: Xây dựng tuyến cao tốc Thành phố Hồ Chí Minh - Tiền Giang - Bến Tre - Trà Vinh - Sóc Trăng (CT33).

- Phát triển mạnh công nghiệp năng lượng, hỗ trợ, chế biến dừa, trái cây, thủy sản và các ngành công nghiệp có tiềm năng phát triển khác trở thành ngành chủ lực của tỉnh. Thu hút đầu tư hạ tầng công nghiệp, đặc biệt là các khu/cụm công nghiệp ven biển nhằm góp phần phát triển kinh tế biển. Xây dựng hoàn thành và triển khai Đề án phát triển Trung tâm dừa Đồng Gò - Bến Tre thành Trung tâm nghiên cứu dừa quốc gia; hoàn thành Trung tâm Cây giống - Hoa kiểng Chợ Lách. Thành lập thí điểm Khu bảo tồn đa dạng sinh học phục vụ phát triển bền vững du lịch sinh thái và Trung tâm trí thức về phát triển du lịch sinh thái Đồng bằng sông Mê Công.

- Phát triển du lịch Bến Tre trở thành ngành kinh tế mũi nhọn; xây dựng các sản phẩm du lịch đặc thù mang nét đặc trưng của Xứ Dừa Bến Tre tạo sức “hấp dẫn, độc đáo, đặc sắc riêng có” của tỉnh. Xây dựng Bến Tre trở thành trung tâm logistics nông - thủy sản, logistics hàng hải (dịch vụ cảng biển). Tập trung phát triển 4.000 ha nuôi tôm nước lợ ứng dụng công nghệ cao; nâng cao tỷ trọng đóng góp của ngành thủy sản trong Khu vực I.

- Xây dựng hoàn thành và triển khai Đề án thành lập Trường Đại học Tây Nam bộ là thành viên Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh; tiếp tục triển khai Đề án sắp xếp lại tổ chức bộ máy Trường Cao đẳng Bến Tre.

PV: Thưa đồng chí, một trong những mục tiêu mà Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh khóa XI, nhiệm kỳ 2020 - 2025 đề ra là: Tập trung phát triển công nghiệp chế biến, chế tạo, năng lượng tái tạo,... đến nay những nội dung đó đã được triển khai như thế nào? Năm 2023 là năm bản lề, có tính chất quan trọng trong triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội XI Đảng bộ tỉnh nhiệm kỳ 2020 - 2025, Bến Tre đã đề ra những nhiệm vụ, giải pháp gì để thực hiện đạt các mục tiêu, chỉ tiêu trong năm 2023?”

Đồng chí Lê Đức Thọ:  

* Về kết quả của việc phát triển các ngành công nghiệp chế biến, chế tạo, năng lượng tái tạo theo Nghị quyết Đại hội XI Đảng bộ tỉnh

Từ mục tiêu của Đại hội XI Đảng bộ tỉnh Bến Tre về phát triển công nghiệp, Tỉnh ủy đã ban hành Chương trình số 08-CTr/TU ngày 29/01/2021 về phát triển công nghiệp chủ lực, lực lượng doanh nghiệp của tỉnh giai đoạn 2020 - 2025, tầm nhìn 2030 (gọi tắt là Chương trình số 08-CTr/TU của Tỉnh ủy), trong đó đã xác định ngành công nghiệp chế biến dừa, trái cây, thủy sản, công nghiệp hỗ trợ, năng lượng và các ngành công nghiệp có tiềm năng phát triển khác trở thành những ngành chủ lực của tỉnh, mục tiêu đề ra tạo sự đồng thuận trong nhận thức từ các cấp, các ngành và các địa phương.

Kết quả qua hơn 02 năm triển khai thực hiện, toàn tỉnh đã phát triển mới khoảng 125 doanh nghiệp, 126 cơ sở, với tổng vốn đăng ký khoảng 3.000 tỷ đồng, giải quyết việc làm cho khoảng gần 5.000 lao động. Giá trị sản xuất ngành sản xuất chế biến dừa (Giá so sánh 2010) năm 2021 đạt 3.200 tỷ đồng, chiếm 9,88% và năm 2022 đạt 3.650 tỷ đồng, chiếm 10% so giá trị sản xuất công nghiệp toàn tỉnh; kim ngạch xuất khẩu dừa năm 2021 đạt 376,602 triệu USD, chiếm 29,86% và năm 2022 đạt 420 triệu USD, chiếm 27,81% kim ngạch xuất khẩu toàn tỉnh.

Giá trị sản xuất ngành sản xuất chế biến thủy sản năm 2021 đạt 4.200 tỷ đồng, chiếm 12,96% và năm 2022 đạt 4.800 tỷ đồng, chiếm 13,15% so với giá trị sản xuất công nghiệp toàn tỉnh.

Kim ngạch xuất khẩu hàng thủy sản năm 2021 đạt 64,762 triệu USD, chiếm 5,13% và năm 2022 đạt 82,73 triệu USD, chiếm 5,48% kim ngạch xuất khẩu toàn tỉnh. Giá trị sản xuất công nghiệp hỗ trợ năm 2021 đạt 3.000 tỷ đồng, chiếm 9,26% và năm 2022 đạt 3.450 tỷ đồng, chiếm 9,45% giá trị sản xuất công nghiệp toàn tỉnh.

Bến Tre
Bến Tre tập trung phát triển công nghiệp chế biến, chế tạo, năng lượng tái tạo.

Nghị quyết Đại hội XI Đảng bộ tỉnh cũng đã xác định năng lượng tái tạo là ngành công nghiệp mới của tỉnh và là ngành tiềm năng cho phát triển công nghiệp, đặc biệt điện gió là một trong những ngành công nghiệp chủ lực tập trung phát triển đến năm 2025 có ít nhất 1.500 MW được đưa vào vận hành khai thác, phấn đấu giá trị sản xuất công nghiệp từ điện chiếm 15% giá trị sản xuất công nghiệp toàn tỉnh.

Tính đến cuối năm 2022, tỉnh Bến Tre đã được Chính phủ phê duyệt quy hoạch và bổ sung quy hoạch 19 dự án điện gió với quy mô công suất trên 1.000 MW, Uỷ ban nhân dân tỉnh đã cấp chủ trương đầu tư để các nhà đầu tư thực hiện dự án. Trong số này có 09/19 dự án với tổng công suất là 368 MW đã hoàn thành công tác lắp dựng, có 93/368 MW đã được vận hành hòa lưới điện quốc gia trước ngày 01/11/2021 theo cơ chế giá FIT tại Quyết định số 39/2018/QĐ-TTg ngày 10/9/2018 của Thủ tướng Chính phủ, sản lượng điện phát bình quân khoảng 280 triệu kWh/năm, doanh thu khoảng 622 tỷ đồng/năm, nộp ngân sách khoảng 62 tỷ đồng/năm. Ngoài ra, còn 10/19 dự án điện gió khác với quy mô công suất khoảng 640 MW đang tiến hành thực hiện các thủ tục đầu tư xây dựng.

* Về nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm thực hiện Chương trình số 08-CTr/TU của Tỉnh ủy trong năm 2023

Năm 2023 là năm bản lề, có tính chất quan trọng trong triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội XI Đảng bộ tỉnh nhiệm kỳ 2020 - 2025. Theo đó, Tỉnh ủy đã đề ra mục tiêu liên quan phát triển công nghiệp chế biến, chế tạo, năng lượng tái tạo: Phấn đấu Giá trị sản xuất công nghiệp đạt 39.600 tỷ đồng (giá so sánh 2010), tăng 8,49% so với ước thực hiện 2022; kim ngạch xuất khẩu đạt 1.700 triệu USD (trở lên); các dự án điện gió được tiếp tục đầu tư phát triển, phấn đấu đến cuối năm hoàn thành hòa lưới điện quốc gia lũy kế đạt 377 MW trong số các dự án đã được quy hoạch; đồng thời đề nghị Chính phủ cập nhật, phê duyệt, đưa vào Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2045 (Quy hoạch điện VIII) đối với 29 dự án với quy mô công suất trên 12 GW và quy hoạch, phát triển đồng bộ hạ tầng lưới điện truyền tải để bảo đảm giải tỏa công suất các dự án năng lượng tái tạo theo Nghị quyết Đại hội đến năm 2025 là 1.500 MW và đến năm 2030 là 3.000 MW.

Để thực hiện đạt và vượt các mục tiêu trên, Bến Tre tập trung thực hiện những nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm sau: (1) Lĩnh vực công nghiệp, tập trung thu hút đầu tư và triển khai các khu công nghiệp, cụm công nghiệp mới; khẩn trương hoàn thành hạ tầng Khu công nghiệp Phú Thuận; đối với các huyện, thành phố chủ động bố trí một phần vốn ngân sách để lập quy hoạch chi tiết các khu công nghiệp, cụm công nghiệp mới, góp phần thực hiện có hiệu quả chỉ tiêu Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XI. (2) Xuất khẩu phấn đấu đạt mục tiêu tăng khoảng 12% so với cùng kỳ năm 2022, tương đương đạt 1.700 triệu USD. (3) Về năng lượng, tập trung đưa vào vận hành lũy kế đến cuối năm 2023 đạt tối thiểu 377MW điện gió; ngoài ra, tỉnh Bến Tre cũng đang hỗ trợ nhà đầu tư triển khai dự án nhà máy sản xuất Hydro Xanh, với mục tiêu trong năm 2023 sẽ hoàn tất các thủ tục pháp lý và khởi động dự án...

PV: Xin trân trọng cảm ơn đồng chí!

Nguyên Vỵ (thực hiện)