Chuyến tàu thời gian

Như tấm vé của con tàu ký ức chở chung hành khách là những người cao niên và cả những bạn trẻ chưa từng được biết đến bia hơi Hà Nội thời bao cấp, “Bia Hà Nội thuở ấy” đã mang đến những trải nghiệm thú vị và vun đắp thêm tình yêu nồng nàn cho “nét văn hóa của người Hà Nội”.


Thời bao cấp chưa hẳn đã lùi xa, những nét đẹp một thời vẫn còn lưu dấu trong tâm trí nhiều người con Hà Nội, khiến họ đôi khi ngoái lại với những hoài niệm, tiếc nuối. Uống bia hơi Hà Nội là một trong những nét đẹp đầy tiếc nuối đó. Từng dòng bia nguyên chất, từng giọt vàng sóng sánh sẽ làm dịu mát mọi nóng nực, oi nồng trong chiều hè nắng cháy. Mới chỉ nghĩ đến đó thôi cũng đã khiến ta cảm thấy mát trong lòng. Người Hà Nội nghiện bia hơi nhưng không hẳn là nghiện bia, mà là nghiện cái không khí uống bia vào mỗi buổi chiều, bên vỉa hè. Chỉ cần cốc bia mát lạnh lai rai với mấy gói lạc rang thơm nức hay chiếc bánh đa giòn rụm thì thôi sẽ đủ cả chuyện trên trời, dưới biển. Thậm chí người Hà Nội còn nghiện cả kiểu “xếp hàng” mấy tiếng đồng hồ để mua bia…

Xin quay lại với “Ký ức Hà Nội” tại Hoàng Thành Thăng Long, ấn tượng đầu tiên mà khách tham quan cảm nhận được ở “Bia Hà Nội thuở ấy” là không gian xưa cũ quen thuộc của bia hơi mậu dịch. Hàng quán được phục dựng lại với góc bán bia vỉa hè, lòng đường, cột điện cũ, xe đạp Thống Nhất cùng những bức pano lưu giữ nét văn hóa ẩm thực của người Hà Nội. Những tấm biển thông báo giá bia quen thuộc những năm 80 của thế kỷ trước như "3 hào 1 cốc", "xếp hàng lần lượt", "mỗi người chỉ được mua 1 cốc bia"... đã đánh thức phần ký ức xưa cũ trong tâm tưởng những vị khách cao niên. Trong số những người đến tham dự, có rất nhiều các cụ, các ông, râu đã bạc, tóc đã lơ thơ nhưng vẫn nói cười rổn rảng. Như một lực hút, mọi người kéo về đây để cùng uống, cùng say, để cùng ngắm nhau trong một thú vui chung, thú vui thưởng thức bia hơi Hà Nội. Với các cụ, các bác có may mắn được sống trong những tháng ngày lịch sử, được chứng kiến, được tận hưởng các hương vị của Bia Hà Nội xưa, thì “Ký ức Hà Nội” thực sự trở thành một dịp để họ quay về với những dư vị một thời.


Ông Hồng (72 tuổi - Đội Cấn, Ba Đình, Hà Nội), một khách hàng ruột của bia hơi Hà Nội cho biết: “Tôi đã háo hức từ trước ngày diễn ra lễ hội tận mấy hôm. Ngày nào tôi và hai anh bạn cũng ra đây để uống bia và ôn lại chuyện xưa. Cái cảm giác háo hức còn hơn cả ngày đầu, vì bây giờ lâu lâu mới có một lần được sống lại không gian mậu dịch quốc doanh ngày trước. Vui lắm!”.

Không gian bia hơi Hà Nội thuở ấy không chỉ mang đến cảm xúc bồi hồi, xúc động cho những khách hàng cao niên, mà còn mang lại cái cảm giác hồ hởi, háo hức và những trải nghiệm quý cho những người trẻ tuổi. Bạn Lịch (24 tuổi - Định Công, Hoàng Mai, Hà Nội) chia sẻ: “Tôi từng nghe nhiều về bia hơi chuồng cọp, bia mậu dịch xếp hàng, nhưng đây là lần đầu tiên tôi được tham gia và sống trong không khí ấy. Chỉ riêng lúc xếp hàng chờ đợi, được nghe các bác lớn tuổi rôm rả kể lại chuyện xưa đã là những trải nghiệm không thể mua được bằng tiền. Có tham gia, tôi mới hiểu tại sao bia hơi Hà Nội được mọi người yêu mến thế…”.

Không chỉ mang đến cho người yêu bia những trải nghiệm quý, trong “Bia Hà Nội thuở ấy”, Ban Tổ chức còn thực hiện bán đấu giá tấm bản đồ ghép bằng vỏ lon bia đã được ghi vào sách kỷ lục Guiness Việt Nam và dành toàn bộ số tiền đấu giá (50 triệu đồng) cho đại diện Tổ bán báo xa mẹ (ở 13 Ngô Văn Sở, Phường Trần Hưng Đạo, Quận Hoàn Kiếm, Hà Nội) để các cháu đón Tết cổ truyền thêm ấm áp.

Cũng trong khuôn khổ chương trình, Ban Tổ chức đã vận động các nhà tài trợ đóng góp kinh phí xây dựng một nhà khách gần Nghĩa trang Trường Sơn nhằm giúp thân nhân các anh hùng liệt sỹ có nơi nghỉ ngơi miễn phí khi đến đây thắp hương. Với ý nghĩa cao đẹp đó, đã có nhiều du khách, khách hàng nhiệt tình tham gia ủng hộ.

Thương hiệu và bảo tồn

Một lần nữa, những người yêu bia hơi Hà Nội lại được sống lại những khoảnh khắc ngày xưa với không gian văn hóa bia Hà Nội thời mậu dịch. Không gian ấy nằm trong chương trình “Ký ức Hà Nội” do Sở Du lịch Hà Nội phối hợp cùng Trung tâm Bảo tồn di sản Thăng Long - Hà Nội tổ chức những ngày vừa qua.

Với việc thường xuyên tái hiện lại không gian thưởng thức bia Hà Nội thời bao cấp (chương trình đầu tiên được bắt đầu năm 2009), theo ông Nguyễn Văn Hùng - Giám đốc HABECO TRADING thì Bia hơi Hà Nội không chỉ mang đến những giá trị văn hóa tốt đẹp, một không gian văn hóa đầy màu sắc mà hơn hết, nó còn mang tính bảo tồn khi góp phần gìn giữ những nét đẹp xưa của Hà Nội.

“Ký ức Hà Nội” có tới trên 12 vạn lượt khách, trong đó có khoảng 5.000 lượt khách quốc tế, đây không chỉ là dịp để bia hơi Hà Nội tri ân khách hàng mộ điệu, mà còn là cơ hội tốt để thương hiệu bia hơi Hà Nội định vị, bắt rễ bền chặt trong lòng công chúng.

Với nhiều người Hà Nội, qua bao thăng trầm lịch sử, vị bia hơi Hà Nội vốn không đổi, tình yêu của khách hàng dành cho thứ đồ uống đầy mê hoặc này cũng vậy. Sự nguyên sơ, cảm giác hồi hộp, mong chờ chỉ có khi ta được đắm mình trong không gian ký ức ngày nào. Xin mượn lời của Nhà sử học Dương Trung Quốc: “Người ta tìm đến ngày hội (theo đúng cái nghĩa nguyên sơ nhất của từ này) để “uống lại ký ức một thời” chứ không chỉ là thói quen đơn thuần với một đồ uống”.

Bằng những lần tái hiện không gian ký ức bia Hà Nội, HABECO TRADING đã thực sự mang đến những khoảnh khắc, trải nghiệm vô giá cho khách hàng của mình. Đó cũng là hướng đi mà một thương hiệu 125 năm tuổi cần phát triển.