Bình Định: Kết nối cung cầu, hỗ trợ doanh nghiệp tiêu thụ sản phẩm

Ngày 23/12, Sở Công Thương Bình Định phối hợp với Trung tâm Xúc tiến Đầu tư, Thương mại, Du lịch Hà Nội và Sở Công Thương các tỉnh Vĩnh Long, Hậu Giang, Tây Ninh và Sóc Trăng tổ chức “Hội nghị trực tuyến Kết nối cung cầu hàng hóa giữa các tỉnh, thành Bình Định - Hà Nội - Vĩnh Long - Hậu Giang - Tây Ninh – Sóc Trăng hỗ trợ doanh nghiệp tiêu thụ sản phẩm.

Kết nối hàng hoá giữa Bình Định với 6 tỉnh và thành phố Hà Nội

Ngày 23.12, tại TP Quy Nhơn, Sở Công Thương Bình Định tổ chức Hội nghị trực tuyến kết nối cung cầu hàng hóa giữa các tỉnh Bình Định, Hà Nội, Vĩnh Long, Hậu Giang, Tây Ninh, Sóc Trăng. Dự hội nghị có đại diện Cục Thương mại Điện tử và Kinh tế số (Bộ Công thương), lãnh đạo sở, ban, ngành các tỉnh và 130 DN, HTX, cơ sở sản xuất.

Hội nghị còn có sự tham dự của các doanh nghiệp, nhà phân phối, bán lẻ được mời tham gia kết nối trực tuyến là hệ thống siêu thị BRG Mart, Mega Market, Winmart (Vinmart), Aeon, Big C, sàn thương mại điện tử SENDO, VOSO, chuỗi cửa hàng thực phẩm sạch Bác Tôm, BigGreen … và các cơ quan báo chí truyền thông.

Sở Công Thương Bình Định tổ chức Hội nghị trực tuyến kết nối cung cầu hàng hóa
Sở Công Thương Bình Định tổ chức Hội nghị trực tuyến kết nối cung cầu hàng hóa tiêu thụ sản phẩm cho doanh nghiệp

Hội nghị được tổ chức theo hình thức trực tiếp tại Bình Định kết nối trực tuyến với điểm cầu các tỉnh và thành phố Hà Nội. Tại hội nghị, bà Trần Ánh Tuyết, Phó Giám đốc Sở Công Thương Bình Định cho biết: Bình Định nằm trong vùng kinh tế trọng điểm Nam Trung Bộ, hàng năm, mức luân chuyển hàng hóa hơn 12%.

Thời gian qua, tình hình dịch bệnh phức tạp đã ảnh hưởng nhiều đến việc luân chuyển hàng hóa. Do vậy, việc tổ chức Hội nghị này nhằm giúp các đơn vị, doanh nghiệp trên địa bản tỉnh đẩy mạnh kết nối cung cầu hàng hóa với thị trường các tỉnh và thành phố Hà Nội, qua đó tạo điều kiện tiêu thụ hàng hóa, nông sản tại thị trường các tỉnh và Thủ đô.

Từ điểm cầu Hà Nội, bà Nguyễn Thị Mai Anh, Phó Giám đốc Trung tâm Xúc tiến Đầu tư, Thương mại, Du lịch Hà Nội đã giới thiệu tổng thể về nhu cầu của thị trường Hà Nội; định hướng, hỗ trợ doanh nghiệp kết nối, cung ứng, tiêu thụ sản phẩm tại thị trường Hà Nội.

Quang cảnh hội nghị trực tuyến kết nối cung cầu hàng hóa từ điểm cầu Hà Nội.
Hội nghị trực tuyến kết nối cung cầu hàng hóa từ điểm cầu Hà Nội

Với hơn 10 triệu dân đang sinh sống, học tập, làm việc trên địa bàn Hà Nội đã, đang và sẽ là thị trường tiêu thụ hàng hoá lớn, phát luồng hàng hóa tới các vùng, miền trong cả nước và xuất khẩu.

Trên địa bàn thành phố Hà Nội hiện có 28 trung tâm thương mại; 123 siêu thị; 449 chợ; 1.800 cửa hàng tiện lợi; hàng chục nghìn cửa hàng tạp hóa trên địa bàn các quận, huyện, thị xã, thị trấn; 141 chuỗi liên kết sản xuất tiêu thụ nông sản an toàn, có thể kết nối với 1.130 đầu mối, chuỗi, cơ sở cung ứng nông, lâm, thủy sản của 45 tỉnh, thành phố trên cả nước.

Cùng với đó là các kênh bán hàng đa phương tiện như bán hàng qua website, hotline, app… với khoảng 35 doanh nghiệp và 565 địa điểm cung ứng hàng hóa thiết yếu bán hàng theo hình thức trực tuyến.

Thành phố Hà Nội luôn tạo điều kiện thuận lợi nhất cho sản phẩm, đặc biệt nông lâm, thủy sản, trái cây an toàn của các tỉnh, thành phố trong việc quảng bá, kết nối- tiêu thụ và lưu thông trên địa bàn Hà Nội bằng nhiều hình thức.

Tham dự hội nghị, bà Nguyễn Thị Minh Huyền, Phó Cục trưởng Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số (Bộ Công Thương) cho biết: Cùng với chợ truyền thống, kết nối trên sàn thương mại điện tử đang là xu hướng chính, nhất là khi dịch COVID-19 diễn biến phức tạp. Do đó, việc kết nối 6 tỉnh, thành sẽ tạo điều kiện kết nối cung cầu hàng hóa trong nước và hướng tới xuất khẩu.

Kết nối với các địa phương, hỗ trợ đơn vị doanh nghiệp tiêu thụ sản phẩm

Tại hội nghị, các tỉnh tham gia chương trình đã giới thiệu các đặc sản, thế mạnh của địa phương.

Sản phẩm của Công ty TNHH Yến Sào Tam Quan, tỉnh Bình Định
Sản phẩm của Công ty TNHH Yến Sào Tam Quan, tỉnh Bình Định

Vĩnh Long là tỉnh thuộc hạ lưu sông Mê Kông, nằm giữa sông Tiền, sông Hậu và ở trung tâm khu vực đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL). Vĩnh Long được biết đến không chỉ đờn ca tài tử mà còn nổi tiếng với những miệt vườn các loại gạo và trái cây đặc sản.

Tỉnh Sóc Trăng đã giới thiệu về những sản phẩm chủ lực, đặc trưng, sản phẩm được chứng nhận OCOP của tỉnh được thị trường ưa chuộng đến các tỉnh, thành phố như các loại: Gạo đặc sản ST, gạo tài nguyên, gạo sữa; hành tím Vĩnh Châu; bánh pía, lạp xưởng; tôm đông; trái cây các loại như: Nhãn, bưởi, cam, xoài, sầu riêng, vú sữa... 

Hậu Giang có các làng nghề truyền thống đa dạng và phong phú, đến với Hội nghị các doanh nghiệp, HTX, cơ sở sản xuất tỉnh Hậu Giang đã giới thiệu các sản phẩm chủ lực, OCOP của tỉnh như: các sản phẩm cá thát lát, trà mãng cầu, mít, chanh không hạt, ....

Tây Ninh là tỉnh biên giới thuộc miền Đông Nam Bộ, được xem là một tỉnh giữ vai trò quan trọng đối với sự phát triển của vùng kinh tế trọng điểm phía Nam đây không chỉ là một đầu mối giao thương, trung chuyển hàng hoá, dịch vụ, du lịch, thương mại giữa các nước trong tiểu vùng sông Mê Kông.

Tại hội nghị trực tuyến, các doanh nghiệp, hợp tác xã, cơ sở sản xuất, nhà phân phố tại các điểm cầu Bình Định, Vĩnh Long, Hậu Giang, Tây Ninh, Sóc Trăng đã trao đổi tìm hiểu nhu cầu tiêu thu hàng hóa, nhu cầu thị trường để kết nối, hợp tác, ký kết hợp đồng trực tuyến, thoả thuận ghi nhớ cung ứng, tiêu thụ sản phẩm hàng hóa giữa các địa phương với tỉnh Bình Định và hệ thống siêu thị, nhà phân phối trên địa bàn Thành phố Hà Nội.

Văn Thắng