“Binh đoàn Than” - 3 tiếng thân thương ở Vùng mỏ

Trong cuộc trò chuyện với ông Bùi Duy Thinh, cựu chiến binh của Binh đoàn Than có một chi tiết khiến tôi ngạc nhiên đến độ ngỡ ngàng. Đó là chuyện 47 năm về trước, gần 2.000 thợ mỏ Quảng Ninh xung pho

“Lẽ tự nhiên” của người thợ mỏ

Chiến trường miền Nam ác liệt - điều đó ai cũng biết; xung phong vào Nam chiến đấu - có rất nhiều tấm gương như thế thời chống Mỹ, nhưng ngót 2.000 thợ mỏ cùng tình nguyện vào Nam chiến đấu thì quả là một sự kiện đáng để khám phá bằng được.

Ông Thinh bảo, chuyện đó với những người thợ mỏ chúng tôi như một lẽ tự nhiên thôi. Tháng 6/1967 sau khi viết bức thư bằng máu xung phong vào Nam, việc đầu tiên người thợ lái máy xúc 24 tuổi của Mỏ than Hà Tu quyết định làm ngay là đạp xe về quê Thái Bình cầu hôn bạn gái Trịnh Thanh An. Tôi quay sang hỏi bà An, vì sao bác nhận lời ngay với người sắp đi đến một nơi mà sự sống và cái chết chỉ cách nhau trong gang tấc?

Thủ tướng Phạm Văn Đồng thăm chiến sĩ Trung đoàn 17, sau khi các lực lượng của Trung đoàn bắn rơi máy bay địch trong trận đánh ngày 5/8/1964

Bà cười bẽn lẽn bảo, thực tình, lúc đó tình cảm giữa hai người còn hơi “non”, chưa đủ độ để ngỏ lời, nhưng khi biết ông tình nguyện đi Nam, bà nhận lời ngay để yên lòng người đi. Nói rồi, bà kể cho tôi nghe chuyện năm 1965, Mỹ đổ quân ào ạt vào miền Nam, trong Chương trình phát thanh Quân đội nhân dân của Đài tiếng nói Việt Nam phát đi lời nói của Bác Hồ: “Nam Bộ là máu của máu Việt Nam, là thịt của thịt Việt Nam” khiến thế hệ những người như bà hết sức xúc động. Với bà, nhận lời cầu hôn như một cách để được gắn bó máu thịt với miền Nam hơn.

Tôi quay sang hỏi ngược lại ông Thinh về cái lý do ông tình nguyện vào Nam. Ông cười hồn nhiên bảo, thực ra chẳng có lý do cụ thể nào cả. Nhưng nếu kể ra, đó có thể là “hai đợt sóng” tràn đầy lòng tự hào về vùng đất mỏ. Đợt sóng thứ nhất là ngày 5/8/1964, quân và dân đất mỏ Quảng Ninh đã chiến thắng không lực Hoa Kỳ ngay trận đầu tiên chúng xâm nhập ra miền Bắc, bắn rơi hai máy bay, bắt sống trung úy An vơ rét. Cảm xúc tràn ngập đến vô bờ khi ngày hôm sau, đọc báo Nhân dân, ông Thinh biết Thủ tướng Phạm Văn Đồng đã trực tiếp theo dõi trận đánh trả máy bay Mỹ trên vùng trời Bãi Cháy chiều ngày 5/8/1964, và biểu dương: “Chiến thắng của các đồng chí có ý nghĩa to lớn lắm”.

Đợt sóng thứ hai là ngày 17/7/1966, khi ông giao ca lái máy xúc cho đồng nghiệp, vừa về đến chỗ nghỉ thì Đài tiếng nói Việt Nam truyền đi “Lời kêu gọi chống Mỹ cứu nước” của Hồ Chủ tịch vào lúc 6 giờ sáng. Đã 48 năm trôi qua, vẫn văng vẳng bên tai ông tiếng nói trầm ấm mà đanh thép của Người: “Hà Nội, Hải Phòng và một số thành phố, xí nghiệp có thể bị tàn phá, song nhân dân Việt Nam quyết không sợ!” vì nó gợi nhớ đến tinh thần bất khuất, như một giá trị xuyên suốt, được kết tinh lại trong khẩu hiệu “Kỷ luật và đồng tâm, chúng ta nhất định thắng” từ năm 1936 của giai cấp công nhân mỏ.

Từ năm 1964, vùng than Quảng Ninh có rất nhiều phong trào, điển hình là: Thợ mỏ phất cao cờ hồng, lập công mừng thọ Bác; Vì miền Nam ruột thịt… Ở Mỏ than Hà Tu của ông có phong trào “Trai cơ khí anh hùng quyết lập công mùa thao diễn, Gái thợ mỏ đảm đang sẵn sàng vượt mức thi đua". Có 200 người tham gia Binh đoàn Than.

Hồi tưởng lại khí thế ra quân hào hùng của vùng mỏ xong, ông Thinh kết luận: chuyện ngót 2.000 thợ mỏ tình nguyện vào Nam chiến đấu là một lẽ tự nhiên của giai cấp công nhân mỏ thôi.

Truyền thống “kỷ luật và đồng tâm”

Lấy vợ chưa đầy 3 tuần, ngày 30/7/1967 ông Thinh cùng đồng đội được lệnh hành quân đến địa điểm huấn luyện tại huyện Lạc Thuỷ, tỉnh Hoà Bình. Sau 4 tháng trời huấn luyện, mọi người được về quê nghỉ phép. Hết phép, 100% quân số đều có mặt tại đơn vị. Chỉ huy đơn vị huấn luyện tân binh tỏ ý rất nể, thốt lên: “Đúng là tinh thần kỷ luật và đồng tâm của thợ mỏ Quảng Ninh có khác!”.

Nhắc lại điều này, ông Thinh bảo, nghe câu đó, gần 2.000 thợ mỏ nhìn nhau cười sảng khoái, và trong ông như có một luồng điện tràn đầy năng lượng truyền đi khắp cơ thể. Đến khi các đồng chí lãnh đạo Tỉnh Quảng Ninh, đại diện Than Quảng Ninh phát biểu động viên và đặt tên “Binh đoàn Than”, thì cả đoàn người rùng rùng chuyển động, khắp cánh rừng Lạc Thủy, Hòa Bình rền vang lời thề của ngót 2.000 chiến sỹ - thợ mỏ quyết tâm làm sáng danh Binh đoàn Than, sáng danh truyền thống “kỷ luật - đồng tâm” của những người con đất mỏ anh hùng.

Đúng 14h15 phút ngày 16/12/1967, Binh đoàn Than lên đường vào Nam chiến đấu. Khi Binh đoàn vừa vào đến Khe Sanh thì Đài BBC bình luận rằng Việt Cộng đã tung “Đội quân đặc nhiệm” vào chi viện miền Nam.

Sau 45 ngày đêm hành quân gian nan vất vả, Binh đoàn đã tập kết ở chiến trường B5, kịp tham gia chiến dịch Tết Mậu Thân 1968.

Kết thúc chiến dịch Mậu Thân, ba tiếng “Binh đoàn Than” đã trở nên thân thương, là niềm tự hào của nhân dân Vùng mỏ. Sau khi biên chế lại, những người lính của Binh đoàn đã thực sự trở thành nòng cốt trong các đơn vị chiến đấu trên khắp các chiến trường từ Tây Nguyên, miền Trung đến đồng bằng Nam bộ…

Lịch sử còn ghi lại nhiều trận đánh vang dội của những người con đất mỏ. Đó là trận đánh vào sào huyệt Quân cảng kho xăng Nhà Bè đã tiêu hủy hàng vạn lít xăng dầu của địch, hay như trận đánh cứ điểm cầu Mương Chuối, Long An; rồi trận đánh trên sông Rạch Dừa v.v... Tất cả đã khiến cho cái tên Binh đoàn Than ngày càng lừng danh.

Riêng ông Thinh cùng 50 thợ mỏ khác được phiên chế về trung đoàn 28. Ông đã tham gia gần 70 trận đánh ở khắp các mặt trận: Plây Cần, chiến dịch Xuân Hè 69, Thu Đông 1970 - 1971…

Nhưng để lại ấn tượng mạnh mẽ nhất là trận đánh cuối cùng: đúng 6 giờ 30 phút ngày 30/4/1975, đơn vị của ông có mặt ở ngã tư Bảy Hiền, Sài Gòn, rồi đánh chiếm Trường hạ sĩ quan Ngụy, được cô Vân biệt động Sài Gòn (sau này là hình tượng nhân vật chính trong phim Cô Nhíp) dẫn đường, vượt qua cây cầu gẫy, đánh chiếm trụ sở Bộ Tổng tham mưu Ngụy. Trong thời khắc linh thiêng ấy, mắt ông bỗng cay xè vì trong số 50 người của Binh đoàn Than bổ sung cho trung đoàn 28, chỉ còn mỗi mình ông chứng kiến giây phút lá cờ của Mặt trận giải phóng tung bay trên nóc trụ sở Bộ Tổng tham mưu Ngụy quân Sài Gòn lúc 11 giờ 15 phút ngày 30/4/1975.

Chiến công rất hiển hách, và sự hy sinh cũng thật to lớn. Ông Thinh bảo, ngay sau năm 1975, có hơn 300 người lính Binh đoàn Than ra đi năm ấy không bao giờ trở lại; gần 400 người khác là thương binh, bị nhiễm chất độc màu da cam. Nhưng có một điều làm ông rất cảm kích là sau chiến tranh, đa số những người lính Binh đoàn Than đều trở về đất mỏ đúng như lời thề ngày xuất quân năm 1967.

Tiễn tôi ra về, trong ráng chiều của biển trời Hạ Long khoáng đạt, trong ngân nga của tiếng sóng vẫn mặn mòi từ ngàn vạn năm nay, ông Thinh không khỏi bùi ngùi xúc động: “47 năm trước, truyền thống ‘kỷ luật và đồng tâm” đã thôi thúc những người thợ mỏ tình nguyện ra trận; sau chiến tranh, cũng truyền thống “kỷ luật và đồng tâm” ấy đã đưa những cựu chiến binh của Binh đoàn Than về với đất mỏ thân yêu của mình.

Nguyễn Văn