Bình Dương: Công nghiệp - Xây dựng tiếp tục là động lực dẫn dắt tăng trưởng

6 tháng đầu năm 2022, nền kinh tế tỉnh Bình Dương đạt được kết quả tích cực, nhiều chỉ tiêu tăng trưởng khá cao so với cùng kỳ, trong đó công nghiệp – xây dựng tiếp tục là động lực tăng trưởng quan trọng.

khoi-cong-vsip-iii-4

Công nghiệp - xây dựng tăng lên mức 65,29%

Ngay từ đầu năm 2022, Tỉnh ủy, Hội đồng nhân dân, UBND tỉnh đã ban hành các Kế hoạch, văn bản triển khai các Nghị quyết của Chỉnh phủ, của Bộ ngành Trung ương về phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, phòng, chống dịch Covid-19, nhất là Nghị quyết số 01/NQ-CP ngày 08/01/2022, Nghị quyết số 11/NQ-CP ngày 30/01/2022 về Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, Nghị quyết số 38/NQ-CP ngày 17/3/2022 về Chương trình phòng, chống dịch COVID-19.

Tỷ trọng Công nghiệp - xây dựng tăng lên mức 65,29%

Với những nỗ lực của hệ thống chính trị và người dân, doanh nghiệp, tình hình kinh tế - xã hội của tỉnh tiếp tục khởi sắc và đạt nhiều kết quả tích cực, khá toàn diện trên các lĩnh vực.

Tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) 6 tháng đầu năm 2022 ước tính tăng 6,84% so với cùng kỳ (cùng kỳ 6 tháng đầu năm 2021 tăng 5,91%). Trong đó khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng 2,95%; khu vực công nghiệp - xây dựng tăng 7,85%; khu vực dịch vụ tăng 6,06%; Thuế sản phẩm trừ trợ cấp sản phẩm tăng 2,18%.

Cơ cấu kinh tế 6 tháng đầu năm nay của tỉnh duy trì tích cực với khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản chiếm  tỷ trọng 2,31%; khu vực công nghiệp và xây dựng chiếm 65,29%; khu vực dịch vụ chiếm 24,2%; thuế sản phẩm trừ trợ cấp sản phẩm chiếm 8,2%. Cơ cấu tương ứng của cùng kỳ năm 2021 là: 2,8% - 64,49% - 24,3% - 8,41%.

Lĩnh vực công nghiệp và xây dựng tiếp tục là động lực, đóng góp chính vào mức tăng trưởng chung. Chỉ số sản xuất công nghiệp 6 tháng đầu năm 2022 tăng 8,35% so với cùng kỳ.

Trong đó, ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 8,4% so với cùng kỳ; sản xuất và phân phối điện, khí đốt, nước nóng, hơi nước và điều hoà không khí tăng 3,9% so với cùng kỳ; cung cấp nước, hoạt động quản lý và xử lý nước thải, rác thải tăng 11%.

Kết quả điều tra xu hướng kinh doanh của 417 doanh nghiệp ngành công nghiệp chế biến, chế tạo quí II/2022 do Cục Thống kê Bình Dương thực hiện trên địa bàn tỉnh cho thấy, có 38,1% số doanh nghiệp (DN) đánh giá tình hình sản xuất kinh doanh (SXKD) quý II/2022 tốt hơn so với quý trước; 37,9% số DN cho rằng tình hình SXKD ổn định và 24% số DN đánh giá khó khăn.

Đối với dự kiến tình hình quý III/2022 so với quý II/2022, có 84% số DN đánh giá tình hình SXKD ổn định và tốt hơn; trong đó 48,8% số DN đánh giá xu hướng sẽ tốt lên; 35,2% số DN cho rằng tình hình SXKD ổn định; 15,9% dự báo khó khăn hơn.

Thu hút vốn đầu tư khởi sắc

Theo báo cáo của Sở Kế hoạch và Đầu tư, về đầu tư trong nước, tính từ đầu năm đến ngày 15/6/2022, có 3.309 DN đăng ký kinh doanh mới (tăng 3,4% so với cùng kỳ), với tổng vốn đăng ký 21.257 tỷ đồng (giảm 4,1% so với cùng kỳ); có 777 DN điều chỉnh tăng vốn với tổng vốn tăng là 18.533 tỷ đồng; 102 DN đăng ký quay trở lại hoạt động, tăng 17,2% so với cùng kỳ; 976 DN tạm ngừng kinh doanh, tăng 47,9% so cùng kỳ; 205 DN đăng ký giải thể, giảm 34,5% so với cùng kỳ.

Về đầu tư nước ngoài, từ đầu năm đến ngày 15/6/2022, có 124 DN đăng ký kinh doanh, điều chỉnh vốn với tổng số vốn 2.527 triệu USD. Trong đó, số dự án cấp giấy chứng nhận đầu tư mới là 30 dự án (giảm 16,7% so với cùng kỳ) với tổng số vốn đăng ký là vốn 1.787 triệu USD, tăng gấp 4 lần so với cùng kỳ và 12 dự án điều chỉnh tăng vốn với tổng vốn đăng ký là 16,7 triệu USD.

Theo báo cáo của Cục Thuế tỉnh, tính đến ngày 09/6/2022, trên địa bàn tỉnh có 3.271 DN mới đi vào hoạt động, bao gồm 3.248 DN có vốn đầu tư trong nước và 23 DN có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài), với tổng số lao động là 22.651 người. So với cùng kỳ năm 2021, số DN mới đi vào hoạt động tăng 7,9%, số lao động giảm 5%.

Tính chung 6 tháng đầu năm 2022, vốn đầu tư phát triển toàn xã hội trên địa bàn tỉnh ước thực hiện 60.723 tỷ đồng, tăng 9,6% so với cùng kỳ. Trong đó, khu vực vốn ngoài nhà nước đạt 23.159 tỷ đồng, tương ứng tăng 7,4%, chiếm 38,1% tổng số vốn; khu vực có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài đạt 33.381 tỷ đồng, tăng 14,6%, chiếm 55%.

Thời gian qua, Tỉnh đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo thường xuyên, quyết liệt sâu sát đề ra các giải pháp nhằm nâng cao trách nhiệm, vai trò của thủ trưởng các cơ quan, đơn vị, chủ đầu tư; thành lập các Tổ công tác theo dõi, chỉ đạo triển khai thực hiện một số dự án trọng điểm; tổ chức họp giao ban định kỳ với các đơn vị chủ đầu tư để kịp thời giải quyết các khó khăn, vướng mắc trong việc thực hiện, giải ngân vốn đầu tư công năm 2022.

Xuất khẩu hàng hóa 6 tháng tăng khá

Cùng với sự khởi sắc mạnh mẽ của sản xuất, hoạt động xuất khẩu hàng hóa 6 tháng đầu năm 2022 của Tỉnh phục hồi khá, trị giá xuất khẩu hàng hoá ước đạt 18.968 triệu USD, tăng 8,8% so với cùng kỳ.

Trong đó, khu vực kinh tế trong nước 3.529,8 triệu USD, tăng 6,9%; khu vực kinh tế có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài 15.438 triệu USD, tăng 9,2%. Thị trường Mỹ chiếm tỷ lệ cao nhất với kim ngạch xuất khẩu đạt 6.478 triệu USD, chiếm 34,2% tổng số và tăng 12,8% so với cùng kỳ; Thị trường EU đạt 2.212 triệu USD, tương ứng chiếm 11,7% và tăng 10,2%...

Ở chiều ngược lại, trị giá nhập khẩu hàng hóa 6 tháng đầu năm 2022 ước đạt 12.792 triệu USD, giảm 5,8% so với cùng kỳ. Trong đó, khu vực kinh tế trong nước đạt 1.833 triệu USD giảm 5%; khu vực kinh tế có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài ước đạt 10.959 triệu USD, giảm 5,9%. Hàng hoá nhập khẩu chủ yếu là máy móc, nguyên nhiên vật liệu phục vụ cho sản xuất.

san_xuat_cn

Xuất khẩu ước đạt 18.968 triệu USD, tăng 8,8% so với cùng kỳ.

Một số thị trường nhập khẩu chính như: Trung Quốc đạt 5.872 triệu USD, chiếm 45,9% tổng số, giảm 3,29% so với cùng kỳ; Nhật Bản đạt 1.348 triệu USD, tương ứng chiếm 10,5% và giảm 5,9%; Đài Loan đạt 1.239 triệu USD, chiếm 9,7% và giảm 5,2%; Hàn Quốc đạt 1.068 triệu USD, chiếm 8,4% và giảm 2,4%; thị trường EU đạt 711 triệu USD, chiếm 5,6% và giảm 4,9%; Thái Lan đạt 523 triệu USD, chiếm 4,1% và giảm 6,1%.

Cũng trong 6 tháng đầu năm, tổng thu ngân sách trên địa bàn Tỉnh ước 34.800 tỷ đồng, đạt 58% dự toán HĐND tỉnh và Thủ tướng Chính phủ giao. Trong đó, thu nội địa 23.900 tỷ đồng, đạt 57% dự toán; thu thuế xuất nhập khẩu 10.900 tỷ đồng, đạt 61% dự toán, tăng 4% so với cùng kỳ.

Thị trường hàng hóa được duy trì ổn định, cung ứng đảm bảo đáp ứng nhu cầu của người dân, đặc biệt là các mặt hàng thiết yếu phục vụ Tết, phòng, chống dịch; chỉ số giá tiêu dùng 6 tháng được kiểm soát ở mức tăng 2,5% so với cùng kỳ năm trước.

Các công tác đảm bảo an sinh xã hội, lao động, việc làm, hoạt động giáo dục – đào tạo, y tế... tiếp tục được các cấp từ Tỉnh đến cơ sở chú trọng triển khai theo kế hoạch.

Triển khai kịp thời, đầy đủ các gói hỗ trợ doanh nghiệp

Tại Kỳ họp thứ 6 - HĐND t​​ỉnh Bình Dương khoá X diễn ra ngày 14-15/7 mới đây, Chủ tịch UBND tỉnh Võ Văn Minh đã nhấn mạnh 10 nhiệm vụ trọng tâm từ nay đến cuối năm để Bình Dương đạt và vượt các mục tiêu đề ra của năm 2022.

Trong đó nhấn mạnh thường xuyên rà soát, nắm bắt tình hình, chủ động tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp; triển khai kịp thời, đầy đủ các gói hỗ trợ cho doanh nghiệp, người lao động để tác động mạnh mẽ hơn nữa quá trình phục hồi SXKD sau đại dịch; triển khai nhanh, hiệu quả chính sách hỗ trợ lãi suất.

Phát triển mô hình liên kết các thành phần kinh tế từ sản xuất đến tiêu thụ; quan tâm xúc tiến, giới thiệu, liên kết tiêu thụ sản phẩm ngành Nông nghiệp và xây dựng n​ông thôn mới.

Tăng cường công tác quản lý nhà nước về thu, chi ngân sách, khai thác tốt các nguồn thu, nhất là tăng thu từ nguồn lực đất đai để bổ sung đủ nhu cầu vốn đầu tư các dự án trọng điểm; chi ngân sách tiết kiệm, hiệu quả, không tăng chi thường xuyên ngoài dự toán, phấn đấu giải ngân 100% kế hoạch.

Theo dõi chặt chẽ thị trường, giá cả hàng hóa, bảo đảm cân đối cung - cầu các mặt hàng thiết yếu phục vụ sản xuất của hộ gia đình, doanh nghiệp, tiêu dùng của người dân; chủ động nghiên cứu, đề xuất, có giải pháp hỗ trợ kịp thời doanh nghiệp, người dân, nhất là người nghèo, thu nhập thấp trước áp lực về giá, chi phí sản xuất, sinh hoạt tăng cao.

Đối với công tác quy hoạch tỉnh, thường xuyên rà soát, cập nhật quy hoạch phát triển các khu đô thị để tạo không gian phát triển mới và tạo nguồn thu phục vụ cho đầu tư hạ tầng.

Triển khai thực hiện các dự án có tác động liên vùng như: Vành đai 3, 4, đường cao tốc Thành phố Hồ Chí Minh - Thủ Dầu Một - Chơn Thành qua địa bàn tỉnh. Phối hợp các địa phương thực hiện các dự án cầu Bạch Đằng 2 nối tỉnh Đồng Nai - Bình Dương; nâng tĩnh không cầu Bình Triệu 1 trên sông Sài Gòn và các dự án giao thông quan trọng nội tỉnh như: Nâng cấp, mở rộng Quốc lộ 13, Mỹ Phước - Tân Vạn, nút giao thông Phước Kiến, cầu vượt Sóng Thần, kết nối với đường Phạm Văn Đồng, TP. Hồ Chí Minh.

Tỉnh cũng tiếp tục hoàn thiện công tác xây dựng thể chế trên các ngành, lĩnh vực tác động trực tiếp đến đời sống của người dân, hoạt động của doanh nghiệp; trước mắt là rà soát bổ sung, sửa đổi, xây dựng một số chính sách, biện pháp có tính chất đặc thù như quy trình, thủ tục bồi thường, hỗ trợ và tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất; đơn giá bồi thường, hỗ trợ tài sản khi Nhà nước thu hồi đất; thu hút nguồn lao động, phát triển công nghiệp, đô thị, tiêu chí thu hút đầu tư, xúc tiến đầu tư trong nước trên địa bàn tỉnh, chính sách an sinh xã hội.

Minh Huế