Bình luận về một số tình tiết tăng nặng định khung mới trong tội cướp tài sản quy định tại Điều 168 Bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017)

NCS.ThS. ĐOÀN TRỌNG CHỈNH (Giảng viên Khoa Luật - Trường Đại học Công nghệ TP. Hồ Chí Minh (Hutech)

TÓM TẮT:

Bộ luật Hình sự (BLHS) năm 2015 (sửa đổi, bổ sung (SĐ, BS) năm 2017) được ban hành đã đưa ra nhiều nội dung mới, trong đó có quy định về Tội cướp tài sản. Bốn tình tiết tăng nặng định khung đối với tội danh này đã được quy định mới, bao gồm: phạm tội đối với người dưới 16 tuổi, phụ nữ mà biết là có thai, người già yếu hoặc người không có khả năng tự vệ; Gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội; Lợi dụng thiên tai, dịch bệnh; Lợi dụng hoàn cảnh chiến tranh, tình trạng khẩn cấp. BLHS đã có hiệu lực thi hành nhưng cho đến nay, các tình tiết mới này vẫn chưa được cơ quan có thẩm quyền giải thích, hướng dẫn để tạo hành lang pháp lý rõ ràng, thống nhất cho việc áp dụng quy định. Trong phạm vi bài viết này, trên cơ sở tham khảo những quy định của các văn bản pháp luật có liên quan, tác giả phân tích, đưa ra quan điểm về cách hiểu đối với các tình tiết tăng nặng định khung mới được quy định trong Tội cướp tài sản quy định tại Điều 168 BLHS hiện hành.

Từ khóa: Cướp tài sản, định khung, tội danh, tình tiết tăng nặng, Điều 168 Bộ luật Hình sự năm 2015.

1. Đặt vấn đề

Cướp tài sản là tội danh được quy định khá sớm trong pháp luật hình sự Việt Nam. Qua các giai đoạn lịch sử, quy định về tội danh này từng bước được hoàn thiện phù hợp với tình hình kinh tế - xã hội của đất nước. Khi BLHS năm 2015 (SĐ, BS năm 2017) ra đời, quy định về tội cướp tài sản một lần nữa lại được hoàn thiện. Điểm nổi bật trong quy định của tội cướp tài sản trong BLHS năm 2015 (SĐ, BS năm 2017) là việc các nhà làm luật đã quy định mới một số tình tiết định khung tăng nặng làm căn cứ xử lý một cách toàn diện đối với hành vi phạm tội cướp tài sản. Cụ thể, có 4 tình tiết định khung tăng nặng mới được quy định. Song cho đến nay, vẫn chưa có hướng dẫn cụ thể về các tình tiết mới này để làm căn cứ cho việc áp dụng quy định một cách rõ ràng, thống nhất.

2. Một số vướng mắc trong việc áp dụng tình tiết định khung tăng nặng mới theo quy định tại Điều 168 BLHS hiện hành

Thứ nhất, tình tiết quy định tại Điểm e Khoản 2 Điều 168 BLHS năm 2015 (SĐ, BS năm 2017): phạm tội đối với người dưới 16 tuổi, phụ nữ mà biết là có thai, người già yếu hoặc người không có khả năng tự vệ. Đây là tình tiết định khung tăng nặng trách nhiệm hình sự mới đối với tội cướp tài sản để đáp ứng yêu cầu của việc đấu tranh phòng, chống tội phạm này trong tình hình hiện nay, được áp dụng đối với hành vi cướp tài sản được thực hiện từ ngày 1/1/2018. Tình tiết này là tổng hợp của 4 dấu hiệu định khung có tính chất nguy hiểm tương đương nhau được quy định chung trong cùng một điểm của điều luật, đó là: phạm tội đối với người dưới 16 tuổi, phạm tội với phụ nữ mà biết là có thai, phạm tội với người già yếu và phạm tội với người không có khả năng tự vệ.

Phạm tội đối với người dưới 16 tuổi. BLHS hiện hành đã cụ thể hóa quy định về giới hạn độ tuổi, trong đó thay thế thuật ngữ “trẻ em” trước đây bằng thuật ngữ xác định rõ độ tuổi là “người dưới 16 tuổi”. Quy định này tạo sự rõ ràng, thống nhất trong việc áp dụng quy định của BLHS. Xuất phát từ quan điểm bảo vệ trẻ em là bảo vệ tương lai của đất nước, bảo vệ những người khó có khả năng tự vệ trước những hành vi xâm hại của tội phạm làm tổn hại lớn cho sự phát triển bình thường về thể chất, tinh thần cho đối tượng đặc biệt này. Việc xác định độ tuổi của người dưới 16 tuổi thực hiện theo quy định tại Điều 417 Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015. Phạm tội đối với người dưới 16 tuổi là tình tiết khách quan nên chỉ cần xác định bị hại là người dưới 16 tuổi thì người phạm tội đã bị áp dụng tình tiết tăng nặng này mà không cần người phạm tội phải nhận thức được đối tượng mình thực hiện hành vi cướp là người dưới 16 tuổi.

Phạm tội đối với phụ nữ mà biết là có thai. Phụ nữ có thai cũng là đối tượng cần được bảo vệ đặc biệt. Tuy nhiên, đây là tình tiết thuộc ý thức chủ quan của người phạm tội “mà biết”, tức là phải xác định người phạm tội biết bị hại là người đang có thai mà vẫn thực hiện hành vi cướp đối với người đó mới áp dụng tình tiết tăng nặng này. Việc biết của người phạm tội có thể do bị cáo và mọi người đều nhìn thấy được (thai đã lớn) hoặc biết được, nghe được từ các nguồn thông tin khác nhau về việc người phụ nữ đó đang mang thai. Trong trường hợp thực tế khó nhận biết được người phụ nữ đó đang mang thai hay không hoặc giữa lời khai của bị cáo và người bị hại về việc này có mâu thuẫn với nhau, để xác định người phụ nữ đó có thai hay không phải căn cứ vào kết luận của cơ quan chuyên môn y tế hoặc kết luận giám định.

Phạm tội đối với người già yếu. Người phạm tội đã xâm phạm đến những người mà lẽ ra phải được tôn trọng, những người mà khả năng chống cự, bảo vệ bị hạn chế. Đây không phải là tình tiết thuộc ý thức chủ quan của người phạm tội nên không đòi hỏi người phạm tội phải biết người mà mình xâm phạm là người già yếu, chỉ cần xác định người bị xâm phạm là người già yếu thì người phạm tội sẽ phải chịu trách nhiệm hình sự theo tình tiết định khung tăng nặng này. Tuy nhiên, quy định về người già yếu mới được quy định lần đầu tiên trong BLHS mà hiện nay chưa có hướng dẫn cụ thể. Theo hướng dẫn của Tòa án nhân dân tối cao, “người già được xác định là người từ 70 tuổi trở lên”[1]; “Người quá già yếu là người từ 70 tuổi trở lên hoặc người từ 60 tuổi trở lên nhưng thường xuyên đau ốm”[2]. Vì vậy, khi xem xét quyết định áp dụng tình tiết phạm tội đối với người già yếu, Tòa án phải căn cứ vào mỗi trường hợp cụ thể để đánh giá tình trạng sức khỏe và độ tuổi của người bị hại tại thời điểm bị tội phạm xâm hại để quyết định áp dụng hay không. Tác giả đồng tình với quan điểm cho rằng, “người già yếu phải là người từ đủ 70 tuổi trở lên và đang ở trong tình trạng ốm đau hoặc không trong tình trạng ốm đau nhưng là người yếu”[3].

Phạm tội đối với người không có khả năng tự vệ. Đây cũng là tình tiết thuộc dấu hiệu khách quan nên không yêu cầu người phạm tội biết bị hại có phải là người không có khả năng tự vệ hay không. Quy định này cũng chưa có văn bản hướng dẫn có giá trị pháp lý của cơ quan có thẩm quyền. Người không có khả năng tự vệ có thể được hiểu là “người đang trong thể trạng yếu đuối, bất lực về thể chất hoặc tinh thần, người bị bệnh tật, người đang ngủ say, người đang ở trong tình trạng không thể chống đỡ hoặc không thể tự bảo vệ mình được”[4].

Thứ hai, tình tiết quy định tại điểm g Khoản 2 Điều 168 BLHS năm 2015 (SĐ, BS năm 2017): Gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội. Đây cũng là tình tiết tăng nặng định khung mới xuất phát từ yêu cầu của việc đấu tranh phòng chống tội phạm. Tuy nhiên, thế nào là gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội cho đến hiện tại chưa có văn bản hướng dẫn nên việc xác định tình tiết phạm tội này đang gặp khó khăn trên thực tế. Có thể hiểu, “gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội là gây ra những tác động xấu đến tình hình an ninh, tác động tiêu cực đến trật tự, an toàn xã hội”[5]. Khi áp dụng tình tiết này, các cơ quan tiến hành tố tụng phải căn cứ vào từng trường hợp cụ thể để đánh giá mức độ ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội. Bên cạnh đó, mức độ ảnh hưởng xấu cũng không có sự phân biệt, vì vậy, dù mức độ ảnh hưởng đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội như thế nào cũng chỉ áp dụng tình tiết này.

Thứ ba, tình tiết quy định tại Điểm c Khoản 3 Điều 168 BLHS năm 2015 (SĐ, BS năm 2017): Lợi dụng thiên tai, dịch bệnh. Đây cũng là tình tiết định khung tăng nặng mới của tội cướp tài sản được quy định trong BLHS hiện hành. Tình tiết này được áp dụng đối với người đã lợi dụng hoàn cảnh đặc biệt để phạm tội. Cụ thể là người phạm tội đã lợi dụng những khó khăn do thiên tai, dịch bệnh gây ra để thực hiện hành vi phạm tội cướp tài sản. Trong đó, “thiên tai là hiện tượng tự nhiên bất thường có thể gây thiệt hại về người, tài sản, môi trường, điều kiện sống và các hoạt động kinh tế - xã hội, bao gồm: bão, áp thấp nhiệt đới, lốc, sét, mưa lớn, lũ, lũ quét, ngập lụt, sạt lở đất do mưa lũ hoặc dòng chảy, …”[6]. Người phạm tội đã lợi dụng hoàn cảnh thiên tai để phạm tội. Có thể coi là lợi dụng thiên tai để cướp tài sản trong trường hợp người dân ở vùng thiên tai đã được sơ tán đến nơi an toàn, nhưng người phạm tội lợi dụng để cướp tài sản trong những ngày sơ tán hoặc sau khi hết thiên tai họ trở về nơi ở cũ.

Dịch bệnh là “sự lây lan nhanh chóng của một bệnh truyền nhiễm với số lượng lớn những người bị nhiễm trong một cộng đồng hoặc một khu vực trong một thời gian ngắn”[7]. Đó có thể là một bệnh truyền nhiễm tràn lan làm cho nhiều người, gia súc mắc phải như dịch tả, cúm, sốt xuất huyết,…. Khi xác định hành vi lợi dụng dịch bệnh để cướp tài sản, cần căn cứ vào các quyết định của cơ quan chuyên môn y tế công bố dịch bệnh ở địa phương hay một vùng lãnh thổ. Mức độ nguy hiểm của hành vi phạm tội trong trường hợp này phụ thuộc vào phạm vi, mức độ của thiên tai, dịch bệnh hoặc tính chất, mức độ của những khó khăn khác của xã hội do thiên tai, dịch bệnh gây ra, cũng như ý thức lợi dụng của người phạm tội.

Thứ tư, tình tiết quy định tại Điểm d Khoản 4 Điều 168 BLHS năm 2015 (SĐ, BS năm 2017): Lợi dụng hoàn cảnh chiến tranh, tình trạng khẩn cấp. Đây cũng là tình tiết định khung tăng nặng mới của tội cướp tài sản. Tình trạng chiến tranh là trạng thái xã hội đặc biệt của đất nước được tuyên bố từ khi Tổ quốc bị xâm lược cho đến khi hành vi xâm lược đó được chấm dứt trên thực tế. Người phạm tội đã lợi dụng hoàn cảnh có chiến tranh để cướp tài sản, hành vi đó có thể được thuận lợi hơn, khó bị phát hiện hoặc có thể đạt mục đích lớn hơn. Không nhất thiết lúc phạm tội hoặc nơi phạm tội phải đang có chiến sự mà chỉ cần người phạm tội lợi dụng hoàn cảnh chiến tranh để thực hiện hành vi cướp tài sản dù ở đâu, lúc nào vẫn bị áp dụng tình tiết tăng nặng này.

“Tình trạng khẩn cấp về quốc phòng là trạng thái xã hội của đất nước khi có nguy cơ trực tiếp bị xâm lược hoặc đã xảy ra hành vi xâm lược hoặc bạo loạn có vũ trang nhưng chưa đến mức tuyên bố tình trạng chiến tranh”[8]. Tuy nhiên, đó là tình trạng khẩn cấp về quốc phòng, còn tình trạng khẩn cấp nói chung là gì thì chưa có văn bản nào giải thích. Theo cách hiểu thông thường, tình trạng khẩn cấp là tình trạng cấp bách của xã hội và của cá nhân mỗi người, khi ở trong tình trạng đó, mọi người đều tập trung vào việc giải quyết để nhanh chóng thoát ra khỏi tình trạng đó. Tình trạng khẩn cấp này không phải do thiên tai, địch họa hoặc dịch bệnh gây ra, mà do chính con người, hoàn cảnh xã hội gây nên như tai nạn, hỏa hoạn,… Tình trạng này chỉ xảy ra trong thời gian nhất định, không kéo dài. Vì vậy, khi xác định người phạm tội lợi dụng tình trạng khẩn cấp để phạm tội hay không, phải xem họ thực hiện hành vi phạm tội trong hoàn cảnh nào và hoàn cảnh đó có thật sự là tình trạng khẩn cấp hay không; đồng thời, phải xác định người phạm tội có lợi dụng tình trạng khẩn cấp đó để thực hiện hành vi phạm tội hay không. Như vậy, lợi dụng hoàn cảnh chiến tranh, tình trạng khẩn cấp để phạm tội cướp tài sản là trường hợp người phạm tội dựa vào các hoàn cảnh nêu trên để thực hiện hành vi cướp tài sản. Mức độ nguy hiểm của hành vi phạm tội cướp tài sản trong trường hợp này phụ thuộc tính chất của hoàn cảnh chiến tranh, tính chất và mức độ của tình trạng khẩn cấp và mức độ lợi dụng nhiều hay ít vào hoàn cảnh đặc biệt này.

4. Kết luận

Đây là cách hiểu của tác giả về 4 tình tiết tăng nặng định khung mới, quy định tại Điều 168 BLHS năm 2015 (SĐ, BS năm 2017). Trước tình hình BLHS hiện hành đã và đang được thi hành, tội cướp tài sản diễn ra tương đối phổ biến ở nước ta, nhu cầu có văn bản hướng dẫn cụ thể của cơ quan có thẩm quyền về tội danh này nói chung và các tình tiết tăng nặng định khung nói riêng để làm căn cứ rõ ràng, thống nhất cho việc áp dụng pháp luật là rất cấp thiết.

TÀI LIỆU TRÍCH DẪN:

1 Tòa án Nhân dân tối cao (2006), Nghị quyết số 1/2006/NQ-HĐTP ngày 12/5/2006 hướng dẫn áp dụng một số quy định của Bộ luật Hình sự, Hà Nội, tiểu mục 2.4.

2 Tòa án Nhân dân tối cao (2007), Nghị quyết số 1/2007/NQ-HĐTP ngày 2/10/2007 hướng dẫn áp dụng một số quy định của Bộ luật Hình sự về thời hiệu thi hành bản án, miễn chấp hành hình phạt, giảm thời hạn chấp hành hình phạt, Hà Nội, Điểm a mục 4.

3 Nguyễn Mai Bộ (2018), Các tội xâm phạm sở hữu, Tạp chí Tòa án Nhân dân số 9 kỳ I tháng 5/2018, tr 21.

4 Nguyễn Mai Bộ (2018), Các tội xâm phạm sở hữu, Tạp chí Tòa án Nhân dân số 9 kỳ I tháng 5/2018, tr 21.

5 Nguyễn Mai Bộ (2018), Các tội xâm phạm sở hữu, Tạp chí Tòa án Nhân dân số 9 kỳ I tháng 5/2018, tr 21.

6 Đinh Văn Quế (2019), Bình luận khoa học Bộ luật Hình sự năm 2015 - Phần thứ hai - các tội phạm - Chương XVI các tội xâm phạm sở hữu, chương XVII các tội xâm phạm chế độ hôn nhân và gia đình, Nxb Thông tin và Truyền thông, Hà Nội, tr 64.

7 Đinh Văn Quế (2019), Bình luận khoa học Bộ luật Hình sự năm 2015 - Phần thứ hai - các tội phạm - Chương XVI các tội xâm phạm sở hữu, chương XVII các tội xâm phạm chế độ hôn nhân và gia đình, Nxb Thông tin và Truyền thông, Hà Nội, tr 65.

8 Khoản 10 Điều 2 Luật Quốc phòng năm 2018.

TÀI LIỆU THAM KHẢO:

  1. Bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017).
  2. Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015.
  3. Luật Quốc phòng năm 2018.
  4. Tòa án Nhân dân tối cao (2006), Nghị quyết số 1/2006/NQ-HĐTP ngày 12/5/2006 hướng dẫn áp dụng một số quy định của Bộ luật Hình sự.
  5. Tòa án Nhân dân tối cao (2007), Nghị quyết số 1/2007/NQ-HĐTP ngày 2/10/2007 hướng dẫn áp dụng một số quy định của Bộ luật Hình sự về thời hiệu thi hành bản án, miễn chấp hành hình phạt, giảm thời hạn chấp hành hình phạt.
  6. Nguyễn Mai Bộ (2018), Các tội xâm phạm sở hữu, Tạp chí Tòa án nhân dân số 9 kỳ I tháng 5/2018.
  7. Đinh Văn Quế (2019), Bình luận khoa học Bộ luật Hình sự năm 2015 - Phần thứ hai - các tội phạm - Chương XVI các tội xâm phạm sở hữu, chương XVII các tội xâm phạm chế độ hôn nhân và gia đình, NXB Thông tin và Truyền thông, Hà Nội.

DISCUSSING AGGRAVATING CIRCUMSTANCES IN CRIME OF PROPERTY ROBBERY UNDER PROVISIONS OF ARTICLE 168 OF THE CURRENT CRIMINAL CODE 2015 (AMENDED AND SUPPLEMENTED IN 2017)

Ph.D’s student, Master. DOAN TRONG CHINH

Lecturer, Faculty of Law, Ho Chi Minh City University of Technology

ABSTRACT:

The Criminal Code 2015 (amended and supplemented in 2017) was introduced with many new contents, including provisions on crime of property robbery. Four aggravating circumstances for this crime have been newly prescribed including Crimes against persons under 16 years of age, pregnant woman, elderly or defenseless persons; Adversely affecting security, social order and safety; Taking advantage of natural disasters and epidemics; Taking advantage of war conditions, emergency situations. The Criminal Code 2015 (amended and supplemented in 2017) has come into effect but until now, the code’s new details have not been explained and guided by state agencies to create a clear and consistent legal corridor for the implementation of regulations. Based on relevant legal documents, this article gives a view on how to understand the newly aggravating circumstances in crime of property robbery under provisions of Article 168 of the current Criminal Code 2015.

Keywords: Property robbery, framing, crimes, aggravating circumstances, Article 168 of the Criminal Code 2015.