Bình quân CPI 6 tháng tăng thấp nhất trong vòng 5 năm qua

Bình quân 6 tháng đầu năm 2021, CPI tăng 1,47% so với cùng kỳ năm trước, mức tăng thấp nhất kể từ năm 2016.

Theo số liệu của Tổng Cục thống kê, giá nguyên nhiên vật liệu đầu vào tăng theo giá thế giới, giá điện, nước sinh hoạt tăng theo nhu cầu tiêu dùng là những nguyên nhân chính làm chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 6/2021 tăng 0,19% so với tháng trước, tăng 1,62% so với tháng 12/2020 và tăng 2,41% so với tháng 6/2020. Bình quân 6 tháng đầu năm 2021, CPI tăng 1,47% so với cùng kỳ năm trước, mức tăng thấp nhất kể từ năm 2016; lạm phát cơ bản 6 tháng tăng 0,87%.

Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 6/2021 tăng 0,19% so với tháng trước, tăng 1,62% so với tháng 12/2020 và tăng 2,41% so với cùng kỳ năm 2020. CPI bình quân quý II tăng 0,45% so với quý trước và tăng 2,67% so với cùng kỳ năm 2020. CPI bình quân 6 tháng đầu năm 2021 tăng 1,47% so với bình quân cùng kỳ năm 2020.

Lạm phát cơ bản tháng 6/2021 tăng 0,07% so với tháng trước và tăng 1,14% so với cùng kỳ năm trước. Lạm phát cơ bản bình quân 6 tháng đầu năm 2021 tăng 0,87% so với bình quân cùng kỳ năm 2020.

Chỉ số giá vàng tháng 6/2021 tăng 1,12% so với tháng trước; tăng 0,23% so với tháng 12/2020 và tăng 12,37% so với cùng kỳ năm 2020. Chỉ số giá đô la Mỹ tháng 6/2021 giảm 0,3% so với tháng trước; giảm 0,32% so với tháng 12/2020 và giảm 0,87% so với cùng kỳ năm 2020.

Cũng theo báo cáo tỉnh hình kinh tế 6 tháng đầu năm của Tổng cục Thống kê, mặc dù chịu ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 nhưng tính chung 6 tháng đầu năm 2021, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tăng 4,9% so với cùng kỳ năm trước (cùng kỳ năm 2020 giảm 1,1%). Doanh thu bán lẻ hàng hóa 6 tháng ước tính đạt 1.985,4 nghìn tỷ đồng, chiếm 80,6% tổng mức và tăng 6,2% so với cùng kỳ năm trước (cùng kỳ năm 2020 tăng 3,6%).

Mặc dù doanh thu Tháng 6 giảm nhẹ nhưng doanh thu bán lẻ hàng hóa trong 6 tháng đầu năm của các địa phương vẫn tăng so với cùng kỳ năm trước: Hà Nội tăng 2,1%; Hải Phòng tăng 5,9%; Đà Nẵng tăng 7,4%; Thành phố Hồ Chí Minh tăng 1,7%; Cần Thơ tăng 6,9%. Nguyên nhân chủ yếu do tháng 4 năm 2020 thực hiện giãn cách xã hội trên phạm vi cả nước nên người dân cũng hạn chế ra ngoài mua sắm (doanh thu Tháng 4/2020 đạt khá thấp 87,29%). Ngoài ra, doanh thu một số nhóm ngành hàng tăng cao như lương thực, thực phẩm chiếm 33% tổng doanh thu bán lẻ hàng hóa, tăng 7,8%, do đây là nhóm hàng hóa thiết yếu đảm bảo cuộc sống sinh hoạt hàng ngày của người dân.

Theo Tổng cục thống kê, bước sang quý III, kinh tế – xã hội nước ta còn phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức, nhất là nền kinh tế Việt Nam có độ mở lớn nên chịu tác động đan xen nhiều mặt bởi tình hình kinh tế quốc tế ngày càng phức tạp, khó lường. Mặc dù tiêm chủng vắc-xin Covid-19 được nhiều nước trên thế giới triển khai mạnh mẽ nhưng sự khác biệt giữa tỷ lệ tiêm chủng của các quốc gia và khu vực dẫn đến nguy cơ phục hồi không đồng đều và mong manh của kinh tế thế giới, làm gián đoạn chuỗi cung ứng toàn cầu, ảnh hưởng tới các ngành thương mại, du lịch, vận tải, tỷ lệ thất nghiệp và thiếu việc làm gia tăng sẽ ảnh hưởng đến an sinh xã hội. Do đó, kinh tế Việt Nam 6 tháng cuối năm 2021 tiếp tục đối mặt với nhiều khó khăn, việc thực hiện hiệu quả “mục tiêu kép” là thách thức lớn, cần sự chung sức, đồng lòng của Chính phủ, doanh nghiệp và người dân, nỗ lực phấn đấu cao nhất thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế – xã hội năm 2021.

Đăng Huy