Bình Thuận: Kinh phí khuyến công quốc gia giúp tăng năng suất và chất lượng sản phẩm

Năm 2022, từ nguồn kinh phí khuyến công quốc gia, tỉnh Bình Thuận được Bộ Công Thương phê duyệt đề án: “Hỗ trợ ứng dụng máy móc thiết bị tiên tiến trong chế biến thực phẩm” với tổng kinh phí 1,2 tỷ đồng. Đây là đề án khuyến công góp phần giúp cho các doanh nghiệp đầu tư, thay thế các máy móc, thiết bị đã cũ, nâng cao năng lực sản xuất, chất lượng sản phẩm.

Bình Thuận là tỉnh duyên hải Nam Trung bộ, với chiều dài bờ biển trên 192 km, vùng biển rộng 52.000 km2, tiếp giáp và liên thông với các ngư trường lớn, có nguồn lợi thủy sản đa dạng về chủng loại và trữ lượng, với nhiều loài hải đặc sản nổi tiếng có giá trị kinh tế cao. Đặc biệt, do chất lượng nguồn nước tốt, nền nhiệt cao, ổn định, Bình Thuận có tiềm năng rất lớn để phát triển kinh tế thủy sản.

Thời gian qua, chế biến thủy sản đã từng bước phát triển và trở thành mặt hàng xuất khẩu chủ lực hàng năm, có đóng góp đáng kể vào kim ngạch xuất khẩu hàng hóa của tỉnh. Toàn tỉnh hiện có 231 cơ sở thủy sản; trong đó có 28 doanh nghiệp được xuất khẩu trực tiếp, ủy thác xuất khẩu sản phẩm. Kim ngạch xuất khẩu thủy sản duy trì tăng trưởng qua các năm.

 Tuy nhiên, cùng với thời gian, những dây chuyền sản xuất, chế biến thực phẩm, thủy sản của Bình Thuận đã lạc hậu, việc thay thế bằng những máy móc, thiết bị tiên tiến hơn, giúp doanh nghiệp nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, đáp ứng nhu cầu của thị trường.

Nắm bắt được nhu cầu thực thế, Trung tâm Khuyến công Bình Thuận đã lên kế hoạch, đề xuất nguồn kinh phí khuyến công quốc gia hỗ trợ cho 4 doanh nghiệp  gồm: Công ty CP Chế biến & Xuất khẩu nước mắm Phan Thiết - Mũi Né, Công ty TNHH Muối và Thương mại Gia Thịnh, Công ty TNHH Thương mại Chế biến hải sản Đầm Sen và Công ty TNHH Nước ép Phúc Hà.

Đây là những doanh nghiệp sản xuất, chế biến sản phẩm lợi thế của tỉnh; các sản phẩm của doanh nghiệp hầu hết đạt chứng nhận sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu cấp tỉnh, khu vực, trong đó có sản phẩm đạt cấp quốc gia và đoạt giải OCOP.

Quá trình thực hiện đề án, Trung tâm Khuyến công Bình Thuận chủ trì, quản lý kinh phí để triển khai thực hiện đề án, ký kết hợp đồng thực hiện công việc với các đơn vị phối hợp, thụ hưởng và kiểm tra giám sát quá trình thực hiện đề án, báo cáo đánh giá kết quả thực hiện và tổ chức nghiệm thu thanh quyết toán kinh phí đề án. Phòng Kinh tế thành phố Phan Thiết, Phòng Kinh tế và Hạ tầng huyện Hàm Thuận Nam, Phòng Kinh tế và Hạ tầng huyện Bắc Bình cùng phối hợp với Trung tâm Khuyến công Bình Thuận kiểm tra giám sát thực hiện.

Đề án hỗ trợ kinh phí đầu tư nồi hơi dạng đứng để cô đặc đạm nước mắm của Công ty CP Chế biến và Xuất khẩu nước mắm Phan Thiết - Mũi Né sẽ giúp tăng năng suất và chất lượng sản phẩm, giảm thời gian chế biến nước mắm cao đạm. Góp phần đa dạng hóa sản phẩm nước mắm, phục vụ tốt hơn cho nhu cầu sử dụng của người tiêu dùng, tăng giá trị sản xuất công nghiệp của địa phương.

 Công ty TNHH Muối và Thương mại Gia Thịnh được hỗ trợ kinh phí đầu tư máy sấy băng tải đã giúp tăng năng suất và chất lượng sản phẩm, góp phần đưa sản phẩm phục vụ tốt hơn cho nhu cầu sử dụng của người tiêu dùng trong nước. Qua đó, Công ty đã tăng được doanh thu, lợi nhuận, tạo thu nhập ổn định cho người lao động, góp phần phát triển sản xuất công nghiệp nông thôn, làm tăng giá trị sản xuất công nghiệp của địa phương.

 Việc hỗ trợ kinh phí đầu tư máy dò kim loại tự động trong dây chuyền chế biến hải sản của Công ty TNHH Thương mại Chế biến hải sản Đầm Sen đã giúp Công ty nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm đảm bảo đủ tiêu chuẩn xuất khẩu sang các thị trường khó tính như: Hàn Quốc, Nhật Bản… Đồng thời giúp cơ sở phát triển bền vững, tạo việc làm và thu nhập cho lao động của địa phương trong lĩnh vực công nghiệp; Góp phần phát triển sản xuất công nghiệp nông thôn, tăng giá trị sản xuất công nghiệp của địa phương.

Đề án hỗ trợ kinh phí đầu tư Dây chuyền rửa quả thanh long của Công ty TNHH Nước ép Phúc Hà đã giúp Công ty giải phóng sức lao động, đảm bảo an toàn hơn cho công nhân trong lúc vận hành máy móc, công suất sản xuất lớn hơn, góp phần phát triển nông thôn theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa.

Theo ông Đặng Trung Thái, Phó Giám đốc Trung tâm Khuyến công Bình Thuận, việc triển khai thực hiện đề án có nhiều thuận lợi, từ sự quan tâm, xem xét bố trí kinh phí của Bộ Công Thương, Cục Công Thương địa phương, sự hỗ trợ về nghiệp vụ của các phòng chuyên môn của Cục Công Thương địa phương, công tác phối hợp hỗ trợ trong việc triển khai thực hiện đề án của các phòng Kinh tế - Hạ tầng các huyện, thành phố và doanh nghiệp thụ hưởng.

Hoạt động hỗ trợ của công tác khuyến công sẽ tạo điều kiện khuyến khích các cơ sở công nghiệp mạnh dạn đầu tư, ứng dụng máy móc, thiết bị tiên tiến vào sản xuất, nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm, góp phần phát triển công nghiệp của tỉnh ổn định và bền vững.

Thăng Long